[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Chỉ mới được định danh vào năm 2014, nhưng Dreadnoughtus đã nhanh chóng trở thành một cái tên nổi bật, liên tiếp xuất hiện trong “bom tấn” điện ảnh Jurassic World Dominion và “siêu phẩm” phim tài liệu cổ sinh Prehistoric Planet. Tại sao Dreadnoughtus lại được ưu ái và quan tâm đến vậy?
PHÁT HIỆN PHI THƯỜNG
Vào thập niên 2000, tại vùng đất Patagonia, một khu vực địa lý rộng lớn bao trùm gần như toàn bộ phần phía Nam của đại lục Nam Mỹ, các nhà cổ sinh vật học vẫn đang miệt mài đào bới để tìm kiếm những giống loài khủng long mới. Patagonia được ví như mỏ vàng của ngành cổ sinh, bởi tại đây người ta đã phát hiện ra rất nhiều hóa thạch khủng long, bắt đầu từ cuối thế XIX cho đến tận ngày nay. Trong số đó có những mẫu vật được bảo quản cực kỳ tốt, thuộc về những chi khủng long nổi bật như Carnotaurus, Argentinosaurus hay Giganotosaurus.
Trong số những nhà cổ sinh vật học làm việc tại Patagonia khi đó, có nhà cổ sinh vật học người Mỹ Kenneth Lacovara. Vào năm 2005, tại Hệ tầng Cerro Fortaleza thuộc tỉnh Santa Cruz, Kenneth đã đào được hóa thạch của hai cá thể thuộc một loài khủng long có kích thước cực kỳ lớn, và không chỉ lớn, một trong hai bộ xương mà Kenneth khai quật được còn có độ nguyên vẹn rất cao. Kích thước lớn của hai bộ xương cộng với tính chất xa xôi hẻo lánh của địa điểm khai quật khiến cho đội ngũ của Kenneth phải dành đến bốn mùa hẻ tiếp theo mới có thể khai quật hoàn toàn hai bộ xương này. Họ cũng tốn rất nhiều công sức để hoàn thành việc bọc thạch cao và đưa các hóa thạch lên xe tải.
Kenneth Lacovara tại nơi tìm thấy hóa thạch của Dreadnoughtus. |
Số hóa thạch này được vận chuyển đến cảng biển rồi đưa lên tàu vận tải hạng nặng để đến Philadelphia, Mỹ, nơi nó được tiếp nhận bởi đội ngũ nghiên cứu của Đại học Drexel và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie. Việc mô tả và nghiên cứu hóa thạch của con khủng long này được hoàn thành vào năm 2014 bởi nhóm các nhà cổ sinh vật học do Kenneth Lacovara đứng tên chính, trong đó xác định đây là một loài khủng long cổ dài khổng lồ mà thế giới chưa từng biết đến.
DANH PHÁP “CHIẾN HẠM KHÔNG SỢ HÃI”
Khi cả nhóm họp lại để đặt danh pháp cho loài khủng long mới, Kenneth nói rằng: “Tôi nghĩ đã đến lúc những con khủng long ăn thực vật được tôn vinh xứng đáng vì đã trở thành những sinh vật mạnh mẽ nhất trong hệ sinh thái.” Để làm điều đó, Kenneth Lacovara đã mượn tên của một loại tàu chiến nổi tiếng của thế kỷ XX, tàu chiến dreadnought, để đặt tên cho loài khủng long này và do đó, chúng ta có danh pháp chi Dreadnoughtus. Dreadnought là những con tàu chiến đáng sợ, sở hữu kích thước khổng lồ, trang bị những khẩu pháo khổng lồ và sự xuất hiện của chúng đã làm thay đổi cục diện của các cuộc chiến trên biển đầu thế kỷ XX.
Dreadnoughtus còn có nghĩa là “không sợ gì”, ám chỉ kích thước khổng lồ khiến cho những con khủng long trưởng thành trở nên những sinh vật bất khả xâm phạm trong tự nhiên, khi không con khủng long ăn thịt nào có thể đánh bại được chúng. Ngoài ra thì đó cũng là cách mà họ vinh danh hai con tàu chiến dreadnought của Argentina từng phục vụ đất nước trong nửa đầu thế kỷ XX, Rivadavia và Moreno. Cũng vì thế mà tôi còn gọi vui Dreadnoughtus là “chiến hạm không chìm” bởi chiến hạm ở trên mặt đất thì làm sao mà chìm được? Ngoài ra thì họ cũng dùng tên loài để vinh danh doanh nhân người Mỹ Adam Schran, người đã tài trợ cho cuộc khai quật và do đó, chúng ta có danh pháp hai phần đầy đủ là Dreadnoughtus schrani.
CUỘC TRANH LUẬN VỀ KÍCH THƯỚC
Mẫu định danh của Dreadnoughtus, ký số MPM-PV 1156, là một bộ xương có độ hoàn chỉnh cao với phần thiếu hụt lớn nhất thuộc về cổ của con vật. Ngoài ra thì một số phần còn thiếu được bổ sung bởi một mẫu vật còn lại có ký số là MPM-PV 3546. Nhìn chung, kết hợp hai mẫu vật này, chúng ta đã gần có được một bộ xương Dreadnoughtus hoàn chỉnh, chỉ thiếu nhiều nhất là các đốt sống cổ, nhưng điều này có thể được khắc phục bằng việc tham khảo từ những loài khủng long khác có quan hệ gần gũi. Nếu chỉ tính số loại xương có trong cơ thể, độ hoàn chỉnh của các mẫu vật Dreadnoughtus có thể lên đến hơn 70%, là một trong những mẫu vật sauropod khổng lồ nguyên vẹn nhất từ trước đến giờ. Để so sánh, độ hoàn chỉnh của Argentinosaurus, chi khủng long được cho là lớn nhất từng được ghi nhận chỉ có 9,2%. Một mẫu vật nguyên vẹn hiếm có như thế này có thể đóng vai trò là một cuốn sách tham khảo cho những nghiên cứu về các loài có quan hệ họ hàng nên cũng dễ hiểu vì sao, giới cổ sinh và những người yêu thích khủng long lại quan tâm đến Dreadnoughtus và làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về kích thước của con khủng long.
Hai mẫu vật Dreadnoughtus schrani, trong đó mẫu định danh có độ hoàn chỉnh rất cao trong số các hóa thạch sauropod khổng lồ. |
Các nhà nghiên cứu mô tả Dreadnoughtus sử dụng công thức của Campione và Evans vào năm 2012, trong đó ước tính khối lượng của một động vật đi bằng bốn chân dựa trên xương cánh tay và xương đùi. Dựa vào công thức này, họ kết luận mẫu định danh của Dreadnoughtus có khối lượng 59.3 tấn, bằng 8 lần rưỡi một con voi đực châu Phi và thậm chí còn nặng hơn cả máy bay Boeing 737-900 vài tấn. Tuy nhiên, ước tính này nhanh chóng nhận phải nhiều phản bác. Nhà nghiên cứu chuyên về khủng long cổ dài Matt Wedel, dựa trên các số liệu đã được công bố, đưa ra ước tính về khối lượng của Dreadnoughtus là từ 30-40 tấn. Một nhà nghiên cứu khác là Gregory S. Paul thậm chí còn đưa ra ước tính thấp hơn là 26 tấn.
Đến năm 2015, một nhóm nghiên cứu khác do nhà cổ sinh vật học Karl Bates đứng đầu cho rằng, các phương pháp ước tính trước sử dụng các công thức quá đơn giản và thay vào đó, họ sử dụng mô hình kỹ thuật số trong đó tính đến các yếu tố như mô mềm hoặc các “khoảng trống” trong cơ thể con khủng long để dành cho hệ hô hấp, đồng thời so sánh với nhiều loài khác tương tự để cho ra kết quả ước tính là 22,1 đến 38,2 tấn cho mẫu định danh. Lacovara không đồng ý với con số này và cho rằng nhóm của Karl Bates đã phớt lờ những phương pháp ước tính khối lượng đã được chứng minh về độ chính xác trên các sinh vật còn tồn tại, và nếu Dreadnoughtus thật sự nhẹ như vậy thì xương chi sau to lớn của nó sẽ không còn cần thiết. Từ đó đến nay đã có thêm một số ước tính khác được đưa ra, với độ chênh lệch khác nhau và mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng tranh luận thì luôn tốt cho khoa học.
Tương quan kích thước giữa Dreadnoughtus schrani và người trưởng thành. |
Dù là cân nặng bao nhiêu đi nữa thì về cơ bản, Dreadnoughtus vẫn là một con sauropod khổng lồ với chiều dài lên đến 26m. Tuy nhiên, phần cổ và đầu đã chiếm gần nửa chiều dài cơ thể, tức 12,2m trong đó riêng cổ đã là 11,3m. Phần đuôi của Dreadnoughtus cũng khá dài, khoảng 8,7m. Không chỉ vậy, các phân tích mô học cho thấy, cá thể mẫu định danh của Dreadnoughtus chưa hoàn toàn trưởng thành khi nó quá đời. Điều đó có nghĩa là nó vẫn có thể đạt kích thước lớn hơn trong vài năm nữa.
CỔ SINH THÁI HỌC VÀ PHÂN LOẠI
Mức độ bảo quản tuyệt vời của hai mẫu vật Dreadnoughtus cũng khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi về tình huống mà chúng đã trở thành hóa thạch. Dựa trên các lớp trầm tích tại khu vực khai quật, nhóm nghiên cứu của Lacovara cho rằng hai con khủng long đã bị chôn vùi một cách nhanh chóng trong một sự kiện sạt lở hoặc một dòng chảy dịch chuyển bất ngờ. Tuy nhiên, do không được chôn vùi hoàn toàn, nên những phần lộ ra có thể đã bị những con khủng long ăn xác thối xử lý, nên người ta cũng tìm thấy nhiều răng khủng long ăn thịt nhỏ tại khu vực này, nhiều khả năng là răng của Orkoraptor, một chi megaraptor sống cùng khu vực và cùng thời với Dreadnoughtus.
Ngoài Orkoraptor, được tìm thấy cùng hệ tầng và có thể đã từng sống cạnh Dreadnoughtus còn có một loài khủng long hộ pháp khổng lồ khác là Puertasaurus, một loài theropod cỡ trung khác còn được hiểu biết rất ít là Austrocheirus và khủng long chân chim Talenkauen. Bên cạnh đó còn có hóa thạch của rùa và cá sấu cũng được tìm thấy trong những lớp đá của hệ tầng này.
Vị trí của Dreadnoughtus trong nhóm Titanosauria. |
Về mặt phân loại, Dreadnoughtus ban đầu được Lacovara cùng các cộng sự xếp vào nhóm khủng long hộ pháp, Titanosauria, một nhóm khủng long sở hữu nhiều cái tên khổng lồ nhất trong số các loài sauropod từng tồn tại, nghĩa là Dreadnoughtus có quan hệ họ hàng khá gần với Argentinosaurus. Tuy được đánh giá là có mức độ tiến hóa cao hơn các loài Titanosauria gốc như Argentinosaurus hay Futalognkosaurus, nhưng Lacovara không xếp Dreadnoughtus vào nhóm Lithostrotia, một nhóm Titanosauria tiến hóa hơn sau này. Mặc dù vậy thì đến năm 2016 Lacovara lại nhận thấy Dreadnoughtus sở hữu nhiều đặc điểm của các khủng long thuộc nhóm Lithostrotia, chẳng hạn như Aeolosaurus và Gondwanatitan, do đó nó hoàn toàn có thể nằm trong nhóm Lithostrotia và trong tương lai, theo Lacovara đề nghị, các nhà nghiên cứu nên khảo sát thêm mối quan hệ giữa Dreadnoughtus, Aeolosaurus và Gondwanatitan để làm rõ thêm điều này.
Ngoài ra, có lẽ còn một chi tiết mà có nhiều bạn rất muốn hỏi đó là những cái túi tròn có thể phồng lên xẹp xuống ở cổ của Dreadnoughtus trong loạt phim tài liệu Hành tinh thời tiền sử có thật hay không. Tuy rất ấn tượng, rất đẹp nhưng rất tiếc phải nói rằng những chi tiết này mang tính suy đoán hơn là sự thật. Những cấu trúc này, nếu có, thuộc về mô mềm và mô mềm rất khó được bảo quản qua quá trình hóa thạch. Nhưng chúng ta đa biết về sự hiện diện ở các túi khí trong xương của khủng long nhằm giảm nhẹ khối lượng xương và tăng cường khả năng hô hấp, và việc chúng hiện diện ở những khu vực khác trên cơ thể, phục vụ cho những mục đích như trang trí, tạo âm thanh hay đe dọa đối thủ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
***
Vâng, dù là một loài khủng long còn rất mới mẻ với khoa học nhưng điều tuyệt vời là hóa thạch có độ nguyên vẹn cao của Dreadnoughtus đã khiến chúng ta hiểu được nhiều khía cạnh của con khủng long này cũng như đóng góp vào hiểu biết chung về các loài khủng long cổ dài, nhất là nhóm khủng long hộ pháp Titanosauria. Rất có thể trong tương lai, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của Dreadnoughtus nhiều hơn nữa và điều đó rất đáng để mong đợi.