[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Khủng long đã từng đồng tại với con người? Giả thuyết này có phải là sự thật không và những bằng chứng nào có thể giúp chúng ta chứng minh nó?
>> Xem thêm: BÓNG MA THỜI TIỀN SỬ (PHẦN 1): 3 QUÁI VẬT GIỐNG KHỦNG LONG NỔI TIẾNG
>> Xem thêm: BÓNG MA THỜI TIỀN SỬ (PHẦN 2): NHỮNG QUÁI VẬT NEO-DINOSAUR
>> Xem thêm: BÓNG MA THỜI TIỀN SỬ (PHẦN 3): NHỮNG QUÁI VẬT KHÁC
Nếu các bạn thường lang thang trên mạng Internet hay đọc sách về những chủ đề huyền bí, nhiều khả năng các bạn đã từng bắt gặp nội dung về những bằng chứng cho thấy, khủng long từng tồn tại bên cạnh con người, hay có thể gọi là con người và khủng long “đồng tại” với nhau, thay vì bị chia cách bởi khoảng thời gian lên đến hàng chục triệu năm như khoa học vẫn đề cập bấy lâu nay.
Những bằng chứng đó là những bức tượng, hình khắc được cho là thuộc về những nền văn minh cổ, nhưng lại khắc họa hình ảnh khủng long với độ chính xác rất cao, thay vì hình dung chúng như những sinh vật huyền thoại hoặc quái vật không rõ hình thù. Nhiều người cho rằng, chắc chắn là chủ nhân của những nền văn minh đó phải thật sự nhìn thấy khủng long rồi thì mới có thể tạo ra những khắc họa chính xác như thế, và nếu không dùng cỗ máy thời gian thì đương nhiên họ phải sống cùng khủng long rồi.
Cơ sở lý luận của những khẳng định cho rằng khủng long từng đồng tại với con người chính là thuyết Trái đất trẻ – “Young Earth theory”, hay dài dòng hơn là Sáng thế luận Trái đất trẻ. Đây là một nhánh của Thuyết Sáng thế, với luận điểm trung tâm đó là Trái đất cũng như mọi dạng sống đã và đang tồn tại trên Trái đất chỉ mới được các thế lực siêu nhiên tạo ra cách đây khoảng 6.000 đến 10.000 năm. Do đó, con người đã tồn tại kể từ khởi đầu của Trái đất cùng với tất cả các dạng sống khác, trong đó có cả những dạng sống đã tuyệt chủng như khủng long. Và để chứng minh thì những người tin theo thuyết này buộc phải tìm ra những bằng chứng cho thấy, con người đã từng tồn tại của khủng long và quả thực là họ đã tìm thấy một số bằng chứng như vậy, nhưng mức độ xác thực của những bằng chứng này đến đâu thì chúng ta sẽ cần phải xem xét cụ thể một chút.
1. PHÙ ĐIÊU KHỦNG LONG Ở ĐỀN TA PROHM, CAMPUCHIA
Ta Prohm là tên gọi hiện đại của một ngôi đền tại Angkor, Campuchia, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, dưới thời vua Jayavarman VII và được dùng làm nơi để thờ cúng một số thành viên của vương tộc Angkor, trong đó có mẹ của Jayavarman VII. Về sau do những biến cố của lịch sử, ngôi đền bị tàn phá rồi bị bỏ hoang trong suốt nhiều thế kỷ, trước khi được tái khám phá và trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Campuchia, thậm chí từng được đưa lên bom tấn điện ảnh Kẻ trộm mộ có nữ minh tinh Angelina Jolie đóng chính.
Quang cảnh đền Ta Prohm. |
Trong đền còn có một số phù điêu trang trí, và một trong số đó khiến những người tin vào thuyết Trái đất trẻ chú ý đến. Đó là một bức phù điêu tạc hình một con vật bốn chân, về chi tiết khá khó xác định rõ nó là con vật gì, nhưng đặc biệt trên lưng của nó có những cấu trúc giống như phiến sừng trên lưng của một chi khủng long quen thuộc với chúng ta, Stegosaurus. Phải chăng người Angkor đã từng chung sống với khủng long và tạc hình chúng lại? Thậm chí có người còn đưa ra giả thuyết huyền bí hơn là người Angkor đã đạt đến trình độ chế tạo ra máy thời gian để xuyên về quá khứ hàng chục triệu năm trước và ngắm khủng long.
Hình tượng phù điêu mà nhiều người cho là khủng long Stegosaurus ở đền Ta Prohm. |
Dù vậy thì dưới con mắt của các nhà cổ sinh vật học, hình tượng Stegosaurus ở Ta Prohm không thể là Stegosaurus hay bất kỳ loài khủng long nào khác, kể cả họ không dám chắc đó thật sự là con vật gì. Stegosaurus tuy không phải khủng long cổ dài nhưng cổ của nó cũng không ngắn như hình tượng trên phù điêu, tỷ lệ đầu với thân của chúng cũng không giống nhau bởi đầu của Stegosaurus rất nhỏ. Nó cũng không có gai đuôi đặc trưng của Stegosaurus. Vả lại, tại sao lại chỉ có mỗi Stegosaurus trong khi không có những con khủng long khác? Những thứ được cho là phiến sừng của Stegosaurus trông giống như những hoa văn trang trí kiểu hình chiếc lá như các hình tượng khác trên cùng bức phù điêu hơn. Họ đoán rằng đó có thể là tê giác hoặc lợn rừng, những loài thú phổ biến ở Đông Nam Á vào thời đó.
2. HÌNH KHẮC KHỦNG LONG TRÊN ĐÁ ICA, PERU
Ở Nam Mỹ từng tồn tại những nền văn minh bản địa rất phát triển trong nhiều thế kỷ trước khi người châu Âu đặt chân đến. Sau sự xuất hiện của người châu Âu, những nền văn minh này dần suy tàn cùng với các nhà nước bản địa, chỉ còn để lại những dấu tích về một thời huy hoàng. Tại một khu vực có tên là thung lũng Ica ở Peru, người ta đã phát hiện nhiều dấu tích và di vật cổ đại của con người, trong đó có những viên đá khắc các hình thù lạ lùng mà sau này được gọi chung là đá Ica. Nói là lạ lùng bởi, chúng xuất hiện trong bối cảnh của một khu vực khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm, nhưng những hình tượng ở trên đó lại khiến người ta liên tưởng đến các sinh vật đã tuyệt chủng, những công nghệ mà chỉ thời hiện đại mới có và thậm chí cả người ngoài hành tinh. Khủng long cũng là một chủ đề phổ biến của những hình khắc trên đá Ica. Làm sao chuyện này có thể xảy ra?
Một viên đá Ica với những hình khắc giống như khủng long thời tiền sử. |
Một nhà sưu tập nghiệp dư tên là Javier Cabrera đã thu mua lại từ nhiều nông dân những viên đá như vậy, tạo thành một bộ sưu tập lên đến 11.000 viên vào thời điểm năm 1970. Ông tập trung nghiên cứu các hình khắc và sau đó xuất bản một cuốn sách có tựa đề Thông điệp về những viên đá khắc ở Ica, đưa ra những lập luận gây sốc như “con người đã ít nhất 405 triệu năm tuổi”, tương ứng với niên đại của những sinh vật tuyệt chủng được khắc trên đá.
Tuy nhiên, các nhà cổ sinh vật học ngay lập tức nghi ngờ tính chân thực của những viên đá. Thứ nhất, các viên đá chỉ khắc họa những sinh vật đã tuyệt chủng được khoa học biết đến vào thời điểm chúng được khám phá. Ngoài ra không có những sinh vật đã tuyệt chủng khác. Thứ hai, khủng long, dực long hay những sinh vật khác được khắc trên đá Ica cũng không có sự đồng nhất với những phát hiện cổ sinh vật học trong khu vực, chẳng hạn như khủng long mặt sừng Ceratopsia chưa từng được phát hiện tại Nam Mỹ. Thứ ba, nhiều hình tượng khủng long trên đá Ica phản ánh hình dung lỗi thời của con người về khủng long chứ không chính xác, chẳng hạn như T. rex với tư thế đứng thẳng và kéo lê đuôi trên mặt đất, thay vì cơ thể nằm ngang như những phục dựng mới nhất hiện nay. Thứ tư, nhiều sai sót khác được chỉ ra, chẳng hạn như một số viên đá khắc họa vòng đời khủng long trải qua giai đoạn ấu trùng sau khi nở ra từ trứng, hay con người có thể cưỡi trên dực long dù cơ thể của dực long khó có thể chịu được trọng lượng như vậy, vân vân và mây mây…
Javier Cabrera đã bỏ công sức và tiền của để sưu tầm 11.000 viên đá Ica. |
Đỉnh điểm là khi một trong những bán đá cho Javier Cabrera tên là Basilio Uschuya thừa nhận rằng trong bộ phim tài liệu Pathway to The Gods của Đài BBC, ông ta chính là người đã tạo ra những viên đá đó bằng khoan của nha sĩ, đồng thời giả cổ cho chúng bằng cách nướng đá trong phân bò và nhiều người khác cũng làm như vậy vì chúng giúp họ kiếm nhiều tiền hơn làm ruộng, mà lại còn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những người ủng hộ thuyết Trái đất trẻ cũng như Javier Cabrera thì một mực tin rằng, những viên đá vẫn là thật, Uschuya khai như vậy chỉ để thoát tội buôn bán cổ vật theo Luật của Peru. Mặc dù vậy, ngày nay đá Ica được hầu hết mọi người xem là một trò lừa đảo hơn là những bằng chứng khảo cổ học đáng tin cậy.
3. TƯỢNG GỐM Ở ACAMBARO, MEXICO
Tượng gốm Acambaro là một bộ sưu tập tượng gốm cỡ nhỏ lên đến 33.000 tượng được cho là tìm thấy tại một khu vực khảo cổ ở Thành phố Acambaro, tỉnh Guajanato, Mexico. Trong số này, có không ít những bức tượng được cho là mô tả lại hình dạng của những sinh vật giống khủng long và người theo thuyết Trái đất trẻ tin rằng, đó chính là bằng chứng về việc con người đã tận mắt nhìn thấy khủng long cổ đại, rằng khủng long đã đồng tại với con người trong quá khứ, đồng thời cũng là cái cớ để họ nghi ngờ các phương pháp định tuổi của khoa học với các mẫu vật cổ sinh có niên đại lên đến hàng chục triệu năm.
Tượng gốm được cho là mô phỏng khủng long ở Acambaro, Mexico. |
Tuy nhiên, chưa cần xem xét đến các hình tượng khủng long mà các bức tượng gốm này khắc họa thì tính chân thực của chúng đã bị nghi ngờ bởi các nhà khảo cổ học, chẳng hạn như Charles di Peso, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Mỹ chuyên nghiên cứu khu vực Mexico. Ông cho biết bề mặt của những bức tượng này không có dấu hiệu gì của thời gian, không có đất mắc trong các kẽ nứt của tượng gốm, một số tượng tuy bị vỡ nhưng lạ là chẳng có mảnh nào biến mất, đồng thời các vết nứt cũng không bị mòn, giống như chúng chỉ vừa mới vỡ ra chưa lâu. Về sau khi điều tra, di Peso biết được người tìm thấy những bức tượng, một người Đức nhập cư tên là Waldemar Julsrud đã mua chúng từ một gia đình bản địa, được họ làm dựa trên những gì thấy trong phim, tạp chí, truyện tranh hay Bảo tàng quốc gia ở Mexico. Tuy nhiên, nhiều ủng hộ viên của thuyết Trái đất trẻ phớt lờ các lập luận của di Peso và tiếp tục sử dụng những bức tượng này như một bằng chứng chứng minh tính hợp lý của thuyết Trái đất trẻ.
Kết quả định tuổi cho thấy chúng có niên đại mới đây chứ không phải từ hàng nghìn năm trước. |
Người ta đã thử dùng kỹ thuật định tuổi bằng nhiệt phát quang để định tuổi tượng gốm ở Acambaro, cho kết quả là niên đại khoảng 2500 năm TCN, nhưng vào thời điểm đó thì kỹ thuật nhiệt phát quang vẫn còn rất sơ khai và chưa thật sự đáng tin cậy. Đến năm 1976, các nhà khoa học đã thủ sử dụng lại kỹ thuật này và kết quả lại cho thấy điều ngược lại, rằng những bức tượng này chỉ mới được nung cách đó hơn 30 năm mà thôi, không lâu trước khi chúng được “khai quật”.
***
Ngoài những bằng chứng trên, chúng ta vẫn còn những bằng chứng khác mà người theo thuyết Trái đất trẻ dùng để chứng minh thuyết của họ. Nhưng nhìn tổng thể, vẫn chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục để cộng đồng khoa học thay đổi quan điểm của mình. Hơn nữa, chúng quá ít ỏi so với những bằng chứng cổ sinh vật học và địa chất chứng minh khủng long phi điểu đã tồn tại và tuyệt chủng rất, rất lâu trước con người. Còn bạn, bạn cảm thấy như thế nào về những bằng chứng nói trên?