[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Vụ này trước đây thấy người ta chia sẻ lâu rồi và gần đây vẫn có người tiếp tục share nên tôi xin phép phản bác.
Tôi không biết Brachiosaurus có thật sự nôn thức ăn ra không, nhưng tôi tin chắc đó không phải là cách chúng tự vệ. Vâng, nếu muốn nôn chính xác mục tiêu nào đó thì chúng phải xác định vị trí, sau đó nôn thức ăn đi qua cái cổ dài cỡ 9m của chúng vào đúng vị trí đó – nhưng chắc gì lúc ấy mục tiêu còn ở nguyên một chỗ, đặc biệt khi đó là những con khủng long nhanh nhẹn? Cách này quá khó để sử dụng.
Hơn nữa, một bãi nôn như vậy có thể là một quả bom đối với những con khủng long cỡ nhỏ. Nhưng chắc chắn những con khủng long cỡ nhỏ không phải là mối đe dọa với một con Brachiosaurus còn sống. Còn nếu mối đe dọa là một con khủng long cỡ lớn, to cao, không dám chắc cú nôn ấy của Brachiosaurus đủ sức đe dọa.
Cuối cùng, 50kg là một lượng thức ăn khá lớn đối với một con Brachiosaurus. Brachiosaurus dành gần như toàn bộ thời gian nó thức để ăn và ăn, và theo ước tính của các nhà khoa học, nó có thể ăn được khoảng 400kg thực vật mỗi ngày. Nếu nôn ra 50kg thức ăn, điều đó đồng nghĩa với việc nó mất đi một lượng thức ăn bằng 1/8 khẩu phần và sẽ phải tốn thêm năng lượng + thời gian để tiêu thụ lại một lượng tương đương bù vào. Tôi không nghĩ Brachiosaurus sẽ chọn cách lãng phí này để tự vệ.
Vậy Brachiosaurus tự vệ bằng cách nào? Đối với Brachiosaurus hay các loài sauropod khổng lồ khác, cách tốt nhất để tự vệ là trở nên càng to càng tốt trước khi bị ăn thịt (ước tính Brachiosaurus từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành có chênh lệch khối lượng khoảng 10.000 lần). Kích thước chính là vũ khí phòng ngự của chúng trước những kẻ săn mồi. Lũ khủng long ăn thịt do đó sẽ chọn những con Brachiosaurus chưa trưởng thành làm mồi hơn là những con có kích thước đã đạt đến mức tối đa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Brachiosaurus hay các loài sauropod khác phải cố gắng sinh càng nhiều con một lúc càng tốt để tăng cơ hội sống sót cho những con non (mỗi ổ trứng sauropod có thể chứa từ 15 đến 40 quả trứng). Phần lớn số này sẽ không nở ra hoặc lớn đến tuổi trưởng thành. Đây thường được gọi là chiến lược chọn lọc r-selection: tập trung vào tốc độ sinh trưởng nhanh, cố gắng đẻ thật nhiều con non, tỷ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành thấp…
Còn trường hợp như hình minh họa (một con theropod cỡ nhỏ nằm trong bãi nôn của một con Brachiosaurus) có lẽ chỉ xảy ra một con khủng long xui xẻo đứng đúng chỗ và đúng thời điểm một con Brachiosaurus đang gọi tên Huệ, Huệ mà thôi.