[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Nếu bạn từng quan sát nhiều hóa thạch hộp sọ của khủng long, bạn sẽ thấy chúng có nhiều chi tiết trang trí bằng xương khác nhau, từ những chiếc sừng của Triceratops, những chiếc mào giống kiểu tóc mohawk của khủng long mỏ vịt cho tới những cái bướu và u nhỏ bao phủ đầu của khủng long bạo chúa.

Nhưng các nhà cổ sinh vật học đang ngày càng tìm thấy nhiều bằng chứng rằng khủng long còn sở hữu những hình thức trang trí trên đầu khác không được bảo quản dưới dạng hóa thạch – những cấu trúc được làm tử keratin, một thành phần quen thuộc trong móng tay và tóc người. Những cấu trúc này có thể được sử dụng như một cách để ra hiệu hoặc thông báo cho nhau giữa các cá thể trong cùng một loài.

Phục dựng đầu của khủng long Platytholus clemensi. Ảnh: Jack Horner.

Mới đây, các nhà khoa học đã hoàn thành việc nghiên cứu và mô tả một loài khủng long mới thuộc nhóm Pachycephalosauria (hậu đầu long) có niên đại khoảng 68 triệu năm. Cũng giống các loài Pachycephalosauria khác, loài khủng long mới này – được đặt danh pháp Platytholus clemensi – sở hữu hộp sọ hình vòm tròn như quả bóng và rất dày. Hóa thạch được khai quật vào năm 2011 từ Hệ tầng Hell Creek ở bang Montana.

Dựa trên kết quả chụp cắt lớp và phân tích hiển vi trên các lát cắt dọc của hộp sọ, các nhà cổ sinh vật học Mark Goodwin thuộc Đại học California Berkeley và John “Jack” Horner thuộc Đại học Chapman (Quận Cam, California) đã kết luận rằng chiếc hộp sọ này rất có thể từng mang một lớp sợi cứng làm bằng keratin, giống như một chiếc bàn chải.

Một lát cắt hộp sọ hóa thạch của Platytholus clemensi. Ảnh: Jack Horner.

“Chúng tôi không biết chính xác hình dạng của thứ bao phủ vòm hộp sọ, nhưng nó có cấu trúc thẳng đứng mà chúng tôi cho là được bao phủ bởi keratin,” Goodwin nói. Nhà cổ sinh vật học này còn cho rằng điều đó “hợp lý về mặt sinh học”, bởi “động vật thay đổi hoặc sử dụng các đặc điểm nhất định, đặc biệt là trên hộp sọ, cho nhiều chức năng khác nhau – có thể là để trang trí hoặc tương tác xã hội, tương tác sinh học cần đến sự giao tiếp bằng ngoại hình.”

Bằng chứng của những cấu trúc thẳng đứng mọc trên đầu của con khủng long là dấu vết của những mạch máu nằm trong hộp sọ, kết thúc một cách đột ngột ở bề mặt của vòm hộp sọ. Trong trường hợp phía trên là một lớp vỏ keratin giống như ở Triceraptops, những mạch máu này sẽ lan rộng ra khắp mọi hướng thay vì kết thúc theo kiểu vuông góc như vậy. Do đó, rất có thể những mạch máu này được sử dụng để nuôi dưỡng những sợi cứng có cấu tạo từ keratin. Keratin cũng là một thành phần quan trọng của tóc người, do đó cấu trúc này cũng có thể coi là “mái tóc” của khủng long Platytholus clemensi.

Dấu vết của các mạch máu nằm theo chiều gần như vuông góc với vòm hộp sọ của Platytholus clemensi. Ảnh: Jack Horner.

Trên thực tế, có lẽ không chỉ Platytholus clemensi sở hữu đặc điểm này. Những chi khủng long Pachycephalosauria khác như Pachycephalosaurus hay Sphaerotholus cũng có những mạch máu được sắp xếp theo kiểu tương tự. Dù vậy, keratin thường không hóa thạch, nên chúng ta không thể biết chính xác hình dạng và màu sắc của “mái tóc” của khủng long Pachycephalosauria.

Goodwin lưu ý thêm hình dạng vòm đầu của khủng long Pachycephalosauria thay đổi qua quá trình trưởng thành của con vật, càng trưởng thành thì cái đầu của chúng càng trở nên nổi bật và được trang trí phức tạp. Điều này chứng tỏ những cấu trúc sợi cứng từ keratin có thể góp phần vào việc thu hút lẫn nhau trong mùa giao phối, chẳng hạn như giúp con đực gây ấn tượng với con cái – lại là một đặc điểm khác cũng khá giống với mái tóc ở người. “Mái tóc” của khủng long có thể có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ, thậm chí thay đổi màu sắc theo mùa.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/Kb9bGumIaT0″ title=”YouTube video player” width=”560″]

Nguồn: Robert Sanders, “Newly described species of dome-headed dinosaur may have sported bristly headgear” / Phys.