[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Nguyên nhân gì dẫn đến sự biến mất âm thầm của một số loài khủng long từng được ghi nhận trong các tài liệu cổ sinh vật học?

Mỗi năm trôi qua, với sự nỗ lực của các nhà cổ sinh vật học, chúng ta ngày càng khám phá được nhiều loài khủng long mới từ những hóa thạch được khai quật. Trung bình, mỗi năm chúng ta có khoảng 25-30 loài khủng long mới, tương đương cứ 2 tuần lại có một loài khủng long mới được công bố. Chính vì thế, số lượng khủng long phi điểu cổ đại được xác định hiện nay đã lên tới khoảng 1.500 loài và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong xu hướng chung đó, vẫn có một làn sóng ngầm đi ngược lại. Đó là những loài khủng long “biến mất”. Sự biến mất này diễn ra âm thầm đến nỗi chúng ta không nhận ra rằng, chúng biến mất. Chỉ đến khi một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta nhớ đến những cái tên đó và thử tìm kiếm trên mạng thì chỉ nhận được kết quả: Thứ bạn tìm kiếm không tồn tại. Điều đó diễn ra như thế nào và do nguyên gì mà chúng lại biến mất?

NGUYÊN NHÂN

Để hiểu về sự biến mất của nhiều loài khủng long trong lịch sử nghiên cứu khủng long, trước tiên bạn cần phải hiểu về quá trình các nhà cổ sinh vật học xác định và đặt tên cho một loài khủng long mới. Về cơ bản thì họ tìm thấy hóa thạch, sau khi xử lý xong xuôi thì họ bắt đầu nghiên cứu và mô tả những hóa thạch này. Nếu họ phát hiện trên hóa thạch có tương đối những đặc điểm khác biệt với những loài đã tồn tại trước đó thì ta-da, một loài mới được xác định và họ sẽ đặt tên cho nó, hay như cách gọi chính thức là danh pháp khoa học, hay danh pháp hai phần, gồm tên chi và tên loài. Chẳng hạn như Tyrannosaurus rex, bao gồm tên chi Tyrannosaurus và tên loài rex. Hay Stegosaurus stenops, bao gồm tên chi Stegosaurus và tên loài stenops.

Các nhà cổ sinh vật học sẽ tìm cách xác định loài mới từ các hóa thạch.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà cổ sinh vật học cũng chính xác 100%. Có thể vì ẩu, có thể vì vội vàng, hoặc có thể vì nhiều lý do khác nhau mà những loài mới họ xác định thực chất không phải là loài mới, mà những mẫu vật được dùng để xác định loài mới đó thật ra thuộc về một loài đã có, hay thậm chí có thể không phải là hóa thạch khủng long mà chỉ là một cục đá bình thường hay một khúc gỗ hóa thạch. Khi đó, chúng sẽ được coi là đồng nghĩa, “synonym”, với danh pháp có trước.

Lúc này, người ta sẽ phải quyết định xem nên giữ danh pháp nào và bỏ danh pháp nào. Thông thường, danh pháp có trước sẽ được ưu tiên giữ lại. Nhưng cũng có trường hợp, danh pháp có trước không thể sử dụng vì một lý do nào đó thì người ta sẽ chọn danh pháp có sau. Danh pháp không được chọn giữ lại sẽ bị xem là vô hiệu, “invalid”, hay có thể gọi nôm na là “biến mất”. Thực chất thì những hóa thạch được gán cho danh pháp đó có thể vẫn tồn tại, nhưng chúng không được gọi bằng danh pháp đó nữa mà được coi là mẫu vật của một danh pháp khác, chứ không phải là chúng không tồn tại như cách một số người vẫn gọi.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP BIẾN MẤT TIÊU BIỂU

Aachenosaurus

Một trong những trường hợp biến mất đầu tiên sớm nhất trong nghiên cứu về khủng long chính là Aachenosaurus. Đó là cuối thế kỷ XIX, thời điểm mà “khủng long” đang trở thành một trào lưu khá “nóng” trên thế giới, điển hình là Cuộc chiến Xương giữa hai nhà cổ sinh vật học người Mỹ Edward Drinker Cope và Othniel Charles Marsh nhằm chạy đua xem ai là người tìm được nhiều xương khủng long nhất. Chắc chắn là các nhà cổ sinh vật học khác trên khắp thế giới như nhà cổ sinh vật học người Bỉ Gerard Smets cũng không muốn đứng ngoài cuộc.

Hóa thạch Aachenosaurus thật ra là gỗ hóa thạch.

Khi đó, Smets tìm thấy một số hóa thạch trông khá giống xương vào năm 1887, và sau một quá trình nghiên cứu có vẻ khá sơ sài, ông vội vàng tuyên bố những hóa thạch mình tìm thấy là mảnh xương hàm của một chi khủng long mỏ vịt (hadrosaur). Dù bị đồng nghiệp nghi ngờ, ông vẫn kiên quyết bảo vệ kết luận của mình, cho rằng bản thân đã cẩn thận xem xét các mảnh hóa thạch này bằng cả mắt thường, kính lúp lẫn kính hiển vi nên không thể nào nhầm được. Smets còn củng cố cho phán đoán của mình bằng những con số ước tính không biết lấy từ đâu như chi khủng long này có thể dài từ 4-5m và thậm chí còn có gai trên người. Ông còn đặt tên khoa học cho nó là Aachenosaurus, có nghĩa là “thằn lằn Aachen”, dựa theo tên của Hệ tầng Aachen ở Moresnet, nơi tìm ra hóa thạch.

Tuy nhiên, nhà cổ sinh vật học lừng danh đương thời Louis Dollo, cũng là người Bỉ như Smets, đã nhanh chóng phát hiện ra sai sót của Smets và chứng minh rằng đó chỉ là những mảnh gỗ đã hóa đá. Smets vẫn cứng đầu không chịu nhận sai nhưng sau đó, một hội đồng trung lập đã vào cuộc và chứng minh rằng Smets không hề tìm ra được mảnh hóa thạch khủng long nào cả. Có tin đồn rằng, vì quá xấu hổ khi bị bóc mẽ đến hai lần, Smets tuyên bố rút khỏi khoa học. Tuy nhiên, hồ sơ của Smets cho thấy ông vẫn tiếp tục cho ra đời các công trình khoa học cho đến tận năm 1895 chứ không hề từ bỏ khoa học. Dù sao thì Aachenosaurus vẫn là một sự kiện đáng quên mà không thể quên trong đời nhà cổ sinh vật học này. Loài khủng long Aachenosaurus do đó cũng “biến mất”.

Dynamosaurus imperiosus

Một trường hợp “biến mất” nổi tiếng khác mà Mê Khủng Long cũng từng đề cập đó là Dynamosaurus imperiosus. Danh pháp này ra đời năm 1905, do nhà cổ sinh vật học kỳ cựu Henry Fairfield Osborn đặt cho hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt lớn được Barnum Brown tìm thấy vào năm 1900. Cũng trong cùng công trình nghiên cứu mô tả Dynamosaurus imperiosus thì Osborn cũng mô tả và đặt tên cho một loài khủng long ăn thịt lớn khác, cũng dựa trên những hóa thạch do Barnum Brown tìm thấy vào năm 1902, đó là Tyrannosaurus rex.

Dynamosaurus imperiosus từng là một loài được ghi nhận cho đến khi bị gộp vào danh pháp Tyrannosaurus rex.

Phải một năm sau, tức vào năm 1906, khi xem xét kỹ hơn, Henry Fairfield Osborn mới nhận ra sai sót của mình và thừa nhận cả hai bộ xương đều thuộc về cùng một loài. Đến lúc này, ông phải bắt buộc chọn một cái tên và loại bỏ cái tên còn lại. Tưởng như Dynamosaurus imperiosus sẽ là cái tên được chọn vì mẫu vật này được phát hiện sớm hơn và có độ nguyên vẹn cao hơn, nhưng không, chỉ vì Tyrannosaurus rex xuất hiện trong luận văn năm 1905 sớm hơn Dynamosaurus imperiosus ĐÚNG MỘT TRANG nên Osborn nghĩ Tyrannosaurus rex là cái tên ra đời sớm hơn và quyết định chọn cái tên này. Vậy là Dynamosaurus imperiosus cũng “biến mất”.

Antrodemus

Một trường hợp biến mất khác cũng nổi tiếng không kém là Antrodemus. Cái tên này đối với người yêu thích khủng long ở Việt Nam có lẽ khá xa lạ, đọc lên thì bạn chẳng biết là chi hay loài khủng long nào. Thế nhưng trong vòng khoảng 5 thập niên từ 1920 đến 1950, Antrodemus lại chính là danh pháp chính thức của chi khủng long mà ngày nay, chúng ta gọi là Allosaurus. Antrodemus là danh pháp xuất hiện trước vào năm 1870 do nhà cổ sinh vật học Joseph Leidy đặt, còn Allosaurus là danh pháp xuất hiện sau, do Othniel Charles Marsh đặt. Ngoài ra thì còn nhiều danh pháp khác như Apatodon, Creosaurus, Epanterias, Labrosaurus cũng được đặt như một phần của những nỗ lực chạy đua giữa Marsh và Edward Drinker Cope trong Cuộc chiến xương. Đến năm 1920, Charles W. Gilmore đã đánh giá lại tất cả những hóa thạch này và cho rằng, tất cả đều thuộc về cùng một chi khủng long. Để thống nhất, ông quyết định chọn danh pháp Antrodemus, vốn là danh pháp xuất hiện đầu tiên và Antrodemus được sử dụng rộng rãi cho đến năm 1970.

Suốt năm thập niên từ 1920 đến 1970, Allosaurus từng mang tên Antrodemus.

Thế nhưng, trong hai thập niên 1960-1970, khi hàng loạt hóa thạch Allosaurus được khám phá tại khu mỏ Cleveland-Lloyd ở bang Utah, các nhà khoa học mới có dịp đánh giá đầy đủ hơn về đặc điểm giải phẫu học của chi khủng long này và trong công trình nghiên cứu xuất bản năm 1976, nhà cổ sinh vật học James Henry Madsen cho rằng Allosaurus mới là danh pháp nên được sử dụng vì danh pháp Antrodemus được xác định dựa trên những hóa thạch có mức độ bảo quản kém, các đặc điểm giải phẫu học không rõ ràng và thậm chí, địa điểm khai quật cũng mập mờ. Đề nghị của James Henry Madsen được chấp thuận và cuối cùng, Allosaurus trở thành danh pháp chính thức như chúng ta biết cho đến tận ngày nay. Vậy là không chỉ Antrodemus, một loạt những danh pháp khác từng được gán cho các hóa thạch Allosaurus khác nhau trước đó cũng “bay màu”.

Amphicoelias fragilimus

Một trường hợp cũng được nhiều bạn quan tâm là số phận của Amphicoelias fragilimus. Đây là một danh pháp được đặt Edward Drinker Cope đặt cho những mẫu vật mà ông tin là loài khủng long lớn nhất từng tồn tại. Sau này khi Cope mất, bộ sưu tập hóa thạch của ông được bán lại cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ nhưng khi mở bộ sưu tập của ông, các nhà cổ sinh vật học của bảo tàng không thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của hóa thạch gắn với danh pháp Amphicoelias fragilimus.

Amphicoelias fragilimus, gã khổng lồ mất tích.

Kỳ lạ hơn, bản thân Cope trong những năm cuối đời cũng gần như không đề cập gì đến loài khủng long này và đó là lý do mà về sau, người ta cho rằng đã có một sai sót nào đó từ Cope liên quan đến kích thước của mẫu vật, dẫn đến ước tính sai về kích thước thật sự của Amphicoelias fragilimus, hay thậm chí là hóa thạch đó không hề tồn tại. Đến năm 2018, một nhà cổ sinh vật học tên là Kenneth Carpenter đã so sánh hóa thạch của Amphicoelias fragilimus dựa trên hình vẽ của Cope với mẫu vật của các loài khủng long thuộc họ Rebbachisauridae và cho rằng, Amphicoelias fragilimus thực chất là một loài thuộc họ này và đặt ra một danh pháp mới, Maarapunisaurus fragilimus cho mẫu vật đã bị thất lạc. Amphicoelias fragilimus không còn được sử dụng nữa.

Stygimoloch Dracorex

Một cái khó khác của các nhà cổ sinh vật học khi nghiên cứu về khủng long đó là xác định các mẫu vật tuy cùng loài nhưng ở những độ tuổi khác nhau. Bởi xương của khủng long non và khủng long trưởng thành sẽ có những điểm khác biệt. Đó là những gì đã xảy ra với ba chi khủng long Pachycephalosaurus, StygimolochDracorex. Ban đầu, chúng được xác định là ba chi khủng long khác nhau dù đều thuộc một nhánh gọi là Pachycephalosauria, gồm những loài khủng long hông chim có hộp sọ dày, cứng. Hộp sọ của Pachycephalosaurus là hộp sọ lớn nhất, có phần vòm ở đỉnh hộp sọ khá cao và dày. Hộp sọ của Stygimoloch nhỏ hơn một chút, phần vòm ở đỉnh hộp sọ thấp hơn và mỏng hơn đôi chút. Hộp sọ của Dracorex nhỏ nhất và phần đỉnh hộp sọ khá “phẳng”, không tạo thành vòm dày như hai chi kia. Tuy nhiên, những phân tích gần đây đã chỉ ra rằng, cả ba chi này đều là một, và sự khác biệt về kích thước lẫn hình dạng hộp sọ chỉ là sự khác biệt do độ tuổi. Trong khi hộp sọ của DracorexStygimoloch là của những con chưa trưởng thành, hộp sọ của Pachycephalosaurus đến từ những cá thể đã trưởng thành.

Phục dựng hộp sọ của Dracorex, Stygimoloch Pachycephalosaurus. 

Vì thế, hiện tại, khi tìm kiếm hai chi khủng long Stygimoloch Dracorex trên Wikipedia, trang web sẽ đều trỏ về một kết quả là Pachycephalosaurus. Tất nhiên, không phải nhà cổ sinh vật học nào cũng đồng tình với phân tích này và vẫn xem Stygimoloch là chi riêng biệt như David Evans vào năm 2021, nhưng chỉ là thiểu số.

***

Bài viết này nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về cái khó của các nhà cổ sinh vật học khi nghiên cứu các sinh vật đã tuyệt chủng như khủng long, cũng như sự biến mất thầm lặng của nhiều loài khủng long mà thực chất, chính là sự điều chỉnh và thay đổi của các nhà khoa học trong việc xác định và đặt danh pháp cho các hóa thạch. Những danh pháp đồng nghĩa không được chọn chỉ đơn giản là không được sử dụng nữa và sẽ bị quên lãng sau nhiều năm, chỉ còn hiện diện trong những tài liệu khoa học liên quan.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/wUqP9sU_rEM?si=N4K3z5ooG21hudWj” title=”YouTube video player” width=”560″]