[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Nếu bạn quay trở lại quá khứ 400 triệu năm trước, quang cảnh Trái đất chắc chắn sẽ rất khác biệt. Thứ bạn nhìn thấy trên mặt đất không phải là những cánh rừng thực vật ngút ngàn, mà thay vào đó rất có thể là những thảm rêu, địa y hay thực vật đơn giản nhỏ bé đang lan tỏa ở khắp mọi nơi. Nhưng đó có thể không phải là thứ nổi bật nhất mà bạn nhìn thấy. 

Sừng sững ở độ cao 8 mét, chiều rộng thân lên đến 2 mét, có hình dạng trông giống như một tòa tháp có đỉnh tròn, đó chính là những cây nấm khổng lồ có danh pháp khoa học là Prototaxites. Chúng thật sự là những người khổng lồ của thời đại này trong khi những loài thực vật to lớn nhất chỉ cao chưa đầy 10cm.

Prototaxites sừng sững như những tòa tháp thời tiền sử. Tranh của Mary Parrish.

Được phát hiện vào năm 1843, hóa thạch của Prototaxites từng khiến các nhà khoa học đau đầu suốt một thời gian dài khi không thể xác định nó là thực vật, tảo, địa y hay thứ gì khác. Phải đến năm 2007, một nghiên cứu phân tích đồng vị của Prototaxites mới cho chúng ta câu trả lời tương đối chắc chắn.

Trong nghiên cứu này, họ đã khảo sát hàm lượng đồng vị carbon trong các hóa thạch của Prototaxites. Vì thực vật hấp thu carbon từ carbon dioxide trong không khí, chúng thường có tỷ lệ đồng vị carbon-12 và carbon-13 tương tự thực vật cùng loại khác. Vì động vật ăn sinh vật khác, tỷ lệ đồng vị carbon của chúng thường giống với những gì chúng ăn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lại phát hiện hóa thạch Prototaxites có tỷ lệ đồng vị biến động rộng hơn nhiều so với bất kỳ loài thực vật nào từng được biết. Do đó, nó chính là nấm, bởi nấm không sinh tồn bằng cách quang hợp như thực vật hay tảo mà bằng cách tiêu thụ xác của bất kỳ sinh vật nào ở gần nó. Đây được gọi là dị dưỡng.

Về ngoại hình của Prototaxites, đó cũng là một bí ẩn trong suốt hơn một thế kỷ qua đối với các nhà khoa học. Những hình ảnh phục dựng gần đây nhất cho thấy chúng không hoàn toàn giống những loài nấm mà chúng ta biết ngày nay, mà trông giống như một tòa tháp có đỉnh tròn mọc lên từ mặt đất. Protaxites thật sự là những gã khổng lồ trong thời đại hoàng kim của chúng. Thực vật khi đó trông thật nhỏ bé nếu đứng cạnh chúng, bởi những thực vật lớn nhất chỉ đạt chiều cao chưa đến 10cm. Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng Prototaxites đã sử dụng chiều cao của chúng như một phương thức để lan tỏa bào tử càng xa càng tốt.

Nguyên nhân vì sao Prototaxites tuyệt chủng đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, dù phần lớn giới khoa học tin rằng sự trỗi dậy của thực vật có mạch (vascular plant) đã khiến sự cạnh tranh sinh tồn đối với Prototaxites trở nên gay gắt hơn.

Như vậy, đã từng có thời những cây nấm khổng lồ thống trị mặt đất và những quang cảnh như trong truyện của Jules Verne không hoàn toàn chỉ có trong trí tưởng tượng của con người.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/7f8eE7d6QfA” title=”YouTube video player” width=”560″]

Nguồn: Nick Garland, “When giant mushrooms ruled the Earth” / Earth Archives.