[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Liệu khủng long có chăm sóc con non của chúng giống như những loài chim hậu duệ của chúng? Một phát hiện cách đây 45 năm đã giúp các nhà cổ sinh vật học giải mã được bí ẩn về hành vi này ở khủng long.

Mẹ con khủng long Maiasaura. Tranh của Ganesh Rao.

Như các bạn đã biết trong một bài viết lần trước nói về danh pháp khoa học của khủng long, nhiều tên chi khủng long thường là sự kết hợp giữa một từ nào đó với –saurus, có nghĩa là thằn lằn trong tiếng Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, có một dạng hiếm gặp hơn, đó là -saura, vốn là biến thể giống cái của saurus. Không có nhiều chi khủng long có thành tố -saura trong tên của chúng, và thường phải có một lý do đặc biệt nào đó họ mới sử dụng thành tố này thay cho -saurus.

Vào năm 1978, một cư dân sống tại thị trấn Bynum ở Montana tên là Lauri Trexler đã tình cờ phát hiện ra một cái tổ khủng long hóa thạch, gồm có trứng, khủng long còn trong trứng và khủng long nhỏ. Lúc này, họ chưa biết đó là loài khủng long gì. Đến năm 1979, Trexler lại tiếp tục phát hiện ra hóa thạch hộp sọ của một con khủng long trong cùng khu vực. Những phát hiện này đã khiến các nhà cổ sinh vật học dành sự chú ý đặc biệt cho nơi này, và dẫn đến nhiều phát hiện khác tương tự. Hóa thạch trứng và khủng long con ở đây nhiều đến nỗi, người ta gọi ngọn núi nơi phát hiện ra các hóa thạch là Núi Trứng. Tính tổng cộng, đã có trên 200 mẫu vật có niên đại khoảng 76,7 triệu năm thuộc đủ mọi lứa tuổi của cùng một loài khủng long được tìm thấy. Hóa ra, nơi đây có thể đã từng là bãi ấp của hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn cặp khủng long bố mẹ thời tiền sử.

Phục dựng một ổ trứng khủng long từ những hóa thạch phát hiện tại Bynum, Montana.

Trước khi có những phát hiện này, chúng ta đã biết khủng long đẻ trứng sau khi khám phá ra tổ trứng đầu tiên của khủng long vào năm 1923. Chúng cũng có thể đã ấp trứng bằng thân nhiệt hoặc bằng nhiệt tỏa ra từ lá cây thối rữa. Nhưng còn sau khi những quả trứng nở thì sao? Khủng long bố mẹ sẽ buông bỏ để những đứa con tự sinh tồn, hay sẽ chăm sóc chúng trong một khoảng thời gian nào đó để chúng đủ cứng cáp trước những thách thức của tự nhiên? Đó là một câu hỏi đã khiến các nhà cổ sinh vật học đau đầu trong nhiều thập niên, cho đến khi họ tìm thấy bãi ấp trứng ở Bynum, bang Montana.

Trước hết, có thể khẳng định rằng với số lượng cá thể và trứng hóa thạch được tìm thấy với mật độ cao như vậy tại cùng một địa điểm, chúng ta có thể khẳng định rằng, loài khủng long được tìm thấy tại Bai-nầm có lối sống tụ tập thành đàn. Đến mùa sinh sản, chúng sẽ làm tổ gần nhau, với khoảng cách giữa những cái tổ chỉ khoảng 7 mét. Đây là khoảng cách ngắn hơn chiều dài của những con trưởng thành. Những cái tổ được làm từ đất và chứa từ 30 đến 40 trứng mỗi tổ, được sắp thành nhiều vòng tròn từ nhỏ đến lớn hoặc theo hình xoắn ốc. Những quả trứng này có kích cỡ tương đương với trứng của đà điểu ngày nay.

Điều thú vị là, các nhà cổ sinh vật học nhận thấy chân của những con non đã nở ra khỏi trứng chưa phát triển hoàn toàn và do đó, năng lực di chuyển của chúng có thể bị hạn chế hoặc thậm chí chưa tự di chuyển được. Tuy nhiên, răng của chúng lại bị mài mòn phần nào, cho thấy hẳn là chúng đã ăn lá cây ngay tại tổ. Do đó, những con khủng long cha mẹ rất có thể đã đi tìm thức ăn và mang về tổ để nuôi đàn con mới nở.

Một điều thú vị khác mà các nhà cổ sinh vật học phát hiện ở những con non của loài khủng long này đó là chúng có tỷ lệ khuôn mặt rất khác so với khủng long trưởng thành. Chúng có đôi mắt to hơn và mõm ngắn hơn. Một số nhà khoa học cho rằng đây là những đặc điểm gắn liền với sự dễ thương ở con non, thường chỉ thấy ở những loài động vật mà con non phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ trong những giai đoạn đầu đời.

Hóa thạch khủng long Maiasaura trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Brussels, Bỉ.

Với những bằng chứng như vậy, cũng là những bằng chứng đầu tiên thuộc dạng này được tìm thấy ở khủng long, các nhà cổ sinh vật học kết luận rằng, loài khủng long ở Bynum, bang Montana có hành vi chăm sóc con non rõ ràng trong giai đoạn đầu đời. Chính vì thế, khi đặt tên cho chi khủng long mới trong nghiên cứu năm 1979, các nhà cổ sinh vật học gồm Jack Horner và Robert Makela đã quyết định lấy tên của Nữ thần Hy Lạp Maia để đặt cho chi khủng long này, bởi tên của bà cũng có nghĩa là Mẹ Hiền. Họ còn dùng thành tố giống cái -saura thay cho -saurus để nhấn mạnh đặc điểm nói trên. Do đó, chúng ta có danh pháp chi là Maiasaura, còn danh pháp loài là peeblesorum, theo họ của những người chủ đất nơi phát hiện ra hóa thạch. Chúng được xếp vào họ khủng long mỏ vịt Hadrosauridae, với đặc trưng ngoại hình là cái mỏ phẳng, mũi to và dày. Dưới bốn tuổi, chúng đi chủ yếu bằng hai chi sau, tuy nhiên, khi lớn hơn và nặng nề hơn, chúng bắt đầu chuyển sang đi chủ yếu bằng cả bốn chân.

Dù là một giống khủng long có kích thước khổng lồ và biết chăm sóc con non, cuộc sống vẫn đầy thử thách đối với những con khủng long Maiasaura. Dựa trên nghiên cứu thống kê, các nhà cổ sinh vật nhận thấy dù nhận được sự chăm sóc tận tâm của khủng long cha mẹ, nhưng tỷ lệ tử vong của khủng long con Maiasaura peeblesorum vẫn rất cao, lên đến gần 90% trong năm đầu tiên, nghĩa là cứ 10 con khủng long nở ra, chỉ có 1 con sống sót qua một tuổi. Nếu sống được qua năm thứ hai, tỷ lệ tử vong của chúng sẽ giảm xuống 12,7%. Chúng sẽ trưởng thành hoàn toàn trong vòng sáu năm nữa. Lúc này, chúng có thể đạt đến chiều dài 9 mét và nặng khoảng 4 tấn.

Tranh vẽ một đàn Maiasaura đang trên đường di chuyển. Tranh của Debivort / Wikipedia.

Những nguyên nhân gây nên tình trạng này đương nhiên là có sự săn đuổi của chi khủng long ăn thịt Daspletosaurus, những tổ tiên của khủng long bạo chúa, hay sự rình rập của những chi khủng long săn mồi nhỏ hơn chuyên bắt khủng long nhỏ như Bambiraptor. Ngoài ra, các nhà cổ sinh vật học phát hiện, trong khẩu phần ăn của những con Maiasaura này còn có cả gỗ mục. Đó có thể là kết quả của một đợt hạn hán kéo dài, khiến thực vật khô héo và nguồn thức ăn giảm mạnh, khiến cho một loạt cá thể của đàn Maiasaura này bị tử vong cùng một thời điểm.

Về sau, từ Maiasaura, chúng ta còn phát hiện thêm các bằng chứng khác nữa về việc chăm sóc con non ở khủng long. Tuy hình dung chắc chắn 100% thì không thể, nhưng mường tượng được phần nào đời sống và hành vi của chúng thì có thể. Mặt khác, ở một số loài khủng long, việc thiếu vắng những bằng chứng chăm sóc con non chưa hẳn là dấu hiệu cho thấy chúng không chăm sóc con non mà có thể ngược lại. Chẳng hạn như ở khủng long bạo chúa, rất hiếm khi người ta phát hiện hóa thạch của khủng long bạo chúa ở độ tuổi nhỏ. Điều đó có ý nghĩa gì? Phải chăng khủng long bạo chúa chăm con tốt đến nỗi, có rất ít khủng long bạo chúa con tử vong khi còn nhỏ?

Hy vọng rằng trong tương lai, các nhà cổ sinh vật học sẽ tiếp tục tìm thấy những bằng chứng mới để giúp chúng ta hiểu hơn về hành vi chăm con ở khủng long.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/fBk-iFDvF1o?si=js-DK8UPE1b-5dHq” title=”YouTube video player” width=”560″]