[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Cùng ngắm những phiên bản Spinosaurus “độc lạ” khác nhau, khoa học chính thống có, tưởng tượng của fan cũng có!

Ngoại hình của Spinosaurus sau nhiều năm bị thay đổi liên tục đã trở thành một giai thoại trong những người yêu thích ngành cổ sinh. Bên cạnh những bản phục dựng của các nhà cổ sinh vật học, nhiều người quan tâm đến Spinosaurus cũng đưa ra những bản phục dựng của họ, đôi khi dựa trên những giải thích hài hước về các hóa thạch cũng như để bày tỏ sự chán nản đối với bí ẩn đã tồn tại trong một quãng thời gian quá dài về ngoại hình của chi khủng long nổi tiếng này. Một vài trong số đó rất ấn tượng và được giang cư mận yêu thích, bát chấp tính chính xác khoa học của chúng.

Sau đây là 6 phiên bản Spinosaurus “độc lạ” mà có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy.

NHỮNG PHIÊN BẢN ĐẦU TIÊN: SPINOSAURUS
= T. REX ĐỜI ĐẦU GẮN THÊM CÁNH BUỒM TRÊN LƯNG

Tất nhiên, chúng ta không thể chê trách gì những nhà cổ sinh vật học đầu thế kỷ XX về mặt khoa học, bởi đương nhiên là họ không hề có kho tàng kiến thức tích lũy cũng như các công cụ hiện đại như giới cổ sinh vật học ngày nay. Vì thế chuyện diễn giải và phục dựng sai ngoại hình của một con khủng long, nhất là trong điều kiện hóa thạch ít ỏi, là chuyện hết sức bình thường. Phần nội dung này chỉ nhằm đề cập rằng chúng ta từng hình dung Spinosaurus khác với bây giờ ra sao.

Như các bạn có thể đã biết, nhà cổ sinh vật học Ernst Stromer là người đã tìm ra hóa thạch của Spinosaurus cùng với một số giống khủng long khác trong chuyến thám hiểm châu Phi của ông vào năm 1911. Trong số những hóa thạch không hoàn chỉnh mà Stromer thu thập được, đáng chú ý nhất là những đốt sống lưng có gai thần kinh mọc lên rất cao, một cấu trúc chưa từng thấy bao giờ ở những con khủng long được phát hiện trước đó. Có 2 cách diễn giải cấu trúc này, một là những gai thần kinh được nối với nhau bằng da tạo thành thứ như cánh buồm, giống như của Dimetrodon; hai là chúng được bao phủ trong mỡ và hình thành nên một cái bướu giống như ở bò rừng Bắc Mỹ. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây nghiêng về việc đó là cánh buồm hơn bởi không giống như bò rừng Bắc Mỹ, các gai thần kinh của Spinosaurus mảnh và phẳng hơn, không phù hợp cho việc gắn kết với cơ bắp hoặc mỡ. Bạn có thể thấy phiên bản hiện đại của cánh buồm trên lưng Spinosaurus ở loài tắc kè hoa lưng cánh buồm sống ở châu Phi ngày nay.

Bộ xương phục dựng của Spinosaurus theo mô tả của Ernst Stromer dựa trên mẫu định danh.

Dù vậy thì vấn đề cuả những bản phục dựng đầu tiên không nằm ở cánh buồm. Do mẫu định danh không phải là một bộ xương hoàn chỉnh, trong đó phần xương sọ chỉ bao gồm hai mảnh xương hàm dưới, thế nên phiên bản Spinosaurus đầu thế kỷ XX được phục dựng với hộp sọ giống các loài theropod lớn được phát hiện trước đó như T. rex chẳng hạn, tương đối ngắn chứ không dài như sau này. Chúng cũng thừa hưởng tư thế kangaroo với phần đuôi kết hợp với hai chân để chống đỡ cơ thể. Trông Spinosaurus khi đó chẳng khác nào T. rex đời đầu gắn thêm cánh buồm trên lưng vậy.

PHIÊN BẢN SPINOSAURUS “CON RƠI CỦA DIMETRODON”

Một trong những tranh cãi lớn về Spinosaurus những năm vừa qua đó là con khủng long này đi bằng hai chân hay bốn chân? Hiện tại thì kết luận của những nghiên cứu gần nhất cho rằng, Spinosaurus hoàn toàn có khả năng di chuyển tốt bằng hai chân với trọng tâm của cơ thể nằm gần hông, cho phép nó đứng thẳng như các loài theropod đi bằng hai chân khác.

Spinosaurus đi bằng bốn chân trong tranh minh họa của Giovanni Caselli.

Mặc dù vậy thì giả thuyết Spinosaurus đi bằng bốn chân không phải mới đây mới xuất hiện mà đã có từ giữa thế kỷ XX, khi Spinosaurus thường xuyên được khắc họa như một con khủng long đi bằng bốn chân giống Dimetrodon, như phiên bản phục dựng của họa sĩ cổ sinh Giovanni Caselli trong cuốn sách Sự tiến hóa và đặc điểm sinh thái của khủng long xuất bản năm 1975. Phiên bản này cũng giữ lại khuôn mặt ngắn như những phiên bản đầu tiên, càng làm cho Spinosaurus giống như một phiên bản phóng to của Dimetrodon. Phải chăng truyền thuyết Dimetrodon là họ hàng với Spinosaurus cũng từ đây mà ra?

Hình tượng này còn được chứng kiến trong nhiều cuốn sách khác, chẳng hạn như cuốn Lịch sử tự nhiên của khủng long xuất bản năm 1977, tác giả là Richard Moody, Tony Morris vẽ minh họa. Hay là trong phiên bản tiếng Tây Ban Nha của cuốn Một cái nhìn mới về khủng long của tác giả Alan Charig, họa sĩ Peter Snowball vẽ minh họa. Còn trong cuốn sách tiếng Đức Bí mật thời tiền sử, con người và động vật của tác giả Mario Anderose xuất bản năm 1991, Spinosaurus lúc này đã có hộp sọ chuẩn hơn một chút nhưng vẫn đi bằng bốn chân và vẫn giống Dimetrodon.

PHIÊN BẢN SPINOSAURUS “CÁNH BUỒM HOA”

Về mặt chức năng, cánh buồm của Spinosaurus cũng gây ra khá nhiều tranh cãi về việc nó được con khủng long này sử dụng vào việc gì. Các giả thuyết phổ biến gồm có: điều hòa nhiệt độ, để tạo ra lợi thế thủy động học khi bơi dưới nước giống như vây lưng của cá buồm, để trông to hơn nhằm đe dọa địch thủ hay để tạo ấn tượng với bạn tình trong mùa giao phối. Giả sử như giả thuyết cuối cùng là đúng, vậy thì những con Spinosaurus đực sẽ muốn có một cánh buồm càng sặc sỡ, càng ấn tượng càng tốt đúng không nào?

Spinosaurus trên bìa tạp chí Dinossauros số 29.

Dù chúng ta rất khó biết chính xác màu sắc của khủng long ngoại trừ trường hợp tìm được hóa thạch da còn lưu lại melanosome để có thể phân tích màu sắc, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra. Trong ấn bản số 27 của tạp chí Dinossauros, phát hành năm 1992, họa sĩ minh họa đã tạo ra phiên bản Spinosaurus với cánh buồm có hoa văn rất đẹp, rất thích hợp để đem đi khoe mẽ lấy le với bạn gái, dù cho về hộp sọ và tư thế thì vẫn chưa có nhiều khác biệt so với các phiên bản đời trước. Đến số 29 của tạp chí cùng tên, họa sĩ minh họa đã làm cho phần hộp sọ chuẩn hơn về chiều dài, đồng thời tăng độ sặc sỡ và tươi mới của màu sắc trên cánh buồm. Đây có thể nói là một trong những cánh buồm đẹp nhất trong số các phiên bản Spinosaurus phục dựng, nếu chưa tính đến độ chính xác về hình dạng.

PHIÊN BẢN SPINOSAURUS “TÀU BAY”

Không chỉ có các nhà cổ sinh vật học quan tâm đến Spinosaurus mà những người yêu khủng long cũng rất quan tâm đến con khủng long này. Tuy nhiên, có lẽ vì quá chán nản trước sự thay đổi xoành xoạch của các nhà cổ sinh vật học trong việc phục dựng ngoại hình Spinosaurus mà các fan khủng long cũng bắt đầu rục rịch tự tạo ra những phiên bản của riêng họ. Một khi đã máu đừng hỏi bố cháu là ai, chỉ có điều những phiên bản này hơi cục súc và độ lạ lùng thì vượt xa những phiên bản đến từ team cổ sinh vật học. Đầu tiên đó chính là phiên bản Spinosaurus “tàu bay” của một người dùng trên Twitter tên là Mingau, cũng là một họa sĩ cổ sinh. Anh giải thích phiên bản của mình như sau:

Nguồn: _themingau / X.
  • Cấu trúc túi khí vốn hiện diện ở nhiều loài khủng long (trong đó có cả chim). Ở Spinosaurus, túi khí đã thích nghi để chứa đầy hydrogen, nên nó có thể bay lơ lửng trên bầu trời.
  • Vây đuôi, vừa có chức năng trang trí vừa có chức năng bánh lái.
  • Con Spinosaurus này có thể tung ra những cú đánh rắm cực mạnh giúp phóng nó về phía trước.
  • Nó có thể bay lơ lửng trên bầu trời, lượn lờ phía trên các con sông và hồ nước để bắt cá bằng cái lưỡi kiểu lao móc của nó.
  • Những khúc xương đặc ở Spinosaurus chỉ đơn thuần là sự thích nghi để hạ cánh khẩn cấp, vì chúng có khả năng chống chịu tốt hơn…

Thú vị hơn, phiên bản này được khá nhiều người hưởng ứng và vẽ lại còn đẹp hơn bản gốc. Nói thật chứ phiên bản này mà là thật thì T. rex chỉ có mọc cánh mới mong đánh lại.

PHIÊN BẢN SPINOSAURUS “TIẾT KIỆM THỜI GIAN”

Không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn chờ đợi các nhà cổ sinh vật học thu thập đầy đủ bộ xương của Spinosaurus, hoặc là so sánh với những con khủng long khác có quan hệ gần gũi để phục dựng hoàn chỉnh. Hãy đến với phiên bản Spinosaurus tiết kiệm thời gian của một người dùng có biệt danh Generic Friendly Ducc trên trang Dinopedia.

Nguồn: Dinopedia.

Người dùng này giới thiệu về phiên bản của mình: “Bạn thấy đấy, trông nó khác lắm, nhưng mà dựa trên những nghiên cứu mới nhất cả. Theo dữ liệu mà tôi tìm thấy thì toàn bộ đốt sống cổ của Spinosaurus đều lấy từ Sigilmassasaurus, thế nên Spinosaurus chẳng có cái đốt sống cổ nào. Đốt sống đuôi của mẫu định danh Spinosaurus cũng không thật sự thuộc về mẫu định danh thế nên tôi phục dựng cái đuôi dựa trên đuôi của Diplodocus. Vì Spinosaurus là động vật sống dưới nước, nên tôi phục dựng đôi chân dựa trên Mosasaurus vì chúng đều là động vật sống dưới nước. Spinosaurus cũng không có hóa thạch tay nào được bào quản, nên tôi phục dựng đôi tay của chúng giống như một con khủng long sống cùng thời nhưng không cách xa nó lắm là Carnotaurus.”

Nghe rất thú vị, chỉ có điều phục dựng xong thì trông con vật này chẳng còn giống khủng long chút nào nữa mà giống một con rùa mập có cánh buồm trên lưng hơn.

SPINOFAARUS

Nói đây là một phiên bản của Spinosaurus thì cũng không hoàn toàn chính xác, mà đúng hơn là một sinh vật tưởng tượng lấy cảm hứng từ Spinosaurus. Nó được tạo ra bởi một họa sĩ tên là Chris Masna, với lời giới thiệu nó là một hậu duệ của Spinosaurus, thích ăn cá. Spinofaarus bơi giỏi, với chi sau đã tiêu biến còn chi trước tiến hóa thành chân chèo. Phần mõm tiến hóa để có một cái vòi dùng để bắt cá và thở khi bơi dưới nước. Đặc điểm này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến loài hải cẩu voi ngày nay.

Nguồn: yoult / Deviant Art.

Trên thực tế thì tạo hình này của Chris Masna đến từ ý tưởng gốc của một người khác tên là Rodrigo Vega. Dù sao đi nữa thì từ một con khủng long đáng sợ, qua sự tưởng tượng của giang cư mận đã trở thành một anh bạn mập mạp dễ thương.

Đây có lẽ cũng là tạo hình chế cháo của Spinosaurus được yêu thích nhất trên mạng, với nhiều bản cover khác nhau, thậm chí có cả đoạn phim hoạt hình riêng trên YouTube nữa.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/q_Th9B1FwxQ?si=dGDAxsdDmXTB6Hib” title=”YouTube video player” width=”560″]