[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Sáu tháng đầu năm 2023, chúng ta đã khám phá được những loài khủng long nào? Hãy cùng Mê Khủng Long TV điểm sơ qua nhé!

>> Xem thêm: KHỦNG LONG MỚI THÁNG 7-9 NĂM 2023
>> Xem thêm: KHỦNG LONG MỚI THÁNG 10-12 NĂM 2023

1. CHUCAROSAURUS DIRIPIENDA (Argentina)

Thật sự rất thú vị khi loài khủng long đầu tiên được công bố trong năm 2023 lại là một gã khổng lồ có họ hàng khá gần với những giống khủng long lớn nhất thế giới như Argentinosaurus hay Patagotitan. Chính thức xuất hiện trên tập san Cretaceous Research (tạm dịch là Nghiên cứu về Kỷ Phấn Trắng) vào đầu tháng Hai năm 2023, Chucarosaurus diripienda đã gây nên một cơn sốt nhẹ trong giới cổ sinh với kích thước khổng lồ của mình.

Phục dựng ngoại hình của Chucarosaurus diripienda. Tranh của Sebastián Rozadilla.

Dựa trên các hóa thạch tìm được có niên đại 90 triệu năm gồm các bộ phận như xương chi sau, xương chi trước, xương ngón chi trước, xương chậu… các nhà khoa học ước tính rằng loài khủng long có xuất xứ từ vùng Patagonia, Argentina này có thể dài đến 30 mét và nặng đến 36 tấn, nhỏ hơn một chút so với PatagotitanArgentinosaurus. Giống như hai loài khủng long này, Chucarosaurus được xếp vào nhóm Titanosauria, tiếng Việt gọi là khủng long hộ pháp, nghe tên thôi là đã thấy khủng khiếp rồi. Titanosauria là một trong những nhóm khủng long sauropod ăn thực vật to lớn nhất, chúng tồn tại và phát triển mạnh mẽ vào cuối Kỷ Phấn Trắng trước khi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt diễn ra 66 triệu năm trước.

Trên thực tế thì trong quá trình khai quật, kích thước khổng lồ của hóa thạch Chucarosaurus từng gây nhiều khó khăn cho các nhà khoa học. Một trong những chiếc xương của Chucarosaurus quá dài và nặng đến nỗi khiến phương tiện chuyên chở mất cân bằng, hất văng nó xuống đường. Tuy nhiên, do quá cứng và nặng, chiếc xương này không những không xi nhê gì mà còn khiến mặt đường nơi nó rơi xuống vỡ nát. Đó cũng là một trong những nguyên do các nhà cổ sinh vật học đặt tên cho giống khủng long mới này là Chucarosaurus, lấy từ thổ ngữ Quechua chữ “chucaro” có nghĩa là cứng rắn và không thể khuất phục. Trong khi đó, tên loài diripienda có nghĩa là “làm nát vụn”. Một số fan khủng long trên fanpage Mê Khủng Long thì gọi loài khủng long này bằng cái tên Việt hóa thân thương “chú cá rô”.

2. PLATYTHOLUS CLEMENSI (Mỹ)

Nếu như loài khủng long đầu tiên của năm 2023 là một gã khổng lồ thì loài khủng long thứ hai lại là một động vật có thân hình tương đối nhỏ bé, dù vậy chúng sở hữu vòm đầu dày là đặc trưng của những con khủng long thuộc nhóm Pachycephalosauria, còn gọi là hậu đầu long. Đó chính là Platytholus clemensi, với tên chi mang ý nghĩa là “vòm phẳng, rộng”, ám chỉ hình dạng hộp sọ của con khủng long này dựa trên mảnh hộp sọ được tìm thấy, còn tên loài dùng để vinh danh nhà cổ sinh vật học quá cổ Williams Alvin Clemens Jr.. Kích thước của Platytholus chỉ tương đương một con chó ngày nay.

Phục dựng ngoại hình của Platytholus clemensi. Tranh của Antonin Jury.

Mặc dù nhỏ bé nhưng trên hóa thạch của Platytholus clemensi, các nhà khoa học đã có một phát hiện quan trọng khi nhận thấy vòm đầu của con khủng long này có những mạch máu mọc theo chiều vuông góc với bề mặt của hộp sọ, chứng tỏ chúng được sử dụng để nuôi dưỡng những cấu trúc mọc thẳng đứng, có thể là các sợi cứng có cấu tạo từ keratin. Vì thế, một số hình ảnh phục dựng của Platytholus clemensi thể hiện loài khủng long này với cái đầu có chỏm được tạo thành từ những sợi cứng như vậy, trông khá lạ mắt thay vì tròn trịa và trọc lóc như những hình dung thông thường của chúng ta về nhóm hậu đầu long. Platytholus có niên đại 72,1 đến 66 triệu năm trước và chúng sống ở nơi ngày nay là bang Montana, Mỹ.

3. PROTATHLITIS CINCTORRENSIS (Tây Ban Nha)

Phải khoảng ba tháng sau khi công bố Chucarosaurus, một khoảng thời gian khá dài, chúng ta mới được diện kiến loài khủng long ăn thịt đầu tiên của năm 2023, đó là Protathlitis cinctorrensis. Vốn thuộc nhóm đại long xương gai của Spinosaurus, nhưng dựa trên hóa thạch gồm 5 đốt sống đuôi, một mảnh xương hàm và răng có niên đại 129,4-125 triệu năm được tìm thấy tại Hệ tầng Arcillas de Morella, Castellon, Tây Ban Nha, các nhà cổ sinh vật học cho rằng Protathlitis cinctorrensis là một loài đại long xương gai gốc, có quan hệ gần với Baryonyx hơn Spinosaurus.

Phục dựng ngoại hình của Protathlitis cinctorrensis. Tranh của Oscar Sanisidro.

Sự hiện diện của loài khủng long này cùng với một số loài đại long xương gai khác cùng thời đại như Vallibonavenatrix cani là một sự khẳng định rằng châu Âu trong thời đại khủng long đã có một thời gian dài là thiên đường của họ đại long xương gai. Danh pháp của loài khủng long này cũng có ý nghĩa đặc biệt, trong đó tên chi Protathlitis có nghĩa là “nhà vô địch” trong tiếng Hy Lạp, dùng để vinh danh chức vô địch Europa League của câu lạc bộ Villareal vào mùa bóng 2020-2021, còn tên loài Cinctorrensis xuất phát từ thị trấn Cinctorres, nơi hóa thạch của Protathlitis được tìm thấy.

4. IANI SMITHI (Mỹ)

Trong thời đại hoàng kim kéo dài 180 triệu năm của chúng, khủng long có thể đã từng là chứng nhân của những thay đổi lớn trên Trái đất về khí hậu cũng như môi trường. Iani smithi, loài khủng long có niên đại 99 triệu năm trước có thể là một cái tên như vậy. Được đặt tên theo vị thần hai mặt La Mã Janus, thần của sự thay đổi, Iani smithi sống vào Thế Phấn Trắng giữa, thời kỳ của những thay đổi lớn, chẳng hạn như nồng độ carbon dioxide khí quyển gia tăng trong giai đoạn này khiến Trái đất nóng lên, mực nước biển dâng cao, bó buộc khủng long trong những vùng đất ngày một bị thu hẹp dần. Trái đất nóng đến nỗi những khu rừng mưa sinh sôi nảy nở ở hai cực. Thực vật có hoa chiếm lĩnh các vùng đất duyên hải và thay thế nguồn thức ăn thông thường của các loài khủng long ăn thực vật. Ở Bắc Mỹ, những con sauropod khổng lồ dần biến mất, cùng chung số phận là các loài săn mồi thuộc siêu họ Allosauroidae.

Phục dựng ngoại hình của Iani smithi. Tranh của Jorge Gonzalez.

Cùng thời điểm đó, các loài khủng long ăn thực vật nhỏ hơn như khủng long mỏ vịt hay khủng long có sừng cùng các loài theropod có lông vũ như bạo long và oviraptorosaur bắt đầu xâm nhập từ châu Á. Trong bối cảnh đó, Iani có thể là thành viên còn tồn tại cuối cùng của một dòng dõi khủng long từng sinh sôi nảy nở mạnh mẽ tại Bắc Mỹ nhưng cuối cùng đã bị thay thế bởi khủng long mỏ vịt. Iani đã sống qua quá trình chuyển đổi đó – vì thế con khủng long này thật sự tượng trưng cho một hành tinh đang thay đổi.

5. MIGMANYCHION LAIYANG (Trung Quốc)

Đây là một loài khủng long có niên đại khoảng 121 triệu năm trước được phát hiện từ các hóa thạch tại Nội Mông, Trung Quốc. Chúng thuộc nhánh khủng long Maniraptora, có quan hệ tương đối gần với các loài chim hiện đại ngày nay. Migmanychion laiyang được biết đến qua một bộ xương không hoàn chỉnh, trong đó có một phần chi trước bên trái với bàn tay nguyên vẹn. Ngoài ra còn có các mảnh xương sườn.

Phục dựng ngoại hình của Migmanychion laiyang. Tranh của UnexpectedDinoLesson / Wikipedia.

Các hóa thạch cho thấy một hình thái chi trước kỳ lạ khác với tất cả những loài khủng long theropod từng được biết, củng cố việc dựng lên một loài mới, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến cái tên Migmanychion, có nghĩa là “móng vuốt hỗn hợp”. Phân tích phát sinh loài của nhóm cho thấy họ hàng gần nhất của Migmanychion laiyang có thể là loài khủng long bí ẩn Fukuivenator paradoxus ở Nhật Bản. Loài khủng long này là một thành viên của quần thể động vật Moqi (Moqi Fauna), từng tồn tại cùng những loài khủng long khác như Daurlong wangi, các giống chim cổ đại như Beiguornis, Khinganornis… cùng các loài bò sát, lưỡng cư cổ đại.

6. VECTIPELTA BARRETTI (Anh)

Ngày nay, Vương quốc Anh là một hòn đảo sương mù có vẻ buồn tẻ, nhưng vào Thời đại Khủng long nơi đây là một vùng đất sinh động với nhiều loài khủng long đa dạng. Một trong những địa điểm nóng về cổ sinh vật học tại Anh là đảo Wight, và hồi tháng Sáu vừa rồi các nhà cổ sinh vật học đã công bố loài giáp long thứ hai được phát hiện trên hòn đảo này, đó là Vectipelta barretti, có niên đại lên đến 140 triệu năm.

Phục dựng ngoại hình và môi trường sống của Vectipelta barretti. Tranh của Stuart Pond.

So với loài giáp long đầu tiên được phát hiện trên đảo là Polacanthus foxii (được xác định từ năm 1865), chúng khác nhau về cấu trúc xương chậu cũng như hình dạng của gai trên thân giáp. Không chỉ vậy, các nhà cổ sinh vật học còn cho rằng V. barretti có quan hệ gần với một số loài giáp long Trung Quốc, cho thấy khủng long có thể đã di chuyển tự do từ châu Á sang châu Âu vào Thế Phấn Trắng sớm từ khoảng 145 triệu năm trước. Cũng trên hòn đảo này, các nhà cổ sinh vật học Anh cũng công bố phát hiện hóa thạch một loài đại long xương gai mới, hiện vẫn chưa được đặt danh pháp chính thức mà chỉ tạm gọi là “đại long xương gai đảo Wight”.

7. GONKOKEN NANOI (Chile)

Không lâu sau sự xuất hiện của Vectipelta barretti tại Anh thì ở đất nước Nam Mỹ Chile, họ cũng đã công bố loài khủng long thứ năm từng được phát hiện tại nước này, đó là Gonkoken nanoi, một loài khủng long thuộc nhóm Hadrosauroidae, bao gồm các loài khủng long mỏ vịt cũng như các họ hàng gần với chúng. Đây là một loài khủng long Hadrosauroidae có kích thước trung bình, với chiều dài có thể lên đến 4 mét và cân nặng nặng khoảng 1 tấn. Chúng từng sống cách đây 72 triệu năm tại vùng đất ngày nay là vùng Patagonia thuộc Chile.

Phục dựng ngoại hình của Gonkoken nanoi. Tranh của Connor Ashbridge / Wikipedia.

Theo Alexander Vargas, giám đốc mạng lưới cổ sinh vật học tại Đại học Chile và là một trong các tác giả của nghiên cứu, “Gonkoken nanoi là những con khủng long có thân hình gọn gàng, có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các tư thế hai chân và bốn chân để với tới thực vật trên cao cũng như dưới đất.” Chúng là sự hiện diện xa nhất về phương Nam của các loài khủng long Hadrosauroidae và sự xuất hiện của chúng đặt ra nhiều câu hỏi với các nhà cổ sinh vật học về việc chúng đã đến đây như thế nào. Cái tên Gonkoken đến từ thổ ngữ của người Tehuelche, những cư dân bản địa trong khu vực này, với ý nghĩa “giống vịt hoang hoặc thiên nga”. Tên loài nanoi dùng để vinh danh Mario “Nano” Ulloa, người quản lý trang trại đã hỗ trợ đội ngũ khai quật hóa thạch về mặt hậu cần.

8. CALVARIUS RAPIDUS (Tây Ban Nha)

Được biến đến từ hóa thạch một khúc xương bàn chân duy nhất có niên đại 67,6-66 triệu năm trước, Calvarius rapidus có lẽ cũng là một trong những loài khủng long cuối cùng còn tồn tại trên Trái đất vào thời điểm thảm họa tuyệt chủng hàng loạt xảy ra khi tiểu hành tinh Chicxulub lao vào hành tinh của chúng ta với tốc độ 30km mỗi giây. Phân tích phát sinh loài của các nhà nghiên cứu cho thấy, Calvarius rapidus là một loài khủng long thuộc nhánh Iguanodontia.

Phục dựng ngoại hình của Calvarius rapidus. Tranh dựng bằng Bing Image Creator của Lukas Panzarin.

Điểm đặc biệt của Calvarius rapidus là mặc dù chúng có kích thước tương đối nhỏ so với các loài họ hàng, nhưng xương bàn chân của nó dài hơn đáng kể về mặt tỷ lệ so với cơ thể, do đó các nhà khoa học cho rằng loài khủng long này thích nghi với việc chạy nhanh để trốn tránh những kẻ săn mồi. Tên chi Calvarius vừa là sự đề cập đến địa danh đồi Calvari nơi tìm thấy hóa thạch, vừa có nghĩa là “chịu đựng, đau khổ” trong tiếng Catalan, ám chỉ niên đại rất gần với sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng – Cổ Cận của Calvarius. Tên loài rapidus có nghĩa là “nhanh”, nhằm gợi ý về khả năng chạy nhanh của con khủng long này.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/F_fy5Zb2vmM” title=”YouTube video player” width=”560″]