[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Chúng ta vẫn hay gọi ví von Trái đất là “hành tinh xanh”, nhưng màu xanh ở đây là xanh dương hay xanh lá? Và có phải lúc nào Trái đất cũng là “hành tinh xanh” hay không?

Mặc dù trong tiếng Việt cách gọi này có vẻ không có sự phân biệt, nhưng trong tiếng Anh tồn tại cả hai cách gọi “blue planet” và “green planet”.

Nhìn từ vũ trụ, Trái đất ngày nay là một hành tinh với màu xanh dương chiếm phần lớn.

Theo một diễn đàn tiếng Anh, trong tiểu thuyết The House on Borderland xuất bản năm 1908, nhà văn William Hope Hodgson đã viết Trái đất là “một đốm nhỏ màu xanh dương”. Đến năm 1925, nhà văn Nictzin Dyalhis viết Trái đất là “một ngôi sao màu xanh lá”. Kể từ đó, hai cách gọi này luân phiên được sử dụng.

Trên thực tế, nếu nhìn từ vũ trụ, bạn sẽ thấy Trái đất là một hành tinh mà màu xanh dương chiếm phần lớn. Nhưng trong vũ trụ số hành tinh có màu này lại khá nhiều, chẳng hạn như Hải vương tinh. Trong khi đó, một số người cho rằng nên gọi Trái đất là hành tinh xanh lá bởi màu xanh lá nhấn mạnh màu sắc của sự sống.

Tuy nhiên, nếu gọi theo cách này thì không phải lúc nào Trái đất cũng là hành tinh xanh lá, bởi theo các nhà cổ sinh vật học, cách đây khoảng 2,4 đến 3,5 tỷ năm trước, dạng sống phổ biến ở Trái đất khi đó là những vi khuẩn cổ không quang hợp bằng diệp lục mà bằng retinal, một chất có màu đỏ tím. Vì thế, sự sống trên Trái đất khi ấy chủ yếu có màu đỏ tím và do đó, phải gọi Trái đất ở thời điểm đó là hành tinh tím mới đúng.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/rYCe0wg5MWw” title=”YouTube video player” width=”560″]