[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Hình tượng “chú khủng long” Pisuke có lẽ đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều fan Doraemon, nhưng liệu bạn đã biết nhiều về plesiosaur, tức thằn lằn cổ rắn, nhóm động vật mà loài của Pisuke là một thành viên hay chưa?
Tập truyện dài Chú khủng long của Nobita đã đi vào lòng nhiều fan của Doraemon. |
1. Plesiosaur không phải khủng long
Pisuke, hay nói chung là plesiosaur, không phải khủng long. Tổ tiên của thằn lằn cổ rắn và khủng long đã phân nhánh vào khoảng 260 triệu năm trước. Plesiosaur (cùng với ichthyosaur, mosasaur) là những nhóm bò sát biển, trong khi đó hầu hết khủng long sống trên cạn. Họ hàng gần nhất còn sống ngày nay của thằn lằn cổ rắn chính là bộ rùa.
Bộ xương của một loài thằn lằn cổ rắn. Ảnh: New York Times. |
2. Pisuke là loài nào?
Trong truyện, Pisuke có nguyên mẫu là loài thằn lằn cổ rắn Futabasaurus suzukii (trước đó mang tên khác, danh pháp Futabasaurus suzukii chỉ được đặt vào năm 2006), được tìm thấy bởi một học sinh cấp 3 Nhật Bản tại Hệ tầng Tamayama ở Fukushima, Nhật Bản.
3. Plesiosaur có lên bờ không?
Cũng trong truyện, chúng ta thấy Pisuke có thời gian được Nobita nuôi trong nhà cũng như thường xuyên ra khỏi nước để chơi với Nobita và nhóm bạn của cậu. Các nhà cổ sinh vật học trước đây cũng cho rằng thằn lằn cổ rắn có thể bò lên bờ trong thời gian nhất định để đẻ trứng như rùa. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này đã dần dần bác bỏ hình dung trên, khi xác nhận xương chân chèo của plesiosaur rất thiếu tính linh hoạt để di chuyển trên cạn (nhưng cực kỳ phù hợp cho việc bơi). Do đó, rất có thể các sinh vật thuộc nhóm thằn lằn cổ rắn sẽ dành toàn bộ đời sống của chúng dưới nước.
Một bức tranh cũ vẽ cảnh plesiosaur lên bờ. Tranh của Maurice Wilson xuất bản năm 1958. |
4. Plesiosaur đẻ con thay vì đẻ trứng
Vậy còn chuyện đẻ trứng thì sao? Đó cũng không phải là vấn đề vì rất có thể, thằn lằn cổ rắn không đẻ trứng mà đẻ con! Trước đó, người ta phỏng đoán plesiosaur cũng đẻ trứng giống bò sát và cách đẻ trứng của chúng giống như rùa, là bò lên bờ biển để đào hố và đẻ trứng. Nhưng vào thập niên 1980, người ta đã tìm thấy một hóa thạch của loài thằn lằn cổ rắn Polycotylus latippinis, và đặc biệt hơn là họ đã tìm thấy hóa thạch của một bào thai duy nhất bên trong nó. Kết hợp với những nghiên cứu về chân chèo của thằn lằn cổ rắn, các nhà cổ sinh vật học kết luận gần như chắc chắn chúng đẻ con và sống hoàn toàn dưới nước chứ không lên bờ. Do đó, chi tiết Nobita tìm thấy quả trứng chứa Pisuke cũng là một chi tiết không đúng với thực tế do những kiến thức mà tác giả tiếp thu về thằn lằn cổ rắn ở thời điểm đó chưa chính xác.
5. Về cái cổ của plesiosaur
Cái cổ của thằn lằn cổ rắn không đủ linh hoạt giống như cổ của thiên nga để tạo thành những hình ảnh như chúng ta thấy trên hình. Chúng tiến hóa theo hướng dài ra để vươn tới con mồi, có thể bẻ ngang qua hai bên và ở một số loài có thể nâng lên hạ xuống theo chiều dọc một chút nhưng không thể linh hoạt như những gì các hình dung trước đây về plesiosaur đã khắc họa. Và vì thế, quái vật hồ Loch Ness (nếu có tồn tại) chắc chắn không thể là một con plesiosaur, vì plesiosaur không thể nâng cổ của mình lên cao khỏi mặt nước như vậy!
Quái vật hồ Loch Ness chắc chắn không phải một con plesiosaur với cái cổ như thế này! Ảnh: Britannica. |
***
Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận Chú khủng long của Nobita là một cuốn truyện hết sức tuyệt vời, là cái nắm tay đầu tiên dẫn những đứa trẻ chúng ta vào thế giới của khủng long. Những điều viết trên đây chỉ nhằm cập nhật chính xác kiến thức mà khoa học hiện nay biết về plesiosaur các bạn nhé!