[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] William Buckland (1784-1856) là nhà thần học nổi tiếng người Anh, từng giữ chức Trưởng Tu viện Westminster. Tuy nhiên, ông còn được biết đến như một nhà địa chất học và cổ sinh vật học tiên phong và lẫy lừng. 

>> Xem thêm: CHUYỆN VỀ MARY ANNING: NGƯỜI PHỤ NỮ TIÊN PHONG CỦA NGÀNH CỔ SINH VẬT HỌC
>>
Xem thêm: HÃY LÀM VIỆC NHƯ BARNUM BROWN – THỢ SĂN HÓA THẠCH HUYỀN THOẠI!

Chính ông là người đã có nghiên cứu mô tả đầy đủ đầu tiên về một hóa thạch khủng long, cũng chính là mẫu vật mà ông đã đặt cho cái tên Megalosaurus, chi khủng long đầu tiên được định danh trong lịch sử.

William Buckland và Megalosaurus. Tranh của Pelycosaur24 / Deviant Art.

Một đóng góp lớn lao khác của William Buckland trong lĩnh vực cổ sinh vật học đó chính là sử dụng phân hóa thạch (coprolite) để phục dựng các hệ sinh thái cổ đại. Ông đã có những diễn giả hết sức thú vị chẳng hạn như những dấu vết hình xoắn ốc trên phân hóa thạch của ngư long là bằng chứng cho thấy, ruột của ngư long cũng có những lằn hình xoắn ốc giống như ruột của cá mập hiện đại, đồng thời một số mẫu coprolite có màu đen là bởi ngư long đã tiêu hóa các nang mực từ các loài belemnite cổ đại. Từ những mô tả và quan sát của William Buckland, Henry De la Beche đã vẽ nên bức tranh Duria Antiqiuor, bức tranh minh họa cổ sinh đầu tiên trong lịch sử dựa trên bằng chứng hóa thạch.

Một số người có thể nói William Buckland là một gã lập dị và kỳ quặc. Nhưng một số người cũng có thể nói rằng ông có những sở thích hơi khác người của một nhà khoa học. Ông thường diện những chiếc áo choàng dài xa hoa khi đi đào hóa thạch. Khi trình bày các phát hiện của mình, Buckland thường kết hợp mượt mà giữa các kiến thức khoa học mới mẻ nhất và lối nói khôi hài đầy tính giải trí, cộng thêm hành động mô tả cách di chuyển của sinh vật cổ đại.

William Buckland không chỉ nổi tiếng về di sản khoa học mà còn vì tính cách lập dị, khác người.

Buckland cũng thích sưu tầm nhiều thứ lạ lùng được ông thu thập trong những chuyến đi, chất đầy chúng trong ngôi nhà của ông. Ông còn là một chuyên gia về “zoophagy”, trong đó người ta sẽ nếm thử thịt từ nhiều loài động vật nhất có thể. “Hooman” cũng là động vật, thế nên cũng không bị loại trừ khỏi “zoophagy”, và William Buckland thật sự đã xơi thịt “hooman”, thậm chí đó không phải là “hooman” bình thường. Theo một số tài liệu, ông đã nếm thử quả tim được bảo quản của Vua Louis XIV (1638-1715), vị vua vĩ đại của nước Pháp với biệt danh “Vua Mặt Trời” đã hẹo cách đó hơn… một thế kỷ. Và nhiều người tin rằng, ông cũng đã từng nếm thử phân hóa thạch trước khi quyết định nghiên cứu chúng, dù không có ghi chép cụ thể nào về việc này.

Một người đàn ông lập dị như vậy làm sao lấy được vợ? Ấy vậy mà vào năm 1825, ở tuổi 41, William Buckland kết hôn với Mary Morland, người trẻ hơn ông đến 13 tuổi. Mối tình của họ thực chất đã được khoa học se duyên, bởi Mary từ lâu đã bày tỏ sự yêu thích đối với các công trình khoa học của Georges Cuvier, một đồng nghiệp người Pháp lớn tuổi hơn của Buckland và sớm trở thành người vẽ minh họa cho Cuvier cũng như nhiều nhà khoa học khác. Tuần trăng mật của cả hai đã kéo dài đến một năm (vâng, MỘT NĂM, nhẽ ra phải gọi là honey-year mới đúng), với hoạt động chính là ghé thăm các đồng nghiệp của họ trên khắp châu Âu cũng như các địa điểm địa chất nổi tiếng. Đồng hành cùng họ là một chú rùa đất, có lẽ họ mang theo chú vì rùa đất rất giỏi đào đất (và phát hiện hóa thạch) chăng?

Bức tranh bóng thể hiện hình ảnh gia đình của Buckland: vợ chồng say mê nghiên cứu hóa thạch, con nhỏ cũng chìm đắm trong niềm đam mê với những mẫu vật!

Bà Buckland trở thành người hỗ trợ nhiệt tình cho sự nghiệp của chồng, kể cả khi bà phải gác bỏ khát khao theo đuổi khoa học bởi chồng bà không tán thành việc phụ nữ tham gia vào khoa học (dù chính ông từng dành nhiều sự hỗ trợ cho một người phụ nữ khác về mặt khoa học, đó là Mary Anning). Họ có với nhau chín mặt con (một cuộc hôn nhân hạnh phúc), nhiều người trong số đó được tiếp xúc với công việc của cha mẹ từ sớm và có người như Frank Buckland đã có thể nhận diện đốt sống của một con ngư long từ năm 4 tuổi!

William Buckland qua đời vào năm 1856, sau 6 năm chống chọi với bệnh tật. Dù vậy, kể cả sau khi “đăng xuất”, ông vẫn kịp khiến người khác ngạc nhiên thêm lần nữa về sự lập dị và khiếu hài hước của mình. Ở mộ phần mà Buckland mua để dành cho hậu sự của bản thân, ông đã bí mật chôn một tảng đá vôi có niên đại từ… Kỷ Jura rất lớn ngay dưới lớp đất mặt. Những người đào mộ không còn cách nào khác là phải dùng thuốc nổ cho nổ tảng đá thì mới có thể mở ra huyệt mộ của ông.

Bên cạnh di sản khoa học khổng lồ, tên tuổi của ông còn trở nên bất tử khi được gắn với Megalosaurus trong danh pháp hai phần Megalosaurus bucklandii, theo sáng kiến của người đồng nghiệp Gideon Mantell. Tên của ông còn được đặt cho một đường gờ trên Mặt trăng, Dorsum Buckland, cũng như một chi rêu, Bucklandiella.