[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dị hình giới tính (sexual dimorphism) là sự khác biệt về ngoại hình cũng như cấu trúc cơ thể giữa cá thể đực và cá thể cái trong cùng một loài. Sừng hươu, đuôi công, bờm sư tử… là những ví dụ điển hình của dị hình giới tính ở những sinh vật đang tồn tại.
Thông thường, sự dị hình giới tính sẽ xuất hiện khi các cá thể trải qua giai đoạn dậy thì (puberty), cho thấy rằng cá thể đó đã bắt đầu có khả năng sinh sản hoặc sự trưởng thành về mặt sinh dục. Tuy nhiên, ở một số nhóm động vật, đặc biệt bò sát, sự trưởng thành về mặt sinh dục bắt đầu khi nào khó xác định hơn. Dị hình giới tính ở bò sát thường chỉ thể hiện thông qua sự khác biệt về màu sắc hoặc kích thước cơ thể, và những điều này rất khó quan sát trên hóa thạch.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu nhằm chứng minh và làm sáng tỏ sự dị hình giới tính cũng như sự phát triển về mặt sinh dục của các cá thể thuộc một chi bò sát có danh pháp là Keichousaurus, từng sống phổ biến ở Tây Nam Trung Quốc cách đây 240 triệu năm trước. Keichousaurus là chi bò sát có số lượng mẫu vật lớn, bao gồm cả những mẫu vật ở dạng phôi thai và trên những mẫu vật này, các nhà khoa học đã phát hiện sự dị hình giới tính tương đối rõ rệt.
Keichousaurus là loài bò sát cổ đại có số lượng mẫu vật phong phú, tạo điều kiện cho những nghiên cứu sâu về sự trưởng thành sinh dục và dị hình giới tính. Tranh của Takumi. |
Ví dụ, những con Keichousaurus đực trưởng thành có kích thước lớn hơn khá nhiều so với con cái. Xương cánh tay của con đực cũng to hơn và có tiết diệt hình tam giác khi cắt ngang trong khi ở con cái, xương cánh tay có tiết diệt hình bầu dục tương đối tròn, tương tự các cá thể chưa trưởng thành. Nguyên nhân có thể là do quá trình tích tụ mô xương mang tính khác biệt ở các cá thể đực.
Các phân tích vể độ đặc của xương cũng như tốc độ sinh trưởng xác nhận rằng Keichousaurus có tốc độ dậy thì nhanh. Sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng và kích cỡ cơ thể tối đa mà mỗi cá thể đạt được là chiến lược của hai giới tính nhằm đảm bảo chúng có thể sinh tồn đến khi trưởng thành về mặt sinh dục và giao phối thành công với giới tính còn lại. Chẳng hạn, những con Keichousaurus cái hiển nhiên sẽ thấy những con đực to lớn trở nên hấp dẫn hơn những con đực nhỏ. Do đó, những con đực sinh trưởng nhanh hơn sẽ có khả năng sinh sản thành công hơn. Sự gia tăng về độ đặc của xương sau khi thời kỳ dậy thì kết thúc ở cả hai giới phù hợp với tốc độ sinh trưởng chậm lại, cho thấy sự dịch chuyển của năng lượng từ mục tiêu sinh trưởng sang mục tiêu sinh sản.
Sự biến đổi của trục giữa xương cánh tay ở các cá thể đực cũng tương ứng với sự gia tăng về diện tích của khu vực gắn với cơ bắp, giúp chúng có chi trước to lớn hơn. Những con Keichousaurus đực có thể có nhu cầu chiến đấu giành lãnh thổ rất cao, tạo nên áp lực lớn đối với chi trước của chúng. Chi trước mạnh khỏe cũng có thể là lợi điểm khi nói đến tư thế giao phối. Mặt khác, tác động qua lại giữa sự điều hòa nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì và các nhân tố kích thích áp lực bên ngoài có thể cùng nhau góp phần vào sự thay đổi hình thái của xương cánh tay Keichousaurus đực trong giai đoạn này.
Nguồn: “Exciting insights into the sexual development of an extinct marine reptile” / Phys.