[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Với chiều dài ước tính lên đến hơn 60m, Amphicoelias fragilimus có thể là loài khủng long và cũng là loài động vật lớn nhất từng tồn tại trong lịch sử Trái đất. Nhưng cho đến nay sự biến mất và chân tướng thật sự của nó vẫn là một bí ẩn.

BỐI CẢNH

Quay ngược bánh xe thời gian, chúng ta quay trở lại với nước Mỹ vào nửa cuối thế kỷ XIX. Sau cuộc nội chiến thảm khốc tàn phá đất nước diễn ra từ năm 1861 đến năm 1865, nước Mỹ bước vào thời kỳ tái thiết mạnh mẽ. Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng thần tốc trong một giai đoạn ngắn gọi là Thời đại Mạ vàng, từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành khoa học. Là một ngành khoa học non trẻ, cổ sinh vật học cũng hưởng lợi từ sự phát triển của nước Mỹ và được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nóng cũng như tính đố kỵ và ganh ghét của con người đã dẫn đến một sự kiện mà ngày nay, chúng ta gọi là Chiến tranh xương – The Bone Wars. Đó là khi hai nhà cổ sinh vật tiếng tăm tại Mỹ là Othniel Charles Marsh và Edward Drinker Cope khởi xướng một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm giành chiến thắng về số lượng những khám phá liên quan đến khủng long và sinh vật tiền sử trên những bãi xương giàu hóa thạch nằm ở miền Tây nước Mỹ. Và không chỉ chạy đua, họ còn tìm cách ngáng đường đối phương bằng những cách tệ hại nhất, trong đó bao gồm cả hối lộ, trộm cắp và hủy hoại thành quả của đối phương. Mặc dù cuộc chiến kết thúc với hàng loạt giống loài khủng long mới được khám phá, nhưng kết cục để lại cũng đầy hỗn loạn. Nhiều hóa thạch có thể đã bị phá hủy. Ngành cổ sinh vật học của Mỹ cũng vì họ mà chịu tiếng xấu trong mắt phần còn lại của thế giới. Những mô tả và nghiên cứu vội vã của hai nhân vật chính cũng gây ra nhiều bối rối và hiểu lầm cho hậu thế về các loài khủng long.

Othniel Charles Marsh (trái) và Edward Drinker Cope (phải).

Và đây chính là điểm bắt đầu cho câu chuyện ngày hôm nay.

PHÁT HIỆN

Vào năm 1877, Edward Drinker Cope làm việc với một số thợ săn hóa thạch tại Colorado. Từ những gì họ gửi đến cho ông, nhà cổ sinh vật học này đã xác định được một số giống loài khủng long mới như Laelaps trihedrodon, Camarasaurus supremusCaulodon. Đến tháng 10 cùng năm, ông lại nhận được những hóa thạch mới gồm đốt sống lưng, xương mu và xương đùi của một con khủng long khổng lồ. Vì đang trong cuộc đua với đối thủ, Cope vội vã kết luận đây là một loài khủng long cổ dài mới và đặt danh pháp cho nó là Amphicoelias altus, được ông cho là có họ hàng gần với Camarasaurus vì cả hai được tìm thấy gần nhau, cùng sở hữu những đốt sống có cấu trúc nhẹ và các chi tương đối to lớn, chắc chắn. Ngoài ra ông còn xác định một loài thứ hai thuộc chi này và đặt danh pháp cho nó là Amphicoelias latus.

Cũng trong năm 1877, một thợ săn hóa thạch cộng tác với Cope khác là Oramel William Lucas cũng tìm thấy tại Colorado một mẫu vật mới, là một đốt sống lưng khủng long không nguyên vẹn nhưng rất lớn, gần nơi phát hiện ra những mẫu vật đầu tiên của Amphicoelias cũng như Camarasaurus. Vào cuối xuân hoặc đầu hè năm 1878, mẫu vật này đã được gửi đến nhà của Cope tại Philadelphia để ông nghiên cứu và mô tả. Cuối cùng, đến tháng Tám năm đó, ông công bố mẫu vật này như mẫu vật định danh của một loài mới thuộc chi Amphicoelias, đó chính là Amphicoelias fragilimus. Cope viết trên tập san The American Naturalist, tập san mà ông đã mua để tự công bố những phát hiện của bản thân: “Gần đây, từ người bạn nhiệt thành của mình, Ngài O. W. Lucas, tôi đã nhận được hóa thạch cung thần kinh đốt sống gần như nguyên vẹn của con khủng long lớn nhất mà tôi từng thấy.”

Theo mô tả của Marsh, mẫu định danh của Amphicoelias fragilimus là một phần đốt sống lưng không nguyên vẹn có chiều cao lên đến 1,5m.

Kích thước của mẫu vật này trong mô tả của Cope là cao 1,5m và do đó, chiều cao nguyên gốc của cái đốt sống này phải lên đến 2,7m và nếu dựa vào kích thước của một con Diplodocus, được cho là có họ hàng gần với Amphicoelias, chúng ta sẽ có một con khủng long với chiều dài lên đến 58m, một con số kinh khủng bởi không chỉ dài gấp đôi cá voi xanh, nó còn dài ít nhất là gấp rưỡi những con khủng long sauropod mà con người biết cho đến hiện nay. Nói cách khác, với kích thước này, Amphicoelias fragilimus chính là loài khủng long dài nhất, to lớn nhất trong lịch sử cổ sinh vật học.

SỰ BIẾN MẤT BÍ ẨN

Mẫu vật này dường như được Cope giữ trong nhà của ông cho đến tận năm 1897, sau khi Chiến tranh xương đã kết thúc khá lâu. Đó là thời điểm Cope qua đời và theo ý nguyện của Cope trước đó, tất cả ghi chép cũng như bộ sưu tập hóa thạch của ông sẽ được bán lại cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, trong đó có mẫu định danh của Amphicoelias fragilimus. Tuy nhiên, khoảng hai thập niên sau, khi chủ tịch của Bảo tàng là Henry Osborn cùng một đồng nghiệp khác bắt đầu phân tích bộ sưu tập của Cope, họ phát hiện ra mẫu định danh của Amphicoelias fragilimus không hề còn ở đó. Sau khi miệt mài tìm kiếm mà không có kết quả, cả hai viết vào tháng Một năm 1921: “Mẫu định danh của loài này không có trong Bộ sưu tập của Cope, và những đặc điểm của nó không thể được xác định rõ ràng.” Dù vậy, để đề phòng một ngày nào đó nó lại bất ngờ xuất hiện từ số hóa thạch kia do một sự bỏ sót nào đó, người ta vẫn gắn cho nó một số hiệu, AMNH 5777.

Căn phòng làm việc của Edward Drinker Cope.

Vậy rất cuộc thì nó đã biến đi đâu? Một mẫu vật cực kỳ quan trọng sao lại có thể biến mất một cách vô lý và dễ dàng như vậy?

Sự biến mất của AMNH 5777 không phải là điều kỳ lạ duy nhất trong câu chuyện về Amphicoelias fragilimus. Kỳ lạ hơn chính là những hành xử của Edward Drinker Cope sau khi ông tuyên bố là mình đã tìm thấy khủng long lớn nhất từng thấy từ trước đến giờ trên tập san The American Naturalist vào năm 1878. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu về Cope, sau bài mô tả đầu tiên, Cope gần như không hề nhắc gì đến Amphicoelias fragilimus trong các công trình của ông về khủng long sau này, thậm chí ngay cả trong nghiên cứu của ông về mối quan hệ giữa sự tiến hóa và kích thước cơ thể mà về sau, hậu thế gọi là Quy tắc Cope. Chẳng phải Amphicoelias fragilimus cùng kích thước khổng lồ của nó là một ví dụ minh họa không thể nào tốt hơn cho luận điểm của Cope hay sao?

NHỮNG NHẬN ĐỊNH CỦA HẬU THẾ

Không giống như những tiền bối cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nhà cổ sinh vật học gần đây tỏ ra rất hoài nghi những ước tính của Cope. Năm 2015, trong một phân tích về những bằng chứng, tình huống và các diễn giải xoay quanh Amphicoelias fragilimus, hai nhà cổ sinh vật học Cary Woodruff và John R. Foster kết luận rằng kích cỡ đốt sống của con khủng long đã bị phóng đại quá mức, bởi các nhà cổ sinh vật học đã làm việc ở Hệ tầng Morrison, nơi phát hiện ra Amphicoelias fragilimus suốt hơn một thế kỷ và chưa từng tìm ra hóa thạch của một con sauropod nào có thể đạt đến kích cỡ gần bằng Amphicoelias fragilimus, thậm chí có một khoảng cách rất xa.

Amphicoelias fragilimus trong những ước tính ban đầu có thể dài gấp đôi cá voi xanh.

Họ cũng chỉ ra rằng Cope vốn không phải là người cẩn thận, tỉ mỉ với các con số, một phần vì sự vội vàng của ông trong những công bố khoa học về các loài khủng long mới nhằm chạy đua với đối thủ. Rất có thể, con số chiều cao của cung thần kinh đến từ một lỗi đánh máy, chẳng hạn như nhầm từ 1500 thành 1050, hay như nhầm từ milimet thành mét như một vài lần Cope đã mắc phải trước đó. Điều này phần nào lý giải sự im lặng của Cope về Amphicoelias fragilimus. Cuộc chiến tranh xương đã từng bùng nổ chỉ vì Cope bị Marsh công kích khi đặt nhầm đầu của thằn lằn cổ rắn Elasmosaurus xuống đuôi, và chắc chắn ông không muốn bản thân bị cả giới cổ sinh cười nhạo một lần nữa vì lỗi đánh máy của mình. Và cũng vì thế, ông cũng không hề công bố mẫu vật Amphicoelias fragilimus một lần nào cho đến khi qua đời năm 1897 bởi sai lầm của ông chắc chắn sẽ bị nhận ra ngay lập tức. Và biết đâu, chính ông là người đã hủy đi mẫu vật này nhằm không để bất kỳ ai biết về sai lầm của mình?

Tuy nhiên, không phải ai cũng quay lưng lại với Cope. Vào năm 2006, nhà cổ sinh vật học Kenneth Carpenter tin rằng, sự biến mất của hóa thạch Amphicoelias fragilimus là do những hóa thạch được tìm thấy cùng địa điểm thường được bảo quản trong đá bùn đã bị xói mòn nghiêm trọng, dễ bị vỡ vụn thành những khối hỏ. Do đó, mẫu vật được tìm thấy năm 1877 có lẽ đã bị hư hại nghiêm trọng và Cope đã vứt chúng đi sau khi mô tả và vẽ hình minh họa.

So sánh hình vẽ mẫu định danh của Amphicoelias fragilimus (nay là Maraapunisaurus fragilimus) với đốt sống của một số loài khủng long thuộc họ Rebbachisauridae.

Đến năm 2018, Carpenter lại xuất bản một nghiên cứu khác đầy tâm huyết về Amphicoelias fragilimus, trong đó ông bảo vệ những con số mà Cope đã đưa ra, đồng thời mô tả và tái phân loại mẫu vật này. Carpenter cho rằng mẫu vật của Amphicoelias fragilimus giống với đốt sống của các loài khủng long thuộc họ Rebbachisauridae hơn và do đó, ông quyết định thành lập hẳn một chi mới cho nó, đặt danh pháp là Maraapunisaurus, đồng thời giữ nguyên tên loài fragilimus. Maraapuni có nghĩa là khổng lồ, trong ngôn ngữ của thổ dân Ute ở Bắc Mỹ. Kích thước của con khủng long cũng được Carpenter ước tính lại còn khoảng 30m chiều dài. Carpenter thậm chí còn phục dựng lại đốt sống của con khủng long dựa trên hình vẽ của Cope bằng nhựa và hiện nay, mô hình này đang được trưng bày tại một khách sạn ở thành phố Canon, gần nơi tìm thấy hóa thạch của Amphicoelias fragilimus.

***

Như vậy, điều chúng ta biết về Amphicoelias fragilimus đó là mẫu vật của loài khủng long này đã biến mất và khả năng nó còn bị lẫn ở đâu đó trong bộ sưu tập của Cope là rất thấp. Bản thân hình vẽ của Cope cũng không đủ để chúng ta biết nhiều hơn, bởi Cope chỉ vẽ một chiều của mẫu vật thay vì vẽ nhiều chiều như những hình minh họa khác. Và ngày nay, Amphicoelias fragilimus cũng không còn là một danh pháp hợp lệ mà thay vào đó, chúng ta có Maarapunisaurus fragilimus, được xếp vào họ Rebbachisauridae, thuộc siêu họ lương long Diplodocoidea. Dù vậy thì chân tướng và ngoại hình thật sự của nó vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ nếu không có những phát hiện hóa thạch mới trong tương lai.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/ZdRyAj9DuCg?si=qyTTFz2bCHoer0jc” title=”YouTube video player” width=”560″]