[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dưới đây là danh sách 10 động vật từng tuyệt chủng vì nguyên nhân con người tiêu biểu, phần nào cho thấy những tác động nguy hiểm từ con người đối với hệ sinh thái trên hành tinh.
>> Xem thêm:NHỮNG GIỐNG LOÀI ĐỘNG VẬT TUYỆT CHỦNG VÌ CON NGƯỜI (PHẦN 2)
Loài động vật nào nguy hiểm nhất thế giới? Đây là một câu hỏi mà có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình, nhưng vào năm 1963, vườn thú Bronx tại Mỹ đã cố gắng đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất cho tất cả bằng một cuộc triển lãm có tên ĐỘNG VẬT NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI. Ban đầu, mọi người đã rất háo hức đến tham dự buổi triển lãm này với hy vọng được chứng kiến thật nhiều răng nanh và sức mạnh cơ bắp hoang dã, thế nhưng khi bước vào nơi triển lãm, tất cả những gì họ thấy chỉ là một tấm gương đặt sau song sắt. Ở phía trên tấm gương là một tấm bảng đỏ ghi dòng chữ: “Động vật nguy hiểm nhất thế giới.” Còn dòng chữ ở dưới tấm gương thì viết: “Bạn đang nhìn thấy động vật nguy hiểm nhất thế giới. Trong số tất cả những loài từng sống trên Trái đất, chỉ một mình loài này có thể và đã từng tiêu diệt toàn bộ một giống loài động vật khác. Và bây giờ nó có quyền năng để quét sạch mọi sự sống trên Trái đất.”
Triển lãm “Động vật nguy hiểm nhất thế giới” tại vườn thú Bronx năm 1963. |
Trong gương là gì? Chỉ có những người đang nhìn vào gương. Và đó chính là câu trả lời của vườn thú Bronx: Con người là động vật nguy hiểm nhất thế giới. Kể từ con người xuất hiện, đã có nhiều giống loài phải chấm dứt sự tồn tại của chúng trên Trái đất vì chúng ta. Chúng ta ăn chúng, săn chúng, hủy hoại môi trường sống của chúng một cách tàn bạo. Theo một thống kê từ kênh NBC News, kể từ thế kỷ XVI đến nay chúng ta đã đẩy ít nhất 680 loài động vật có xương sống vào cảnh không còn chốn dung thân và biến mất mãi mãi. Đó là những trường hợp chúng ta thống kê được và ghi nhận, chưa kể những trường hợp bị tuyệt chủng trên hành trình vươn đến ngôi vị bá chủ hành tinh của tổ tiên chúng ta từ trước đó nữa.
10 động vật (có thể là một nhóm, một loài hoặc một phân loài) sau đây đại diện cho những trường hợp tiêu biểu tuyệt chủng vì nguyên nhân con người.
1. VOI MA MÚT LÔNG XOĂN
Nếu bạn tin rằng con người không thể sống sót nếu sống chung với những con khủng long ăn thịt như T. rex, thì hãy nhìn vào voi ma mút lông xoăn. Dù xét về chiều dài cơ thể, voi ma mút không bằng T. rex, chủ yếu là vì T. rex có cái đuôi dài, nhưng về cân nặng và chiều cao, voi ma mút không hề kém cạnh. Một con voi ma mút lông xoăn có thể cao hơn 3m và nặng đến 8 tấn. Đó là chưa kể cặp ngà có thể dài tới 5 mét. Một con vật như thế thì dù xét với bất kỳ tiêu chuẩn nào cũng là một đối thủ quá mạnh với con người, và chúng có thể dễ dàng giày xéo chúng ta bằng đôi chân khổng lồ của mình. Ấy là chưa kể người tiền sử còn thấp bé nhẹ cân hơn so với chúng ta bây giờ.
Voi ma mút lông xoăn. |
Cần biết rằng, voi ma mút lông xoăn từng là những động vật quan trọng trong các hệ sinh thái mà chúng từng hiện diện từ khoảng 40.000 năm trước. Chúng sống ở các vùng cực Bắc của châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Chúng có màu nâu đỏ, có lớp lông dày và dài, có tai nhỏ và đuôi ngắn. Voi ma mút lông xoăn là loài ăn cỏ, ăn chủ yếu là các loại cỏ, cây bụi và rêu. Chúng sống thành đàn nhỏ, có thể có từ 5 đến 20 con trong một đàn. Các cá thể voi ma mút lông xoăn có thể sống tới 60 năm.
Tuy nhiên, to không phải lúc nào cũng tốt. Thứ nhất, một thân hình to xác sẽ khiến bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về môi trường và khí hậu, nhất là về nguồn thức ăn. Thứ hai, trong mắt người tiền sử, một con vật to xác đồng nghĩa với nhiều thịt hơn, chưa kể bộ lông và cặp ngà của chúng cũng rất đáng giá. Một con voi ma mút lông xoăn trưởng thành có thể cung cấp lượng thịt đủ cho 30 người trong vòng hai tuần, quá hời cho một chuyến đi săn. Chính vì thế, voi ma mút lông xoăn đã trở thành đối tượng bị người tiền sử săn đuổi khiến các quần thể thu hẹp đến mức không thể duy trì được nữa và cuối cùng, biến mất hoàn toàn. Sự hiện diện cuối cùng của voi ma mút lông xoăn được ghi nhận là vào khoảng 4.000 năm trước trên đảo Wrangel ở Bắc Băng Dương. Phân tích ADN cho thấy, quần thể voi ma mút trên đảo Wrangel có nhiều khiếm khuyết về mặt di truyền, có lẽ là do giao phối cận huyết quá nhiều khi số lượng cá thể quá ít để giữ gìn sự đa dạng về mặt di truyền.
2. CHIM MOA
Chim moa không hẳn là tên gọi riêng của một loài nào mà là một nhóm các loài chim không bay đặc hữu của New Zealand. Chúng thuộc bộ Dinornithiformes, có quan hệ họ hàng với các loài chim tinamou ở Nam Mỹ. Chim moa có nhiều loài khác nhau, có kích thước từ nhỏ như một con gà tây đến lớn hơn một con đà điểu. Chim moa lớn nhất là chim moa khổng lồ (Dinornis robustus), cao tới 3 mét và nặng khoảng 250 kg. Chim moa sống trong các khu rừng và đồng cỏ, ăn chủ yếu là thực vật.
Con người săn chim moa. |
Chim moa bị tuyệt chủng vào khoảng thế kỷ XV, khi người Māori đến New Zealand. Người Māori săn bắn chim moa để lấy thịt, trứng và xương. Họ cũng đốt phá các khu rừng để trồng cây và nuôi gia súc, làm giảm diện tích môi trường sống của chim moa. Trước khi con người đến, chim moa vốn không có kẻ thù tự nhiên ngoài chim đại bàng Haast, nên chúng không có khả năng phòng thủ trước sự săn đuổi của con người.
Các nghiên cứu dựa trên đồng vị carbon cho thấy, quá trình diệt chủng chim moa của con người diễn ra trong vòng chưa đầy một trăm năm, dù công cụ săn bắn của người Maori cũng tương đối thô sơ chứ chưa cần đến các công cụ săn bắn hiện đại cũng như quy mô công nghiệp của người phương Tây. Vâng, một nhóm chim từng tồn tại từ 17 triệu năm trước bị diệt chủng hoàn toàn trong vòng có một thế kỷ. Dù sau này đã có những tin đồn và báo cáo về việc trông thấy các cá thể chim moa còn sống sót diễn ra lẻ tẻ cho đến tận thế kỷ XX, nhưng chúng chẳng khác nào những ảo ảnh của một thời huy hoàng.
3. ĐẠI BÀNG HAAST
Nếu có ví dụ nào đó cho thấy tự nhiên là một hệ thống với những thành phần liên kết chặt chẽ với nhau, và bất kỳ hành động phá hoại nào của con người sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một thành phần, một giống loài mà ảnh hưởng đến nhiều thành phần hay giống loài khác, thì đó chính là trường hợp của chim moa và đại bàng Haast.
Đại bàng Haast tấn công chim moa. |
Đại bàng Haast (Harpagornis moorei) là một loài chim săn mồi cổ đại, sống ở New Zealand. Đây là loài đại bàng lớn nhất từng tồn tại, có sải cánh từ 2,6 đến 3 mét và nặng từ 10 đến 15 kg. Đại bàng Haast là kẻ săn mồi đỉnh cao, chuyên săn bắt các loài chim moa không bay. Chúng có thể giết chết một con moa lớn chỉ bằng một cú đớp vào cổ. Đại bàng Haast cũng có thể tấn công các loài động vật khác như hươu nai, voi rừng và thậm chí là con người. Tuy nhiên, đại bàng Haast sẽ sớm hiểu ra vì sao chúng không nên động vào đối tượng cuối cùng.
Đại bàng Haast bị tuyệt chủng vào khoảng thế kỷ XV, cùng với chim moa. Nguyên nhân chính là do sự săn bắn và phá hoại môi trường sống của người Māori. Khi nguồn thức ăn chính của chúng là chim moa bị con người tiêu diệt, đại bàng Haast mất đi cái ăn và không thể thích nghi với các con mồi nhỏ hơn. Không chỉ vậy, một khi bạn đã đụng vào giống loài không những thù dai mà còn thông minh như hooman thì coi như xong. Có thể vì từng bị đại bàng Haasts tấn công, người Māori cũng coi chúng là một kẻ thù nguy hiểm và có lẽ đã tiên hạ thủ vi cường, xử đẹp những con đại bàng Haast để diệt trừ hậu họa. Cuối cùng, loài chim săn mồi lớn nhất trong lịch sử đã biến mất khỏi tự nhiên mãi mãi.
4. CHIM ANCA LỚN
Có một điều không nhiều người biết, đó là từ tiếng Anh của chim cánh cụt, “penguin”, vốn không phải là tên gọi của loài chim này. Nó vốn là danh pháp khoa học của một loài chim khác, Pinguinus impennis, mà trong sách vở tiếng Việt chúng ta thường gọi là chim anca lớn.
Đây là một loài chim không biết bay tuy đã tuyệt chủng nhưng từng rất phổ biến ở các miền đất duyên hải phía Bắc Đại Tây Dương. Chúng là những tay bơi lội cừ khôi, chuyên săn mồi dưới nước và ngoại hình rất giống chim cánh cụt. Chính vì thế khi các thủy thủ châu Âu tìm thấy chim cánh cụt sau chim anca lớn, họ đã tưởng chim cánh cụt là chim anca lớn và dùng danh pháp khoa học của chim anca lớn để gọi chim cánh cụt, và đó là nguồn gốc của “penguin”.
Tranh vẽ chim anca lớn. |
Chim anca lớn là nguồn thức ăn, vừa là một biểu tượng quan trọng trong nhiều nền văn hóa Bắc Mỹ bản địa. Người bản địa tuy có săn chúng, nhưng chỉ ở mức độ nhất định và không gây ảnh hưởng nhiều đến các quần thể chim anca lớn… cho tới khi người châu Âu đến. Những anh bạn chim ngây thơ này có vẻ tưởng hooman nào cũng giống hooman nào, nên khi thấy người châu Âu thì không hề tỏ vẻ sợ hãi; trong khi ở chiều ngược lại, những anh thủy thủ sau một chuyến hải trình dài ngày chỉ biết ăn đồ khô trên tàu đã nhìn những chú chim anca lớn như một sự cải thiện tuyệt vời cho nhu cầu thịt tươi của mình. Ngoài ra, bộ lông của chim anca lớn cũng được xem như một nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho ngành sản xuất chăn gối vì lông tơ của chúng rất mịn và ấm.
Và thế là từ một trong những loài chim biển phổ biến nhất vùng Bắc Đại Tây Dương, hàng triệu con chim anca lớn đã bị săn đuổi tới mức tuyệt chủng dù cho đã có những lệnh cấm được ban hành từ giữa thế kỷ XVI, nhưng khi đó đã quá muộn.
Đàn chim anca lớn cuối cùng được nhìn thấy trên một mỏm đá nhỏ chao leo ngoài khơi Iceland, vốn không thể tiếp cận bởi con người. Nhưng vào năm 1830, mỏm đá này bị hoạt động núi lửa nhấn chìm và đàn chim phải di cư đến một hòn đảo gần đó, với số lượng chỉ còn khoảng 50 con. Các bảo tàng, vì khao khát những bộ da của loài chim này để trưng bày, đã cho người đi thu thập chúng trên hòn đảo này. Cặp chim cuối cùng được tìm thấy khi đang ấp một quả trứng, nhưng cũng bị sát hại vào ngày 3 tháng Sáu năm 1844. Quả trứng cuối cùng cũng bị giẫm nát dưới gót giày của những thợ săn, đặt dấu chấm hết cho số phậm bi thảm của một loài chim.
5. CHIM DODO
Nếu bạn nghĩ rằng cuộc sống thiên đường là tìm một hòn đảo biệt lập, xây dựng cơ ngơi trên đó, sinh con đẻ cái đời đời nối tiếp nhau thì coi chừng bạn đã làm. Những con chim dodo có lẽ cũng từng nghĩ như vậy, với cuộc sống bình an nơi hòn đảo Mauritius xa xôi thuộc Ấn Độ Dương. Nơi đó sẽ mãi mãi là thiên đường, nếu không có cái ngày định mệnh khi con người bắt đầu ghé thăm thường xuyên và định cư tại hòn đảo này vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Con người sớm chú ý đến giống chim to xác, cao khoảng 1m và nặng từ 10 đến 17kg mà về sau này được gọi là chim dodo.
Chim dodo từng sống yên bình trên đảo Mauritius, cho đến khi con người tìm được nó. |
Chúng không biết bay, sở hữu bộ lông màu xám, có mỏ cong và lớn, cổ ngắn, đuôi xù và trông khá ngốc nghếch, ngờ nghệch. Chim dodo là loài ăn tạp, ăn chủ yếu là các loại quả, hạt, củ và giáp xác. Chúng sống đơn độc hoặc thành cặp, có thể có từ 1 đến 3 con trong một lứa. Chim dodo đẻ trứng trong tổ được làm bằng cỏ và lá cây. Một con chim dodo có thể sống tới 20 năm. Vì đã sống biệt lập trên đảo Mauritius từ rất lâu, không có kẻ thù trong tự nhiên và chưa từng nhìn thấy con người, chim dodo không hề sợ con người. Ngoài ra, vì chúng tương đối chậm chạp và không biết bay, nên việc săn bắt loài chim này trở nên rất dễ dàng.
Tuy nhiên, chim dodo không bị con người săn bắt đến tuyệt chủng. Thịt của chúng không được xem là ngon, phần ngon nhất cũng chỉ là phần mề mà ít người thích ăn. Sở dĩ chim dodo bị tuyệt chủng là bởi khi định cư ở hòn đảo này, con người đã mang theo nhiều động vật khác như chó, lợn, mèo, chuột và cả khỉ. Những động vật này không chỉ cạnh tranh nguồn thức ăn với chim dodo mà còn ăn cắp trứng, phá hoại tổ. Vậy là từ một loài chim phổ biến, tồn tại mạnh mẽ trước sự phun trào của núi lửa và biến đổi khí hậu của hòn đảo Mauritius, chim dodo biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVII chỉ còn được biết đến qua những hình vẽ và những mẫu vật nhồi bông hiếm hoi trưng bày trong bảo tàng. Ngày nay, từ bài học chim dodo cũng như một số trường hợp khác, bạn có thể hiểu vì sao nhiều quốc gia lại có quy định ngặt nghèo đối với sinh vật ngoại lai như vậy.
6. BÒ BIỂN STELLER
Bò biển Steller (Hydrodamalis gigas) là một loài động vật có vú biển có kích thước lớn, có thể dài tới 10 mét và nặng tới 10 tấn. Bò biển Steller là loài chuyên ăn các loại rong biển và tảo. Chúng sống thành đàn nhỏ, có thể có từ 10 đến 20 con trong một đàn. Bò biển steller có thể sống tới 50 năm. Sở dĩ chúng có tên như vậy vì người đầu tiên mô tả loài động vật có vú sống ở biển này là nhà động vật học người Đức George Wilhelm Steller vào năm 1741. Tuy nhiên, khi được người phương Tây phát hiện, bò biển Steller đã ở trong tình trạng tương đối nguy cấp với quần thể chỉ còn khoảng 2.000 con sinh sống quanh quần đảo Commander ở biển Bering, có lẽ là do trước đó chúng đã bị những cư dân bản địa như người Aleut hay người Yupik săn bắn làm thức ăn và lấy da.
Bò biển Steller bị con người săn đuổi. |
Điều đáng buồn là số lượng ít ỏi này vẫn không thoát khỏi sự thèm khát của con người. Những cái chết thê thảm của bò biển Steller vẫn còn được mô tả lại rất kỹ càng: người ta sẽ bắn một mũi lao móc vào con vật, rồi liên tục đâm lê cho nó chết dần chết mòn trước khi thuyền kéo nó đến vùng nước nông, nơi nó sẽ được sóng đánh dạt vào bờ để các thủy thủ mổ xác nó lấy thịt và mỡ. Kết quả là chỉ 27 năm sau được người châu Âu tìm thấy, bò biển Steller bị sát hại đến những cá thể cuối cùng và chính thúc tuyệt chủng vào năm 1768.
Bò biển steller bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XVIII, do sự săn bắn quá mức và mất môi trường sống. Người châu Âu đến vùng biển Bắc Thái Bình Dương đã săn bắn bò biển steller để lấy thịt, mỡ và da. Họ cũng làm ô nhiễm và phá hủy các rặng rong biển, làm giảm nguồn thức ăn của bò biển steller. Bò biển steller không có khả năng chống lại các loài săn mồi như cá voi sát thủ và cá mập, nên dễ bị tấn công. Một số tài liệu cho rằng, con bò biển Steller cuối cùng đã bị giết vào năm 1768 tại quần đảo Commander. Sự biến mất của chúng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái biển nơi chúng cư trú, đặc biệt là các cánh rừng tảo biển dưới nước.
7. NGỰA QUAGGA
Quagga (Equus quagga quagga) là một phân loài của ngựa vằn, sống ở Nam Phi. Chúng có màu nâu vàng, có vằn đen trên cổ và đầu, nhưng không có vằn trên thân và mông. Quagga là loài động vật ăn cỏ, sống thành đàn nhỏ, có thể có từ 30 đến 50 con trong một đàn. Quagga có thể chạy nhanh, có thể đạt tốc độ tới 60 km/h. Quagga cũng có khả năng giao tiếp bằng tiếng kêu đặc biệt, giống như tiếng cười.
Tranh vẽ ngựa quagga. |
Quagga bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XIX, do sự săn bắn quá mức và cạnh tranh với gia súc. Người châu Âu đến Nam Phi đã săn bắn quagga để lấy thịt, da và xương. Họ cũng nuôi các loài gia súc như bò, cừu và dê, làm giảm nguồn thức ăn và nước của quagga. Quagga không có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, nên không thể được bảo tồn. Con quagga cuối cùng đã chết vào năm 1883 tại vườn thú Amsterdam.
Quagga là một loài động vật độc đáo, có hình dáng và hành vi khác biệt so với các loài ngựa vằn khác. Sự tuyệt chủng của chúng là một kết quả của sự xâm lấn và khai thác của con người đối với thiên nhiên.
8. CHỒN VIZON BIỂN
Chồn biển (Neogale macrodon) là một loài động vật có vú nhỏ, thuộc họ Chồn (Mustelidae). Chúng sống ở các bờ biển của Maine và New Brunswick, Bắc Mỹ. Chúng có màu nâu đỏ, có lông mượt và bóng, có tai nhọn và mắt to. Chồn biển là loài ăn thịt, ăn chủ yếu là các loài động vật sống trong nước như cá, cua, tôm và ốc. Chúng sống đơn độc hoặc thành cặp, có thể có từ 1 đến 4 con trong một lứa. Chồn biển có thể bơi lội giỏi, có thể lặn sâu để săn mồi. Chồn biển có thể sống tới 10 năm.
Chồn vizon biển. |
Chồn biển bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XIX, do sự săn bắn quá mức và mất môi trường sống. Người châu Âu đến Bắc Mỹ đã săn bắn chồn biển để lấy da và dầu, chúng được ưa chuộng hơn các loài chồn khác vì có bộ lông to. Những tay buôn lông thú săn chồn biển bằng súng, bằng xẻng và bằng cách hun khói nếu chúng trốn ở trong hang.
Các loài động vật theo chân con người như chó, mèo và chuột góp phần làm giảm nguồn thức ăn và truyền bệnh cho chồn biển. Họ cũng xây dựng các cảng biển và nhà máy, làm ô nhiễm và phá hủy các bãi biển, khiến chồn biển không còn nhiều chốn dung thân. Chồn biển không có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường và hoạt động của con người, nên dễ bị bắt hoặc giết. Con chồn biển cuối cùng được ghi nhận vào năm 1894.
9. BỒ CÂU VIỄN KHÁCH
Nếu có loài vật này có thể chứng minh cho khả năng hủy diệt kinh khủng trên quy mô công nghiệp của nhân loại thì đó có lẽ chính là bồ câu viễn khách. Đây là một loài chim bản địa của Bắc Mỹ, sống trong các khu rừng rộng lớn. Chúng có màu xám xanh, cổ họng hồng, đuôi dài và cánh rộng. Bồ câu viễn khách là loài chim di cư, di chuyển theo mùa từ Canada đến miền nam Hoa Kỳ. Chúng sống thành đàn lớn, có thể có hàng triệu con trong một đàn. Khi một đàn chim bay tới đâu, chúng hoàn toàn có thể biến ngày thành đêm đúng nghĩa khi che khuất hoàn toàn ánh Mặt trời. Chúng bay nhanh và khéo léo, có thể đạt tốc độ tới 100 km/h. Bồ câu viễn khách ăn chủ yếu là hạt, trái cây của các loài cây rừng hoặc sâu bọ. Người ta từng ước tính số lượng bồ câu viễn khách có thể lên tới 3 tỷ, thậm chí 5 tỷ con.
Vâng, các bạn không nghe nhầm đâu, 3 đến 5 tỷ con bồ câu, nhưng bây giờ chúng đã bị tiêu diệt không còn sót lại một cọng lông, ngoại trừ trong bảo tàng!
Bồ câu viễn khách từng bay kín bầu trời Bắc Mỹ, những giờ thì không còn một con! |
Trước khi người định cư châu Âu đến khai phá châu lục này, chim bồ câu viễn khách đã sống khá ổn với những người bản địa. Mặc dù người bản địa có săn bắn chúng, nhưng không đủ nhiều để làm ảnh hưởng tới các quần thể chim bồ câu viễn khách. Người bản địa cũng rất coi trọng loài chim này, thậm chí trước khi đi săn chim họ còn cúng tế những con chim già khá đàng hoàng. Nhưng với những người định cư châu Âu, chim bồ câu viễn khách với số lượng cả triệu con trên mỗi đàn chính là nguồn protein dễ kiếm nhất trong những ngày đầu khai phá vùng đất mới. Ngay cả một tay súng nghiệp dư chỉ cần chĩa súng lên trời là có thể hạ được sáu con một lúc.
Đến khi đã dư dả cái ăn rồi, họ bắt đầu chuyển sang giết chóc chim bồ câu viễn khách như một thú vui. Những cậu trai trẻ Bắc Mỹ hồi thế kỷ XIX còn xem việc bắn chim bồ câu viễn khách là môn thể thao giải trí phổ biến. Người ta còn tổ chức các cuộc thi bắn súng với mục tiêu sống là chim bồ câu viễn khách. Chỉ riêng một cuộc thi đã giết tới 30.000 con chim nhưng chẳng ai cảm thấy ái ngại gì vì một đàn chim có tới hàng triệu con cơ mà, 30.000 con thì có đáng là bao?
Martha, con bồ câu viễn khách cuối cùng. |
Phải đến cuối thế kỷ XIX, một vài người mới lờ mờ nhận ra rằng, loài chim ngày nào từng phủ kín bầu trời Bắc Mỹ đang dần biến mất. Những nỗ lực bảo tồn bắt đầu được đưa ra, nhưng bị những tay thợ săn cười nhạo vì cho rằng họ đang làm trầm trọng hóa vấn đề. Các điều luật cũng chỉ để cho có thay vì khiến người ta chấp hành. Kết quả là chim bồ câu viễn khách tiếp tục bị thảm sát đến mức chỉ còn những đàn chim nhỏ rãi rác, nhưng chúng cũng tiếp tục bị bắn ngay khi bị phát hiện trong tầm mắt của thợ săn. Những con chim may mắn được đưa vào sở thú trước khi bị bắn lại không thể sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, và cá thể cuối cùng tên Martha đã qua đời vào năm 1914 tại vườn thú Cincinnati, đặt dấu chấm hết cho một loài chim vĩ đại nhưng cũng không thể thoát khỏi bàn tay hủy diệt của con người tại Bắc Mỹ.
10. CHÓ SÓI TASMANIA
Chó sói Tasmania (Thylacinus cynocephalus), còn được gọi là hổ Tasmania là một loài động vật có túi đã tuyệt chủng, từng sống ở Úc và Tasmania. Chúng có màu nâu xám, có sọc đen trên lưng và đuôi, có hàm răng lớn và mạnh. Chó sói Tasmania là loài săn mồi, ăn chủ yếu là các loài động vật nhỏ như chuột túi, thỏ và chim. Chúng sống thành đàn nhỏ, có thể có từ 3 đến 5 con trong một đàn. Chó sói Tasmania có thể kêu gầm như hổ hoặc ngáy như chó. Chó sói Tasmania nuôi con trong túi, có thể sinh tới 4 con một lứa.
Chó sói Tasmania bị nhốt đầu thế kỷ XX. |
Bên cạnh một số nguyên nhân khác, con người được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tuyệt chủng của chó sói Tasmania. Sau khi không còn chốn dung thân tại đại lục Úc, chó sói Tasmania vẫn sống tốt trên hòn đảo Tasmania với số lượng ước tính khoảng 5.000 con. Tuy nhiên, người định cư châu Âu lại đến, mang theo nghề chăn nuôi, xâm phạm vào địa bàn sinh sống của chó sói Tasmania. Xung đột là khó tránh khỏi, và đã có nhiều vụ chó sói Tasmania tấn công cừu của người định cư. Cuối thế kỷ XIX, chính quyền đảo Tasmania đã treo thưởng cho các thợ săn 1 bảng Anh cho mỗi con chó sói Tasmania trưởng thành bị giết và 10 xu cho con non. Người ta thậm chí còn cắt ghép hình để gán cho chó sói Tasmania tiếng xấu như một loài thú chuyên ăn trộm gia cầm, như một bức hình vào năm 1921, vốn được chụp trong chuồng nhốt. Vậy là chỉ với vài nghìn bảng Anh, cuộc tàn sát chó sói Tasmania với danh nghĩa bảo vệ gia súc và lấy tiền thưởng đã giáng đòn chí mạng vào quần thể còn rất ít ỏi này. Con chó sói Tasmania cuối cùng, một con cái, qua đời trong chuồng ở Sở thú Hobart vào ngày 7 tháng Chín năm 1936. Thậm chí, cái chết của nó còn không được ghi nhận tử tế bởi con vật bị bắt bằng bẫy một cách bất hợp pháp. Một lần nữa, những nỗ lực bảo tồn diễn ra quá muộn và không hiệu quả bởi chó sói Tasmania cũng không thể sinh sản trong môi trường nuôi nhốt.
Trong những năm sau này, các nhà thám hiểm, các nhà khoa học đã có những nỗ lực nhằm tìm kiếm các cá thể chó sói Tasmania còn sót lại trong tự nhiên nhưng không thành công. Ngoài ra còn có hàng trăm báo cáo khác từ năm 1936 đến năm 1998 cho biết đã nhìn thấy chó sói Tasmania nhưng không được chứng thực bởi các bằng chứng cụ thể. Một đại gia truyền thông của Mỹ là Ted Turner từng trao khoản thưởng lên tới 100.000 đô-la cho ai chứng minh được rằng chó sói Tasmania vẫn còn tồn tại, hay vào năm 2005 tạp chí The Bulletin của Úc cũng đề nghị thưởng 1,25 triệu đô-la cho ai bắt được một con chó sói Tasmania còn sống. Tuy nhiên, những khoản thưởng kếch xù chẳng khác nào sự châm biếm cay đắng đối với việc con người chúng ta tiêu diệt một giống loài, rồi lại cất công đi tìm những cá thể còn sống cuối cùng của giống loài đó.
Ngày nay, một công ty tên là Colossal Biosciences đang tiêu tốn hàng chục, thậm chí có thể lên đến hàng trăm triệu đô-la nhằm hồi sinh voi ma mút lông xoăn, chim dodo và cả chó sói Tasmania. Trong đó, chó sói Tasmania được xem là trường hợp khả dĩ nhất vì chúng là loài tuyệt chủng gần đây nhất. Nhưng chúng sẽ được hồi sinh để có thể trở về mái nhà xưa, hay chỉ để sống trong cũi và lồng như những vật trưng bày suốt cuộc đời của mình? Và liệu điều đó có góp phần nào ngăn chặn cuộc đại tuyệt chủng mà con người chúng ta đang gây ra?