[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Để có thể bay không lâu ngay sau khi nở ra từ trứng, cũng giống như chim, dực long hẳn phải có đôi cánh đã phát triển đầy đủ. Nghiên cứu trên các loài dực long cỡ nhỏ có niên đại từ Kỷ Jura cho thấy con non của chúng đã có đôi cánh tương đối lớn sau khi nở và chúng có thể đập cánh để bay chỉ trong vòng vài ngày sau đó. Nhưng điều này có hiệu quả ở những loài dực long sau này, vốn có kích thước lớn hơn nhiều? Trong Kỷ Phấn Trắng, dực long thường có sải cánh dài đến 5m, một số thậm chí dài đến 10-15m.
“Đây là một dự án khó. Chúng tôi cần những ví dụ về dực long có ít nhất một con non mới nở hoặc một mẫu vật rất trẻ cùng với các mẫu vật trưởng thành để nghiên cứu tốc độ sinh trưởng của chúng. Nhưng dực long non thật sự rất hiếm,” theo tiến sĩ Zixiao Yang, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Cork.
“May mắn là chúng tôi có thể sử dụng một số mẫu vật điển hình từ Kỷ Jura tại châu Âu và Kỷ Phấn Trắng tại Bắc Mỹ, bên cạnh các khám phá mới từ Trung Quốc,” giáo sư Baoyu Jiang của Đại học Nam Kinh nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo lường kích thước của hộp sọ, đôi cánh và chi sau để tìm sự khác biệt liên quan đến tương quan sinh trưởng (allometry) – sự thay đổi về kích thước của các đặc điểm trên cơ thể – ở các loài dực long.
Để giống loài có thể đạt kích thước khổng lồ, dực long cha mẹ phải dành thời gian chăm sóc con non lâu hơn. Tranh của James Robins. |
“Chúng ta đều đã quen thuộc với khái niệm tương quan sinh trưởng ở các em bé người, chó con và mèo con – đầu, mắt và đầu gối của chúng khi sinh ra đã rất lớn, trong khi phần còn lại của cơ thể sinh trưởng nhanh hơn để đạt đến tỷ lệ của cá thể đã trưởng thành,” tiến sĩ Yang giải thích. “Điều tương tự cũng đúng với nhiều loài động vật, trong đó có khủng long và dực long. Con non có khuôn mặt dễ thương, với mũi ngắn, mắt và đầu to.”
Kết quả đo lường và phân tích cho thấy, dực long vào Kỷ Jura đã có đôi cánh lớn từ khi nở ra, đi kèm với chi trước và chi sau đủ mạnh để dực long non có thể bay ngay sau khi chào đời. Khi chúng trưởng thành, chi trước và chi sau có tương quan sinh trưởng âm so với cơ thể, đồng nghĩa với việc chúng đã lớn ngay từ khi con vật nở ra, đồng thời sinh trưởng chậm hơn phần còn lại.
Thế nhưng, những loài dực long khổng lồ Kỷ Phấn Trắng có vẻ ngược lại. Các xương chi quan trọng cho thấy tương quan sinh trưởng dương trong suốt quá trình lớn lên, cho thấy một mô hình phát triển rất khác. Điều này có nghĩa là chúng đã từ bỏ việc chăm sóc con non sơ sài để có thể theo đuổi kích thước khổng lồ khi trưởng thành.
Việc chăm sóc con non sơ sài hoàn toàn hợp lý trong lịch sử tiến hóa sớm của các loài bò sát cổ đại này bởi điều đó giúp chúng tiết kiệm năng lượng. Nhưng để trở nên to lớn thì những loài dực long khổng lồ gặp phải một vấn đề – chúng cần thời gian dài hơn nhiều để trưởng thành và do đó, dực long cha mẹ cần bảo vệ con non khỏi những tai họa. Con non của mọi loài dực long dù nhỏ bé hay khổng lồ thì cũng đều có kích thước nhỏ bởi giới hạn của kích thước trứng. Việc đầu tư vào chăm sóc con non bằng cách đẻ ra những con non chưa thể bay được là sự đánh đổi trên phương diện tiến hóa bằng cách cởi bỏ những giới hạn để trở nên khổng lồ.
“Chúng ta cũng thấy điều tương tự ở chim và động vật có vú ngày nay,” tiến sĩ Yang nói. “Một số loài chim biết bay từ khi còn trẻ, và đương nhiên một số động vật có vú như gia súc hoặc linh dương có thể tự đứng lên ngay từ lúc mới sinh.”
“Nhưng kiểu hành vi này rất rủi ro cho con non bởi chúng thường vụng về và là mục tiêu dễ xơi cho những kẻ săn mồi; con mẹ cũng sẽ phải chịu rủi ro bởi con non phải có cánh hoặc chân đã phát triển đầy đủ ngay từ lúc sinh ra. Vì thế, chúng ta thấy điều tương tự ở các loài dực long đã tuyệt chủng. Chúng bị hạn chế về kích thước cơ thể tối đa cho đến cuối Kỷ Jura, thời điểm mà hành vi chăm sóc non của chúng thay đổi, và từ đó chúng có thể đạt được kích thước khổng lồ.”
Nguồn: Large-Bodied Pterosaurs Were Caring Parents, Paleontologists Say / Sci.News.