[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Vào cuối thập niên 1980, một người thuộc tộc người bản địa Inuit ở Bắc cực, chuyên làm nghề thợ săn để kiếm sống qua ngày tên là Jens Larsen đã hạ được một bộ ba con cá voi trông rất lạ ngoài bờ biển phía Tây Greenland.

Thông thường, khi đi săn, Jens Larsen cùng những đồng nghiệp của mình sẽ săn được hai loài cá voi: thứ nhất là narwhal (tiếng Việt gọi là “kỳ lân biển”) – loài mà con đực nổi tiếng với những cái sừng dài, dạng xoắn ốc mọc ra từ chóp mũi; thứ hai là beluga (cá voi trắng) – loài có làn da trắng đặc trưng. Nhưng những con cá voi mới săn được của Larsen không giống loài nào trong số hai loài trên. Da của chúng không trắng, cũng không lốm đốm như của kỳ lân biển, mà có màu xám đều. Vây của chúng giống của cá voi trắng, nhưng đuôi thì lại na ná kỳ lân biển. Trong suốt sự nghiệp săn bắn của mình, Larsen chưa bao giờ thấy con gì giống như vậy. Anh ngạc nhiên tới mức giữ hộp sọ của một trong ba con trên mái lều để công cụ của mình.

Đến năm 1990, chiếc hộp sọ này đã thu hút sự chú ý của Mads Peter Heide-Jørgensen, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu động vật có vú sống ở đại dương. Được sự cho phép của Larsen, Heide-Jørgensen đã đem chiếc hộp sọ này đến Viện Nghiên cứu Nghề cá Greenland ở Copenhagen để tìm hiểu. Và sau khi so sánh với hộp sọ của những con cá voi trắng cũng như kỳ lân biển, anh cho rằng cá thể này rất có thể là con lai giữa hai loài – một con narluga.

Chiếc hộp sọ kỳ dị mà Jens Larsen thu được trong một chuyến đi săn. Nguồn: Mikkel Høegh Post, Natural History Museum of Denmark.

Trước đây, người ta đã từng đặt ra giả thuyết về narluga từ hàng thập niên trước. Khi ấy, người ta đã biết đến các trường hợp con lai giữa các loài trong phân thứ bộ cá voi, trong đó một số trường hợp được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là con wholphin mang tên Kekaimalu được sinh ra tại Công viên Sea Life tại Hawaii vào năm 1985, là con lai giữa cá heo mũi chai và cá voi sát thủ giả, hay còn gọi là cá ông chuông.  Điều đặc biệt là Kekaimalu có khả năng sinh sản bình thường và đã đẻ được ít nhất 3 đứa con sau khi phối giống cùng các con cá heo mũi chai thuần chủng khác.

Con lai có vẻ là một lời giải thích khá hợp lý. Cá voi trắng và kỳ lân biển có kích thước khá tương đồng, sống chung một vùng nước ở Bắc cực và mối liên hệ giữa chúng với nhau gần gũi hơn giữa chúng với bất kỳ loài nào khác. Người ta từng thấy cá thể thuộc cả hai loài bơi giữa đàn của loài kia. Nhưng chưa có ai từng tìm thấy một con narluga trước đó, và vào thời điểm ấy, Heide-Jørgensen không có cách nào để xác thực giả thuyết của mình.

Một con kỳ lân biển bơi cùng đàn cá voi trắng trong tự nhiên. Nguồn: Group for Education and Research on Marine Mammals.

Điều đó đã thay đổi trong những thập niên sau đó, khi các nhà nghiên cứu đã phát triển ngày càng nhiều cách thức hiệu quả để trích xuất những lượng ADN rất nhỏ từ xương động vật. Những kỹ thuật này thường được sử dụng để nghiên cứu các sinh vật cổ đại chẳng hạn như người Neanderthals và voi ma mút, những giống loài đã tuyệt chủng từ lâu. Và bây giờ chúng sẽ giúp các nhà khoa học chứng minh rằng liệu mẫu vật mà thợ săn Jens Larsen tìm thấy có thật sự chính là narluga hay không, qua đó cung cấp chứng cứ di truyền đầu tiên về sự tồn tại của một sinh vật như vậy.

Bằng cách phân tích ADN trích xuất từ một chiếc răng của hộp sọ rồi đem đi phân tích, nhóm nghiên cứu do Eline Lorenzen đứng đầu đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch đã chứng minh rằng đó là một con đực, có cha là một con cá voi trắng và mẹ là một con kỳ lân biển. Tại sao họ lại biết được điều đó? Ấy là bởi, hầu hết ADN của con vật này là sự pha trộn nửa này nửa nọ giữa hai loài, nhưng ADN ty thể (mitochondrial DNA) – một bộ nhiễm sắc thể phụ mà động vật chỉ được thừa hưởng từ mẹ – hoàn toàn là của kỳ lân biển.

Lorenzen cho biết, sau đó họ đã đem kết quả này trình bày trước một hội thảo về cá voi trắng có đến 150 vị đại biểu tham dự, và những gì mà họ công bố đã khiến cho cả hội trường lặng phắc như tờ. Không ai trong số các đại biểu quen với khái niệm con lai giữa kỳ lân biển và cá voi trắng.

Xin phép các bạn cho chúng tôi đi ra ngoài chủ đề chính một chút: Khi đặt tên các động vật lai, những ước lệ mang tính trọng nam bắt buộc tên loài của con bố phải đi trước trong cái tên ghép. Một con gấu con có bố là gấu trắng Bắc cực (tiếng Anh là polar bear) và mẹ là gấu nâu (tiếng Anh là grizzly bear) sẽ được gọi là “pizzly”, nhưng trong trường hợp ngược lại, khi nó có bố là gấu nâu và mẹ là gấu trắng Bắc cực, nó sẽ được gọi là “grolar”. Vì vậy, về lý thuyết thì hộp sọ được cất trong lều để công cụ của Larsen phải gọi là “belwhal” chứ không phải “narluga”. Nhưng cái tên sau có lẽ dễ nhớ hơn bởi người ta đã gọi như vậy suốt nhiều thập niên và như Lorenzen nói, “narluga” nghe hay hơn “belwhal”.

Các nghiên cứu khoa học trước đây từng cho thấy rằng, kỳ lân biển và cá voi trắng đã tiến hóa độc lập với nhau ít nhất một triệu năm. Rõ ràng là chúng vẫn có thể phối giống với nhau, nhưng không ai biết tại sao hoặc chuyện đó có diễn ra thường xuyên hay không. Cả hai loài đều giao phối một lần trong năm khi những lớp băng dày trên biển khiến những nhà khoa học tò mò không thể tiếp cận chúng, vì thế chúng ta hầu như chẳng biết gì về cách chúng sinh sản. Ví dụ, sừng của kỳ lân biển đực được cho là có sức hút đối với một con kỳ lân biển cái nhiều đến nỗi kỳ lân biển cái khó có khả năng giao phối với một con cá voi trắng vốn không có sừng. Tuy nhiên, mẹ của con narluga rõ ràng là đã giao phối với một con cá voi trắng. “Tỷ lệ một người có thể tìm thấy cá thể con lai duy nhất và cất nó trên mái lều của mình, rồi lại có một người nào đó tìm thấy nó và gửi đến bảo tàng là bao nhiêu?” Lorenzen đặt câu hỏi. “Hẳn là phải có nhiều trường hợp hơn nữa. Nhưng cũng có thể không! Chúng tôi không biết.”

Điểm kỳ lạ nhất trên hộp sọ của narluga chính là hàm răng của nó. Cá voi trắng có tới 40 chiếc răng ở cả hàm trên lẫn hàm dưới, tất cả đều trông giống nhau. Trong khi đó, kỳ lân biển hầu như không có cái răng nào, ngoại trừ cái sừng xoắn ốc và một cặp răng đã bị tiêu giảm chỉ còn dấu vết đằng sau cái sừng. Còn narluga dường như nằm giữa sự khác biệt đó với 18 cái răng, tất cả đều khác nhau và có hình dạng kỳ lạ. Nhiều chiếc trong số đó chĩa ngang ra ngoài, và một số có dạng xoắn ốc theo chiều giống y hệt sừng của kỳ lân biển. Cứ như thể ai đó đã lấy bộ mã lập trình sừng của kỳ lân biển để cài nó vào miệng của cá voi trắng và cho ra một kết quả dị thường như vậy.

Hộp sọ của kỳ lân biển (phía trên bên trái), cá voi trắng (phía trên bên phải) và của narluga (bên dưới). Nguồn: Eline Lorenzen.

Thông qua phân tích thành phần hóa học của những chiếc răng kỳ lạ này, nhóm nghiên cứu của Lorenzen có thể suy luận xem narluga ăn loại thức ăn nào. Và kết quả một lần nữa gây bất ngờ khi cho thấy thực đơn của narluga rất khác so với bố mẹ nó, vốn thích lặn sâu xuống biển để tìm cá và mực. Răng của narluga về mặt hóa học giống với răng của những động vật ăn đáy như moóc (walrus), vốn thích đào bắt những con mồi vùi mình dưới đáy biển. Có lẽ narluga cũng làm như vậy, sử dụng những chiếc răng hướng ra ngoài làm xẻng để bới cát lên.

Và điều đó cho thấy một chút màu nhiệm trong câu chuyện này. Sự kết hợp hiếm có giữa hai loài sở hữu một cái miệng vốn không tồn tại trong tự nhiên nhưng nó vẫn xoay xở tìm ra cách để sử dụng. Cách sống của nó không giống cá voi trắng hay kỳ lân biển, nhưng dù sao đi nữa nó vẫn sống được. Nó đã được mẹ dạy dỗ, hỗ trợ hay tự nó đã tìm ra cách để sống sót?

Bằng cách kỳ diệu nào đó, đứa con lai giữa cá voi trắng và kỳ lân biển dù sở hữu cái miệng không giống cả cha lẫn mẹ vẫn tìm được cách sinh tồn. Tranh của Markus Buhler.

Tuy nhiên, sự lai giống giữa hai loài vẫn có mặt tối của nó, đặc biệt là cho những cư dân đang bên bờ tuyệt chủng của vùng Bắc cực. Nếu con lai không thể sinh sản, chúng sẽ trở thành những ngõ cụt về mặt di truyền cho các quần thể vốn đã rất ít ỏi của kỳ lân biển hay cá voi trắng. Ngược lại, nếu chúng có thể sinh sản, bộ gen kết hợp của những con non do chúng sinh ra có thể thay thế loài cha mẹ của chúng. Khi Bắc cực ấm lên và băng tan ra, một số nhà khoa học lo ngại rằng những loài từng sống biệt lập với nhau có thể gặp gỡ và giao phối với nhau thường xuyên hơn, qua đó tự gây tổn hại cho giống loài của cả hai.

Liệu narluga “đại diện cho một sự kiện cá biệt, hay báo hiệu cho sự gia tăng về lai giống khác loài – một hệ quả của sự biến đổi khí hậu”? Đó là câu hỏi của Sandra Talbot từ Trung tâm Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Và nếu là vế sau, liệu việc lai giống khác loài có mở ra con đường để kỳ lân biển cải thiện sự đa dạng di truyền vốn đang ở mức tương đối thấp của chúng không, hay ngược lại sẽ hủy diệt chúng?

Có thể bạn chưa biết, con người hiện đại vẫn mang gen của người Neanderthals, người Denisovans và những tổ tiên cổ đại khác. Nếu gấu trắng Bắc cực và kỳ lân biển bị gạt ra bên lề trong một thế giới của những con lai như pizzly hay narluga, chúng có thể chịu số phận tương tự như những giống người cổ đại.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/PGxnlD_dxbY?si=GBa8k2fp1dwBwdRM” title=”YouTube video player” width=”560″]

Nguồn: Ed Yong, “Narlugas Are Real” / The Atlantic.