[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Phim ảnh liệu có phóng đại hay “tự sáng tạo” ra khả năng dùng độc của khủng long?

KHỦNG LONG CÓ NỌC ĐỘC TRÊN PHIM ẢNH

Nếu đã xem Jurassic Park phần 1 công chiếu năm 1993, bạn hẳn sẽ không quên được sự xuất hiện của Dilophosaurus, một chi khủng long có kích thước khá nhỏ ở trong phim dù trong thực tế chúng cũng không nhỏ lắm đâu, dài đâu đó đến 7 mét và nặng tầm 400kg. Khi nhân vật Dennis Nedry tìm cách tẩu thoát với số phôi khủng long đánh cắp trong lon kem cạo râu trá hình và bị mắc kẹt giữa cơn bão, hắn đã đối mặt với một con Dilophosaurus và dù là một nhân viên quan trọng của công viên, có vẻ Nedry không thuộc lắm về đặc tính của những con khủng long lắm thì phải. Chính vì thế hắn đã bất ngờ khi con khủng long này xòe diềm ra và phun nọc độc vào mình ngay trong xe, đưa đến kết cục là một vé đi nhận cơm hộp sớm cho gã IT bất lương này.

Dilophosaurus có “tuyệt chiêu” dùng độc ấn tượng trong thương hiệu Jurassic Park.

Sau đó khá lâu thì phải đến Jurassic World Dominion, Dilophosaurus mới tái xuất và thể hiện lại khả năng dùng độc của mình trong một tình huống khá tương tự, đó là lúc tay trùm của Biosyn Lewis Dodgson tính tẩu thoát cùng một mớ phôi khủng long, nhưng cuối cùng hắn mắc kẹt trong khoang tàu hyperloop cùng ba con Dilophosaurus và lên bảng đếm số theo cùng cách với Dennis Nedry ở Jurassic Park phần 1. Bài học rút ra là gì? Đừng tìm cách chạy trốn cùng những lon kem cạo râu trá hình chứa phôi khủng long nếu bạn không muốn bị xơi bởi những con Dilophosaurus có nọc độc!

Tuy nhiên, những chi tiết này bên cạnh sự xuất sắc của nó trong việc tạo kịch tính và hấp dẫn cho bộ phim thì cũng khiến những người xem quan tâm đến khủng long đặt câu hỏi: Liệu khủng long có nọc độc thật sự từng xuất hiện trong thực tế? Chúng ta biết rằng trong nhiều nhóm động vật còn tồn tại ngày nay, mỗi nhóm sẽ có những loài sở hữu khả năng dùng độc để tự vệ hoặc tấn công. Vậy khủng long thì sao? Có loài khủng long nào từng sở hữu khả năng dùng độc hay không và làm thế nào để chúng ta biết được điều đó?

Cần biết rằng khi các nhà làm phim đã mất công đưa một loài động vật hoang dã lên phim, họ sẽ không ngần ngại gì mà đẩy mức độ quái vật hóa của loài động vật này lên, thêm thắt đủ tính năng cao cấp để biến nó thành một con quái vật khủng khiếp nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho người xem. Chính vì thế, việc cho một con khủng long, tuy chỉ có kích thước nhỏ ở trên phim, nhưng sở hữu nọc độc là ý tưởng khá thú vị. Mặc dù vậy thì từ cái diềm cho đến khả năng phun nọc độc của Dilophosaurus, tất cả đều là những sáng tạo của nhà văn Michael Crichton, tác giả cuốn tiểu thuyết gốc Jurassic Park. Ông cũng thừa nhận rằng Dilophosaurus là con khủng long “đi chơi xa nhất khỏi tính chính xác của khoa học” và ở thời điểm đó, ông không hề có bằng chứng nào về cái diềm mang tính đe dọa cũng như khả năng phun nọc độc của con khủng long này. Cái diềm được lấy ý tưởng từ loài thằn lằn diềm hiện đại còn sống ở Úc ngày nay, Chlamydosaurus kingi. Còn nọc độc ư? Có lẽ tác giả đã vay mượn ý tưởng này từ các loài rắn có nọc độc khá phổ biến trong tự nhiên.

Không có bằng chứng nào trên thực tế cho thấy Dilophosaurus dùng độc để hạ con mồi. Ảnh: Eduardo Solà / Wikipedia.

Tất nhiên là sau khi bộ phim ra mắt, các nhà cổ sinh vật học đã ngay lập tức lên tiếng đính chính các chi tiết chưa chính xác về mặt khoa học, trong đó có khả năng phun nọc độc của Dilophosaurus. Nhà địa chất học Bret Bennington vào năm 1996 đã khẳng định, Dilophosaurus không hề có diềm và cũng chẳng thể phun nọc độc, tuy nhiên ông không loại trừ khả năng rằng cú cắn của Dilophosaurus có thể chứa nọc độc giống như rồng Komodo ngày nay. Đến năm 1997, trong một cuốn sách đánh giá lại tính chính xác khoa học của bộ phim, nhà cổ sinh vật học Peter Dodson một lần nữa chỉ ra tính phi lý của chi tiết phun nọc độc. Đồng thời, phần lớn các nhà cổ sinh vật học đều khẳng định, cho đến nay, chưa hề tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về khả năng sử dụng độc ở khủng long, bởi nếu có thì những bằng chứng này thường nằm ở mô mềm, vốn dễ dàng phân hủy sau thời gian dài và khó để lại dấu vết.

SINORNITHOSAURUS – KHỦNG LONG CÓ NỌC ĐỘC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC XÁC NHẬN?

Dù vậy thì ngoài những đặc điểm trên mô mềm ra, vẫn còn một thứ khác có thể dùng để xác định loài có nọc độc đó là răng, tuy nhiên độ chính xác cũng hên xui. Vào năm 2009, một đội ngũ các nhà khoa học, đứng đầu là nhà cổ sinh vật học Enpu Gong đã khảo sát một chiếc hộp sọ khủng long Sinornithosaurus được bảo quản tốt và tuyên bố, đây là chi khủng long có nọc độc đầu tiên được xác nhận.

Kết luận của Gong cùng các cộng sự đến từ việc họ nhận ra hộp sọ của Sinornithosaurus có những chiếc răng giữa hàm dài, giống như răng nanh và có những đường rãnh khá rõ chạy dọc bề mặt ngoài từ đầu nhọn cho đến chân răng, một đặc điểm thường thấy ở các loài động vật sở hữu nọc độc. Họ cũng phát hiện ngay phía trên những chiếc răng đó có một khoang rỗng nhiều khả năng là nơi có các mô mềm chứa tuyến nọc độc. Chính vì thế, họ cho rằng Sinornithosaurus là loài khủng long chuyên săn những con mồi như chim bằng cách dùng răng nanh đâm xuyên qua lớp lông của con mồi và truyền nọc độc để khiến con mồi bất tỉnh trước khi ăn thịt, giống như rắn hiện đại.

Những chiếc răng bất thường trên hộp sọ của Sinornithosaurus (màu vàng) được cho là có khả năng dẫn nọc độc. Nguồn: Gong et al.

Không lâu sau đó, vào năm 2010, một nhóm các nhà khoa học khác đứng đầu là Federico Gianechini đã lên tiếng phản biện nghiên cứu của nhóm Enpu Gong với nhiều nghi ngờ. Trước hết, họ  cho rằng răng có rãnh không phải là đặc điểm chỉ thấy ở Sinornithosaurus, mà còn xuất hiện ở nhiều loài khủng long theropod khác, bao gồm các loài cùng họ Dromaeosauridae với Sinornithosaurus. Họ cũng chứng minh rằng, những chiếc răng dài như răng nanh trên hóa thạch hộp sọ Sinornithosaurus được nghiên cứu thực chất không hề bất thường, mà là do chúng đã bị đẩy khỏi hốc răng trong quá trình con vật chết đi và hóa thạch. Và cuối cùng, họ cũng không thể độc lập xác thực được sự hiện diện của những khoang rỗng phía trên răng như nhóm của Enpu Gong, mà chỉ tìm thấy những xoang thông thường của hộp sọ.

Có vẻ đã bị nhóm phản biện vả không trượt phát nào, Empu Gong cùng nhóm của mình đã thừa nhận những nghi vấn của nhóm phản biện là có lý. Tuy nhiên, họ vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ khả năng khủng long có độc khi cho rằng nọc độc có thể là một đặc tính nguyên thủy từng có ở các loài thằn lằn chúa Archosauria và vẫn được giữ lại ở một số dòng dõi hậu duệ nhất định và có thể khủng long cũng là một trong số đó.

KHẢ NĂNG DÙNG ĐỘC Ở KHỦNG LONG CÓ THẬT HAY KHÔNG?

Vậy rốt cuộc khả năng dùng độc có tồn tại ở khủng long hay không?

Trước tiên, khi nói đến độc trong tự nhiên, có thể tạm phân ra làm hai dạng. Dạng thứ nhất là dùng độc chủ động, tiếng Anh gọi là “venomous”. Những động vật thuộc dạng này có thể phóng độc, truyền chất độc vào đối tượng, với mục đích thường là để săn mồi. Dạng thứ hai là dùng độc thụ động, tiếng Anh gọi là “toxic” hay “poisonous”, nghĩa là trong sinh vật đó có chất độc và khi một động vật khác chạm phải nó hay ăn phải nó sẽ bị nhiễm độc.

Ngày nay, chúng ta biết rằng trong số các loài chim trong tự nhiên, có một số loài chim có chất độc trong người, nhưng chúng không chủ động sản xuất và truyền chất độc. Thay vào đó, chúng thường hấp thụ chất độc từ động vật hoặc thực vật mà chúng ăn, nhất là các loài côn trùng độc. Một số loài chim có đặc điểm như vậy có thể kể đến là chim Pitohui và chim Ifrita kowaldi ở New Guinea, loài cút châu Âu, loài ngỗng cánh cựa, chim đầu rìu, bồ câu cánh màu đồng… Tuy không phải quá phổ biến nhưng nhìn chung cũng có khá nhiều loài chim được xem là có độc theo dạng này. Độc ở một số loài chim không chỉ được xem là có tác dụng chống lại kẻ săn mồi mà còn có tác dụng chống lại các loài ký sinh ngoài trên lông vũ của chim.

Một số hậu duệ của khủng long như loài chim Pitohui này có độc trên cơ thể chúng. Nguồn: Australian Geographic.

Vì vậy, nếu xét trong hai dạng độc trong tự nhiên, tôi sẽ nghiêng về khả năng khủng long sở hữu chất độc theo kiểu thụ động giống như con cháu của chúng là chim ngày nay. Ký sinh trùng trên lông vũ rất có thể là một vấn đề đã tồn tại từ thời đại khủng long và khủng long hẳn cũng đã phát triển những cách thức để chống lại vấn đề này, một trong số đó chính là độc.

Vậy còn khả năng dùng độc chủ động thì sao?

Khủng long thuộc về một nhóm bò sát lớn là thằn lằn chúa, Archosauria, với những đại diện còn sống sót tới ngày nay của Archosauria là cá sấu và chim. Và theo các nhà khoa học, họ cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy một loài bò sát chúa có khả năng sử dụng độc chủ động. Chỉ khi nhìn rộng hơn, sang những người họ hàng bò sát khác, chúng ta mới thấy những động vật có khả năng dùng độc chủ động như rắn. Ngoài ra thì một phát hiện đáng chú ý gần đây cho thấy, một số loài kỳ đà cũng sở hữu độc nhưng tác dụng của chúng nhẹ hơn độc ở rắn. Một số loài có tuyến độc đã tiêu giảm vì bản thân chúng trở thành loài ăn thực vật và không có nhiều nhu cầu sử dụng độc trong việc kiếm ăn nữa. Dù vậy thì vẫn có thể tạm cho rằng, mối quan hệ giữa việc sử dụng nọc độc để săn mồi và dòng dõi của khủng long có một khoảng cách tương đối xa và có lẽ, khủng long đã chọn phát triển những phương thức khác để tấn công và xử lý con mồi thay vì dùng độc. Đó chính là những con đường khác nhau mà các sinh vật lựa chọn trong quá trình tiến hóa.

Các loài thương long có thể sở hữu nọc độc, dù giả thuyết này cũng khó kiểm chứng.

Dù khủng long rất có thể không sở hữu nọc độc như những gì nhiều người mong đợi thì một động vật thường bị nhầm lẫn với khủng long là thương long lại rất có thể sở hữu nọc độc. Vấn đề này đã từng được chúng tôi đề cập trong bài viết “Mosasaurus và họ hàng còn có thể đáng sợ hơn những gì bạn thấy trên phim”. Về cơ bản thì đây cũng là một giả thuyết nhưng cơ sở của nó vững chắc hơn giả thuyết khủng long có nọc độc, bởi Mosasaurus cũng như họ hàng được xếp vào bộ Squamata, tức bò sát có vảy và có mối quan hệ gần gũi với rắn, kỳ đà ngày nay. Một số loài thương long nhỏ được cho là không có lực cắn đủ mạnh để kết liễu con mồi và do đó, chúng phải dựa vào một thứ vũ khí khác, đó chính là nọc độc. Nọc độc này có thể công dụng không hẳn là làm tê liệt thần kinh như ở rắn mà có thể chứa chất chống đông máu, khiến con mồi mất máu liên tục cho đến chết.

Dù vậy thì cũng như khủng long, đây là một giả thuyết rất khó để kiểm chứng thực hư và chúng ta vẫn chỉ có thể bằng lòng với mức độ giả thuyết mà thôi.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/9WmI0j7E6jo?si=wiJXmp87Tm9taJEH” title=”YouTube video player” width=”560″]