[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dilophosaurus là chi khủng long độc đáo đến từ Kỷ Jura, từng xuất hiện vài lần trong vai trò đặc biệt của thương hiệu Jurassic Park/Jurassic World. 

Nói đến những bộ phim về khủng long từng được công chiếu, khỏi cần kể cũng biết Jurassic Park (1993) là cái tên đứng đầu trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Ngay cả những bộ phim khủng long sau này, kể cả những phần hậu truyện của chính Jurassic Park cũng chưa chắc đã vượt qua được cái bóng quá lớn của bộ phim này. Những loài khủng long xuất hiện trong phim cũng để lại dấu ấn cực kỳ đậm nét, chẳng hạn như T. rex hay Velociraptor, bất kể những phàn nàn như sự thiếu chính xác về mặt khoa học khi bộ phim khắc họa những con khủng long đáng sợ này.

Dilophosaurus từng xuất hiện trong Jurassic Park lẫn Jurassic World.

Trong số tất cả khủng long đã từng xuất hiện trong phim, Dilophosaurus có một vị trí đặc biệt. Dù không có nhiều thời lượng xuất hiện, Dilophosaurus vẫn luôn để lại ấn tượng đậm nét và thường đóng vai nhân vật trừng trị những kẻ phản diện, chẳng hạn như Dennis Nedry hay ông chủ của Biosyn, Lewis Dodgson. Khả năng phun độc làm tê liệt con mồi và xòe mang đe dọa của Dilophosaurus trong phim cũng hết sức ấn tượng. Vậy thì Dilophosaurus trong thực tế là loài khủng long như thế nào? Có giống như trên phim hay không? Ngày hôm nay, mời các bạn cùng tìm hiểu về Dilophosaurus, một trong những con khủng long độc đáo của Kỷ Jura, vốn từng được người da đỏ Navajo ở Mỹ tôn thờ và sợ hãi như một quái vật huyền bí.

DILOPHOSAURUS ĐƯỢC KHÁM PHÁ NHƯ THẾ NÀO?

Dilophosaurus là một chi khủng long theropod ăn thịt có niên đại khoảng 186 triệu năm trước, tức vào Thế Jura sớm và sống ở vùng đất là Bắc Mỹ ngày nay. Mẫu vật đầu tiên của chi khủng long này được khám phá vào năm 1942 tại khu vực phía Bắc bang Arizona bởi nhà cổ sinh vật học Charles Lewis Camp, khi đó đang làm việc cho Đại học Bang California. Sở dĩ Charles có mặt tại đây là bởi, ông đã nghe được một tin đồn trong cộng đồng người da đỏ Navajo địa phương về xác của những con quái vật bị giết và giam cầm trong đá nhưng vì oán khí ngút trời của chúng mà xác của chúng không thể bị tiêu tan theo thời gian. Khi nghe tin đồn này, Charles đã ngờ ngợ cho rằng đó là hóa thạch và quyết định tự mình đi kiểm chứng.

Người Navajo vốn biết những cái xác đó nằm ở đâu, nhưng họ tin rằng bóng ma của những quái vật này vẫn đang ẩn náu bên trong những cái xác, và bất kỳ sự đụng chạm nào cũng có thể mở phong ấn khiến chúng thoát ra. Bên cạnh những cái xác, người Navajo còn từng phát hiện ra những dấu chân bí ẩn trên đá, được họ gọi là Naasho’illbahitsho Biikee, có nghĩa là “dấu chân thằn lằn khổng lồ”. Cũng như những cái xác, người Navajo cũng giữ sự tôn kính và thực hiện thờ cúng đối với những dấu chân này.

Phục dựng mẫu định danh trong tư thế ban đầu.

Khi Charles Lewis Camp đến, ông được một người Navajo bản địa tên là Jesse Williams cho biết đã từng tìm thấy một số xác quái vật huyền bí như vậy tại một khu vực được gọi là Hệ tầng Kayenta, gần Thành phố Tuba thuộc Xứ Navajo, một lãnh thổ bán tự trị của người da đỏ Navajo ở Mỹ. Charles nhờ Jesse dẫn mình đến đó và khi đến nơi, Charles kinh ngạc khi phát hiện nhiều bộ xương khủng long trong đá phiến, sắp xếp thành một hình tam giác với một cạnh dài đến hơn 9m. Chỉ nghe thôi là đã thấy tín hiệu của zũ trụ rồi.

Sau quá trình xem xét cẩn thận, Charles Lewis Camp nhận thấy có tổng cộng ba bộ xương. Bộ xương thứ nhất có tình trạng bảo quản tốt nhất, gần như hoàn chỉnh, chỉ thiếu phần trước của hộp sọ, một phần xương chậu và một số đốt sống. Bộ xương thứ hai thì bị xói mòn khá nhiều, còn lịa phần trước hộp sọ, hàm dưới, một số đốt sống, xương chi và xương bàn tay. Bộ xương thứ ba là bị xói mòn tệ nhất, chỉ còn vài đốt sống. Sau 10 ngày làm việc thì Charles cùng đội ngũ của mình đã hoàn thành khai quật hai bộ xương đầu tiên, bọc chúng trong thạch cao và đưa lên xe tải để chở về nơi nghiên cứu. Bộ xương thì ba thì gần như hư hỏng hoàn toàn.

ĐỊNH DANH VÀ Ý NGHĨA CÁI TÊN DILOPHOSAURUS

Quá trình xử lý các mẫu vật kéo dài hai năm. Thật may là một số phần bị thiếu của bộ xương thứ nhất như hộp sọ có thể được bổ sung bằng bộ xương thứ hai, trong khi đó xương chậu và bàn chân thì họ dựa vào bộ xương của Allosaurus. Dù vậy thì đến năm 1954, nhà cổ sinh vật học Samuel Paul Welles mới hoàn thành nghiên cứu mô tả sơ bộ loài khủng long này và định danh nó như một loài mới thuộc chi Megalosaurus, với tên loài là wetherilli, theo tên của John Wetherill, một thành viên của hội đồng chính quyền xứ Navajo được xem là bạn của các nhà khoa học. Sở dĩ Samuel đặt loài mới vào chi Megalosaurus bởi sự tương đồng về tỷ lệ chi giữa chúng với nhau, đồng thời ông cũng không chỉ ra được khác biệt nào đáng kể giữa chúng. Lúc đó, cũng như Troodon, Megalosaurus cũng được các nhà cổ sinh vật học sử dụng như một “danh pháp thùng rác”, tạm dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “wastebasket taxon”, nghĩa là một danh pháp nơi người ta sẽ ném những loài khó xác định vào đó, bất kể niên đại hay địa điểm.

Cái tên Dilophosaurus nhấn mạnh đặc điểm là cặp mào phía trên hộp sọ của con khủng long.

Đến năm 1964, Samuel Paul Welles quay trở lại thành phố Tuba để tìm cách định tuổi Hệ tầng Kayenta và bất ngờ phát hiện một bộ xương khác nằm cách các bộ xương đầu tiên chỉ khoảng 400m. Đó thậm chí còn là một mẫu vật hoàn chỉnh hơn các mẫu vật trước đó và thuộc về một cá thể trưởng thành, lớn hơn 1/3 so với mẫu định danh. Điều quan trọng là, ở mẫu vật này Samuel còn phát hiện sự hiện diện của những phiến xương mỏng nằm phía trên hộp sọ, giống như hai cái mào. Khi xem xét lại các mẫu vật đầu tiên, Samuel nhận ra chúng thật sự cũng có mào, nhưng đã bị nghiền nát đến mức không thể nhận ra đó là mào nữa. Cũng từ đó Samuel nhận ra loài khủng long ăn thịt Bắc Mỹ này và Megalosaurus bucklandi không thể cùng một chi với nhau và cần phải được định danh lại. Vậy là vào năm 1970, ông đã đặt ranh danh pháp Dilophosaurus, mang ý nghĩa thằn lằn hai mào, đồng thời giữ nguyên tên loài wetherilli và do đó chúng ta có danh pháp hai phần của loài khủng long này là Dilophosaurus wetherilli.

Mặc dù đã được khám phá hơn 80 năm và được các nhà cổ sinh vật học cho là một con khủng long tuyệt vời, nhưng cho đến nay hiểu biết khoa học về Dilophosaurus vẫn còn rất hạn chế. Một vấn đề lớn cản trở các nhà cổ sinh vật học chính là những nghiên cứu đầu tiên về các mẫu vật không nói rõ,  đâu là phần nguyên bản và đâu là phần được phục dựng, dẫn đến những sự thiếu chính xác trong nghiên cứu về giải phẫu học. Một nhà cổ sinh vật học tên là Adam Marsh đã dành đến 7 năm để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng dựa trên một số mẫu vật mới được khám phá sau này.

MÔ TẢ DILOPHOSAURUS

Ngày nay, chúng ta biết rằng Dilophosaurus, dù nếu đặt trên bàn cân với những con khủng long ăn thịt khác có niên đại muộn hơn nó chỉ như một bé tiểu học so với những học sinh cấp 3, thì vào thời của mình nó vẫn là một trong những con khủng long ăn thịt lớn nhất, cũng như là kẻ săn mồi lớn nhất Bắc Mỹ vào Thế Jura sớm. Mẫu vật lớn nhất có cân nặng ước tính khoảng 400kg, dài khoảng 7m và hộp sọ có chiều dài khoảng 59cm, có thể coi là một chiếc hộp sọ lớn so với chiều dài cơ thể của nó.

Điểm nổi bật nhất của Dilophosaurus, cũng là đặc điểm đã làm nên tên gọi “khủng long hai mào” của nó chính là cặp mào khá cao, mỏng nằm dọc phía trên hộp sọ, được hình thành từ phần mở rộng của xương mũi và xương tuyến lệ. Samuel Paul Welles nhận thấy cặp mào của Dilophosaurus có vẻ khá giống mào của đà điểu cassowary, trong khi Adam Marsh và đồng nghiệp tin rằng chúng từng được bao phủ bằng một lớp keratin đã tiêu biến trong quá trình hóa thạch, giống như mào của chim trĩ sao. Do đó, những chiếc mào này thậm chí có thể còn lớn hơn khi con vật còn sống so với hóa thạch. Ngoài ra, những chiếc mào này có thể có sự khác biệt giữa các giai đoạn trưởng thành khác nhau của con khủng long, dù các nhà cổ sinh vật học không dám chắc chắn. Bên trong mào cũng có thể có những khoang khí.

Dilophosaurus săn mồi.

Cũng như một số đặc điểm gây tranh cãi ở những con khủng long khác, chiếc mào của Dilophosaurus được dùng để làm gì vẫn khiến các nhà cổ sinh vật học tranh luận không ngừng. Các giả thuyết được thảo luận nhiều nhất bao gồm điều hòa nhiệt độ, để nhận diện loài, để trang trí hay thu hút bạn tình trong mùa sinh sản. Giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất trong thời gian gần đây đó là chiếc mào này có vai trò hỗ trợ trong việc thu hút và lựa chọn bạn tình, và những khoang khí có thể có công dụng hỗ trợ làm chiếc mào nổi bật hơn.

Là một con khủng long ăn thịt, người ta cũng rất chú ý đến những khía cạnh hỗ trợ khả năng săn mồi trên bộ xương của Dilophosaurus. Chúng sở hữu hàm răng sắc nhọn với khoảng 12 chiếc cho mỗi bên xương hàm trên và 17 chiếc cho mỗi bên xương hàm dưới, cộng lại là khoảng 58 chiếc. Những chiếc răng này khá dài, mảnh và cong nhẹ về phía sau, phần gốc tương đối nhỏ. Răng xương hàm dưới nhỏ hơn so với xương hàm trên. Trên răng có khoảng 31 đến 41 răng cưa ở cạnh trước và từ 29 đến 33 ở cạnh sau, giúp chúng cắn xé thịt dễ dàng hơn. Trong mỗi hốc răng lại có những chiếc răng thay thế, giúp đảm bảo hàm răng của chúng ở trong tình trạng tốt nhất để săn mồi.

Welles từng cho rằng Dilophosaurus không phải con khủng long có lực cắn quá mạnh do giữa xương trước hàm trên và xương hàm trên có một khoảng hở nhỏ và do đó, nhiều người nghĩ nó ăn xác thối là chính thay vì tự mình săn mồi. Nhưng đến năm 1986 thì một nghiên cứu của Robert Bakker lại khẳng định rằng, Dilophosaurus với cái cổ và hộp sọ lớn, răng khỏe hoàn toàn đủ sức săn được những con mồi lớn, thậm chí là bất kỳ loài ăn thực vật nào sống cùng thời. Một số nhà cổ sinh vật học khác thì tin rằng, Dilophosaurus phù hợp với việc săn những con mồi nhỏ, thậm chí có thể ăn cá. Những nghiên cứu gần đây hơn thì lại phát hiện ra, hộp sọ của Dilophosaurus không hề yếu như người ta từng nghĩ, ngoài ra còn có những vết răng của Dilophosaurus trên xương của khủng long dạng chân thằn lằn như Sarahsaurus. Dù không thể phủ nhận đây có thể là kết quả của việc ăn xác thối nhưng những dấu vết này lại  cho thấy, hàm của Dilophosaurus đủ mạnh để cắn xuyên tới xương. Những khám phá mới về hô hấp ở Dilophosaurus cũng là bằng chứng về tốc độ trao đổi chất mạnh mẽ ở con khủng long này, cho thấy nó là một động vật nhanh nhẹn và linh hoạt. Chúng cũng có thể dùng đôi tay khá lớn của mình để giữ chặt và gây thương tích cho con mồi bằng móng vuốt. Vì thế, các nhà nghiên cứu tin Dilophosaurus từng là kẻ săn mồi đầu bảng trong hệ sinh thái của nó hơn là một loài ăn xác thối như trước đây.

Cùng hệ tầng với Dilophosaurus còn có một số theropod ăn thịt khác, chẳng hạn như Megapnosaurus hay Kayentavenator, nhưng chúng không thể đạt đến kích cỡ của Dilophosaurus. Trong khi đó, thức ăn của Dilophosaurus có thể bao gồm khủng long dạng chân thằn lằn như Sarahsaurus hay khủng long mang giáp cỡ nhỏ Scutellosaurus, bên cạnh các nhóm động vật khác.

DILOPHOSAURUS THỰC TẾ VÀ TRÊN PHIM

Vậy thì Dilophosaurus trên phim khác với Dilophosaurus thực tế như thế nào? Trong phim, chúng ta có thể thấy những con Dilophosaurus có kích thước nhỏ hơn nhiều so với kích thước ước tính của mẫu vật lớn nhất, vốn có thể so sánh với kích thước của một con gấu nâu Bắc Mỹ trưởng thành. Dù vậy thì một số nguồn thông tin cho rằng, Dilophosaurus trên phim là những cá thể còn non và chưa trưởng thành hoàn toàn.

Dilophosaurus trên phim được “nâng cấp” với khả năng phun độc và xòe diềm để dọa đối thủ.

Tuy nhiên, hai chi tiết khả năng phun độc và xòe diềm để đe dọa con mồi thì lại là chế cháo của tác giả tiểu thuyết Michael Crichton và đoàn làm phim. Tác giả Michael Crichton cho con vật khả năng phun độc để giải thích khả năng săn mồi của Dilophosaurus so với lực hàm được cho là yếu của chúng. Còn chiếc diềm xòe lầy cảm hứng từ thằn lằn diềm hiện đại Chlamydosaurus, với mục đích để người xem không bị nhầm lẫn giửa Dilophosaurus Velociraptor.

Dù vậy thì những chế cháo này lại quá ấn tượng và in sâu vào lòng khán giả hơn là hình ảnh của Dilophosaurus trên thực tế. Bản thân các nhà cổ sinh vật học như Samuel Paul Welles dù vẫn chỉ ra những điểm khác thực tế của Dilophosaurus trên phim, nhưng cho rằng đó chỉ là những chi tiết và đã giúp Dilophosaurus được mọi người nhớ đến nhiều hơn, điều đó khiến ông hạnh phúc.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/gBiF4zp-nwQ?si=JiEnxKK6jkmKkzdi” title=”YouTube video player” width=”560″]