[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dù chưa tìm thấy hóa thạch khủng long tại Việt Nam, nhưng dải đất hình chữ S của chúng ta cũng từng là ngôi nhà của rất nhiều động vật cổ đại. Đó là những loài nào?

Phục dựng hệ sinh thái đầm lầy tại Na Dương vào Thế Thủy Tân (~35 triệu năm trước). Bồn địa Na Dương được xem như một Lagerstatte (khu vực có hóa thạch được bảo quản ở mức độ cực tốt) hiếm hoi tại Đông Nam Á.

CÁ DA PHIẾN VUKHUCLEPIS LYHOAENSIS

Việt Nam đương nhiên có hóa thạch và trong đó, hóa thạch cá khá nhiều. Một trong những sinh vật cổ đại đầu tiên mình muốn giới thiệu trong video hôm nay là Vukhuclepis lyhoaensis. Cơ duyên giúp mình tìm thấy thông tin về loài cá này cũng khá tình cờ, khi đó mình đang tìm thông tin về bồn địa Na Dương ở tỉnh Lạng Sơn thì được dẫn đến trang Wiki về Vukhuclepis lyhoaensis. Loài cá này có niên đại thuộc Devon sớm, sống cách đây khoảng 410 triệu năm, với hóa thạch được tìm thấy tại Hệ tầng Lý Hòa, thuộc các tỉnh Quảng Bình – Nghệ An ngày nay.

Phục dựng ngoại hình cá Vukhuclepis lyhoaensis.

Chúng thuộc bộ cá da phiến, có hóa thạch giáp ngực khá hoàn chỉnh và độc đáo. Ngoài Vukhuclepis lyhoaensis, cùng Hệ tầng Lý Hòa còn có một loài cá khác là Lyhoalepis duckhoai, tuy nhiên mình muốn giới thiệu Vukhuclepis lyhoaensis bởi tên chi của loài này được đặt theo tên của giáo sư Đặng Vũ Khúc (1931-2012), một trong những nhà khoa học tiên phong của ngành cổ sinh Việt Nam.

BỌ BA THÙY DUCTINA VIETNAMICA

Bọ ba thùy có lẽ là một trong những nhóm động vật cổ đại hóa thạch phổ biến nhất và chúng đóng vai trò như một hóa thạch chỉ thị, giúp các nhà cổ sinh vật học định tuổi lớp đá mà chúng xuất hiện. Trên thế giới hiện nay các nhà cổ sinh vật học đã xác định được khoảng 20.000 loài bọ ba thùy khác nhau và đương nhiên, Việt Nam cũng không thể không có những loài bọ ba thùy của riêng mình. Một trong số đó, theo tìm hiểu của Mê Khủng Long TV, là Ductina vietnamica, một loài bọ ba thùy không có mắt thuộc bộ bọ ba thùy Phacopida. Chúng sống trong kỷ Devon, có niên đại khoảng 410-360 triệu năm trước.

Hóa thạch bọ ba thùy Ductina vietnamica.

Ductina vietnamica có kích thước cỡ trung bình trong các loài bọ ba thùy, dài nhất có thể đến 5cm, còn chiều rộng có thể bằng một nửa cho đến ¾ chiều dài. Hóa thạch của Ductina vietnamica có thể được tìm thấy tại miền núi Đông Bắc Việt Nam, ngoài ra còn xuất hiện ở các tỉnh Quảng Tây và Hồ Nam thuộc Trung Quốc).

Có một điều khá thú vị là ở Trung Quốc, có một chi bọ ba thùy được đặt danh pháp là Vietnamia nhưng chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và UAE.

VƯỢN KHỔNG LỒ GIGANTOPITHECUS BLACKI

Gigantopithecus blacki là một loài linh trưởng đã tuyệt chủng sống cách đây 2 triệu đến 350.000 năm, với địa bàn phân bố trải rộng từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Hiểu biết của chúng ta về Gigantopithecus còn khá thiếu sót, chủ yếu do sự hạn chế về dữ liệu hóa thạch khi mới chỉ có răng và hàm dưới của con linh trưởng này được tìm thấy.

Tranh của Mark Witton vẽ một cuộc gặp gỡ giữa Gigantopithecus blacki và một tổ tiên của loài người hiện nay.

Gigantopithecus là những họ hàng xa của chúng ta khi cùng thuộc họ Hominidae, còn gọi là họ người, nhưng những nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng chúng có họ hàng gần với đười ươi hơn. Nhìn chung, từ những hóa thạch đã phát hiện, chúng ta biết rằng Gigantopithecus có kích thước to lớn, có thể là loài linh trưởng lớn nhất từng tồn tại, với cân nặng có thể lên đến 300kg. Chúng là loài ăn tạp với thức ăn gồm thân, rễ cây, củ quả. Các nhà khoa học cho rằng chúng tuyệt chủng khoảng 300.000 năm trước vì biến đổi khí hậu và không thể cạnh tranh lại các tổ tiên của loài người hiện đại. Đặc biệt, Gigantopithecus được nhiều người xem như một hình tượng của các sinh vật bí ẩn như Big foot hay Yeti.

THÚ THAN BAKALOVIA ORIENTALIS

Như đã đề cập, Na Dương ở Lạng Sơn trong thế kỷ XXI đã nổi lên như một mỏ vàng mới của ngành cổ sinh Việt Nam với nhiều phát hiện hóa thạch quan trọng, bao gồm các sinh vật có niên đại vào Thế Thủy Tân, khoảng 39-35 triệu năm trước. Một trong số đó là loài thú than phương Đông, có danh pháp khoa học là Bakalovia orientalis, được phát hiện vào năm 2014.

Hóa thạch hộp sọ thú than Bakalovia orientalis được tìm thấy tại Na Dương.

Chúng là động vật móng guốc có ngoại hình khá giống lợn, có họ hàng gần với hà mã và sống bán thủy sinh, ưa cư trú ở môi trường nước gần bờ. Na Dương vào Thế Thủy Tân là một vùng đất rừng nhiều đầm lầy, cây cối um tùm bao quanh hồ Rinh Chùa. Hóa thạch của thú than phương Đông được tìm thấy với dấu vết tấn công của cá sấu, kẻ săn mồi khá phổ biến tại bồn địa Na Dương.

TÊ GIÁC EPIACERATHERIUM NADUONGENSIS

Tê giác Na Dương là một loài động vật có vú khác được phát hiện tại Na Dương, Lạng Sơn, được nhóm nghiên cứu đến từ Đức do nữ tiến sĩ Madeleine Bohme đứng đầu nghiên cứu, mô tả và đặt tên. Chúng được cho là có ngoại hình khá tương tự với các loài cùng chi đến từ châu Âu là Epiaceratherium bolcense và Epiaceratherium magnum.

Phục dựng ngoại hình tê giác Epiaceratherium.

Sự hiện diện của tê giác Na Dương cho thấy rất có thể đã có sự phát tán, xâm nhập của các loài tê giác Đông Nam Á vào châu Âu cuối thế Thủy Tân. Khi đó, lục địa châu Âu có hình dạng rất khác so với hiện nay. Ý và Bulgaria là một phần của một chuỗi đảo ở biển Tethys. Những hòn đảo này kéo dài vài ngàn km và sau này trở thành châu Âu và Ấn Độ.

RÙA BANHXEOCHELYS TRANI

Nếu có top những sinh vật cổ có danh pháp thú vị nhất Việt Nam thì Banhxeochelys trani chắc chắn là một ứng cử viên hết sức nặng ký. Cũng đến từ bồn địa Na Dương, Lạng Sơn, niên đại khoảng 39-35 triệu năm trước, Banhxeochelys được đặt tên theo món ăn nổi tiếng thế giới của nước ta là Bánh xèo nhờ những hóa thạch có hình dạng tròn tròn xếp chồng lên nhau như những đĩa bánh xèo.

Hóa thạch mai rùa Banhxeochelys trani.

Ngoài ra thì đuôi “chelys” vốn có nghĩa là “rùa” trong tiếng Hy Lạp cổ được các fan của Mê Khủng Long TV gọi trại là “chè ly”, thể hiện tinh thần yêu ăn uống mãnh liệt của dân tộc. Tên loài được dùng để vinh danh ông Đặng Ngọc Trản, cựu trưởng phòng của Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Khoáng sản và Địa chất Việt Nam. Banhxeochelys từng rất phổ biến trong hệ sinh thái cổ đại ở Na Dương, khi chỉ tại một địa điểm người ta đã tìm thấy đến hơn 100 mẫu vật, trong đó có 30 mẫu vật được bảo quản cực kỳ tốt.

RÙA STRIATOCHELYS BABA

Na Dương không chỉ có duy nhất loài rùa Banhxeochelys trani. Vào giữa năm 2023, nhóm nghiên cứu đến từ Đức lại tiếp tục công bố loài rùa mới cũng đến từ Na Dương, cũng cùng niên đại Thế Thủy Tân, khoảng 39-35 triệu năm trước với Banhxeochelys trani, đó là Striatochelys baba.

Hóa thạch mai rùa Striatochelys baba với những đường gờ chạy dọc mai.

Tên chi của loài rùa này có nghĩa là “rùa kẻ sọc”, ám chỉ những đường gờ chạy dọc mai của chúng. Tên loài “baba” đặt theo tên của giống rùa mai mềm rất phổ biến ở nước ta. Striatochelys baba được xác định thuộc phân bộ rùa cổ ẩn (Cryptodira) và có một họ hàng được tìm thấy bên Trung Quốc là Striatochelys impressa.

CÁ SẤU ORIENTALOSUCHUS NADUONGENSIS

Na Dương vào Thế Thủy Tân là một vùng đất rừng nhiều đầm lầy, cây cối um tùm bao quanh hồ Rinh Chùa, thế nên một trong những kẻ săn mồi không thể thiếu chính là cá sấu. Vào năm 2019 thì các nhà nghiên cứu đã công bố một chi cá sấu thuộc siêu họ Alligatoroidea, đó là Orientalosuchus naduongensis.

Hóa thạch hộp sọ cá sấu Orientalosuchus naduongensis.

Trước đó thì trong vòng 3 năm từ 2009 đến 2012, người ta đã khai quật được 29 mẫu vật được bảo quản tốt thuộc loài này. Orientalosuchus naduongensis nhìn chung có phần mõm ngắn nhưng rộng, có thể sở hữu lực cắn mạnh dù không quá to lớn, chỉ có chiều dài khoảng 2m.

CÁ SẤU MAOMINGOSUCHUS ACUTIROSTRIS

Cá sấu ở Na Dương nhiều đến nỗi, trong một khám phá cách đây chưa lâu người ta đã công bố rất nhiều hóa thạch phân cá sấu, bên trong chứa đựng nhiều thông tin về hệ sinh thái động thực vật và hành vi của các loài cá sấu từng sống tại Na Dương cách đây hơn 30 triệu năm trước. Một trong số đó là Maomingosuchus acutirostris, loài cá sấu mõm nhọn được công bố vào năm 2022.

Hộp sọ hóa thạch của cá sấu Maomingosuchus acutirostris.

Chúng được cho là một thành viên gốc của siêu họ Gavialoidea, với các đại diện còn sống ngày nay là cá sấu mõm dài Ấn Độ. Maomingosuchus có thể dài hơn Orientalosuchus, ước tính từ 3 đến 3,5m. Chúng có một họ hàng cùng chi bên Trung Quốc là Maomingosuchus petrolica.

VƯỢN ANTHRADAPIS VIETNAMENSIS

Mặc dù cá sấu thống trị dưới nước và đầm lầy ở Na Dương, nhưng phía trên những tán cây là vương quốc của các loài linh trưởng và một trong số đó, được các nhà khoa học quốc tế công bố vào tháng Mười hai năm 2019 là Anthradapis vietnamensis. Đây là một loài vượn cổ đại khá giống vượn cáo ngày nay, và cũng cùng thuộc bộ linh trưởng mũi ướt.

Hóa thạch xương hàm của Anthradapis vietnamensis.

Anthradapis vietnamensis thuộc họ Sivaladapidae, là loài linh trưởng đầu tiên thuộc Thế Thủy Tân của Việt Nam. Chúng nằm trong số những loài lớn nhất họ, với cân nặng cơ thể khoảng 5,3kg và theo các nhà khoa học, Anthradapis vietnamensis hoàn toàn có thể cung cấp nhiều hiểu biết mới về họ linh trưởng Sivaladapidae ở châu Á, thậm chí có thể đại diện cho một phân họ mới. Tên loài vietnamensis như một sự ghi nhận dành cho tính đặc biệt của loài linh trưởng Việt Nam cổ đại này.

***
Đây mới chỉ là 10 loài đầu tiên mà Mê Khủng Long TV muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn. Nếu có điều kiện, trong tương lai Mê Khủng Long TV sẽ tiếp tục nói về nhiều loài động vật cổ từng sống trên đất Việt Nam hơn nữa. Quý vị và các bạn nhớ đón xem nhé!
[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/J6AqV9uyn0U?si=UUWg30HTx9tT3Zjd” title=”YouTube video player” width=”560″]