[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Tính đến hôm nay, bộ phim mới nhất của vũ trụ điện ảnh Jurassic là Jurassic World: Dominion đã cán mốc gần 800 triệu đô-la. Đây chưa phải là con số cao như kỳ vọng khi các phần phim trước trong trilogy Jurassic World đều vượt khá xa mốc 1 tỷ đô-la, nhưng so với kinh phí ban đầu thì đây vẫn có thể coi là một thắng lợi nữa cho các nhà làm phim.
Phải nói rằng, sau khi ra mắt, Jurassic World: Dominion đã ngay lập tức nhận phải nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí bị chê thậm tệ bởi nhiều nhà phê bình cũng như người xem cho rằng, cốt truyện của phim thiếu chiều sâu, các nhân vật con người thì mờ nhạt nhưng các nhân vật khủng long cũng không có gì đặc sắc, dù có rất nhiều loài khủng long mới xuất hiện trong phần này. Bộ phim nhận được mức điểm tương đối thấp từ các trang đánh giá như Rotten Tomatoes, Metacritic.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được bộ phim này giành được thành công nhất định ở phòng vé. Bộ phim cũng thiếu chút may mắn khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc khiến cho các suất chiếu không mang lại doanh thu như mong đợi từ thị trường này. Vì thế, con số 800 triệu đô-la không hẳn là kém, nhất là khi kinh phí ban đầu của bộ phim chỉ có 185 triệu đô-la. Vậy tại sao, dù bị chê, bộ phim của đạo diễn Colin Trevorrow vẫn kiếm về khoản lợi nhuận “khủng” cho hãng phim?
ẤN TƯỢNG QUÁ LỚN CỦA THƯƠNG HIỆU JURASSIC PARK/JURASSIC WORLD
Ngay khi bộ phim Jurassic Park được công chiếu vào năm 1993, thế giới khủng long trên màn ảnh dường như bị chia thành hai thời kỳ rõ rệt: tiền Jurassic Park và hậu Jurassic Park. Với bộ óc thiên tài của đạo diễn Steven Spielberg cùng nỗ lực của đội ngũ, Jurassic Park dường như đã biến tất cả những bộ phim khủng long trước đó thành phim cho trẻ con, tạo ra dàn cast “khủng long” cực kỳ ấn tượng và sống động, biến các loài bò sát khổng lồ thời cổ đại thành nỗi kinh hoàng thật sự trên màn ảnh.
Với ấn tượng đã được tạo ra như thế, làm sao khán giả không thể mong chờ những phần phim tiếp theo của vũ trụ Jurassic (gồm cả Jurassic Park và Jurassic World) được? Không ai là không muốn biết, số phận của những con khủng long được hồi sinh và nhân bản vô tính sẽ ra sao; hay con người sẽ làm gì trước viễn cảnh phải chung sống với khủng long.
Không chỉ vậy, ở phần này, đạo diễn Colin Trevorrow còn lôi kéo thành công dàn diễn viên cũ của Jurassic Park quay trở lại với chính vai diễn của họ nhiều năm về trước. Tiến sĩ Ellie Sattler, tiến sĩ Ian Malcolm, tiến sĩ Alan Grant – tất cả đều có mặt để gợi cho các fan một cảm giác hoài cổ về những ngày huy hoàng của Jurassic Park, lại vừa hấp dẫn họ theo dõi câu chuyện mới trong Jurassic World: Dominion. Vì thế, ai có thể bỏ qua chứ những người đã từng xem Jurassic Park chắc chắn sẽ không thể bỏ qua phần phim này.
THẾ ĐỘC QUYỀN CỦA JURASSIC WORLD
Thành thật mà nói, nếu nhìn quanh thị trường, chúng ta sẽ không thấy có một bộ phim nào “chuyên trị” chủ đề khủng long như Jurassic World. Những bộ phim đó hoặc là có quá ít khủng long, hoặc là khủng long chỉ đóng vai phụ của phụ (thường là săn đuổi để ăn thịt các nhân vật chính), hoặc khủng long không sinh động bằng…
Nếu bạn đang đói nhưng trên kệ chỉ còn một gói mì tôm, liệu bạn có từ chối gói mì tôm đó hay không?
Rõ ràng là, thị trường điện ảnh trong nhiều năm qua gần như không có nổi một bộ phim về đề tài khủng long đủ sức cạnh tranh với các bộ phim thuộc vũ trụ Jurassic. Bộ phim điện ảnh có nhiều khủng long nhất sau các bộ phim trong vũ trụ Jurassic có lẽ là King Kong (2005) với sự xuất hiện của ít nhất ba loài khủng long, nhưng chừng đó là quá ít để đọ lại dàn khủng long phong phú của vũ trụ Jurassic.
Và vì thế, người xem hầu như không có lựa chọn nào khác nếu họ muốn xem một bộ phim khủng long thực thụ. King Kong thực chất không phải là phim nói về khủng long, nên nhìn đi nhìn lại, Jurassic World là lựa chọn gần như duy nhất cho các dinophile nếu muốn chứng kiến những màn xuất hiện mãn nhãn của các loài bò sát khổng lồ.
THỊ HIẾU “DỄ DÃI” CỦA NGƯỜI XEM?
Một khi đã chọn đi xem phim khủng long, thì với nhiều khán giả, cái họ muốn xem là khủng long, khủng long và khủng long. Cốt truyện và sự xuất hiện của các diễn viên con người dường như bị coi nhẹ. Còn với khủng long, yêu cầu có vẻ tương đối đơn giản. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của Tiến sĩ Wu trong Jurassic Word (2015), đó là “các anh đòi có nhiều răng hơn” (you asked for more teeth). Vậy thì chỉ cần đưa lên phim loài khủng long nào nhiều răng hơn là được, và đương nhiên là to hơn, khủng hơn nữa.
Kết quả là càng ngày, các nhà làm phim Jurassic World càng đưa thêm nhiều loài khủng long mới vào phim để thỏa mãn thị hiếu của người xem. Có nhàm chán không khi cả 2 phần phim loài raptor duy nhất mà bạn biết là Velociraptor chứ? Không thành vấn đề, Colin cùng đội ngũ sẽ đưa ngay vào phim đến hai loài raptor mới, gồm Atrociraptor và Pyroraptor. Đấy, chiều khán giả đến thế còn gì nữa?
Không chỉ vậy, các nhà làm phim còn “chỉnh sửa” các loài khủng long xuất hiện trong phim so với những bằng chứng cổ sinh vật học thực tế. Chẳng hạn như Velociraptor và Pyroraptor, từ những hóa thạch xương do các nhà khoa học thu thập được, chúng không hề to cao như những gì bộ phim mô tả. Thật sự thì chúng rất nhỏ, hầu như chỉ lớn hơn con gà Tây một chút. Nhưng khán giả của Jurassic World thực chất cũng không mấy quan tâm đến tính chính xác khoa học trong phim.
***
Vì những lý do trên, dù muốn dù không chúng ta cũng phải thừa nhận rằng dẫu tệ đến mấy, Jurassic World: Dominion vẫn đang thành công về mặt thương mại. Và rất có thể những phần phim tiếp theo cũng sẽ như thế. Tuy nhiên, việc chưa đạt được mức kỳ vọng như các phần phim trước chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của hãng phim và buộc đạo diễn Colin Trevorrow phải có những suy nghĩ nghiêm túc nhằm hướng đến một bộ phim chất lượng hơn, có chiều sâu hơn. Hy vọng là chúng ta sẽ sớm thấy được thành quả của ông trong những phần phím sắp tới.