[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Con tôm Sussocaris không phải là lần duy nhất người ta cố gắng tạo ra một sinh vật “phake” có ngoại hình buồn cười để mua vui cho (hoặc chơi khăm) những người khác.

Nhà động vật học người Đức Gerolf Steiner (1908-2009) là một trong những người sở hữu trò chơi khăm kiểu này nổi tiếng nhất. Ông đã tạo ra cả một bộ (order) động vật “phake”, một hòn đảo “phake”, một nhà động vật học “phake”, một cuốn sách “phake” cùng một mớ địa điểm kèm nhân vật phụ cũng “phake” nốt.

Lấy cảm hứng từ bài thơ tào lao về một sinh vật đi bằng mũi của nhà thơ Christian Morgenstern (1871-1914), ông đã “sáng tạo” ra hẳn một bộ động vật có vú có danh pháp “phake” là Rhinogradentia. Ghi chép về loài động vật có vú này, theo Steiner, nằm trong một cuốn sách có tên là Bau und Leben der Rhinogradentia (dịch ra có nghĩa là Hình thái và đời sống của bộ Rhinogradentia). Tuy nhiên, bản gốc của cuốn sách này đã bị thất lạc mãi mãi cùng với toàn bộ các nhà nghiên cứu về bộ Rhinogradentia sau khi quần đảo nhỏ nằm ở Thái Bình Dương nơi họ sống chìm xuống biển vì một vụ thử bom hạt nhân. Steiner là người giữ bản sao “duy nhất còn lại” do ông được gửi một bản để vẽ minh họa cho cuốn sách.

Tranh ký họa Gerolf Steiner và bìa cuốn sách Bau und Leben der Rhinogradentia.

Steiner viết, theo nhà động vật học Harald Stümpke (nhà động vật học “phake”), bộ Rhinogradentia là những sinh vật bản địa của Hy-yi-yi, một quần đảo Thái Bình Dương gồm mười tám hòn đảo nhỏ trong đó có những cái tên khó đọc là Annoorussawubbissy, Awkoavussa, Hiddudify, Koavussa, Lowlukha, Lownunnoia, Mara, Miroovilly, Mittuddinna, Naty, Nawissy, Noorubbissy, Osovitissy, Ownavussa, Owsuddowsa, Shanelukha, Towteng-Awko và Vinsy. Quần đảo này có diện tích 1.690 km vuông, với ngọn núi cao nhất có độ cao 2.230 mét nằm trên hòn đảo chính  Hiddudify.

Mô tả đầu tiên về quần đảo Hy-yi-yi ở châu Âu là của Einar Pettersson-Skämtkvist, một nhà thám hiểm người Thụy Điển đã tình cờ đến được Hiddudify, hòn đảo chính của quần đảo Hy-yi-yi vào năm 1941, sau khi trốn thoát khỏi một trại tù binh chiến tranh của người Nhật. Mỗi hòn đảo trong số 18 hòn đảo có một quần thể động vật riêng với các loài thuộc bộ Rhinogradentia chiếm ưu thế.

Cuối thập niên 1950, một vụ thử vũ khí hạt nhân gần đó của quân đội Mỹ đã khiến toàn bộ mười tám hòn đảo của Hy-yi-yi chìm xuống biển cùng với hệ sinh thái độc đáo của chúng, cũng như toàn bộ các nhà nghiên cứu về quần đảo này và bộ Rhinogradentia bởi họ đang tề tựu đông đủ để tham dự một hội thảo tại đây.

Và tất nhiên, Steiner không quên đưa ra mô tả chi tiết về các sinh vật thuộc bộ Rhinogradentia. Theo ông, chúng có một cái mũi đặc biệt gọi là “nasorium”, mà hình thái và chức năng có sự khác biệt giữa các loài trong cùng một bộ, là kết quả của quá trình tiến hóa qua hàng triệu năm trên các hòn đảo hẻo lánh ở Hy-yi-yi. Nhiều loài trong bộ này sử dụng cái mũi của chúng để di chuyển, chẳng hạn như Hopsorrhinus aureus. Có con thì có đôi tai dài làm cánh để bay (earwings) còn “nasorium” sẽ được dùng như bánh lái khi bay, chẳng hạn Otopteryx. Một số loài dùng “nasorium” để kiếm ăn, chẳng hạn như để bắt cá hoặc dụ côn trùng. Steiner không quên nhại những danh pháp nổi tiếng để tạo ra những danh pháp như Tyrannonasus imperator hay Mammontops. Tính tổng cộng, bộ Rhinogradentia có đến 14 họ, 31 chi và 138 loài, có loài chỉ nhỏ như côn trùng, có loài thì to đùng như con voi.

Mô hình một loài trong bộ Rhinogradentia dùng mũi để bắt cá. Ảnh: Wikipedia.

Cuốn sách của Harald Stümpke (mà thực chất là của Gerolf Steiner, đương nhiên rồi) đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, đôi khi đổi tên tác giả tùy theo nước xuất bản. Ngoài Harald Stümpke thì có Massimo Pandolfi, Hararuto Shutyunpuke (nghe là biết bản của mấy anh Nhật) và Karl D. S. Geeste. Thậm chí, trò lừa của Steiner thành công tới nỗi Rhinogradentia đã xuất hiện trong một số công trình khoa học thật sự mà tác giả không hề hay biết đó là những sinh vật hoàn toàn “phake”.

Nếu so với Rhinogradentia, rõ ràng con tôm Sussocaris chỉ là một trò chơi khăm sơ sài và kém công phu hơn rất nhiều! Có lẽ Gerolf Steiner thích làm nhà văn khoa học viễn tưởng nhưng gia đình lại bắt ông đi làm nhà động vật học vậy…

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/W0LWfNx0frI?si=_HF2N7FMQq0sSiZh” title=”YouTube video player” width=”560″]