[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Câu chuyện buồn về sự mất mát gần như không thể bù đắp của ngành cổ sinh vật học nhiều năm trước.

Spinosaurus là một trong những chi khủng long ăn thịt lớn nhất thế giới từng tồn tại, với chiều dài ước tính có thể lên đến 15 mét. Chúng sống ở vùng đất là châu Phi ngày nay khoảng 99-93,5 triệu năm trước. Các hóa thạch đầu tiên của Spinosaurus đã được nhà cổ sinh vật học người Đức Ernst Stromer tìm thấy trong chuyến thám hiểm Ai Cập diễn ra từ ngày 3/1/1911 đến tháng Hai cùng năm – một chuyến thám hiểm đã đi vào lịch sử của ngành cổ sinh vật học. Cùng với Spinosaurus, Ernst Stromer còn khai quật được hóa thạch của những loài khủng long nổi tiếng khác tại châu Phi như Carcharodontosaurus saharicus, Aegyptosaurus baharijensisBahariasaurus ingens.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chúng ta đã không thể giữ được những hóa thạch quý giá này mà đã để chúng bị phá hủy bởi chiến tranh. Vào ngày 24 tháng Tư năm 1944, tức cách đây 79 năm trước, một cuộc không kích của Không quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai đã hủy hoại Bảo tàng Cổ sinh vật học ở Munich và toàn bộ những mẫu vật mà bảo tàng đang lưu giữ trong lúc đó, gồm cả mẫu định danh (type specimen) của SpinosaurusAegyptosaurus.

Lẽ ra, mẫu vật này đã được cứu nếu như giám đốc phụ trách bộ sưu tập cổ sinh vật học của bảo tàng lúc đó là một nhà cổ sinh vật học trẻ trung thành với Đảng Quốc xã, Karl Beurlen, nghe lời Stromer. Stromer cho rằng nên sơ tán các mẫu vật đến nơi an toàn hơn, nhưng Beurlen dọa sẽ tố cáo Stromer với Gestapo (lực lượng cảnh sát mật của Đảng Quốc xã) vì một trong những lãnh đạo hàng đầu của Đảng Quốc xã khi đó là Hermann Goering tuyên bố rằng không chiếc máy bay ném bom nào của đồng minh có thể lọt vào không phận Munich.

Một giám tuyển khác của bảo tàng khi đó đã âm thầm sơ tán nhiều mẫu vật nhỏ hơn trong một chiếc va li mỗi ngày nên chúng đã được cứu khỏi cuộc không kích và vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Nhưng mẫu vật Spinosaurus quý giá thì đã tan thành cát bụi mãi mãi.

Chính vì lẽ này mà cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể phục dựng chính xác hoàn toàn ngoại hình của Spinosaurus. Ban đầu, do những hóa thạch tìm được nhiều nhất là phần đốt sống có gai nhô cao, nên người ta cho rằng Spinosaurus cũng giống các loài theropod ăn thịt khổng lồ khác như T. rex, ngoại trừ cánh buồm được tạo từ đốt sống gai trên lưng. Sau đó, khi đã có thêm những hóa thạch mới cộng thêm phát hiện về các loài họ hàng của Spinosaurus, các nhà cổ sinh vật học tiếp tục thay đổi ngoại hình của chi khủng long này giống như hiện nay, với hộp sọ dài và hẹp, phù hợp cho việc bắt cá.

Hình ảnh phục dựng của Spinosaurus qua các thời kỳ. Minh họa của ttorroo.

Tuy nhiên, số lượng mẫu vật quá ít và độ nguyên vẹn không cao vẫn khiến cho việc phục dựng toàn bộ ngoại hình của Spinosaurus cũng như nghiên cứu về hành vi, tập quán của chi khủng long này là một thách thức quá lớn đối với các nhà cổ sinh vật học. Gần như có một nguyên tắc bất thành văn trong ngành cổ sinh vật học rằng: “Đừng bao giờ cố gắng phục dựng ngoại hình của Spinosaurus. Việc đó chỉ đem lại cho bạn sự đau khổ và nước mắt thôi.” Không có nhiều nhà cổ sinh vật học dám dấn thân vào việc này như Nizar Ibrahim hay Paul Sereno (các tác giả của những nghiên cứu gần đây nhất về khả năng bơi lội ở Spinosaurus).

Hy vọng rằng trong tương lai, các nhà cổ sinh vật học sẽ khai quật được những mẫu vật Spinosaurus mới có độ nguyên vẹn cao hơn để chúng ta có thể biết chính xác một trong những loài khủng long săn mồi lớn nhất thế giới trông như thế nào.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/rPfeogkjDqY” title=”YouTube video player” width=”560″]