[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dù khủng long được nhiều người tin rằng từng thống trị thế giới trong phần lớn Đại Trung sinh, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không thể bị ăn. Trong danh sách những kẻ ăn thịt khủng long, có thể có sự góp mặt của một con cóc đáng sợ: Beelzebufo.

KHỦNG LONG KHÔNG HỀ “BẤT KHẢ XÂM PHẠM”

Không phải ngẫu nhiên mà Đại Trung sinh còn thường được người ta gọi là Thời đại Khủng long. Dù không phải những kẻ thống trị bầu trời và dưới đại dương, nhưng khủng long thắng thế hoàn toàn ở trên cạn, khi chúng hiện diện ở khắp mọi nơi, phát triển đến những kích cỡ không tưởng, sản sinh ra những giống loài hùng mạnh mà ngày nay, con người chúng ta vẫn phải nhắc đến tên chúng với sự ngưỡng mộ, chẳng hạn như T. rex.

Một con Beelzebufo đang xơi khủng long.

Người chiến thắng giành được mọi thứ – The winner takes it all. Khủng long gần như chiếm hết mọi ánh hào quang khi chúng ta nhắc đến sự sống Đại Trung sinh. Chúng ta có cảm tưởng như chúng là những sinh vật vô đối và bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, sự thật có lẽ không đơn giản như vậy. Dù nổi bật như thế nào đi chăng nữa, khủng long vẫn là một thành phần của hệ sinh thái hết sức đa dạng mà Tạo hóa đã dày công phát triển qua nhiều triệu năm, và một chút ưu ái giúp khủng long nổi bật hơn không có nghĩa, chúng không thể bị ăn.

Chúng ta đã biết cá sấu ăn khủng long. Chúng ta đã biết động vật có vú cũng ăn khủng long. Cá mập cũng ăn khủng long. Dực long ăn khủng long. Thương long ư? Cũng có thể lắm, nếu một con khủng long nào đó chẳng may rơi xuống biển. Lưỡng cư ăn khủng long ư? Cũng không phải chuyện hoang đường. Đó chính là nhân vật chính của bài viết hôm nay: cóc địa ngục Beelzebufo.

BEELZEBUFO: CON CÓC SIÊU KHỦNG ĐẾN TỪ MADAGASCAR CỔ ĐẠI

Đảo quốc Madagascar là quê hương của Beelzebufo. Có thể bạn chưa biết, Madagascar từng có thời gắn liền với vùng đất ngày nay là Ấn Độ. Cả hai cùng từng là một phần của siêu lục địa Gondwana trước khi tách ra khỏi siêu lục địa này vào khoảng 180 triệu năm trước. Đến khoảng 90 triệu năm trước, Madagascar lại tách rời khỏi Ấn Độ, trong khi Ấn Độ dịch chuyển về phía lục địa Á – Âu, nhập vào lục địa này như những gì chúng ta thấy ngày nay, thì có vẻ như Madagascar vẫn chưa quên được anh người yêu cũ Ấn Độ, sau hàng chục triệu năm thì ngày nay vẫn đứng trơ trọi một mình giữa Ấn Độ Dương, tách biệt khỏi châu Phi khoảng 400km. Cũng chính vì mối lương duyên cũ kéo dài khoảng 90 triệu năm này mà nhiều loài khủng long ở Ấn Độ và Madagascar có sự tương đồng rất lớn, đồng thời có sự khác biệt so với phần còn lại của thế giới.

Madagascar (cam) và Ấn Độ (xanh lá) từng là một trong khoảng thời gian 180-90 triệu năm trước.

Cũng nhờ điều kiện địa lý đặc biệt này mà quần thể động vật lẫn thực vật tại Madagascar đã có sự phát triển độc lập với thế giới trong suốt hàng chục triệu năm, biến đất nước này thành một điểm nóng về đa dạng sinh học. Hội nghị đa dạng sinh học thế giới từng công nhận Madagascar là một trong 17 quốc gia siêu đa dạng sinh học, với 90% loài hoang dã là loài bản địa của đảo quốc này. Tuy vậy, điều kiện đặc biệt này cũng góp phần gây đau đầu cho các nhà khoa học trong việc lý giải nguồn gốc của nhân vật chính trong video hôm nay: cóc địa ngục Beelzebufo.

Khoảng 70 triệu năm trước, Madagascar có thể xem là một thiên đường cận nhiệt đới, nơi các loài khủng long lấp đầy các môi trường sống trên cạn, nhưng vẫn còn đó những ngách sinh thái nhỏ để các nhóm động vật khác sinh sôi nảy nở. Một trong số đó là loài cóc ăn thịt khủng khiếp nhất mà thế giới từng chứng kiến: Beelzebufo ampinga. Chúng sống trong những vũng lầy được tạo thành sau những cơn mưa nặng hạt trên hòn đảo này, âm thầm chờ đợi dưới làn nước đục ngầu vì bùn. Khi con mồi đi ngang qua, bằng một cú bật chuẩn xác, Beelzebufo đã đưa mình đến vị trí thuận lợi và với cái miệng quá khổ cùng cái lưỡi đàn hồi của nó, chỉ trong tích tắc con mồi, một con khủng long con, đã nằm gọn trong bụng của Beelzebufo. Một con mồi giàu dinh dưỡng như vậy có thể giúp Beelzebufo no cả tháng trời.

Beelzebufo trong phim tài liệu Prehistoric Planet của Apple TV+.

Hóa thạch của Beelzebufo được nhà cổ sinh vật học người Mỹ David Krause cùng đội ngũ của mình khám phá tại Madagascar từ năm 1993. Trong vòng vài năm họ đã làm việc cật lực để thu thập khoảng 75 mảnh xương hóa thạch của con cóc đáng sợ này, từ đó phục dựng được bộ xương tương đối nguyên vẹn của nó. Krause và cộng sự đặt cho nó cái tên Beelzebufo ampinga, trong đó tên chi lấy cảm hứng từ Beelzebub, một ác quỷ trong kinh thánh, một hiện thân của Satan, một trong bảy hoàng tử của địa ngục, ý chỉ sự hung tợn và tham lam của con cóc to lớn nhất từng được tìm thấy, cũng như ngoại hình được cho là có sừng giống như cóc sừng Nam Mỹ. Tên loài ampinga có nghĩa là “lá chắn” trong thổ ngữ Madagascar, nhằm đề cập tới phần vòm xương sọ có cấu tạo chắc chắn của Beelzebufo.

Họ ước tính Beelzebufo có thể đạt đến chiều dài chưa từng thấy ở một loài ếch trong lịch sử là 42,5cm. Trong khi đó, loài ếch lớn nhất hiện nay là cóc goliath châu Phi chỉ đạt chiều dài tối đa là hơn 30cm. Tuy nhiên các ước tính gần đây đã “fix” lại chiều dài của Beelzebufo khá mạnh tay, cho rằng con ếch này có thể chỉ đạt chiều dài tối thiểu là 23,2cm, tương đương ếch bò châu Phi ngày nay.

Dù vậy, điều quan trọng là ngay cả mẫu vật lớn nhất hiện nay của Beelzebufo vẫn có xương sọ chưa hoàn toàn hợp nhất hẳn, tức đó là một cá thể chưa trưởng thành hoàn toàn và nếu trưởng thành hoàn toàn, chúng thậm chí có thể đạt kích thước lớn hơn nữa. Dựa trên đo đạc về lực cắn của một số loài ếch hiện đại, chẳng hạn như cóc sừng Cranwell, họ ước tính lực cắn của một con Beelzebufo lớn, với hộp sọ rộng khoảng 15,4cm có thể đạt 500 đến 2.200N, tương đương một con rùa cá sấu ngang cỡ đầu, và nếu chia trung bình cho khối lượng cơ thể, có thể nói Beelzebufo có lực cắn mạnh ngang cả những loài thú săn mồi như sư tử.

Càng nghiên cứu sâu hơn về Beelzebufo, các nhà cổ sinh vật học càng cảm thấy thú vị. Nó có một cái đầu rất lớn, vòm hộp sọ có bề mặt sần sùi, cho thấy có thể ít nhất một phần nào đó của đầu con ếch này có vảy xương. Họ tin rằng về mặt ngoại hình, nó rất giống cóc sừng Nam Mỹ gồm các loài thuộc họ Ceratophryidae. Cóc sừng Nam Mỹ là những sinh vật rất phàm ăn, chúng có thể ăn côn trùng, cá, ếch, thậm chí cả động vật có vú và bò sát nhỏ. Thậm chí cóc sừng cái Argentina trưởng thành có thể xơi một con chuột trưởng thành một cách dễ dàng. Chúng còn được biết đến như những kẻ ăn thịt đồng loại, ăn cả bạn tình dù có nhỏ hơn. Chúng tham ăn đến nỗi có khi cố nuốt những con mồi lớn hơn khả năng của mình. Răng của chúng khiến con mồi khó thoát ra, nhưng cũng khiến chúng khó nhả con mồi sau khi nuốt. Nếu con mồi quá to, chúng có thể bị nghẹn và chết. Lưỡi của chúng rất dích và là một vũ khí bắt mồi lợi hại. Và như vậy, ngoại hình, tập tính và hành vi của Beelzebufo được phục dựng trên các phim tài liệu gần đây được tham khảo rất nhiều từ cóc sừng Nam Mỹ. Cái đầu rất lớn giúp Beelzebufo có thể xơi gọn nhiều con mồi khác nhau, thậm chí cả khủng long con, theo các nghiên cứu vào năm 2008 và 2017.

Bộ xương phục dựng của Beelzebufo.

GỐC GÁC MÙ MỜ CỦA BEELZEBUFO

Vấn đề là, nếu giống nhau như vậy, liệu Beelzebufo và cóc sừng Nam Mỹ có mối liên hệ gì không? Các nhà khoa học biết rằng, Madagascar cùng với Ấn Độ đã tách ra khỏi Gondwana, trong đó có Nam Mỹ từ khoảng 180 triệu năm trước. Trong khi đó, tổ tiên của cóc sừng Nam Mỹ được cho là chỉ xuất hiện trong khoảng 90 triệu năm trước đổ lại. Nếu không có mối liên hệ gì, sự giống nhau giữa Beelzebufo và cóc sừng Nam Mỹ chỉ là một trường hợp của tiến hóa hội tụ, nghĩa là chúng đã tiến hóa những đặc điểm tương đồng này một cách độc lập với nhau và sự giống nhau chỉ là tình cờ.

Beelzebufo có nhiều nét tương đồng với cóc sừng Nam Mỹ, cho thấy chúng có thể là họ hàng.

Trong khi đó, nếu chúng thật sự có mối liên hệ, các nhà cổ sinh vật học phải giải quyết câu hỏi hóc búa rằng làm thế nào chúng có liên quan đến nhau khi đã có sự ngăn cách rất lớn về mặt địa lý giữa Madagascar và Nam Mỹ từ rất lâu? Một số giả thuyết đã được đưa ra, chẳng hạn như tổ tiên của Beelzebufo ở Nam Mỹ đã vô tình đáp trên những mảnh vỡ trôi dạt trên đại dương để đến được Madagascar. Nghe có vẻ hơi khó tin nhưng đó cũng là một khả năng. Chính vì chưa thể lý giải được sự giống nhau giữa Beelzebufo và cóc sừng Nam Mỹ mà ban đầu, các nhà cổ sinh vật học không xếp Beelzebufo vào những vị trí có mối quan hệ gần với cóc sừng Nam Mỹ. Một nghiên cứu vào năm 2018 đã xếp Beelzebufo cùng một số loài cóc và ếch đã tuyệt chủng khác có các đặc điểm giống cóc sừng Nam Mỹ. chẳng hạn như Baurabatrachus ở Brazil, vào một nhóm cổ hơn của phân bộ Neobatrachia. Đến năm 2022, một nghiên cứu khác đã xếp Beelzebufo Baurabatrachus như các danh pháp chị em, cả hai lại tạo thành một nhánh là chị em của họ Ceratophryidae, thể hiện một mối quan hệ gần gũi hơn. Dù vậy thì vẫn còn nhiều điều bí ẩn về nguồn gốc của Beelzebufo mà các nhà cổ sinh vật học sẽ cần phải tìm hiểu rõ ràng và cụ thể hơn trong tương lai.

***

Beelzebufo đã sống cùng thời nhiều loài khủng long của Madagascar. Khủng long ăn thịt tiêu biểu có Majungasaurus, Masiakasaurus. Bên cạnh đó là khủng long raptor Rahonavis, khủng long cổ dài Rapetosaurus. Chúng ta còn có cá, rắn, bò sát dạng cá sấu như Mahajangasuchus, Trematochampsa, vài loài động vật có vú và cả chim tiền sử nữa. Giữa chúng có lẽ đã có những tương tác qua lại với nhau. Con non của những động vật này có thể là mồi của Beelzebufo, nhưng Beelzebufo cũng có thể bị những động vật lớn hơn ăn thịt, như một vòng tuần hoàn của tự nhiên. Hoặc là bạn ăn và hoặc là bạn bị ăn, khủng long, dực long, động vật có vú hay Beelzebufo cũng không hể ngoại lệ. Cái chết của sinh vật này sẽ là nguồn sống của vô vàn những sinh vật khác.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/c1NCdNjiVyc?si=1Y8zccsaTh9ovDjY” title=”YouTube video player” width=”560″]