[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] 120 triệu năm trước, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đương nhiên là một vùng đất rất khác bây giờ. Những cánh rừng trải dài ngút tầm mắt, những đầm lầy rộng lớn vừa là nơi cư trú, vừa là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loài sinh vật, trong đó có khủng long. 

Một trong những loài khủng long phổ biến nhất từng được phát hiện trong khu vực này là giác long két Lục Gia Đồn (Psittacosaurus lujiatunensis), một loài khủng long có ngoại hình khá dễ thương với cái mỏ cứng giống như chim, cái đuôi có chòm lông nhiều màu sắc và kích thước tương đối nhỏ nhắn so với các loài khủng long khác cùng thuộc nhóm khủng long mặt sừng (Ceratopsian), con lớn nhất cũng chỉ dài khoảng 2 mét.

Nếu được chọn một loài khủng long làm vật cưng trong nhà, tôi tin Psittacosaurus lujiatunensis cũng như các loài anh em của nó trong chi Psittacosaurus sẽ là một ứng viên nặng ký.

Một bầy Psittacosaurus. Tranh của Bob Nicholls.

Sống trong thời hiện đại, kích thước nhỏ nhắn có thể là một lợi thế (vì dễ được con người giữ lại nuôi dưỡng), nhưng trong thời cổ đại đây có thể là một nhược điểm chết chóc nếu sinh vật không có những lợi thế khác. Một trong những lợi thế của Psittacosaurus lujiatunensis (cũng như các loài anh em của nó) chính là lối sống theo đàn cực kỳ chặt chẽ, có tổ chức. Những cá thể trưởng thành sẽ là thành phần kiếm ăn chính. Trong khi đó, những con non thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau khi cha mẹ chúng kiếm ăn. Lớn chăm sóc cho nhỏ, nhỏ lại chăm sóc cho nhỏ hơn. Điều này được chứng kiến thông qua việc tìm thấy những bãi xương khủng long Psittacosaurus chưa trưởng thành thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau mà không có sự hiện diện của những cá thể trưởng thành.

Trong những nhóm như vậy, những con non nhỏ hơn rất quấn quít những con anh chị. Chúng có thể dành thời gian cả ngày bên nhau cho đến khi cha mẹ chúng trở về. Những con giỏi việc có thể trông nom đến hàng chục con nhỏ hơn một lúc.

Nhưng một ngày nọ, thảm họa xảy ra. Những biến động địa chất đã khiến cho những ngọn núi lửa gần đó bấy lâu nay chỉ hoạt động cầm chừng bỗng phun trào dữ dội. Dung nham nóng chảy, bụi tro núi lửa tràn ngập khắp nơi. Khi những con Psittacosaurus cha mẹ còn đang kiếm ăn chưa kịp trở về, những con Psittacosaurus con đang chăm em cũng không thể bỏ mặc em chúng mà bỏ trốn một mình. Chúng phải đưa đàn em của mình tìm đến nơi an toàn hơn để có hy vọng sống sót.

Một con Psittacosaurus khoảng 4-5 tuổi cũng dẫn đàn em nhỏ của mình với hơn 24 sinh mạng đi trốn khỏi thảm họa. Nó cố gắng vừa dò đường, vừa trấn an đàn em nhỏ đang vô cùng hoảng loạn. Trời mưa to càng khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Bất chợt, một tiếng động ầm ầm từ đằng xa lao về phía nhóm khủng long nhỏ. Một dòng lũ bùn kéo tới, nuốt chửng tất cả…

120 triệu năm sau, tại Hệ tầng Nghĩa Huyện (Yixian), người ta đã khai quật được một bãi xương khủng long vô tiền khoáng hậu. Có đến 24 cá thể khủng long nhỏ nằm quây quần xung quanh một cá thể lớn. Các giám định sau đó cho thấy tất cả đều thuộc cùng một loài, đó là Psittacosaurus lujiatunensis. Những cá thể nhỏ kia là khủng long đã nở vì không tìm thấy dấu vết của vỏ trứng xung quanh, đồng thời răng của chúng đã hơi mòn đi một chút, chứng tỏ chúng đã biết tự ăn.

Ban đầu, nhận định thông thường đương nhiên cho rằng cá thể lớn hơn là cha/mẹ của đàn con nhỏ này. Nhưng nghiên cứu sau đó đã bác bỏ nhận định trên, khi xác định độ tuổi của cá thể lớn là khoảng 4-5 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi trưởng thành về mặt sinh dục của Psittacosaurus là khoảng 8-9 tuổi, tức là cá thể lớn kia không phải là cha/mẹ của 24 con khủng long nhỏ!

Điều này hiển nhiên là đã thách thức hiểu biết thông thường của các nhà cổ sinh vật học. Phải chăng, sự hiện diện của cá thể lớn là tình cờ? Hay nó chỉ được ai đó thêm vào sau khi khai quật để làm tăng giá trị của bãi xương? Những nghiên cứu về sau đã hoàn toàn bác bỏ các lý giải trên. Bộ xương của cá thể lớn hơn này và 24 cá thể nhỏ là một khối liên kết chặt chẽ với nhau. Xương của hai cá thể nhỏ còn nằm trong ổ hộp sọ của cá thể lớn. Các nhà khoa học phỏng đoán chúng đã bị chôn vùi trong một dòng chảy, nhưng không phải là dung nham, bởi không có dấu vết xương bị tổn hại do sức nóng, mà có thể là “lahar”, một dạng bùn lỏng do nước kết hợp với các vật chất từ núi lửa tạo thành. Chính vì thế, xương sống của chúng dường như xuôi theo một hướng.

Tranh minh họa: Bob Nicholls, trong cuốn sách Locked in Time của nhà cổ sinh vật học Dean Lomax.

Tư thế và vị trí của bộ xương cá thể lớn hơn cho thấy nó giống như đang dẫn dắt và che chở cho đám khủng long nhỏ. Điều này khiến các nhà khoa học liên hệ đến hình thức chăm sóc lẫn nhau giữa con non của một số loài chim còn tồn tại ngày nay. Nhưng liệu điều đó có thật sự xảy ra ở khủng long hay không?

Người ta từng cho rằng khủng long là những sinh vật giống bò sát nhiều hơn, chậm chạp, nặng nề (vì kích thước khổng lồ của chúng) và phần nào đó kém thông minh. Nhưng những khám phá cổ sinh vật học gần đây đang dần dần gạt bỏ quan điểm này. Khủng long, ở một khía cạnh nào đó, thông minh và có tổ chức xã hội chặt chẽ hơn những gì chúng ta từng nghĩ. Psittacosaurus là một trong những chi khủng long được đánh giá cao về trí tuệ, bởi chỉ số phát triển bộ não của chúng (Encephalization Quotient) là 0.31, ngang ngửa với khủng long T. rex (0.30-0.38), phù hợp với các hành vi như xây tổ, chăm sóc con non và ngủ giống như chim.

Chính vì thế, có lẽ không phải là chuyện lạ nếu như ở chúng có hành vi con non chăm sóc lẫn nhau giống như một số loài chim hiện nay vậy, dù có thể chúng ta vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để khẳng định điều đó.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/FlyByncAuYY?si=4v1MivPP9jVgxs4Q” title=”YouTube video player” width=”560″]