[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Khi một chi/loài khủng long bị tạo hóa “troll” cho đến tuyệt chủng…
Europasaurus là một chi sauropod sống vào Thế Jura muộn (khoảng 154 triệu năm trước) ở nơi ngày nay là miền Bắc nước Đức. Chúng được xem là một ví dụ điển hình của “hiệu ứng đảo” (hay còn gọi là Quy tắc Foster, trong tiếng Anh là “insular dwarfism”), khi chúng đã tiến hóa theo hướng nhỏ dần đi do bị cách ly với các quần thể khủng long sauropod khác trên một hòn đảo.
Phục dựng ngoại hình của khủng long Europasaurus. Tranh của Andrey Atuchin. |
Một trong những nguyên nhân khả dĩ dẫn đến hiện tượng này là quá trình chọn lọc trong đó một quần thể động vật bị mắc kẹt trên một hòn đảo (hay một khu vực bị cô lập nào đó như hang động, ốc đảo, thung lũng biệt lập), nơi mà nguồn thức ăn bị hạn chế trong phạm vi của hòn đảo (hoặc khu vực bị cô lập). Lúc ấy, chỉ những cá thể nhỏ mới có thể sống sót vì chúng cần ít thức ăn và không gian sinh sống hơn. Những cá thể to lớn cần nhiều tài nguyên hơn để sinh tồn sẽ dần dần biến mất. Dần dần, quần thể này sẽ hình thành một loài mới tách biệt so với loài cũ.
Các nhà khoa học cho rằng tổ tiên của chi Europasaurus đã nhanh chóng nhỏ đi về kích thước cơ thể sau khi bắt đầu sống trên một hòn đảo từng tồn tại vào thời điểm đó (nguyên nhân có thể là do biến động về địa chất), có diện tích ước tính chỉ khoảng 200.000 km vuông, vốn không đủ lớn để cung cấp tài nguyên duy trì một quần thể khủng long sauropod khổng lồ.
Dựa trên các hóa thạch được tìm thấy, người ta ước tính khủng long Europasaurus chỉ có chiều dài khi trưởng thành đạt 6,2 mét. Trong khi đó, một chi họ hàng khá gần của nó cũng sống vào thế Jura muộn là Giraffatitan có thể đạt chiều dài lên đến 25-26 mét. Ngoài Europasaurus, người ta còn tìm thấy hóa thạch của nhiều loài khủng long khác trong cùng khu vực, và chúng cũng chịu tác động của “hiệu ứng đảo” không khác gì Europasaurus, kể cả các loài ăn thịt. Nhờ đó, Europasaurus cùng các loài ăn cỏ đều có thể “yên tâm” nhỏ đi mà không sợ trở thành mồi ngon cho những kẻ săn mồi.
Thế nhưng, bỗng một ngày mọi thứ thay đổi. Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy những dấu chân khủng long nằm cao hơn 5 mét phía trên lớp trầm tích chứa hóa thạch của Europasaurus, cho thấy ít nhất 35.000 năm sau sự xuất hiện của Europasaurus, mực nước biển đã hạ xuống tạo điều kiện cho sự thay đổi về quần thể. Những cây cầu cạn tự nhiên hình thành, giúp các loài săn mồi khổng lồ trên đất liền có thể thoải mái tiếp cận địa bàn của Europasaurus. Trong khi những loài theropod ăn thịt sống cùng đảo với Europasaurus có chiều dài chỉ khoảng 4 mét, thì những loài theropod mới đến có chiều dài lên tới 8 mét. Với kích thước này, chúng có thể dễ dàng “làm thịt” Europasaurus cùng các loài khủng long chịu “hiệu ứng đảo” khác mà không gặp nhiều khó khăn. Kết quả là Europasaurus cùng những hàng xóm “lùn” của mình đã tuyệt chủng không lâu sau đó.
Tạo hóa thật là trớ trêu!