[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Đối với chúng ta, nhiều loài khủng long là những sinh vật có hình thù kỳ lạ. Chúng có thể sở hữu những bộ phận mà ngày nay rất hiếm thấy ở những sinh vật còn tồn tại, và công dụng của chúng là gì cho đến nay vẫn còn chưa được hiểu rõ. Chiếc đuôi chuỳ của Ankylosaurus cùng những người họ hàng trong họ giáp long đuôi chuỳ của nó là một ví dụ điển hình.

Ở các loài giáp long đuôi chuỳ, ở cuối đằng đuôi của chúng sẽ có một khối xương, có thể rất to và nặng. Cấu trúc này lần đầu tiên được phát hiện trên hóa thạch chi điển hình của họ giáp long đuôi chuỳ, Ankylosaurus vào năm 1906. Về sau, nó trở thành điểm nhận dạng có tính đặc trưng của họ giáp long đuôi chuỳ, khác với một họ giáp long khác là giáp long xương kết không có đuôi chuỳ. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về công dụng của những chiếc đuôi chuỳ này từ các nhà cổ sinh vật học.

Chức năng của chiếc đuôi trên các loài giáp long đuôi chùy (ankylosaur) vẫn là một bí ẩn đối với các nhà cổ sinh vật học. Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Ontario.

Nếu bạn là người yêu thích những trận chiến nảy lửa giữa khủng long ăn thịt và khủng long ăn cỏ, có thể bạn sẽ hình dung rằng đó là một thứ vũ khí dùng để chống lại kẻ săn mồi. Nhưng đó có thật sự là những gì đã xảy ra vào thời tiền sử hay không?

Cách đây 75 triệu năm về trước, tại vùng đất là Bắc Mỹ ngày nay, từng có một loài giáp long đuôi chùy sinh sống mà ngày nay, nó được các nhà khoa học gọi bằng cái tên Zuul crurivastator. Tên của loài khủng long này khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Zuul, kẻ hủy diệt ống đồng”. Tên chi Zuul là tên riêng thuộc về một nhân vật khá nổi tiếng trong loạt phim Biệt đội săn ma của Mỹ. Trong khi đó, tên loài crurivastator là cụm từ trong tiếng Latin, dịch ra có nghĩa là “kẻ hủy diệt ống đồng”. Các nhà cổ sinh vật học trước đây cho rằng, đuôi chuỳ của Zuul crurivastator được sử dụng để chống lại các loài khủng long săn mồi, và với độ cao như vậy, nếu quẹt ngang, nó có thể đánh trúng ống đồng của những con khủng long ăn thịt như Gorgosaurus. Đó chính là nguồn gốc cái tên “kẻ hủy diệt ống đồng” của loài khủng long này.

Hóa thạch của Zuul crurivastator được phát hiện vào năm 2014 khi các nhà cổ sinh vật học đang khai quật hóa thạch của một loài khủng long khác gần Havre, Montana. Tuy nhiên, họ lại bất ngờ phát hiện một cái đuôi chuỳ có kích thước khá lớn, và sau đó là cả một bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con khủng long, với tư thế ngửa bụng. Ban đầu, họ xác định đây là hóa thạch của một con khủng long thuộc chi Euoplocephalus, nhưng những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn sau đó đã xác định đây là một loài mới, và những người mô tả nó gồm Arbour và Evans đã quyết định đặt cho nó cái tên Zuul crurivastator. Nhờ tình trạng bảo quản tốt, mẫu vật Zuul crurivastator được xem là một hóa thạch kiểu xác ướp, bởi có khá nhiều mô mềm cũng được hóa thạch theo, ngoài ra các vảy xương và xương nhỏ cũng giữ nguyên vị trí của chúng như 75 triệu năm trước mà không hề bị sai lệch.

Chính vì thế, các nhà cổ sinh vật học cũng có thể đưa ra nhiều ước tính chính xác về kích thước và cân nặng của con khủng long này. Theo đó, nó dài đến 6 mét với cân nặng khoảng 2,5 tấn. Để tiện so sánh, chi khủng long ăn thịt sống cùng thời và cùng địa bàn với nó, Gorgosaurus, có chiều dài từ 8 đến 9 mét và nặng khoảng 2 đến 3 tấn. Có thể nói, chúng là những đối thủ tương đối cân tài cân sức. Tuy có phần nhỏ hơn Gorgosaurus, nhưng Zuul crurivastator được phòng thủ bởi một lớp vảy xương cực kỳ chắc chắn không chỉ trên phần lưng mà còn trên đầu cho tới tận mũi. Hộp sọ của loài khủng long còn khác biệt với những loài giáp long đuôi chuỳ khác ở bốn cái sừng, mỗi bên hai cái, một ở trên mắt, một ở dưới mắt. Ngoài ra, đuôi của nó cũng sở hữu những vảy xương có bề ngoài đáng sợ hình tam giác mọc đối xứng hai bên, một yếu tố hoàn toàn có thể gia tăng thêm sát thương cho những cú quật đuôi sang hai phía, với góc chuyển động có thể lên tới 100 độ. Ngoài ra, cái đuôi của các loài giáp long đuôi chuỳ cũng có thể di chuyển theo phương thẳng đứng, nhưng với góc hạn chế hơn.

Hóa thạch hộp sọ của khủng long Zuul crurivastator. Ảnh: New Atlas.

Ở cuối cái đuôi, đương nhiên là một cái chuỳ lớn, thực chất được tạo thành từ một cặp vảy xương cỡ lớn đặc biệt, trong đó vảy xương bên trái dài hơn kha khá so với bên phải. Cái chuỳ này có chiều dài khoảng 52,5cm, chiều rộng khoảng 36,8cm và có độ dày khoảng 8cm, nói chung là to gần bằng một chiếc lò vi sóng cỡ nhỏ. Đây là một trong những cái chuỳ đuôi lớn nhất trong họ giáp long đuôi chuỳ, qua đó càng cho thấy Zuul crurivastator là một đối thủ mạnh mẽ như thế nào nếu các loài khủng long ăn thịt phải đối mặt với nó.

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cho đến tận ngày nay vẫn chưa tìm thấy một bằng chứng cụ thể nào về một trận chiến diễn ra giữa các loài giáp long đuôi chuỳ và khủng long ăn thịt. Đã từng có một số trường hợp nghi ngờ, chẳng hạn như những vết nứt trên xương của khủng long bạo chúa, nhưng sự bào mòn của thời gian làm cho việc chẩn đoán nguyên nhân thật sự của những vết nứt đó trở nên khó khăn hơn nhiều. Hiện tại, chúng ta vẫn chỉ có thể phỏng đoán rằng những chiếc đuôi chuỳ như của Zuul crurivastator có lẽ đã được sử dụng để phòng thủ trước khủng long ăn thịt. Nếu không, chúng cần thứ vũ khí đáng sợ này để làm gì?

Điều bất ngờ là, gần đây, trong một nghiên cứu, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một công dụng cụ thể của chiếc đuôi chuỳ trên khủng long Zuul crurivastator. Cũng là vũ khí, nhưng không phải để chống lại khủng long ăn thịt mà là để giao chiến với đồng loại.

Cụ thể, trên mẫu vật Zuul crurivastator, các nhà cổ sinh vật học phát hiện nó có năm chiếc gai bị gãy ở bên sườn. Các phân tích thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy các chiếc gai bị hư hại nằm gần nhau ở những khu vực cụ thể trên thân con khủng long và không phải do khủng long ăn thịt gây ra. Nếu là tác phẩm của khủng long ăn thịt, chúng sẽ phân bố ngẫu nhiên, đồng thời đi kèm với vết cắn, vết cào. Thay vào đó, những hư hại nói trên khớp với việc bị đập bằng vật nặng hơn, và vật nặng đó, rất có thể là chuỳ đuôi của một con Zuul crurivastator khác.

Hình đồ họa mô phỏng cảnh hai con khủng long ankylosaur chiến đấu với nhau bằng đuôi chùy. Ảnh: Sky News.

Cần biết rằng, đuôi chuỳ và nhiều vảy xương của các loài giáp long không có sẵn từ lúc chúng còn nhỏ, mà chỉ xuất hiện khi chúng trưởng thành và đạt đến độ tuổi sinh sản. Điều đó cho thấy đuôi chuỳ là một dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt sinh dục, và rất có thể gắn liền với những nghi thức giao phối như sự cạnh tranh giữa các con đực. Vì thế, nhiều khả năng những con đực sẽ dùng đuôi chuỳ để giao đấu với nhau nhằm giành quyền tiếp cận một con cái. Quy luật sinh trưởng tương tự cũng diễn ra ở vũ khí của một số loài động vật hiện đại như sừng hươu.

Tất nhiên, các nhà cổ sinh vật học vẫn không loại trừ khả năng cái đuôi chuỳ của Zuul crurivastator đã được sử dụng để làm vỡ ống đồng của những con khủng long ăn thịt trong một vài trường hợp nhất định. Vũ khí thì vẫn luôn là vũ khí và một sinh vật sinh tồn thành công luôn biết sử dụng vũ khí trong những trường hợp cần thiết. Như thường lệ, chúng ta hãy cùng hy vọng vào những bằng chứng mới từ các nhà cổ sinh vật học để có thể khẳng định điều này.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/vi4-Wk8jKqc” title=”YouTube video player” width=”560″]