[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Nếu ở dưới đất, chúng ta có thể ví khủng long như các titan – những vị thần khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp – thì trên bầu trời sự  ví von đó sẽ được dành cho một nhóm sinh vật khác cũng vĩ đại không kém.

BẦU TRỜI TRÁI ĐẤT TỪNG THUỘC VỀ DỰC LONG

Không phải ngẫu nhiên mà con người khao khát được bay đến vậy.

Bay là một trong những khả năng hiếm gặp nhất ở động vật. Trong suốt chiều dài lịch sử của sự sống, khả năng bay chỉ xuất hiện ở một số nhóm động vật, và càng hiếm hơn ở động vật có xương sống. Hiện nay, chỉ có hai nhóm động vật có xương sống biết bay là chim và dơi. Dơi biết bay nhưng năng lực bay của chúng cũng không thật sự mạnh mẽ. Chỉ có chim, những hậu duệ trực tiếp của khủng long phi điểu mới thật sự là ông chủ của bầu trời, và khả năng bay của chúng có lẽ đã được phát triển từ khoảng 150 triệu năm trước.

Bay là ước mơ cháy bỏng của con người khi chưa phát minh ra máy bay.

Ấy vậy mà trước chim, đã có một nhóm động vật có xương sống phát triển khả năng bay lượn đến mức cực đỉnh hàng chục triệu năm, khi chúng không những bay được mà còn đạt được những kích thước khổng lồ, lớn gấp nhiều lần những loài chim lớn nhất, hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Thử nghĩ mà xem, một con vật có kích thước tương đương một con hươu cao cổ sải cánh trên bầu trời, với đôi cánh có thể che khuất Mặt trời ở mỗi nơi chúng bay qua. Đó chính là dực long.

Dực long, bất chấp việc một số người vẫn nhầm rằng chúng là khủng long và gọi chúng là “khủng long bay”, đã từng là nhóm sinh vật biết bay vĩ đại nhất tồn tại trên Trái đất, với quãng thời gian hiện diện gần như tương đương với khủng long, bắt đầu từ khoảng 228 triệu năm trước và thậm chí có thể còn sớm hơn, cho đến 66 triệu năm trước khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng – Cổ Cận xảy ra, quét sạch khủng long phi điểu và nhiều nhóm bò sát cổ đại phi thường khác như thương long, xà cảnh long và cả dực long nữa.

Ngày nay, các công nghệ mới và nghiên cứu mới đang giúp chúng ta hiểu hơn về dực long, tuy nhiên việc tìm hiểu về nhóm bò sát biết bay này vẫn là một điều gì đó cực kỳ khó khăn, xuất phát từ một đặc điểm tiến hóa rất quan trọng giúp việc những sinh vật khổng lồ này biết bay trở nên khả thi, đó chính là những khúc xương rỗng giúp giảm nhẹ khối lượng cơ thể. Rỗng đồng nghĩa với việc chúng dễ bị phá hủy hơn và khó để lại những bộ xương hóa thạch nguyên vẹn.

Nếu như ở dưới mặt đất, khủng long có thể được ví như những vị thần khổng lồ – các titan, thì ở trên bầu trời, các titan chính là dực long. Dù không phải loài dực long nào cũng đạt được đến kích thước ngoài sức tưởng tượng thì cũng có không ít cái tên có thể cho chúng ta cảm giác choáng ngợp khi thấy chúng xuất hiện như Quetzalcoatlus, chi dực long từng sống cách chúng ta 68-66 triệu năm trước ở khu vực ngày nay là Bắc Mỹ.

CÂU CHUYỆN CỦA QUETZALCOATLUS

Câu chuyện của Quetzalcoatlus khởi đầu vào năm 1971, tại công viên quốc gia Big Bend nằm ở phía Tây bang Texas của nước Mỹ, sát biên giới với người láng giềng Mexico. Khi Douglas Lawson, một học viên cao học ngành địa chất tại Đại học Texas đang đi tìm hóa thạch khủng long, dường như anh đã tìm được hóa thạch của một động vật khổng lồ nào đó không phải khủng long. Lawson nhanh chóng hoàn tất việc khai quật và thứ mà anh tìm thấy là một cái cánh không nguyên vẹn của một con dực long chưa từng được biết tới.

Douglas Lawson và những khúc xương cánh khổng lồ của Quetzalcoatlus.

Tiếp đó, vào năm 1972 đến năm 1974, Lawson tiếp tục khám phá được hai điểm khai quật khác cùng niên đại có hóa thạch của sinh vật này, cách điểm khai quật ban đầu khoảng 40km. Ở đó anh cùng giáo sư Wann Langston Jr. của Bảo tàng Tưởng niệm Texas tìm thấy ba bộ xương không nguyên vẹn của những cá thể nhỏ hơn nhiều so với mẫu vật đầu tiên. Sau đó khoảng một năm, Lawson công bố phát hiện của mình trong một bài báo trên tập san khoa học uy tín hàng đầu nước Mỹ, Science. Cùng năm đó thì Lawson quyết định lấy mẫu vật đầu tiên được tìm thấy làm mẫu định danh cho một loài dực long mới, được anh đặt danh pháp khoa học là Quetzalcoatlus northropi, trong đó tên chi lấy cảm hứng từ vị thần rắn có lông vũ của người Aztec, Quetzalcoatl, còn tên loài dùng để vinh dung John Knudsen Northrop, nhà sáng lập Northrop Corporation, công ty đã phát triển thiết kế máy bay không đuôi khá giống với cấu tạo cơ thể của chính con dực long này.

Ban đầu các mẫu vật nhỏ hơn được cho là các cá thể chưa trưởng thành của Q. northropi, tuy nhiên khi có nhiều mẫu vật mới được khai quật hơn thì người ta cho rằng đó có thể là một loài riêng biệt dù cùng chi Quetzalcoatlus. Đến năm 2021 người ta mới chính thức xác nhận giả thuyết này và định danh loài mới với danh pháp hai phần Quetzalcoatlus lawsoni, đương nhiên là tên loài dùng để vinh danh Douglas Lawson, người đã phát hiện ra hóa thạch đầu tiên của Quetzalcoatlus.

Bộ xương phục dựng của Quetzalcoatlus.

Có một điều ít người biết là lịch sử danh pháp của Quetzalcoatlus cũng rất bất ổn và phải đến tận năm 2021 mới được gọi là giải quyết tương đối ổn thỏa. Được xếp vào họ dực long khổng lồ Azhdarchidae, một số nhà cổ sinh vật học cho rằng Quetzalcoatlus có thể là một danh pháp đồng nghĩa với một chi dực long khổng lồ khác là Hatzegopteryx, được tìm thấy tại Romania. Sở dĩ người ta nghĩ đến khả năng này là bởi, họ tin rằng những dực long khổng lồ như QuetzalcoatlusHatzegopteryx có khả năng bay xuyên lục địa một cách dễ dàng, đồng thời mẫu vật Q. northropi có rất nhiều điểm tương đồng với Hatzegopteryx. Tuy nhiên, dựa trên các mẫu vật của loài Quetzalcoatlus thứ hai, Quetzalcoatlus lawsoni, họ mới xác định chúng là những chi hoàn toàn khác biệt và tư cách độc lập của Quetzalcoatlus thừa nhận.

QUETZALCOATLUS ĐÃ BAY VỚI THÂN HÌNH KHỔNG LỒ CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Mặc dù vậy thì Quetzalcoatlus vẫn nhanh chóng nhận được sự chú ý và quan tâm của những người yêu thích cổ sinh, lý do thì không gì khác chính là kích thước khổng lồ của nó. Nói đến kích thước của các loài biết bay, thay vì chỉ dùng chiều dài, người ta thường dùng thông số chiều dài sải cánh, bởi đơn giản sải cánh rộng hơn sẽ giúp con vật tải được một cơ thể khổng lồ hơn. Những ước tính ban đầu cho rằng, mẫu định danh của Quetzalcoatlus thuộc về một cá thể có sải cánh lên đến 15,9m, dài hơn cả một con T. rex. Tuy nhiên, những ước tính dần dần được điều chỉnh lại theo thời gian, nằm trong khoảng từ 10-12m. Chiều cao của con vật ước tính khoảng 5m, tương đương một con hươu cao cổ ngày nay. Trong khi đó, các mẫu vật thuộc loài thứ hai, Quetzalcoatlus lawsoni có kích thước nhỏ hơn nhiều, với sải cánh khoảng từ 4-5m.

Sải cánh ước tính của hai loài thuộc chi Quetzalcoatlus.

Với kích thước khổng lồ như vậy, bạn nghĩ Quetzalcoatlus nặng bao nhiêu? Đây mới là điều ấn tượng nhất. Một con khủng long như Dilophosaurus với chiều dài khoảng 7m đã nặng đến 400kg, một con hươu cao cổ có chiều cao ngang với Quetzalcoatlus nặng đến 1,2 tấn, nhưng con vật biết bay khổng lồ này, kể cả những cá thể lớn nhất, chỉ có cân nặng ước tính tối đa là 200 đến 250kg! Những ước tính ban đầu cho rằng chúng có thể nặng đến nửa tấn và các nhà khoa học cho rằng khối lượng này quá nặng để có thể bay được, và có người như Donald Henderson thậm chí còn cho rằng Quetzalcoatlus không hề biết bay! Đó là chưa kể chúng còn phải tha thêm khối lượng của con mồi trong những trường hợp cần thiết. Nhưng nếu không bay được thì nó cần sải cánh lớn đến thế làm gì?

Phải đến khi nghiên cứu rất kỹ bộ xương của các loài dực long khổng lồ, họ mới nhận ra chúng nhẹ đến mức ngạc nhiên nhờ cấu tạo đặc biệt, chẳng hạn như ở phần cổ. Ống thần kinh được đặt ở giữa và nối với vách ngoài của đốt sống cổ bằng các dải cơ mỏng giống như thanh giằng, xếp thành hình nan hoa xe đạp và có bố cục xoắn ốc theo chiều dọc. Cấu trúc này được tính toán có khả năng chống oằn lên đến 90%, giúp chúng nâng đỡ cái đầu khổng lồ của mình hết sức dễ dàng. Trong khi đó, phần xương ngực rất lớn để cung cấp chỗ bám cho các cơ ngực cực khỏe để tạo ra lực đập cánh. Chi sau mạnh mẽ để tạo ra những cú phóng lên đến 8m so với mặt đất. Một khi đã cất cánh, bầu trời hoàn toàn là của Quetzalcoatlus, và như Mike Habib, giáo sư ngành cơ sinh học của Đại học Chatham đã tính toán, gã khổng lồ biết bay này có thể hoạt động trong phạm vi 13.000 đến 19.000km, đủ để bay từ Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi vòng lại đến 5 lần như vậy, thậm chí là đủ sức để bay từ Hồ Chí Minh đến New York của Mỹ. Tất nhiên, tính toán vẫn chỉ là tính toán nhưng không thể phủ nhận rằng, với kích thước khổng lồ của mình, Quetzalcoatlus vẫn là một sinh vật biết bay cực khỏe và bền bỉ.

Cấu tạo xương cổ rất đặc biệt của các loài dực long khổng lồ.

Chính vì thế mà vào thập niên 1980, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ đã sử dụng Quetzalcoatlus như nguồn cảm hứng cho một số nguyên mẫu thiết bị bay không người lái của họ. Việc nghiên cứu các đặc điểm thích nghi đã giúp Quetzalcoatlus thành công trong việc bay lượn như vậy có thể giúp ích rất nhiều cho ngành hàng không trong tương lai, thậm chí cấu trúc xương của nó có thể được ứng dụng trong ngành xây dựng.

Và khỏi phải nói cũng biết, một sinh vật khổng lồ mà còn biết bay như vậy là nỗi khiếp sợ như thế nào với các giống loài sống cùng thời. Với cái mỏ dài và nhọn hoắt, mỗi cú mổ của Quetzalcoatlus không khác nào những đòn tấn công chí mạng vào con mồi. Trái với nhận định ban đầu cho rằng Quetzalcoatlus ăn cá là chính, những nghiên cứu gần đây cho thấy chúng sống xa các bờ biển và thay vào đó, chúng sẽ hoạt động như những kẻ săn mồi rình rập giống các loài chim diệc lớn ngày nay, với con mồi là những động vật có xương sống vừa miếng xuất hiện trong tầm mắt ở trong đất liền và dọc sông suối.

Một nhóm Quetzalcoatlus đi săn.

Vậy còn những con khủng long lớn sống cùng thời Quetzalcoatlus chẳng hạn như khủng long bạo chúa thì sao? Cho đến nay, dữ liệu hóa thạch vẫn chưa ghi nhận nhiều về tương tác của Quetzalcoatlus với các loài khủng long sống cùng thời. Vào năm 2002, người ta từng khám phá một đốt sống cổ dực long khổng lồ nằm chung chỗ với một mẫu vật T. rex ở Hệ tầng Hell Creek, nhưng không tìm thấy vết răng nào của T. rex ở trên đó. Đốt sống này có thể thuộc về một con Q. lawsoni, với sải cánh khoảng 5,5m.

***

Vừa rồi là một số điều hết sức thú vị về Quetzalcoatlus, gã khổng lồ biết bay cuối Kỷ Phấn Trắng. Hy vọng rằng bài viết cùng video đi kèm sẽ giúp các bạn có thêm những hiểu biết mới và nguồn cảm hứng để tìm hiểu về Quetzalcoatlus cũng như các loài dực long từng thống trị bầu trời của Thời đại Khủng long.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/19sQOHUhGeY?si=IDK_jCOEPZw13dfB” title=”YouTube video player” width=”560″]