[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Phát hiện mới góp phần chứng minh sự đa dạng của khủng long từng sống tại vùng đất ngày nay là Morocco vào cuối Kỷ Phấn Trắng.
Minqaria bata là một loài khủng long mới xác định thuộc họ khủng long mỏ vịt Hadrosauridae, phân họ Lambeosaurinae. Hóa thạch gồm các mảnh xương sọ không nguyên vẹn được tìm thấy tại bồn địa Ouled Abdoun, Morocco. Chúng có niên đại Phấn Trắng muộn, tức khoảng 68-66 triệu năm trước.
Phục dựng ngoại hình của Minqaria bata. |
Minqaria có kích thước trung bình, chỉ dài khoảng 3,5m, gần tương đương với người họ hàng sống gần như cùng thời là Ajnabia. Do các mảnh xương sọ của mẫu định danh có dấu hiệu đã hợp nhất nên các nhà cổ sinh vật học cho rằng cá thể này đã hoàn toàn trưởng thành.
Danh pháp hai phần của con khủng long này được lấy hoàn toàn từ tiếng Ả Rập (ngôn ngữ chính thức của Morocco), trong đó tên chi Minqaria có nghĩa là “mỏ sừng” còn bata có nghĩa là “vịt”.
Điều đặc biệt là hóa thạch của Minqaria, cũng như một số loài khủng long khác, lại được phát hiện trong môi trường trầm tích đại dương, nơi hóa thạch của các động vật biển như cá, cá mập, thương long và bò sát biển khác chiếm ưu thế. Ngoài hai chi Hadrosauridae là Minqaria và Ajnabia, người ta còn tìm thấy hóa thạch của loài Abelisauridae cỡ lớn Chenanisaurus barbaricus cùng ít nhất hai loài Abelisauridae khác có kích cỡ nhỏ hơn, cũng như một loài khủng long hộ pháp Titanosauria chưa định danh. Sự xuất hiện của hóa thạch khủng long trong môi trường trầm tích đại dương có thể do những nguyên nhân như thủy triều đã đưa xác của khủng long trên bờ biển ra xa, hoặc những dòng sông đã đưa chúng ra biển.
Phục dựng hệ sinh thái cuối Kỷ Phấn Trắng của bồn địa Ouled Abdoun. |
Sự hiện diện tương đối đa dạng của các loài khủng long Morocco với niên đại sát với sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng – Cổ Cận có thể là bằng chứng cho thấy, khủng long phi điểu không hề đang trên đà suy tàn trước vụ va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub. Ngược lại, chúng có thể đang sinh sôi và trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Chỉ có điều dữ liệu hóa thạch của khủng long ở phía Nam còn rất hạn chế để có thể mang lại cái nhìn tổng quan hơn cho các nhà cổ sinh vật học.