[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Ai cũng có một người họ hàng đáng sợ, không hề muốn đến gần phải không nhỉ? Với khủng long phi điểu cổ đại cách đây hơn 80 triệu năm trước, đó có lẽ là Deinosuchus.

HUNG THẦN SÔNG NƯỚC CỦA KỶ PHẤN TRẮNG

Trái đất khoảng 80 triệu năm trước, mặt đất là nơi mà khủng long được coi như những kẻ thống trị khi chúng giữa vị thế áp đảo về số lượng, các loài khủng long ăn thịt to lớn thường giữ vị trí đứng đầu chuỗi thức ăn, gồm các giống thuộc họ bạo long như Albertosaurus, Teratophoneus.

Tuy nhiên, như ông bà ta thường nói, đất có thổ công, sông có hà bá. Khủng long đặc biệt thích nghi với đời sống trên cạn, nhưng điều đó khiến cho chúng phải nhường lại phần lớn sân chơi sông nước cho những nhóm bò sát khác. Ở biển có thương long, còn ở các con sông hay cửa biển, cá sấu chính là tay chơi giữ thế chủ động với khả năng săn mồi đã được mài giũa qua cả trăm triệu năm, thậm chí vẫn được áp dụng thành công cho đến tận ngày nay.

Minh họa cá sấu khổng lồ cổ đại Deinosuchus.

Tại Bắc Mỹ, vùng đất như chúng ta biết ngày nay lúc đó đang bị chia thành hai dải lục địa Đông Tây gọi là Laramidia và Applachia, trong khi ở giữa là một vùng biển khá rộng lớn gọi là Đường biển Nội địa Phía Tây, chứa đựng những hệ sinh thái và quần thể động vật cực kỳ phong phú từ đất liền cho đến biển. Và bên cạnh những loài thương long, cá mập, khủng long… các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy trong những lớp trầm tích cuối Kỷ Phấn Trắng hóa thạch của một loài siêu cá sấu sở hữu kích thước khổng lồ hiếm thấy từ trước đến nay. Ban đầu chỉ là những chiếc răng được cho là giống răng cá sấu được phát hiện từ giữa thế kỷ XIX, sau đó là những chiếc vảy xương dày gấp nhiều lần vảy xương của những loài cá sấu hiện đại vào đầu thế kỷ XX. Ban đầu, người ta còn không tin đây là vảy xương của cá sấu mà cho rằng đó là vảy xương của giống khủng long thân giáp Euoplocephalus.

Tuy nhiên, những phát hiện ngay sau đó gồm xương sườn, đốt sống và xương mu đã khẳng định, đó không phải là khủng long mà là hóa thạch của một loài cá sấu khổng lồ thời cổ đại. Đến năm 1909, nhà cổ sinh vật học William Jacob Holland đã quyết định thành lập một chi và loài mới cho những hóa thạch siêu khủng này, và ông đã đặt cho nó cái tên đã đi vào lịch sử: Deinosuchus. Deinosuchus được ghép từ “deinos”, cũng là gốc của “dino” trong “dinosaur”, có nghĩa là “khủng khiếp” và “soukhos”, có nghĩa là “cá sấu” trong tiếng Hy Lạp.

Cho đến ngày nay, đã có tổng cộng bốn loài thuộc chi Deinosuchus được xác định. Loài điển hình là Deinosuchus hatcheri, được xác định vào năm 1909 bởi William Jacob Holland như đã đề cập, với tên loài nhằm vinh danh nhà cổ sinh vật học đồng nghiệp thân thiết của Holland là John Bell Hatcher, cũng là người tìm ra hóa thạch của mẫu định danh nhưng không may qua đời trước khi Deinosuchus được xác định. Loài có những hóa thạch được tìm thấy sớm nhất là Deinosuchus rugosus, gồm những chiếc răng được phát hiện từ giữa thế kỷ XIX. Loài thứ ba và cũng là loài sở hữu mẫu vật lớn nhất là Deinosuchus riograndensis, với chiều dài ước tính lên đến 10,6 mét. Loài thứ tư và cũng là loài được xác định gần đây nhất là Deinosuchus schwimmeri. Hóa thạch của Deinosuchus hiện diện ở ít nhất 10 bang tại Mỹ, trong đó những mẫu vật nhỏ hơn nhưng phổ biến hơn chủ yếu nằm ở phía Đông, tức Applachia và những mẫu vật lớn hơn nằm ở phía Tây, tức Laramidia của giai đoạn 70-80 triệu năm trước.

Đồ họa so sánh kích thước của Deinosuchus riograndensis với một số loài cá sấu khổng lồ khác.

Trước đây, cũng có ước tính cho rằng chiều dài của Deinosuchus có thể lên đến 15m dựa trên tỷ lệ cơ thể của loài cá sấu Cuba, tuy nhiên bản phục dựng này về sau đã được các nhà cổ sinh vật xem là thiếu chính xác. Từ năm 1999, dựa trên các mẫu vật hoàn chỉnh hơn, các nhà cổ sinh vật học ước tính các cá thể Deinosuchus trưởng thành có thể đạt chiều dài từ 8-10m, nặng từ 2,5 đến 5 tấn. Dù bị cắt giảm chiều dài trên giấy tờ nhưng chừng đó cũng là đủ để biến Deinosuchus thành một trong những chi cá sấu lớn nhất mọi thời đại. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra tuổi thọ của Deinosuchus có thể lên đến 50 năm, tốc độ sinh trưởng của chúng cũng giống cá sấu hiện đại nhưng được duy trì trong thời gian lâu hơn.

Theo phân loại của các nhà khoa học, Deinosuchus được xếp vào siêu họ Alligatoroidea và do đó, chúng có họ hàng gần gũi với cá sấu Mỹ ngày nay cũng như cá sấu caiman ở Trung Mỹ. Dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy Deinosuchus là tổ tiên trực tiếp của những giống cá sấu này.

SỨC MẠNH ĐÁNG SỢ CỦA DEINOSUCHUS

Không chỉ có ưu thế thể hiện qua số lượng hóa thạch dồi dào, quãng thời gian tồn tại của Deinosuchus cũng thật sự rất đáng nể khi mẫu vật cổ nhất có niên đại 82 triệu năm còn mẫu vật trẻ nhất có niên đại 73 triệu năm, vượt xa các loài khủng long tồn tại cùng thời với chúng. Hiện tại, người ta vẫn chưa rõ vì sao Deinosuchus biến mất vào thời điểm 73 triệu năm trước, còn cách sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng – Cổ cận rất xa, tuy nhiên quãng thời gian tồn tại đó cũng là rất dài so với bất kỳ giống loài động vật khổng lồ nào.

Các nghiên cứu trên các hóa thạch cùng thời đại đã cung cấp những bằng chứng rất rõ ràng rằng, Deinosuchus là những kẻ săn mồi cực kỳ hiệu quả và khủng long thậm chí cũng không thể thoát khỏi số phận trở thành miếng mồi ngon cho Deinosuchus nếu con cá sấu khổng lồ này đang đói. Thử tưởng tượng xem, bất kỳ động vật nào cũng cần tiếp nước, khủng long cũng vậy. Nhưng chờ đợi chúng ở dưới nước là một gã họ hàng dài đến 10 mét với hàm răng sắc nhọn lởm chởm, sử dụng chiến thuật săn mồi mai phục gần như hoàn hảo khi chỉ để lộ mắt và lỗ mũi trên mặt nước.

Deinosuchus mai phục khủng long từ dưới nước. Ảnh: DinoAnimals.com.

Sau đó, khi đã đến đủ gần, với cái đuôi và chi sau mạnh mẽ, sẽ là một cú phóng mình ra khỏi nước với tốc độ cực nhanh, rồi bằng một cú tợp chính xác với lực cắn có thể mạnh hơn cả lực cắn của T. rex, những chiếc răng sắc nhọn, to và dày chuyên dùng để nghiền xương hơn là cắt thịt sẽ găm ngay cổ con mồi trước khi chúng bị lôi xuống nước bằng sức nặng của con quái vật mang tên Deinosuchus. Cú cắn có thể khiến con mồi gãy cổ, hoặc nếu không gãy cổ thì cũng không thể vùng vẫy và hẹo từ từ vì mất máu và ngạt thở dưới nước. Có nghiên cứu còn cho rằng, Deinosuchus hoàn toàn có thể thực hiện những cú xoay tử thần như các loài cá sấu hiện đại, từ đó dễ dàng xé xác con mồi trong chớp mắt. Dấu vết của những cuộc tấn công thảm khốc này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay qua những dấu răng Deinosuchus còn hằn sâu trên đốt sống hóa thạch của những con khủng long mỏ vịt khi đó. Các nhà cổ sinh vật học thậm chí còn nói thẳng: “Nếu không ăn thịt khủng long thì việc gì Deinosuchus cần phải to lớn như thế?” Vâng, chúng ta chỉ còn thiếu nước tìm thấy hóa thạch của một con khủng long trong bụng của Deinosuchus như đã từng phát hiện ở Úc với hóa thạch của một loài cá sấu khác là Confractosuchus sauroktonos mà thôi.

KHỦNG LONG NÀO NẰM TRONG THỰC ĐƠN CỦA DEINOSUCHUS?

Bây giờ, hãy nghĩ lại phần mở đầu của video này. Liệu bạn có vui nổi không khi có một người họ hàng sẵn sàng ăn thịt mình mỗi khi bạn tìm đến nguồn nước để giải cơn khát? Nếu tôi là khủng long, chắc chắn tôi sẽ chẳng vui nổi khi nghĩ đến chuyện đó.

Deinosuchus tấn công một con khủng long đang uống nước. 

Tất nhiên, khủng long không phải là thức ăn duy nhất mà Deinosuchus nhắm đến. Các phát hiện hóa thạch cho thấy, Deinosuchus rất có thể là những con cá sấu thích cư trú ở môi trường cửa sông, các vịnh nước lợ và chúng hoàn toàn có thể xử cả sinh vật biển như rùa biển khổng lồ, thể hiện qua các dấu răng trên mai của giống rùa Bothremys. Tôi cũng sẽ không lấy làm lạ nếu Deinosuchus sẵn sàng đối đầu với cả những con thương long dám bén mảng vào địa bàn của chúng, dù điều này cho đến nay chưa hề có bằng chứng nào để khẳng định cả. Cần biết rằng, Deinosuchus, nhất là các cá thể ở phía Đông có khả năng đạt đến kích thước mà không con khủng long ăn thịt nào cùng địa bàn và niên đại có thể, thế nên, nghiên cứu năm 2002 của nhà cổ sinh vật học David Schwimmer đã chỉ ra rằng, những con Deinosuchus có kích thước như vậy thật sự là động vật săn mồi đầu bảng trong hệ sinh thái của nó, gần như có thể ăn được mọi loài động vật mà nó muốn.

Nhưng nói cho chính xác thì những con khủng long nào đã từng là con mồi hay đối thủ của Deinosuchus? Thực đơn của Deinosuchus có lẽ  rất đa dạng vì chúng tồn tại trong một thời gian dài và địa bàn phân bố cực kỳ rộng, trong số đó bao gồm những con khủng long ăn thực vật như khủng long mỏ vịt, gồm Kritosaurus, Gryposaurus, Parasaurolophus… những con giác long hoặc giáp long như Agujaceratops, Pentaceratops, Chasmosaurus, Euoplocephalus, Edmontonia

Vậy còn khủng long ăn thịt thì sao? Những con nào có đủ khả năng thách thức Deinosuchus trong thời đại của nó? Đó có thể là những con bạo long như TeratophoneusAlbertosaurus, nhưng nếu trường hợp đó xảy ra, có thể sẽ cần đến hai con bạo long mới có thể thắng được một con Deinosuchus đang thư giãn trên cạn như bức hình dưới đây. T. rex thì quá xa thời đại của Deinosuchus rồi và sẽ không có cơ hội để đối đầu với gã họ hàng cá sấu khủng khiếp có lực cắn mạnh hơn nó.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/Ij17XctNMDk?si=fNDst8MqNLIvPvCF” title=”YouTube video player” width=”560″]