[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Bạn có bao giờ thắc mắc liệu ở Việt Nam có khủng long và hóa thạch của chúng hay chưa?

Trong 5 phần trước của series Khủng long Châu Á, chúng ta đã đi vòng quanh các khu vực cũng như quốc gia nhiều khủng long ở châu Á như Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản… tuy nhiên, có thể có một điều các bạn chưa biết đó là, nhiều quốc gia tại châu Á gần như chưa tìm thấy hóa thạch của khủng long. Một trong số đó chính là Việt Nam. Việt Nam có thể nói là khá kém may mắn so với các nước Đông Nam Á đại lục, khi là nước Đông Nam Á đại lục duy nhất chưa tìm thấy hóa thạch khủng long. Thái Lan và Lào đã có hóa thạch khủng long rồi, đã xác định được loài rồi. Campuchia, Myanmar và Malaysia thì đã tìm thấy hóa thạch khủng long, chỉ có điều hóa thạch chưa đủ rõ ràng và chi tiết để xác định loài. Cùng chung tình trạng này với Việt Nam là các nước Đông Nam Á hải đảo như Indonesia, Philippines, Brunei…

Là người yêu thích khủng long, đương nhiên Dinoman cũng như các bạn theo dõi kênh đều mong muốn rằng một ngày nào đó Việt Nam tìm thấy hóa thạch khủng long để chứng minh sự tồn tại của khủng long trên lãnh thổ nước mình, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử của sự sống trên đất nước ta trong thời cổ đại. Tuy nhiên, cho đến nay thì mong muốn đó vẫn chưa thể hoàn thành được. Đã có nhiều lập luận được đưa ra nhằm lý giải tình trạng này, nhưng phần nhiều trong số đó không chính xác khiến cho chúng ta vẫn cứ mù mờ về việc tại sao Việt Nam chưa có hóa thạch khủng long.

Hiện nay, khi nói về khả năng có khủng long từng sinh sống cũng như hóa thạch khủng long tại Việt Nam, sẽ có 3 lập luận chủ yếu được đưa ra để bác bỏ khả năng này. Thứ nhất, Việt Nam không có hóa thạch khủng long vì lúc đó lãnh thổ Việt Nam chìm dưới biển, không hề có khủng long sinh sống. Thứ hai, Việt Nam khí hậu nóng ẩm, không thuận lợi cho việc tạo thành và bảo quản hóa thạch. Thứ ba, chiến tranh đã phá hủy toàn bộ hóa thạch của Việt Nam rồi. Ba lập luận này đúng sai đến đâu?

LẬP LUẬN #1:
VIỆT NAM KHÔNG CÓ HÓA THẠCH KHỦNG LONG VÌ LÚC ĐÓ LÃNH THỔ VIỆT NAM CHÌM DƯỚI BIỂN, KHÔNG HỀ CÓ KHỦNG LONG SINH SỐNG

Như quý vị và các bạn có thể đã biết khi tìm hiểu thông tin trong sách vở, trên mạng Internet hay trên chính kênh Mê Khủng Long TV, khủng long phi điểu gần như toàn bộ đều là động vật sống trên cạn, với một số ngoại lệ có thể là động vật bán thủy sinh. Do đó, khủng long không sống dưới biển. Chỉ có một số nhóm bò sát khác sống dưới biển thường bị nhầm là khủng long, chẳng hạn như ngư long, xà cảnh long hay còn gọi là thằn lằn cổ rắn, và thương long.

Và có một lập luận hết sức phổ biến cho rằng, vào thời khủng long sinh sống, lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn chìm dưới biển nên do đó, không thể có khủng long từng sinh sống trên vùng đất ngày nay là Việt Nam, nên không thể có hóa thạch khủng long tại nước ta. Những người đưa ra lập luận này thường dẫn chứng bằng việc tìm thấy hóa thạch sinh vật biển cổ đại tại nhiều địa điểm trong nước, chẳng hạn như hóa thạch sinh vật biển ở Tây Nguyên, hay hóa thạch sinh vật biển ở cao nguyên Đồng Văn.

Hóa thạch sinh vật biển cổ đại ở cao nguyên đá Đồng Văn.

Tuy nhiên, cần biết rằng thời đại khủng long theo những dữ liệu mới nhất bắt đầu cách đây khoảng 233 triệu năm và kết thúc vào thời điểm 66 triệu năm trước khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng Cổ cận xảy ra. Trong khi đó, rất nhiều mẫu hóa thạch sinh vật biển được tìm thấy tại Việt Nam có niên đại lớn hơn thế, chẳng hạn như mẫu san hô cổ có niên đại hơn 400 triệu năm này được tìm thấy tại Hệ tầng Kiến An. Hay hóa thạch bọ ba thùy được tìm thấy ở Hệ tầng Nà Mọ có niên đại 470 triệu năm. Một số mẫu hóa thạch khác có niên đại khoảng từ 150 đến 200 triệu năm, nghĩa là cách thời điểm kết thúc của thời đại khủng long khá xa. Trong khi đó, những biến động về địa chất trong khoảng thời gian tính bằng triệu năm có thể nói là tương đối thường xuyên, do đó một vùng là biển có thể trở thành đất liền sau vài triệu năm là chuyện bình thường, chứ chưa nói đến hàng chục triệu năm.

Mặt khác, như Dinoman đã nhiều lần đề cập, các nhà khoa học quốc tế đã tái hiện bản đồ địa chất cổ đại của Trái đất và đưa lên mạng Internet, để người dùng có thể truy cập và đối chiếu tình trạng nơi họ đang sống với các thời kỳ cổ đại. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách truy cập vào đường dẫn sau đây: https://dinosaurpictures.org/ancient-earth. Nếu xem xét hình ảnh Trái đất trong khoảng thời gian từ 230 triệu năm đến 66 triệu năm trước, có thể nhận thấy lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn này vẫn có nhiều phần là đất liền chứ không chỉ hoàn toàn là biển.

Nghiên cứu địa chất cổ đại cho thấy Việt Nam có nhiều trầm tích lục địa Kỷ Jura – Phấn Trắng, cho thấy những khu vực từng là đất liền vào thời đó.

Ngoài ra, tôi cũng tìm được một số thông tin khác, chẳng hạn như tấm bản đồ khủng long hông chim tại Đông Nam Á. Theo tấm bản đồ này, Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực có sự hiện diện của trầm tích Jura – Phấn Trắng. Điều khác biệt duy nhất là những nước như Thái Lan, Lào đã tìm thấy hóa thạch khủng long trong những lớp trầm tích này, trong khi đó Việt Nam thì chưa. Tuy nhiên, thông tin này cũng góp phần khẳng định thêm rằng Việt Nam không hoàn toàn chìm dưới biển trong thời đại khủng long.

Như vậy, xin được phép kết luận rằng lập luận số một không đúng.

Bản đồ khủng long hông chim ở Đông Nam Á, với màu cam là những khu vực có trầm tích phi đại dương niên đại Jura – Phấn Trắng.

LẬP LUẬN #2:
VIỆT NAM KHÍ HẬU NÓNG ẨM, KHÔNG THUẬN LỢI CHO
VIỆC TẠO THÀNH VÀ BẢO QUẢN HÓA THẠCH

Có khá nhiều điểm không ổn với lập luận này.

Thứ nhất, khí hậu ở thời điểm hiện nay và giai đoạn 233 triệu năm đến 66 triệu năm trước có thể rất khác nhau, thậm chí thay đổi nhiều lần. Mặt khác, trên cùng một đất nước có thể có nhiều vùng khí hậu khác nhau. Ví dụ như hiện tại, khí hậu ở Sa Pa hay Đà Lạt không giống với khí hậu ở Đồng Nai, nên dùng chung một điều kiện khí hậu nóng ẩm để kết luận cho số phận của toàn bộ hóa thạch trên lãnh thổ cả nước có lẽ là điều không hợp lý.

Thứ hai, các nước xung quanh Việt Nam khí hậu và thời tiết không quá khác biệt so với Việt Nam như Lào hay Thái Lan đều đã tìm thấy hóa thạch khủng long.

Thứ ba, dù chưa tìm thấy hóa thạch khủng long nhưng ở Việt Nam đã có hóa thạch của các sinh vật cổ từ hàng trăm triệu năm đến hàng chục triệu năm, chẳng hạn như hóa thạch rùa bánh xèo hay cá sấu Na Dương ở Lạng Sơn.

Hộp sọ cá sấu Maomingosuchus acutirostris được tìm thấy ở Na Dương, Lạng Sơn.

Thứ tư, điều kiện quan trọng nhất để hình thành hóa thạch chính là làm sao để xác của sinh vật chậm phân hủy nhất có thể. Thông thường, xác của sinh vật sẽ bị chôn vùi trong một môi trường nghèo oxy, làm giảm hoạt động của vi sinh vật cũng như ngăn các sinh vật ăn xác thối tiếp cận. Điều này gần như không liên quan đến vấn đề khí hậu. Ở Trung Quốc, nơi vào thời đại khủng long được cho là có khí hậu nóng ẩm, người ta đã phát hiện ra nhiều hóa thạch khủng long có tình trạng bảo quản cực tốt, thậm chí có cả da lông và mô mềm hóa thạch.

Do đó, lập luận số hai cũng không đúng.

LẬP LUẬN #3:

 

HÓA THẠCH KHỦNG LONG TẠI VIỆT NAM
BỊ CHIẾN TRANH PHÁ HỦY HẾT RỒI

 

Trong ba lập luận được đề cập trong video này, đây có lẽ là lập luận khả dĩ nhất bởi Việt Nam là một trong những quốc gia bị bom đạn tàn phá khủng khiếp nhất thế kỷ XX. Tuy nhiên, cần biết rằng, không phải tất cả hóa thạch đều nằm trên mặt đất hoặc nằm gần mặt đất để bị bom đạn phá hủy trong chiến tranh. Phần lớn hóa thạch, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới, vẫn đang nằm sâu trong lòng đất mà chúng ta không hề biết vị trí chính xác của chúng. Những hóa thạch này sẽ chỉ lộ diện khi có biến động địa chất đẩy lớp đất đá chứa hóa thạch lên trên.

Do vậy, dù bom đạn có cày nát mặt đất thì phần lớn hóa thạch vẫn sẽ an toàn, chờ ngày được khám phá.

Mặt khác, như ở phần phân tích lập luận số 2, không phải ở Việt Nam không tìm thấy hóa thạch. Chúng ta đã tìm thấy hóa thạch cổ hơn cả khủng long và trẻ hơn cả khủng long cũng có. Chỉ là chúng ta chưa tìm thấy hóa thạch của khủng long mà thôi.

Thế nên, lập luận số 3 cũng không đúng hoàn toàn, dù không thể phủ nhận rằng có lẽ đã có nhiều hóa thạch, cả của khủng long lẫn những sinh vật khác bị phá hủy trong chiến tranh.

TẠI SAO VIỆT NAM CHƯA TÌM THẤY HÓA THẠCH KHỦNG LONG?

Với cả ba lập luận trên đều đã bị bác bỏ thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự tồn tại của khủng long trên lãnh thổ Việt Nam vào thời cổ đại, cũng như khả năng sau khi chúng tuyệt chủng đã có một số trở thành hóa thạch và ngày nay vẫn còn ẩn sâu đâu đó dưới lòng đất chờ được tìm thấy. Nhưng tại sao cho đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy hóa thạch khủng long?

Tượng khủng long tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Thứ nhất cần phải biết rằng, hóa thạch khủng long ở đâu trên thế giới cũng cực kỳ hiếm. Và để tìm được một hóa thạch bảo quản tương đối nguyên vẹn bộ xương của con khủng long lại càng hiếm hơn nhiều. Đôi khi những gì tìm thấy chỉ là một khúc xương hay thậm chí một mảnh xương. Những nơi có nhiều khủng long là những nơi mà trong quá khứ, từng có một mật độ khủng long sinh sống rất lớn, không loại trừ đó là những nơi có khí hậu theo mùa rõ rệt, đến mùa khô khủng long có thể tập trung thành những đàn lớn để đi tìm nguồn nước và thức ăn. Vì thế, khi chúng chết đi, mật độ xương lớn sẽ đảm bảo nhiều hóa thạch được hình thành hơn và có độ nguyên vẹn cao hơn. Những địa điểm như thế trên thế giới là rất ít, chẳng hạn như công viên khủng long ở Alberta (Canada), khu tưởng niệm khủng long quốc gia ở Mỹ hay sa mạc Gobi ở Mông Cổ. Nếu Việt Nam không phải là một nơi như thế vào thời đại khủng long, mật độ khủng long tập trung không đông đúc như vậy thì sẽ khó tìm thấy hóa thạch khủng long hơn.

Thứ hai, lãnh thổ Việt Nam có những đặc thù riêng khiến cho việc phát hiện hóa thạch khủng long khó hơn những nước khác. Cách đây 10 năm có một bài báo tựa đề là “Bật mí nửa thế kỷ theo dấu khủng long ở Việt Nam, trong đó phỏng vấn bác Nguyễn Hữu Hùng, Tổng Thư ký Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam. Bác giải thích rằng, tại Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện ra thể trầm tích được hình thành trong môi trường đầm hồ lục địa của hai kỷ Jura và Phấn Trắng. Chúng phân bố ở một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, các đảo Phú Quốc, quần đảo An Thới, đảo Thổ Chu trên vịnh Thái Lan của tỉnh Kiên Giang. Đây là những tiền đề về địa tầng, trầm tích và môi trường cho công tác tìm kiếm dấu vết và hóa thạch khủng long. Tuy nhiên, địa hình phân bố của thể trầm tích này trên lãnh thổ Việt Nam có sự khác biệt lớn so với phía Tây Trường Sơn, Nam Lào. Đó là địa hình núi cao và thường bị chia cắt bởi các hoạt động đứt gãy kiến tạo, chứ không trải dài trên cao nguyên bằng phẳng, diện tích rộng hàng trăm cây số như ở Lào. Do đó, việc tìm kiếm khủng long ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với Lào.

Hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam sẽ tìm thấy hóa thạch khủng long.

Thứ ba, hoạt động tìm kiếm hóa thạch khủng long ở Việt Nam hiện vẫn chỉ mang tính tự phát, xuất phát từ đam mê của các nhà khoa học chứ nhà nước không có kinh phí để tài trợ cho hoạt động này. Một số bạn cho rằng, hóa thạch khủng long không có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế nên có cũng được mà không có cũng không sao. Cái này thì mình không phản đối, bởi một hai mẩu xương hóa thạch có lẽ không giải quyết được vấn đề gì lớn.

Tuy nhiên, Dinoman vẫn có hy vọng bởi  ngành cổ sinh có quan hệ rất chặt chẽ với một ngành rất hữu ích cho kinh tế là ngành địa chất, nhiều hóa thạch khủng long từng được tìm thấy trong lúc khảo sát địa chất để tìm khoáng sản, thế nên biết đâu trong một chuyến khảo sát như vậy ở Việt Nam trong tương lai, chúng ta sẽ tìm thấy hóa thạch khủng long? Hãy cùng hy vọng như vậy nhé!

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/OvImFPXn9jU?si=vDy97RYqLf2F5bl7″ title=”YouTube video player” width=”560″]