[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Hầu hết các nhà sinh vật học đều có thể trả lời chắc như đinh đóng cột khi được hỏi “con gà hay quả trứng có trước”, nhưng câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc vào loại trứng mà bạn đang nói tới.

Có thể bạn đã từng nghe câu đố “xưa như Trái đất”: “Con gà hay quả trứng có trước?” Hiểu theo nghĩa bóng, câu đố này là sự chiêm nghiệm về tính vô ích của việc xác định nguồn gốc của một chu kỳ tự duy trì (self-perpetuating cycle). Còn nếu hiểu theo nghĩa đen thì đây là một câu hỏi rất hay dành cho các nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu quá trình tiến hóa.

Hầu hết các nhà sinh vật học sẽ không do dự mà khẳng định rằng, trứng có trước. Ở cấp độ cơ bản nhất thì trứng chỉ đơn giản là tế bào sinh dục của giống cái. Tuy nhiên, trứng có vỏ cứng và có thể được đẻ trên cạn (còn gọi là trứng có màng ối) lại là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong quá trình tiến hóa của các động vật có xương sống.

Đáp án cho câu hỏi “con gà hay quả trứng có trước” phụ thuộc vào việc bạn đang nói đến loại trứng gì.

“Quả trứng là một bước hết sức quan trọng trong quá trình tiến hóa của động vật có xương sống, vì nó giúp động vật có màng ối có thể ngày càng rời xa hơn khỏi nước,” Koen Stein, một nhà cổ sinh vật học tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ nói với Live Science. Trước sự xuất hiện của trứng vỏ cứng chứa noãn hoàng giàu dinh dưỡng, động vật có xương sống phải phụ thuộ vào môi trường nước để sinh sản. Hầu hết các loài lưỡng cư vẫn đối mặt với hạn chế này – chúng phải giữ cho những quả trứng của chúng được ẩm ướt thì trứng mới sống sót được.

Người ta chưa tìm thấy sự xuất hiện của chim trong dữ liệu hóa thạch trước giai đoạn Jura giữa – Jura muộn, tức khoảng 165-150 triệu năm trước. Nhưng trứng có thể đã xuất hiện từ rất lâu trước đó, khoảng 325 triệu năm. Điều này đồng nghĩa với việc trứng có trước con gà từ rất lâu. Chất liệu của vỏ trứng khi đó có thể mềm dẻo và giống da, tương tự trứng của bò sát và thú mỏ vịt ngày nay.

Có rất nhiều động vật có xương sống trên cạn đẻ trứng có màng ối trong các Kỷ Than Đá, Kỷ Permi và Kỷ Tam Điệp, nhưng nổi tiếng nhất trong số các động vật này chính là khủng long. Stein đã nghiên cứu một số vỏ trứng khủng long cổ nhất từng được tìm thấy, có niên đại vào đầu kỷ Jura, khoảng 200 triệu năm trước. Những quả trứng này có vỏ ngoài cực kỳ mỏng, chỉ khoảng 100 micromet. “Đó là độ dày tương đương với tóc người,” Stein nói. Tuy nhiên, dựa trên cấu trúc của chúng, những quả trứng khủng long đầu tiên có lẽ có vỏ cứng như sứ thay vì mềm như vỏ chuối, khiến chúng trở thành ví dụ cổ nhất về một quả trứng như chúng ta vẫn biết ngày nay.

Độ mỏng có thể giải thích tại sao các nhà nghiên cứu lại khó tìm được những ví dụ cổ hơn của vỏ trứng. Khi vỏ trứng gặp phải lớp đất màu mỡ, giàu acid, nó sẽ tan rã dần dần. “Có lẽ đất đã khiến một lớp calci mỏng như vậy không thể bảo quản được,” Stein phân tích. Một giả thuyết khác là trứng khủng long đầu tiên có vỏ mềm, và do đó không được bảo quản nhiều trong hóa thạch, theo một nghiên cứu đăng trên tập san Nature vào năm 2020.

Do đó, trứng chắc chắn xuất hiện trước khủng long. Vậy là xong, đúng chứ? Chưa hẳn. Nếu chúng ta đang nói về quả trứng gà đầu tiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Gà nhà (Gallus gallus domesticus) dường như đã tiến hóa từ một phân loài gà rừng lông đỏ (Gallus gallus). Con người sống ở Đông Nam Á là những người đầu tiên thuần hóa những con chim này đâu đó trong khoảng 1650-1250 TCN, theo một nghiên cứu đăng trên tập san Proceedings of the National Academy of Sciences.

Ở một thời điểm nào đó trong quá trình thuần hóa, tổ tiên cuối cùng của gà nhà hiện đại đã đẻ ra quả trứng chứa một cái phôi có đủ sự khác biệt di truyền để không còn cùng một loài với cha mẹ của nó nữa. Cái phôi này sẽ lớn lên trong quả-trứng-không-phải-trứng-gà-nhà trước khi nở. Để rồi, khi trưởng thành, nó sẽ đẻ ra quả trứng gà nhà “chuẩn” đầu tiên. Nếu hiểu theo cách này, có thể nói gà có trước trứng gà.

Nhưng lịch sử tiến hóa không phải là một đường thẳng. Có những bằng chứng cho thấy gà đã giao phối với các phân loài gà rừng khác ngay cả sau khi đã trở thành phân loài khác biệt về mặt di truyền. Hơn nữa, quá trình thuần hóa gà dường như đã diễn ra một cách độc lập nhiều lần ở các vùng như Ấn Độ hay châu Đại dương trong hàng nghìn năm. Vì thế, quá khó để xác định đâu là loài gà nguyên bản nhất.

Dù vậy, bất kể gà hay trứng có trước thì các nhà sinh vật học cũng như triết gia cùng đồng ý với nhau một điều: Chúng đều rất ngon!

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/Usqf0dTUtyw?si=gmJAJtTSKmqndqPa” title=”YouTube video player” width=”560″]

Nguồn: Joanna Thompson, “Which came first: the chicken or the egg?” / Live Science.