[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Trong lúc dư âm của những tranh luận về Nanotyrannus chưa kịp lắng xuống, các nhà cổ sinh vật học tiếp tục khiến những người yêu thích khủng long và cổ sinh trên thế giới “dậy sóng” khi chính thức công bố loài khủng long bạo chúa thứ hai sau T. rex!

Vào năm 1983, người ta đã khai quật được hóa thạch một hộp sọ không nguyên vẹn ở vùng Đông Nam bang New Mexico, Mỹ, từ lớp đá thuộc Hệ tầng Hall Lake. Trước đây, chiếc hộp sọ này đuiợc xác định thuộc về một cá thể T. rex. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu gồm Sebastian G. Dalman, Mark A. Loewen, Alexander Pyron, Steven E. Jasinski, Edward Malinzak, Spencer Lucas, Anthony R. Fiorillo, Philip J. Currie và Nick R. Longrich đã đánh giá lại mẫu vật này và xác định, đây là một loài hoàn toàn mới thuộc chi Tyrannosaurus, và có niên đại cổ hơn T. rex từ 4-6 triệu năm.

Tranh phục dựng ngoại hình của Tyrannosaurus mcraeensis của Sergei Krasinski.

“So sánh với T. rex, hàm dưới của loài này nông hơn và cong hơn về phía sau. Mấu sừng phía trên mắt thấp hơn của T. rex,” theo Nick Longrich, nhà cổ sinh vật học đến từ Đại học Bath, Anh. Nick cũng là tác giả chính của nghiên cứu kết luận Nanotyrannus là một chi hoàn toàn riêng biệt thay vì là những cá thể T. rex chưa trưởng thành vừa được công bố cách đây mấy ngày.

Nick nói thêm: “Bản chất của các loài là sự khác biệt thường rất nhỏ. Điểm mấu chốt là chúng có sự nhất quán. Chúng tôi đã quan sát rất nhiều cá thể T. rex khác nhau, và loài mới có sự khác biệt nhất quán với mọi con T. rex đã biết, ở mỗi chiếc xương.”

Nhóm nghiên cứu đã quyết định đặt danh pháp cho loài mới này là Tyrannosaurus mcraeensis, theo địa danh Fort McRae ở bang New Mexico, gần nơi tìm thấy hóa thạch mẫu định danh. Họ cũng cho rằng, sự tồn tại của T. macraeensis sẽ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của chi Tyrannosaurus. T. macraeensis lớn hơn những họ hàng gần khác của chi Tyrannosaurus từng sống ở Bắc Mỹ trước T. rex, cho thấy T. rex có thể đã tiến hóa sớm hơn hàng triệu năm so với những suy đoán trước đó và đến từ phía Nam của Bắc Mỹ.

Tuy vậy, vẫn có một số nhà cổ sinh vật học bày tỏ sự nghi ngờ. Thomas Carr, một nhà cổ sinh vật học chuyên nghiên cứu về T. rex cho rằng nghiên cứu mới “chưa thuyết phục”. Ông cho rằng các đặc điểm khác biệt của mẫu vật ở New Mexico không quá rõ ràng, chỉ giống như khác biệt giữa các sắc thái của màu xám hay hình dạng của những đám mây vậy. Bản thân Carr cũng đã xem xét mẫu vật này nhiều lần và không cảm nhận được sự khác biệt nào với T. rex.

Ông cũng cho rằng niên đại của T. mcraeensis cần phải bị đặt dấu hỏi khi không được xác định bằng chính mẫu vật mà chỉ bằng lớp đá nằm bên dưới nó.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta nói về những loài khác cùng chi với T. rex. Tarbosaurus bataar từng được cho là một loài T. rex thứ hai, với danh pháp Tyrannosaurus bataar. Năm 2022, một nghiên cứu từng đề xuất chia các mẫu vật T. rex hiện có làm 3 loài dựa trên các khác biệt về kích thước và một số đặc điểm trên xương, gồm T. imperator, T. rexT. regina. Nghiên cứu này sau đó đã bị cộng đồng cổ sinh phản bác mạnh mẽ và đề xuất bị chìm vào quên lãng.

Nguồn: Will Dunham, “Scientists conclude New Mexico fossil is new Tyrannosaurus species” / Reuters