[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Không phải T. rex, không phải Megalodon, cũng không phải Titanoboa. Đối thủ thật sự của Mosasaurus là những “quái vật” nào?

>> Xem thêm: MOSASARUS VÀ HỌ HÀNG CÒN CÓ THỂ ĐÁNG SỢ HƠN NHỮNG GÌ BẠN THẤY TRÊN PHIM

Con người chúng ta kể từ khi thoát ly hẳn khỏi giới động vật hoang dã, nhờ trí tuệ mà vươn lên hàng bá chủ của muôn loài vẫn luôn có sự tò mò nhất định về những loài hoang dã, nhất là những loài ăn thịt hùng mạnh và đáng sợ như hổ, sư tử hay cá sấu. Chúng ta thường tò mò không biết loài nào mạnh hơn loài nào, và cách duy nhất để thử chính là cho chúng so tài với nhau. Trong lịch sử từng ghi nhận một số lần con người chúng ta tổ chức những cuộc đấu sinh tử cho các loài mãnh thú, bắt chúng phải đấu với nhau đến một mất một còn chỉ để thỏa mãn trí tò mò của mình, một việc làm thật sự tàn bạo.

Rất may là đến thời hiện đại này, những chuyện như vậy đã chấm dứt, dù trí tò mò của con người thì vẫn không suy giảm. Thậm chí, sự tò mò này còn lan sang cả các mãnh thú cổ đại. Chỉ cần dạo quanh YouTube một chút, bạn sẽ kiếm được một lô một lốc những video so sánh sức mạnh của các động vật tiền sử với nhau, trong đó có Mosasaurus, loài bò sát biển được mệnh danh “vua của đại dương” kỷ Phấn Trắng. 

Mosasaurus thường bị đem ra “so tài” với những động vật săn mồi nổi tiếng khác, như Megalodon hay T. rex.

Vì thế, có rất nhiều video so sánh sức mạnh của Mosasaurus với những động vật hùng mạnh khác. Tuy nhiên, có một vấn đề là những so sánh này thường chọn cho Mosasaurus những đối thủ hơi khó để đụng độ, chẳng hạn như Megalodon, loài cá mập xuất hiện sau Mosasaurus rất lâu. Hay Deinosuchus, một chi cá sấu đã tuyệt chủng trước Mosasaurus và có thể chỉ săn mồi ở vùng duyên hải thay vì sống ở đại dương như Mosasaurus. Mà nói chung so với cá mập hay cá sấu mấy con dưới nước còn tạm được đi, dù không sống cùng thời đại. Nhưng mà đến nỗi cho Mosasaurus so tài với trăn Titanoboa hay T. rex thì hơi quá, bởi kết quả chắc chắn sẽ phụ thuộc vào việc trận đấu diễn ra trên sân nhà của ai. 

Việc quăng một con Titanoboa hay T. rex xuống nước chẳng khác nào bạn đang tặng Mosasaurus một bữa ăn miễn phí giàu đạm mà lại lạ miệng. Điều ngược lại cũng đúng. Đó là chưa kể đến những khác biệt về niên đại và địa điểm sinh sống cũng làm cho các cuộc so tài này trở nên phi lý thêm và chỉ có thể diễn ra trong trí tưởng tượng. Ngoài ra thì điều đó cũng gieo vào đầu người xem rằng Mosasaurus là vị bá vương duy nhất của biển cả vào cuối kỷ Phấn Trắng trong khi thực tế lại không như vậy.

Tất nhiên tưởng tượng không có gì xấu nhưng nếu bạn là người giống tôi, thích thực tế một chút thì những video như vậy sẽ phần nào khiến bạn cảm thấy không thỏa mãn. Vậy, nếu thực tế hơn, chúng ta nên cho Mosasaurus so tài với những đối thủ nào để biết liệu chúng có thật sự là ông vua không ngai của đại dương Kỷ Phấn Trắng?

Mosasaurus có phải vị bá vương duy nhất của đại dương cuối Kỷ Phấn Trắng? Ảnh: Wikipedia.

Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt. Những đối thủ thật sự và xứng tầm của Mosasaurus không ở đâu xa, mà thậm chí đến từ cùng một nhóm động vật, từng sống cùng niên đại và chung một môi trường với Mosasaurus. Cần phải biết rằng, thương long, tức nhóm động vật gồm Mosasaurus và những họ hàng của nó đã thống trị đại dương trong suốt hàng chục triệu năm cuối kỷ Phấn Trắng, sau sự biến mất của hai nhóm bò sát biển săn mồi lớn nhất từng tồn tại trước đó là ngư long ichthyosaur và pliosaur. Các loài thương long, trong đó có Mosasaurus, đã giữ vị thế của những kẻ săn mồi hàng đầu đại dương cho đến khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng – Cổ Cận xảy ra. Mosasaurus nổi tiếng hơn các loài cùng nhóm một phần nhờ được phát hiện và đặt tên sớm nhất, trở thành chi điển hình của nhóm thương long, ngoài ra còn có kích thước khổng lồ của nó nữa.

Thế nhưng, có nhiều cơ sở để tin rằng, Mosasaurus không phải là vị vua duy nhất thống trị đại dương. Ngay chính trong địa bàn sinh sống của nó, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện sự tồn tại của hai giống thương long khác có sức mạnh đáng gờm không kém, thậm chí chúng còn thành công hơn cả Mosasaurus trên phương diện thời gian tồn tại.

Đầu tiên, đó chính là Tylosaurus. Trong khi các bằng chứng hóa thạch cho thấy Mosasaurus chỉ bắt đầu xuất hiện dưới đại dương từ khoảng 82 triệu năm trước, thì Tylosaurus đã bắt đầu bơi lội từ 90 triệu năm trước, sớm hơn Mosasaurus đến tận 8 triệu năm! Sự thành công của Tylosaurus còn được thể hiện qua số loài trong cùng một chi, hiện tại đã lên đến 8 loài trong khi đó Mosasaurus chỉ mới xác định được 5 loài. Có thể nói, Tylosaurus đã thống trị đại dương từ khá lâu trước khi Mosasaurus xuất hiện. Chúng phát triển đến kích thước khổng lồ, trở thành một trong những chi thương long lớn nhất. Trong khi chiều dài của loài lớn nhất trong chi MosasaurusMosasaurus hoffmani – có thể lên đến hơn 17 mét theo những ước tính lạc quan nhất, thì loài lớn nhất của chi TylosaurusTylosaurus proriger cũng có thể dài đến gần 16 mét. 

Tylosaurus là chi thương long có thời gian tồn tại còn lâu hơn cả Mosasaurus và có kích thước ngang ngửa. Ảnh: Wikipedia.

Còn nếu dựa trên bằng chứng hóa thạch thực tế, Mosasaurus không lớn hơn Tylosaurus khi chiều dài trung bình loài lớn nhất của cả hai chi loanh quanh 12 đến 13 mét. Cân nặng giữa hai bên cũng không quá chênh lệch, khiến cho cuộc đấu này thêm phần ngang tài ngang sức. 

Ngoài ra, còn có một đặc điểm nổi bật ở Tylosaurus mà các nhà cổ sinh vật học tin rằng đã giúp nó trở thành một cỗ máy chiến đấu đáng gờm. Đó là phần mõm của Tylosaurus được kéo dài, đồng thời không có răng ở đây, do vậy rất có thể phầm mõm của chi bò sát biển này được thiết kế dành cho việc đâm húc như mũi của một con tàu chiến. Đặc điểm này hiện diện ở cả Tylosaurus non lẫn trưởng thành nên nhiều khả năng nó dùng để tự vệ hoặc tấn công hơn là để khoe mẽ vào mùa sinh sản. Và Mosasaurus rất có thể đã từng là nạn nhân của những pha đâm húc này, khi hộp sọ hóa thạch của một con Mosasaurus hoffmani gần trưởng thành có dấu vết của một cú đâm rất mạnh. Trong môi trường của Mosasaurus khi đó, gần như chỉ có duy nhất Tylosaurus mới gây ra một tác động giống như vậy.

Gương mặt thứ hai chia sẻ quyền thống trị đại dương với MosasaurusPrognathodon. Prognathodon trong dữ liệu hóa thạch xuất hiện muộn hơn Tylosaurus, nhưng vẫn sớm hơn Mosasaurus. Những đại dương bắt đầu ghi dấu ấn của Prognathodon vào khoảng 83 triệu năm trước, và địa bàn sinh sống của chi thương long này khá tương đồng với Mosasaurus. Nếu xét về kích thước, trong những ước tính lạc quan nhất thì Prognathodon có thể đạt chiều dài tối đa khoảng 15 mét, còn chiều dài trung bình có thể khoảng 11 mét đổ lại. 

Prognathodon tuy có kích thước kém hơn Tylosaurus Mosasaurus, nhưng sở hữu những lợi thế đặc biệt trong cuộc chiến “tam quốc” dưới đại dương.

Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ kích thước của Prognathodon khiến chúng bất lợi hơn trong cuộc chiến ba bên dưới đại dương với Mosasaurus Tylosaurus thì bạn đã lầm. Quan sát hộp sọ của Prognathodon, chúng ta có thể thấy chúng có chiều dài ngắn hơn hộp sọ của TylosaurusMosasaurus, nhưng theo các nhà khoa học, chúng được trang bị những bó cơ mạnh mẽ, đủ khả năng tạo ra một lực cắn lớn. Để tính toán lực cắn của các loài thương long, các nhà khoa học thường dùng tỷ lệ giữa chiều dài của cửa sổ trên thái dương với tổng chiều dài của hộp sọ, kết quả cho thấy Prognathodon sở hữu lực cắn lớn hơn nhiều so với Mosasaurus. Ngoài ra, răng của Prognathodon rất to và chắc chắn, thích hợp cho cả hai chức năng cắt và nghiền nát con mồi. Trong khi đó, răng của Mosasaurus hay Tylosaurus thích hợp với việc cắt hơn. Hãy tưởng tượng, hàm của Prognathodon giống như một chiếc kìm, ngắn nhưng mạnh mẽ, trong khi hàm của MosasaurusTylosaurus giống như chiếc kéo, lợi về đường đi nhưng kém hơn về lực. Đã có một số bằng chứng cho thấy, Prognathodon chính là sát thủ của những loài thương long khác. Trên một mẫu vật Prognathodon, người ta đã tìm thấy trong bụng nó những gì còn lại của ít nhất ba con thương long thuộc loài khác. Nếu bạn là một con Mosasaurus to hơn Prognathodon, có thể bạn sẽ an toàn, nhưng nếu bạn to bằng hoặc nhỏ hơn con Prognathodon đó, hãy cẩn thận với cái hàm của nó. 

Để đối chọi lại hai đối thủ này, Mosasaurus vẫn có những gì tốt nhất của nó. Là chiếc hàm lớn và dài, những chiếc răng sắc nhọn, là kích thước lớn nhất trong số các chi thương long. Vậy, kết quả của những cuộc chiến tam quốc dưới lòng đại dương này là như thế nào?

Có lẽ chúng ta sẽ không có kết quả cụ thể của từng trận chiến giữa một con Mosasaurus với Tylosaurus hay Prognathodon. Thế nhưng, nhìn vào tổng thể trong dữ liệu hóa thạch, chúng ta sẽ có kết quả tương đối. Cụ thể, sau sự xuất hiện của Mosasaurus, các nhà khoa học ghi nhận sự biến mất của Tylosaurus ở nhiều nơi. Cần biết rằng TylosaurusMosasaurus có nhiều đặc điểm khá giống nhau ở răng và hàm, do đó có thể chúng cùng tiêu thụ một loại con mồi. Sự cạnh tranh chắc chắn đã xảy ra và có vẻ cuối cùng, Tylosaurus đã chịu thua trước đối thủ trẻ trung hơn và có những đặc điểm trội hơn. Còn PrognathodonMosasaurus thì sao? Dữ liệu hóa thạch cũng cho thấy PrognathodonMosasaurus vẫn tiếp tục chia sẻ địa bàn sinh sống trong một khoảng thời gian dài cho đến khi cả hai tuyệt chủng cùng khủng long phi điểu cách đây 66 triệu năm trước. Các nhà khoa học tin rằng, chúng đã tìm cách để chung sống với nhau thông qua quá trình gọi là “phân chia ngách sinh thái” (niche partitioning). Cấu tạo hàm và răng của Prognathodon khác với Mosasaurus, do đó chúng xơi những thực đơn khác nhau. Trong khi Prognathodon xơi những con mồi cứng, to như rùa hay cúc đá thì Mosasaurus có lẽ chọn cá làm thực phẩm chính. Những điều này đã được chứng minh thông qua phân tích đồng vị và thành phần trong bụng một số mẫu vật hóa thạch, và chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng đã có một trận hòa giữa hai chi thương long này, không kẻ nào chiếm ưu thế hơn trong cuộc chiến sinh tồn.

Mặc dù vậy, xung đột không thể né tránh hoàn toàn khi vẫn có sự chồng lấn nhất định về nguồn thức ăn. Rất có thể giữa các loài thương long từng thống trị đại dương kỷ Phấn Trắng đã xảy ra những cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa các cá thể khi tranh giành nguồn thức ăn hay thậm chí coi đối phương là thức ăn, nhưng đến cuối cùng, chúng vẫn phải tìm ra một giải pháp nhằm tồn tại cùng nhau. Đó có lẽ là một trong những điều đáng để con người chúng ta học hỏi từ tự nhiên. 

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/_jsYABz9xyM” title=”YouTube video player” width=”560″]