[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Hơn 54 năm về trước (vào ngày 25/2/1969 tại Mỹ), nhà cổ sinh vật học John Ostrom đã công bố nghiên cứu mô tả và đặt tên cho một loài khủng long theropod mới thuộc họ Dromaeosauridae, Deinonychus antirrhopus

Deinonychus antirrhopus sống tại vùng đất ngày nay là Bắc Mỹ cách đây khoảng 115-108 triệu năm về trước, và sở dĩ nó được đặt cái tên này (Deinonychus có nghĩa là “móng vuốt kinh khủng”) là vì nó sở hữu một cái móng vuốt sát thủ có kích thước rất lớn ở bàn chân, cong như lưỡi liềm, có thể dài đến 12cm. Người ta cho rằng cái móng vuốt này có tác dụng dùng để tấn công, cào cấu con mồi hoặc ghìm giữ chúng trên mặt đất để không cho chúng chạy thoát.

Deinonychus antirrhopus là một loài khủng long có vai trò quan trọng đối với ngành cổ sinh vật học. Tranh của Fred Wierum / Wikipedia.

Dù không có kích thước khổng lồ, nhưng khủng long Deinonychus vẫn là những tay săn mồi siêu hạng nhờ cơ thể phù hợp với tốc độ, sự linh hoạt. Các nhà cổ sinh vật học từng tìm thấy răng của Deinonychus trong hóa thạch của Tenontosaurus, một loài khủng long ăn thực vật có kích thước gấp đôi so với Deinonychus, cho thấy có thể Deinonychus không ngán ngại những con mồi to hơn mình và thậm chí có thể là loài săn mồi theo bầy (tất nhiên cũng không loại trừ trường hợp Deinonychus chỉ xơi xác của con khủng long kia).

Deinonychus antirrhopus còn được gọi là loài khủng long đã khởi đầu cho “thời kỳ phục hưng” trong nghiên cứu về khủng long bởi nghiên cứu của John Ostrom về loài khủng long này vào cuối thập niên 1960 đã cách mạng hóa lối suy nghĩ của các nhà khoa học về khủng long, khơi mào cho những tranh luận về việc khủng long là loài “máu nóng” hay “máu lạnh”. Trước đó, quan niệm phổ biến cho rằng khủng long là những loài bò sát khổng lồ, chậm chạp. Ostrom cho rằng cơ thể gọn gàng, tư thế đứng thẳng, xương sống giống như các loài chim chạy và đặc biệt là “móng vuốt sát thủ” giống một số loài chim săn mồi cho thấy khủng long Deinonychus và những họ hàng của nó là những kẻ săn mồi hết sức năng động, nhanh nhẹn.

Nhưng chuyện về Deinonychus thì không chỉ gói gọn trong khoa học.

Vai trò của Velociraptor trong Jurassic Park lẽ ra phải là của Deinonychus.

Deinonychus lẽ ra đã nổi tiếng hơn rất nhiều, được người ta biết đến hơn rất nhiều, nhưng cuối cùng, định mệnh đã chọn một cái tên khác: Velociraptor. Số là, khi viết các tiểu thuyết Jurassic ParkThe Lost World, nhà văn Michael Crichton muốn đưa vào đó một loài khủng long săn mồi cỡ nhỏ nhanh nhẹn, nguy hiểm để tăng thêm kịch tính. Ông đã gặp gỡ John Ostrom nhiều lần để xin ý kiến và ban đầu chọn Deinonychus cho vai trò này. Crichton cùng Ostrom đã thảo luận nhiều chi tiết về hành vi cũng như ngoại hình của Deinonychus. Nhưng đến lúc quyết định, Crichton đã chọn cái tên Velociraptor thay cho Deinonychus vì cảm thấy Velociraptor nghe “hay” hơn. Tuy nhiên, hầu hết mọi chi tiết của Velociraptor trong phim lại dựa trên Deinonychus (ngoại trừ kích thước, kích thước của Velociraptor trong phim lớn hơn kích thước thực tế của cả DeinonychusVelociraptor, nhưng Deinonychus lớn hơn Velociraptor nhiều)! Thứ duy nhất thay đổi chỉ là cái tên của loài khủng long. Và ngay cả khi lên phim, đó vẫn là Deinonychus nhưng dưới cái tên của Velociraptor. Thậm chí, Velociraptor còn không phải một loài khủng long được tìm thấy tại Bắc Mỹ (mà ở Mông Cổ).

Tất nhiên, đó là lựa chọn của tác giả nhưng thật sự thì Deinonychus, theo tôi, không hề là một cái tên “ít hay” hơn Velociraptor. Hy vọng rằng trong tương lai, showbiz sẽ có chỗ dành cho loài khủng long đáng sợ và có vai trò quan trọng trong lịch sử cổ sinh vật học này.