[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Danh pháp khoa học Stegosaurus có ý nghĩa gì? Những phiến sừng và gai đuôi của Stegosaurus có thật sự dùng để phòng thủ? Chúng “giao lưu kết hợp” như thế nào để không bị những thứ sắc nhọn này đâm vào người? Và còn những điều gì bạn cần biết về Stegosaurus, một trong những con khủng long nổi tiếng nhất lịch sử?

STEGOSAURUS ĐƯỢC KHÁM PHÁ NHƯ THẾ NÀO?

Lịch sử nghiên cứu Stegosaurus đã bắt đầu từ một sự kiện có lẽ đã quá quen thuộc với cộng đồng yêu thích cổ sinh, đó là Chiến tranh xương. Vào năm 1877, một cộng tác viên thân thiết của Othniel Charles Marsh tên là Arthur Lakes đã tìm thấy một số hóa thạch bao gồm đốt sống đuôi, phiến sừng và một số xương thân khác tại phía Bắc Morrison, bang Colorado. Như thường lệ, Lakes gửi số hóa thạch này cho Marsh. Ban đầu, Marsh nhận định đây là những gì còn lại của một loài bò sát giống như rùa. Tấm phiến sừng mà Lakes tìm thấy được Marsh cho là từng nằm phẳng trên lưng của con vật, và chắc hẳn là sẽ có nhiều tấm phiến sừng nằm xếp lớp lên nhau giống như cách người ta dùng ngói lợp mái nhà. Chính vì thế, Marsh đã quyết định đặt cho sinh vật hóa thạch này danh pháp khoa học Stegosaurus, dịch ra đơn giản có nghĩa là “thằn lằn mái nhà” hay “thằn lằn nóc nhà”, và đó chính là tên chi của nó. Tên loài mà Marsh chọn là armatus, có nghĩa là “áo giáp”. Do đó, danh pháp hai phần đầy đủ của nó là Stegosaurus armatus, “thằn lằn nóc nhà mang áo giáp”.

Một trong những bản phục dựng đầu tiên của Stegosaurus với những phiến sừng được xếp nằm phẳng trên lưng như những tấm ngói lợp mái nhà, cũng là nguồn gốc của tên gọi Stegosaurus nghĩa là “thằn lằn mái nhà”.

Trong những năm tiếp theo của cuộc Chiến tranh xương, Arthur Lakes và Marsh tiếp tục phối hợp với nhau để phát hiện và mô tả những mẫu vật mới cũng được cho là thuộc về chi Stegosaurus, dẫn đến sự xuất hiện của các loài khác thuộc chi này như Stegosaurus ungulatus vào năm 1879 và Stegosaurus sulcatus vào năm 1887.

Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất nhất về chi khủng long này diễn ra vào năm 1885, khi Marshall Felch khai quật được một bộ xương gần như nguyên vẹn của một con Stegosaurus gần trưởng thành, với nhiều bộ phận còn thiếu ở các mẫu vật trước đó như hộp sọ hoàn chỉnh, xương cổ và những phiến sừng vẫn còn gắn với bộ xương của con vật. Marsh tiếp tục là người mô tả mẫu vật này và ông quyết định xác lập một loài mới vào năm 1887, Stegosaurus stenops, trong đó tên loài stenops có nghĩa là “mặt hẹp”. Bộ xương này về sau giữ vai trò quan trọng trong việc phục dựng các bộ xương Stegosaurus trước đó.

Mẫu định danh của Stegosaurus stenops.

Ngoài ra, do những bất cập trong quá trình xử lý cũng như nghiên cứu đối với loài Stegosaurus đầu tiên, S. armatus, cho thấy nhiều hóa thạch được gán cho loài này không thật sự là của Stegosaurus, Bộ danh pháp động vật Quốc tế đã quyết định xóa bỏ sự hợp lệ cũng như tư cách loài điển hình của Stegosaurus armatus, đồng thời chuyển nó cho S. stenops với mẫu vật hoàn chỉnh hơn. Do đó, ngày nay chúng ta còn lại 3 loài trong chi Stegosaurus, gồm loài điển hình S. stenops, S. ungulatusS. sulcatus. Sự khác biệt của chúng cũng không quá lớn, chẳng hạn như S. ungulatus được xác định dựa trên mẫu vật có bàn chân được bảo quản, do đó tên của nó có nghĩa là “thằn lằn mái nhà có móng guốc”, còn S. sulcatus thì được xác định dựa trên mẫu vật có một cái gai rất lớn, được cho là mọc ở trên vai.

NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA STEGOSAURUS

Về cơ bản, Stegosaurus là một chi khủng long ăn thực vật di chuyển bằng bốn chân với hình dạng rất dễ nhận biết khi sở hữu hai hàng phiến sừng mọc dọc từ cổ chạy xuống gần cuối đuôi. Ở cuối đuôi, thay vì phiến sừng, chúng có hai cái cặp gai lớn rất nhọn. Kích thước ước tính của Stegosaurus khi trưởng thành có thể dao động từ 6-7m, cân nặng loanh quanh 3-4 tấn. Những cá thể lớn có thể đạt đến chiều dài 7,5m (ngoài ra còn có những ước tính khác lên đến 9m).

Phục dựng ngoại hình và kích thước ước tính của một con Stegosaurus.

Một đặc điểm khác về hình dạng cũng khá đặc trưng và dẫn đến nhiều đồn đoán về trí tuệ của Stegosaurus đó chính là phần đầu nhỏ khi so với cơ thể, có dạng dài và hẹp của chúng. Ở bên trong, phần khoang sọ được dùng để chứa não của chúng thậm chí chỉ nho ngang một con chó dù chúng sở hữu cơ thể lớn gấp nhiều lần. Ước tính, bộ não của Stegosaurus chỉ nặng khoảng 80g! Vâng, một con vật nặng 3-4 tấn nhưng sở hữu bộ não chỉ 80g như Stegosaurus, được khám phá vào buổi bình minh của những nghiên cứu về khủng long đã khiến cho nhiều người ngay lập tức có ấn tượng rằng, khủng long là những con vật kém thông minh và trì trệ.

Để gỡ gạc cho khủng long, người mô tả hầu hết các loài thuộc chi Stegosaurus là Othniel Charles Marsh đã đưa ra giả thuyết rằng có thể, Stegosaurus và một số chi khủng long khác sở hữu đến 2 bộ não, một nằm trên đầu và một nằm gần mông bởi ông nhận thấy, có một khoang lớn ở đốt sống phần hông có thể chứa được một cấu trúc lớn gấp nhiều lần bộ não của chúng. Từ đó, ông kết luận, rất có thể những loài khủng long này có bộ não thứ hai (hay một cơ quan có chức năng tương tự như não) để gánh vác phần nào việc điều khiển một cơ thể quá to lớn so với bộ não chính nằm trên đầu. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này đã dần dần bác bỏ giả thuyết trên. Theo đó, khoảng không gian trong đốt sống này không chỉ Stegosaurus hay các loài khủng long sauropod mới có. Chim cũng sở hữu đặc điểm tương tự. Đó là nơi để chứa thể glycogen (glycogen body), một cấu trúc dùng để vận hành việc cung cấp glycogen cho hệ thần kinh của động vật. Ngoài ra, nó còn có thể đóng vai trò là một cơ quan giúp giữ thăng bằng, hoặc là nơi chứa các hợp chất để cung cấp cho hệ thần kinh.

Phần màu đỏ là khoang sọ chứa não của Stegosaurus.

Stegosaurus có thể sở hữu một bộ não nhỏ so với ngay cả những loài khủng long họ hàng của chúng, nhưng ông Trời không lấy của ai tất cả mọi thứ. Cần biết rằng, Stegosaurus được ghi nhận tồn tại trong khoảng thời gian lên đến 10 triệu năm và có thể coi là một chi khủng long thành công trong thời đại của chúng dựa trên sự phổ biến của hóa thạch, thế nên, bộ não nhỏ và trí thông minh kém có thể không phải vấn đề lớn. Chính vì thế, các nhà khoa học tin rằng, những thứ như phiến sừng và gai đuôi của Stegosaurus đã góp phần rất lớn để giúp chúng tồn tại lâu như vậy. Phiến sừng, sau những phục dựng sai lầm ban đầu của Marsh đã được các nhà cổ sinh vật học sau Marsh đưa trở lại đúng với vị trí của chúng, mọc thành hai hàng chạy dọc thân. Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy, những phiến sừng như của Stegosaurus khá chắc chắn và có thể chịu lực tác động mạnh, chẳng hạn như lực cắn của một con khủng long ăn thịt, nên khả năng chúng được tạo ra để phòng thủ là một giả thuyết đáng tin cậy, bất chấp sự nghi ngờ từ một số nhà khoa học vì cho rằng cách bố trí như thế không cung cấp đủ sự bảo vệ cho hai phía sườn của con khủng long.

Tranh minh họa của Robert Bakker mô phỏng cảnh gai đuôi của Stegosaurus đâm trúng háng của một con Allosaurus đang tấn công nó.

Phiến sừng không phải là vũ khí phòng vệ duy nhất của Stegosaurus. Đừng quên chúng còn hai cặp gai đuôi rất sắc nhọn ở cuối đuôi có thể linh hoạt quật sang hai bên khiến cho những kẻ tấn công phía sau phải dè chừng. Nếu bạn là một con khủng long ăn thịt sống vào Kỷ Jura như Allosaurus hay Torvosaurus, bạn sẽ không muốn chúng đâm vào mình một chút nào đâu. Vào năm 2014, trong cuộc họp thường niên của Hội Địa chất Hoa Kỳ, nhà cổ sinh vật học Robert Bakker đã công bố hóa thạch xương chậu của một con Allosaurus có một vết lõm hình tròn khá lạ, có thể là dấu vết của một tổn thương đã khiến con Allosaurus nhiễm trùng và tử ẹo. Xét bối cảnh thời đại Allosaurus sinh sống, thứ vũ khí có nhiều khả năng gây ra vết thương dạng này nhất là gai đuôi của một con Stegosaurus. Bakker suy luận rằng, con Allosaurus đã lãnh vết thương chí mạng này khi tấn công một con Stegosaurus và bị cái đuôi đầy gai nhọn của đối phương quật trúng háng. Một trong những cái gai đâm sâu vào vị trí xương chậu và để lại vết thương sâu hoắm, gây ra nhiễm trùng và khiến con khủng long ăn thịt “đăng xuất mãi mãi”. Chưa hết, một hóa thạch đốt sống đuôi của Allosaurus cũng được tìm thấy với một vết đâm hình tròn, và trùng hợp thay vết đâm đó vừa khít với gai đuôi của Stegosaurus.

CÁI KHÓ CỦA “CHUYỆN ẤY”

Lợi hại là vậy, nhưng những thứ vũ khí phòng vệ này cũng khiến các nhà cổ sinh vật học phải đau đầu khi tìm hiểu về một khía cạnh rất riêng tư của Stegosaurus, đó chính là chuyện ấy. Những con khủng long này định làm chuyện ấy như thế nào khi những cái phiến sừng của đối phương nằm ở đó? Nếu áp dụng tư thế giao lưu truyền thống của các sinh vật bốn chân, trong đó con đực trèo lên lưng của con cái thì chẳng phải một con kiếm long đực sẽ lĩnh trọn những cái gai của con cái hay sao?

Các tư thế “giao lưu kết hợp” khả dĩ của Stegosaurus (trái) và một chi kiếm long khác là Kentrosaurus (phải).

Có giả thuyết cho rằng, giữa Stegosaurus đực và cái tồn tại sự dị hình giới tính, trong đó con cái có gai không nhọn để con đực có thể thuận lợi giao lưu kết hợp với đối phương. Tuy nhiên một nghiên cứu vào năm 2015 lại chứng minh điều ngược lại, trong đó Stegosaurus cái mới là những con sở hữu phiến sừng nhỏ hơn nhưng nhọn hơn.

Tư thế giao lưu kết hợp phi truyền thống cũng là một khả năng, chẳng hạn như con cái có thể nằm nghiêng một bên và con đực sẽ tiếp cận theo hướng xiên. Hoặc chúng cũng có thể từ bỏ tư thế truyền thống mà thay vào đó, quay mông vào nhau, giơ đuôi lên cao để lỗ huyệt chạm nhau trong lúc giao phối. Một kiểu giả thuyết khác là con đực sẽ có dương vật tương đối dài để có thể tiếp cận với lỗ huyệt của con cái mà không sợ những cái gai trên lưng của đối phương. Tất nhiên, dương vật thường là phần mềm không hóa thạch và do đó, chúng ta không thể biết liệu điều này có thật sự chính xác hay không.

Hoặc đơn giản là chúng có “cái ấy” rất dài.

***

Là một trong những chi khủng long được khám phá từ sớm, có ngoại hình đặc trưng và được nghiên cứu nhiều nhất, Stegosaurus cũng là một trong những cái tên nổi tiếng nhất thế giới khủng long, thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh, truyện tranh, đồ chơi, mô hình và cả những bức tượng. Tuy nhiên, xoay quanh chi khủng long này vẫn còn tồn tại nhiều bí mật đang chờ chúng ta khám phá trong tương lai.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/EuacEl9rTEE?si=-bIkVjWGuQHb1CuV” title=”YouTube video player” width=”560″]