[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Tồn tại cùng thời với khủng long, thương long, dực long… từng có những giống rùa cổ đại có kích thước khổng lồ. Dưới đây là năm giống rùa biển có kích thước lớn nhất từng sống trong Thời đại Khủng long.

GIGANTATYPUS

Gigantatypus là một giống rùa biển cổ đại sống vào Tầng Maastricht, Thế Phấn Trắng muộn, tương đương 72-66 triệu năm trước. Địa bàn sinh sống của giống rùa này là ở khu vực phía Nam đại dương cổ Tethys. Hóa thạch của giống rùa này cho đến nay chỉ được tìm thấy trong các lớp trầm tích ở Jordan, một đất nước thuộc khu vực Trung Đông. Chúng được cho là có họ hàng với chi đồi mồi sống hiện đại chứ không thuộc họ Protostegidae gồm những giống rùa khổng lồ khác thời cổ đại.

Dù hóa thạch của Gigantatypus không nhiều nhưng dựa trên những gì tìm thấy, gồm một khúc xương chi trước rất lớn, các nhà cổ sinh vật học ước tính rằng con rùa này có chiều dài ít nhất khoảng 3,5m, gần tương đương một chiếc xe hơi cỡ nhỏ, thậm chí còn lớn hơn thế nữa và được xem là một trong những giống rùa biển lớn nhất từng bơi dưới đại dương. Mặc dù vậy, có vẻ chúng đã không vượt qua được sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng cổ cận, cùng chịu chung số phận với khủng long, dực long, thương long cùng nhiều động vật cổ đại khổng lồ khác. Chỉ có những loài rùa nhỏ hơn mới có cơ hội sống sót và truyền lại cho đến tận ngày nay.

Hóa thạch chi trước khổng lồ của Gigantatypus. Ảnh: Wikipedia.

Vẫn chưa có nhiều điều được biết về ngoại hình của Gigantatypus ngoại trừ kích thước khổng lồ của nó và hy vọng, những khám phá hóa thạch trong tương lai sẽ giúp chúng ta hóa giải bí mật về giống rùa siêu to, siêu khổng lồ này.

CRATOCHELONE

So với Gigantatypus, Cratochelone là giống rùa có niên đại sớm hơn nhiều, khoảng hơn 100 triệu năm thuộc tầng Albian của Thế Phấn Trắng sớm. Hóa thạch của nó được tìm thấy tại miền Bắc bang Queensland, Úc.

Một bản phục dựng của Cratochelone.

Cratochelone cho đến nay chỉ được xác định từ một hóa thạch duy nhất, gồm các thành phần không hoàn chỉnh của bộ xương thân được bảo quản trong một khối đá trầm tích nhám, có màu sẫm. Những gì được tìm thấy gồm có xương yếm rùa bên trái, đai vai và một số phần chi trước. Chúng được nhà khoa học Herbert Longman mô tả và định danh vào năm 1915, và cho đến ngày nay những hóa thạch này đang được trưng bày tại  bộ sưu tập cổ sinh vật học ở Bảo tàng Queensland, Thành phố Brisbane, Úc.

Cratochelone là một trong ba loài rùa biển cổ đại thuộc họ Protostegidae được tìm thấy tại Úc, và nó cũng là loài lớn nhất trong số này, với chiều dài ước tính có thể lên đến 4 mét dù cho vẫn còn có một số nghi ngờ. Nếu đạt chiều dài này thì cân nặng của chúng có thể lên đến 3 tấn, gần tương đương một con voi châu Á cái trưởng thành.

Cũng như Gigantatypus, người ta cũng cần thêm những khám phá hóa thạch mới về Cratochelone để biết thêm về ngoại hình, lối sống và hành vi của loài rùa cổ đại ngoại cỡ này.

PROTOSTEGA

Protostegidae là họ rùa biển đã tuyệt chủng gồm những giống rùa khổng lồ nhất từ trước đến nay, chúng từng sống cùng khủng long và đã tuyệt chủng cùng khủng long 66 triệu năm trước. Để có một hình dung chung chung về ngoại hình của các loài rùa biển thuộc họ Protostegidae, các bạn có thể nghía qua những con rùa xuất hiện bên bờ biển trong tập “Coast” của loạt phim tài liệu Prehistoric Planet trên Apple TV+, dù không rõ chính xác đây là loài nào trong họ Protostegidae.

Phục dựng ngoại hình của Protostega.

Và chính vì thế, chi điển hình của họ này, Protostega cũng là một sinh vật có kích thước khủng. So với GigantatypusCratochelone, số lượng hóa thạch đã được tìm thấy của Protostega phong phú và đầy đủ hơn, được tìm thấy tại nhiều nơi hơn như Kansas, Alabama ở Mỹ và tại Saratov Oblast ở Nga, có niên đại khoảng 83,5 triệu năm trước. Nó được  nhà cổ sinh vật học lừng danh người Mỹ Edward Drinker Cope mô tả và định danh vào năm 1872.

Dựa trên những hóa thạch này, các nhà cổ sinh vật học ước tính Protostega có chiều dài nằm trong khoảng từ 3 đến 3,9 mét và cân nặng có thể rơi vào khoảng 2-3 tấn.

Bộ xương của Protostega.

Mai của Protostega cũng như các loài cùng họ không phải là một vỏ xương dày như hầu hết các loài rùa khác, mà là một lớp da dày có các xương hỗ trợ. Điều này giúp chúng giảm trọng lượng và khi điều này kết hợp với những chân chèo mạnh mẽ, Protostega trở thành những tay bơi đường dài cừ khôi, bền bỉ. Chúng có đầu to, mỏ sắc và hàm mạnh, có thể ăn các loài sinh vật biển chậm chạp như sứa, động vật có vỏ và xác chết trôi nổi. Tuy vậy, một số bằng chứng như răng của cá mập còn lưu lại trong xương của Protostega cho thấy giống rùa khổng lồ này cũng từng là con mồi của kẻ khác.

LEVIATHANOCHELYS

Leviathanochelys là giống rùa biển khổng lồ được công bố gần đây nhất, vào năm 2022. Chúng được biết đến với tư cách loài rùa biển cổ đại lớn nhất châu Âu, có niên đại thuộc tầng Campanian, khoảng 83,6 đến 72,1 triệu năm trước. Trước Levianthanochelys, những giống rùa biển cổ đại lớn nhất trong dữ liệu hóa thạch chỉ dài khoảng 1,5m, chính vì thế, sự xuất hiện của giống rùa này đã góp phần nâng cấp tầm vóc của đội hình rùa châu Âu cổ đại.

Phục dựng ngoại hình của Leviathanochelys.

Được một người đi bộ đường dài tình cờ phát hiện vào năm 2016, hóa thạch của Levianthanochelys bao gồm phần sau của mai và xương chậu tuy không hoàn chỉnh nhưng cũng đã đủ để các nhà khoa học nhận định rằng nó thuộc về một con rùa khổng lồ, không hề thua kém những giống rùa lớn nhất trên thế giới khi đó.

Được xếp vào siêu họ Cheloniodea, Leviathanochelys có họ hàng tương đối gần với các loài rùa biển ngày nay hơn là họ rùa biển khổng lồ Protostegidae. Dù vậy thì nó có nhiều điểm giống với Archelon, một giống rùa khổng lồ thuộc họ Protostegidae, cho thấy cả hai có thể có cùng lối sống, có lẽ là sống gần mặt nước ở biển.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu dựa trên các hóa thạch được tìm thấy, Leviathanochelys có thể đạt chiều dài khoảng 3,74 mét thậm chí lớn hơn. Dù vậy thì vẫn cần có thêm hóa thạch để xác nhận những tính toán này.

ARCHELON

Vâng, và cuối cùng là gương mặt mà chắc chắn không ai có thể bỏ qua khi nhắc đến những giống rùa siêu to, siêu khổng lồ từng hiện diện trong lịch sử Trái đất: Archelon, giống rùa lớn nhất lịch sử mà chúng ta từng biết đến, trừ khi là trong tương lai, chúng ta có thể khai quật được hóa thạch của một giống rùa khác lớn hơn.

Phục dựng ngoại hình của Archelon.

Hóa thạch mẫu định danh của Archelon được nhà cổ sinh vật học George Reber Wieland tìm thấy tại bờ sông Cheyenne ở bang Nam Dakota vào năm 1895, và sau đó chính Wieland tự tay mô tả mẫu vật này – một bộ xương gần như hoàn chỉnh chỉ thiếu duy nhất hộp sọ. Ông đặt tên cho nó danh pháp hai phần đầy đủ là Archelon ischyros, có nghĩa là “rùa nguyên thủy hùng mạnh”. Đồng thời, Wieland cũng xác định Archelon là một thành viên của họ rùa cổ đại khổng lồ Protostegidae, được thành lập năm 1873 với chi điển hình là Protostega mà chúng ta vừa đề cập ở trên. Một số mẫu vật sau đó được phát hiện đã cho chúng ta hình dung đầy đủ hơn về giống rùa này, trong đó có hộp sọ dài đến 1 mét với phần mỏ nhọn, khá dài và cong, khá giống mỏ của các loài chim săn mồi nhưng khác các loài rùa biển ngày nay và là một đặc trưng của họ rùa Protostegidae. Một đặc trưng khác là da được làm bằng một lớp da dày có khung xương chống đỡ.

Mẫu định danh của Archelon có chiều dài khoảng 3,5 mét, tuy nhiên, mẫu vật lớn nhất có tên là Brigitta dài đến 4,6m, chính thức xác nhận ngôi vương của Archelon trong dòng dõi các loài rùa về kích thước. Trọng lượng trung bình ước tính của giống rùa này có thể từ 2,2 đến 3,2 tấn.

Bộ xương của Archelon

Archelon sống cách chúng ta khoảng 80,5 triệu năm, tức vào Thế Phấn Trắng muộn ở một vùng biển nông gọi là Đường biển Nội địa phía Tây, từng chia đôi Bắc Mỹ làm hai phần vào giai đoạn đó. Vùng biển này là nơi cư trú của một hệ động vật biển phong phú, từ cá, cá mập, rùa, thằn lằn cổ rắn, chim biển và cả thương long, trong đó có những con thương long khổng lồ như MosasaurusPrognathodon. Đó có vẻ là một môi trường đầy nguy hiểm cho Archelon, nhưng chúng vẫn sinh sôi nảy nở khá mạnh mẽ và đạt đến kích thước khổng lồ nhờ nguồn thức ăn phong phú. Theo nhà cổ sinh vật học Samuel Wendell Williston, Archelon là một loài ăn thịt thích dành nhiều thời gian ở những vùng đáy biển nhiều bùn mềm, ăn những động vật ở đáy như nhuyễn thể có vỏ cứng, giáp xác nhờ chiếc mỏ có cấu tạo đặc biệt của nó. Ngoài ra nó cũng có thể nhắm đến các loài cá, bò sát biển nhỏ, mực, sứa và cả những cái xác chìm dưới đáy biển nữa.

Sự tuyệt chủng của Archelon cũng là một đề tài được các nhà cổ sinh vật học thảo luận khá nhiều. Đã có những giả thuyết được đưa ra như sự xuất hiện của các loài động vật có vú chuyên ăn trứng của rùa biển, các loài săn mồi phát triển mạnh mẽ hơn, sự sụt giảm của nhiệt độ nước biển hay sự dịch chuyển dần về phía Nam của Đường biển Nội địa phía Tây. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, Archelon cũng đã kịp ghi dấu ấn của mình trong lịch sử sự sống trên Trái đất.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/Bn2UaS3WgUs?si=7AA7S-iYD8NlF0ae” title=”YouTube video player” width=”560″]