[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Nếu không có hóa thạch, chắc chắn chúng ta sẽ không thể biết khủng long từng tồn tại.
Có thể nói, hóa thạch là một trong những bằng chứng quan trọng nhất mà loài người có được để nghiên cứu về lịch sử Trái đất cũng như đời sống của các loài sinh vật cổ đại. Từ khi con người biết đến hóa thạch, chúng ta đã khám phá ra rất nhiều điều về tự nhiên và sự sống trước lúc nhân loại xuất hiện.
Vậy hóa thạch hình thành như thế nào? Các bạn hãy cùng Mê Khủng Long tìm hiểu nhé!
HÓA THẠCH LÀ GÌ?
Hóa thạch là những di tích hoặc dấu vết của động vật và thực vật cổ đại được bảo tồn. Nghiên cứu hóa thạch giúp chúng ta hiểu sinh vật đã sống và tiến hóa theo thời gian như thế nào. Hóa thạch rất hiếm, vì chúng chỉ hình thành trong một số điều kiện nhất định trong một thời gian dài.
CÁI CHẾT VÀ SỰ CHÔN VÙI
Để hóa thạch hình thành, bước quan trọng nhất chính là cái chết. Động vật hoặc thực vật phải chết đi thì quá trình hình thành hóa thạch mới có thể bắt đầu. Bước quan trọng tiếp theo là sinh vật phải bị chôn vùi thật nhanh chóng vì như thế, quá trình phân hủy của cái xác sẽ bị chậm lại.
Đặc biệt, nếu sinh vật bị chết trong môi trường gần hoặc xung quanh vùng nước, quá trình hình thành hóa thạch càng thuận lợi vì sinh vật sẽ sớm bị chìm xuống bùn hoặc đáy cát. Vì thế nên xác của những sinh vật biển thường dễ hình thành hóa thạch hơn vì khi chìm xuống đáy biển, chúng sẽ bị cát phủ lấp.
TRẦM TÍCH
Sau khi xác của sinh vật đã chìm xuống, nó sẽ tiếp tục bị vùi lấp bởi nhiều lớp đá mảnh và khoáng chất nhỏ được gọi là trầm tích. Dần dần, nhiều lớp trầm tích xếp chồng lên nhau, nén chặt lại và trở thành đá rắn, đè lên những gì còn lại của cái xác.
Đôi khi, cái xác sẽ không còn giữ nguyên hình dạng ban đầu vì bị nén chặt, bị xoắn hoặc đè phẳng bởi áp lực của các lớp trầm tích bên trên.
TRỞ THÀNH ĐÁ
Thời gian trôi đi, các khoáng chất bên trong xương của sinh vật sẽ tiêu biến dần dần và được thay thế bởi các khoáng chất đá. Đến một lúc nào đó, toàn bộ những gì còn lại của cái xác sẽ trở thành đá hoàn toàn.
Vì vậy, nếu muốn tìm hóa thạch, bạn sẽ cần phải tìm đến những nơi có nhiều đá trầm tích, chẳng hạn như đá vôi, sa thạch hoặc đá bùn, bởi những loại đá này đều được hình thành do sự tích tụ của trầm tích.
HÓA THẠCH KHỦNG LONG
Quá trình hình thành hóa thạch của khủng long cũng giống với hóa thạch của các sinh vật khác. Điều kiện lý tưởng nhất để hóa thạch khủng long hình thành là con vật phải chết ở trong nước hoặc gần nước. Chẳng hạn như ở Công viên Khủng long Tỉnh Alberta, Canada, người ta tìm thấy rất nhiều hóa thạch khủng long bởi cách đây hàng chục triệu năm trước, nơi đây từng là một con sông. Một đàn khủng long Centrosaurus do bị khủng long ăn thịt săn đuổi đã băng qua sông và bị chết đuối hàng loạt. Xác của chúng chìm xuống đày sông, nhanh chóng bị bùn vùi lấp và trở thành một bãi hóa thạch khổng lồ. Ngày nay, Công viên Khủng long Tỉnh Alberta là nơi có mật độ hóa thạch khủng long dày đặc nhất thế giới.
Hóa thạch của khủng long cũng như của các sinh vật thường chỉ phát lộ ra khi có sự xói mòn của lớp đá bên trong, hoặc do sự chuyển động địa chất đẩy lớp đá chứa hóa thạch ra phía ngoài.
Để khai quật hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học phải sử dụng nhiều dụng cụ chuyên biệt và làm việc hết sức cẩn thận, vì nếu mạnh tay họ có thể làm hỏng cả một bộ xương hóa thạch quý báu. Khi đã khai quật được hóa thạch, họ sẽ bọc một lớp thạch cao để bảo vệ nó trước khi đem về phòng thí nghiệm nhằm nghiên cứu và xử lý.
Những loại hóa thạch đặc biệt khác
- Corprolite: Phân của động vật cũng có thể hóa thạch, được gọi là corprolite. Người ta từng tìm thấy một mẩu corprolite dài hơn 1m và được cho là của khủng long T-rex.
- Hổ phách: Nếu bạn đã từng xem loạt phim Jurassic Park, hẳn bạn sẽ biết đến hóa thạch hổ phách. Đó là loại hóa thạch hình thành từ nhựa cây, và sẽ thật quý giá nếu như có một con côn trùng, sinh vật nhỏ hay thậm chí một bông cỏ cổ đại nào đó mắc kẹt trong nhựa cây rồi trở thành hóa thạch. Đó là những bằng chứng vô giá để các nhà khoa học nghiên cứu về đời sống thời tiền sử.
- Hóa thạch dấu vết: Những thứ khác có thể trở thành hóa thạch là dấu chân, hang đào. Corporlite cũng được coi là một loại hóa thạch dấu vết. Những loại hóa thạch này có thể kể cho chúng ta nhiều điều về đời sống của sinh vật, chẳng hạn như chúng sống theo đàn hay đơn lẻ…
***
Có thể nói, hóa thạch vô cùng quý giá. Thế nên, cũng dễ hiểu vì sao những bộ xương khủng long hóa thạch thường có giá rất cao, càng hoàn chỉnh thì giá trị càng lớn. Vì thế, trên thế giới đã hình thành một lớp người làm nghề săn hóa thạch để bán cho các nhà sưu tầm. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn cả nếu người khai quật được hóa thạch là các nhà cổ sinh vật học, bởi họ chắc chắn sẽ làm hết mình để từ hóa thạch vẽ lại đời sống của những sinh vật xa xưa đã tuyệt chủng cách đây hàng chục, hàng trăm triệu năm, như khủng long chẳng hạn.