[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Dị long răng cá mập – Carcharodontosaurus – đã được khám phá như thế nào và tại sao nó lại có tên gọi như vậy?

KHÁM PHÁ CỦA RICHARD MARKGRAF

Tháng 4 năm 1914, không lâu trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhà cổ sinh vật học người Áo – Hung Richard Markgraf đang miệt mài làm việc để khai phá những bí mật của sự sống cổ xưa trên những miền đất sa mạc đầy cát, nắng và gió của xứ Ai Cập. Markgraf đã làm công việc thu thập hóa thạch dưới sự chỉ đạo của nhà cổ sinh vật học lừng danh người Đức Ernst Stromer hơn chục năm, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn thân và cả hai đã có những phát hiện lớn cùng nhau. Một trong số đó là Spinosaurus aegyptiacus

Carcharodontosaurus được khám phá không lâu sau Spinosaurus.

Stromer sau đó đã trở về Đức từ năm 1911 để tiến hành công việc nghiên cứu, còn Markgraf vẫn tiếp tục đào bới để tìm thêm hóa thạch. Trong một ngày đầu tháng Tư năm 1914, tại Ain Gedid, thuộc khu vực ốc đảo Bahariya ở Ai Cập, trong lớp đá sét vôi có niên đại thuộc tầng Cenomanian, khoảng 100-94 triệu năm trước, Markgraf lại tìm thấy bộ xương hóa thạch không nguyên vẹn của một con khủng long lớn, có thể nói là gần tương đương với mẫu vật Spinosaurus mà ông và Stromer đã tìm thấy trước đó. Bộ xương bao gồm xương sọ, răng, ba đốt sống cổ và một đốt sống đuôi, xương chậu không nguyên vẹn, một móng vuốt, cặp xương đùi và một xương mác bên trái.

Đương nhiên Markgraf muốn ngay lập tức đưa những mẫu vật này đến Đức để Stromer lập tức nghiên cứu nhưng điều đó là không thể, bởi lúc đó Ai Cập đang là thuộc địa của Anh, trong khi Anh và Đức nằm ở 2 phe đối địch trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Markgraf cũng nằm trong diện theo dõi của người Anh do gốc gác của ông cũng như mối quan hệ với các nhà khoa học Đức trước chiến tranh, đồng thời bị hạn chế việc thu thập hóa thạch. Nguồn thu nhập chính bị mất, trong khi bản thân thường xuyên mắc bệnh, người đàn ông khắc khổ Markgraf cuối cùng qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1916 và không thể tận mắt chứng kiến những hóa thạch mà ông tìm thấy được chuyển đến tay người bạn thân Ernst Stromer.

Richard Markgraf trong một chuyến đi tìm hóa thạch.

ĐƯỢC ĐẶT TÊN BỞI ERNST STROMER VÀ BỊ PHÁ HỦY

Phải bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1922, những hóa thạch của loài khủng long mới do Markgraf tìm thấy mới được vận chuyển bằng đường biển đến Đức. Stromer vẫn chính là người mô tả những mẫu vật này. Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy răng của loài khủng long này trùng khớp với hai chiếc răng từng được khai quật tại Algeria thuộc Pháp vào năm 1924. Năm 1925, hai nhà địa chất người Pháp là Charles Depéret và Justin Savornin đã xác định rằng đây là răng của một loài khủng long chân thú mới, được họ đặt tên là Megalosaurus saharicus

Chắc các bạn sẽ thắc mắc về cái tên Megalosaurus saharicus, bởi nó trùng với tên chi khủng long đầu tiên đã được William Buckland mô tả và đặt tên vào năm 1824. Cần biết rằng, vào đầu thế kỷ XX thì số lượng các chi và loài khủng long được khám phá chưa nhiều, hiểu biết của chúng ta về khủng long cũng còn rất hạn chế nên sự phân loại và phân tích phát sinh loài cũng không rõ ràng. Thế nên mới sinh ra một thể loại danh pháp là danh pháp thùng rác (wastebasket taxon) nghĩa là mẫu vật hóa thạch đó nếu không biết xếp vào đâu thì cứ cho hết vào cái danh pháp thùng rác này. Và Megalosaurus là một danh pháp như thế. Và do hai chiếc răng này được tìm thấy trong phạm vi sa mạc Sahara, nên chúng được gán cho danh pháp hai phần đầy đủ gồm tên chi và tên loài là Megalosaurus saharicus.

Răng của Carcharodontosaurus.

Stromer sau khi nhận thấy sự trùng khớp thì quyết định bảo lưu tên loài saharicus. Tuy nhiên việc có nhiều hơn những chiếc răng đã giúp Stromer nhận thấy đây là một chi khác với Megalosaurus, và ông đã dựa trên hình dạng của những chiếc răng vốn trông khá giống răng của cá mập trắng lớn để dựng lên một chi khủng long hoàn toàn mới, Carcharodontosaurus, có nghĩa là thằn lằn răng cá mập trắng lớn. Tên loài thì đã được bảo lưu nên chúng ta có danh pháp hai phần là Carcharodontosaurus saharicus. Mẫu vật được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Munich, và như những gì đã diễn ra, nó đã biến thành tro bụi trong trận không kích của quân Đồng minh vào năm 1944. Chỉ có một tiêu bản nội tâm mạc (endocast) được làm trước đó của hộp sọ Carcharodontosaurus là còn giữ được, trở thành di vật duy nhất của mẫu định danh còn sót lại.

ĐẠI DIỆN CỦA MỘT HỌ KHỦNG LONG HÙNG MẠNH

Đến tận năm 1995, những hóa thạch mới của Carcharodontosaurus mới được tìm thấy. Tại Morocco, nhà cổ sinh vật học Paul Sereno cùng các cộng sự đã phát hiện một hộp sọ không hoàn chỉnh được tin là của Carcharodontosaurus. Dù tồn tại một số khác biệt, tuy nhiên các nhà cổ sinh vật học cho rằng đó là do những hư hỏng trong quá trình hóa thạch và chiếc hộp sọ này được coi là mẫu định danh mới của Carcharodontosaurus saharicus.

Đến năm 2007, Sereno cùng nhà cổ sinh vật học trẻ Steve Brusatte lại dựng lên một loài mới thuộc chi Carcharodontosaurus, dựa trên các mẫu vật được khai quật từ hệ tầng Echkar ở đất nước Niger, đó là Carcharodontosaurus iguidensis. Tuy nhiên sự xác định này vấp phải sự nghi ngờ của một số nhà nghiên cứu khác và tính hợp lệ của Carcharodontosaurus iguidensis sẽ cần phải được xem xét lại trong tương lai.

Sơ đồ hóa thạch đã được tìm thấy của Carcharodontosaurus. Màu trắng là những gì được tìm thấy trên thực tế.

Trước đó thì Ernst Stromer đã căn cứ vào sự độc đáo của Carcharodontosaurus để thành lập một họ khủng long mới, Carcharodontosauridae và về sau nhiều chi và loài khủng long tương tự đã được thêm vào họ này, trong đó có nhiều gã ăn thịt khổng lồ như Mapusaurus, TyrannotitanGiganotosaurus. Quá trình phân tích phát sinh loài sau này xếp họ Carcharodontosauridae vào siêu họ quái dị long, Allosauroidea, và đó cũng là lý do mà chúng ta có cái tên dịch sang tiếng Việt là “dị long răng cá mập”; hoặc nếu thích thì bạn cũng có thể dùng tên Hán – Việt là “sa xỉ long”, trong đó “sa” nghĩa là “cá mập” còn “xỉ” là “răng”.

Vậy Carcharodontosaurus đại diện cho những đặc trưng gì của họ dị long răng cá mập? 

Trong khi đại diện của họ bạo long là Tyrannosaurus vốn sở hữu một hộp sọ to lớn với cấu tạo đủ sức nghiền nát xương của con mồi thì hộp sọ của Carcharodontosaurus nhẹ hơn và hẹp hơn. Hộp sọ của Carcharodontosaurus cũng hẹp dần về phía trước, tạo thành hình tam giác rõ rệt hơn hộp sọ của Tyrannosaurus. Ngoài ra, cửa sổ trước hốc mắt của Carcharodontosaurus cũng như các thành viên khác cùng họ rất lớn, có thể chiếm đến 30% chiều dài của hộp sọ. Lỗ mũi của Carcharodontosaurus cũng dài và hẹp hơn lỗ mũi của Tyrannosaurus

Hộp sọ của Carcharodontosaurus (trái) và T. rex (phải) khi nhìn từ chính diện.

Điểm giống nhau lớn nhất giữa CarcharodontosaurusTyrannosaurus có lẽ là chi trước đã thu nhỏ. Mặc dù chưa tìm thấy hóa thạch chi trước của Carcharodontosaurus, nhưng chúng ta biết điều này thông qua các loài họ hàng khác của chúng. Và cũng giống như Tyrannosaurus hay các theropod lớn khác, chúng sở hữu đôi chân to khỏe để chống đỡ thân hình khổng lồ. Xương đùi mẫu định danh của Carcharodontosaurus dài 1,26m, còn xương mác dài 88cm. Để so sánh thì xương đùi của Sue the T. rex dài 1,43m.

Và dĩ nhiên, nói đến dị long răng cá mập thì phải nói đến răng của chúng. So với răng của T. rex, răng của Carcharodontosaurus mảnh hơn nhưng sắc hơn, giống những lưỡi dao và giống với răng cá mập, dù về hình dụng tổng thể thì trong khi răng của cá mập có dạng tam giác cân thì răng của Carcharodontosaurus vẫn là kiểu răng hơi cong về phía sau của khủng long theropod. Trên hai cạnh của răng có những răng cưa khiến cho người ta liên tưởng đến một con dao cắt bít tết, đương nhiên là rất lợi hại trong việc cắt thịt của con mồi. Dù vậy thì độ mảnh của những chiếc răng này khiến các nhà cổ sinh vật học không tin rằng chúng có thể nghiền xương tốt như răng của T. rex, khả năng bị hư hỏng trong quá trình săn mồi và ăn thịt con mồi cũng cao hơn. Nhưng có lẽ đó không phải vấn đề quá lớn vì khủng long như Carcharodontosaurus có tốc độ thay răng rất nhanh.

KẺ ĂN THỊT HÀNG ĐẦU CHÂU PHI

Từ những hóa thạch đã tìm thấy, các ước tính về kích thước của Carcharodontosaurus cho thấy đây là một con khủng long ăn thịt khổng lồ. Mẫu định danh có thể dài hơn 10m, trong khi đó mẫu định danh mới được tìm thấy năm 1995 có thể dài đến hơn 12m, cân nặng có thể từ 5-7 tấn. Điều này biến Carcharodontosaurus trở thành khủng long săn mồi lớn thứ nhì châu Phi, có lẽ chỉ sau Spinosaurus, và đương nhiên là cũng nằm trong top khủng long săn mồi lớn nhất từng tồn tại trên thế giới.

Carcharodontosaurus có lẽ đã sống cùng môi trường với Spinosaurus, nhưng liệu chúng có đụng độ nhau hay không thì chưa ai dám chắc. Tranh của Aesirr.

Về hệ sinh thái, Carcharodontosaurus được cho là sống cùng niên đại và địa bàn với những con khủng long săn mồi đáng sợ khác như Spinosaurus, Deltadromeus và có thể là cả Bahariasaurus nữa. Kích thước to lớn của Carcharodontosaurus giúp nó tạo mối đe dọa với những kẻ cạnh tranh. Các nghiên cứu cho thấy, môi trường sống của Carcharodontosaurus cùng các giống loài cùng thời là một môi trường duyên hải với cây đước chiếm một tỷ lệ lớn trong hệ thực vật, nhiều sông nước và bãi bồi. Khí hậu có thể giống với các vùng hạ nhiệt đới và nhiệt đới ở các nước hạ Sahara và Đông Nam Á ngày nay, chịu ảnh hưởng rõ rệt của gió mùa. Những con sông có thể chứa nhiều cá lớn, thu hút và tạo điều kiện cho sự phát triển của các loài bò sát dạng cá sấu, dực long. Trên cạn, khủng long ăn thực vật cũng xuất hiện nhiều như Paralititan, Aegyptosaurus, Rebbachisaurus. Với thực đơn đa dạng, phong phú và dồi dào, giữa Carcharodontosaurus và các khủng long săn mồi khác đã có sự phân chia ngách sinh thái để cùng nhau tồn tại, trong đó Spinosaurus thiên về thực đơn dưới nước hơn, còn Carcharodontosaurus thiên về thực đơn trên cạn hơn.

Vậy liệu có trường hợp nào Spinosaurus phải đối đầu với Carcharodontosaurus không? Trong bộ phim tài liệu Planet Dinosaur năm 2011, các nhà làm phim từng tái hiện một cuộc đấu giành xác con mồi giữa SpinosaurusCarcharodontosaurus, đồng thời cũng đề cập đến chi tiết năm 2008, người ta đã khai quật được một đốt sống Spinosaurus có phần gai đã bị cắn gãy làm đôi và họ cho rằng, thủ phạm của vết thương này rất có thể là một con Carcharodontosaurus, đối thủ có lẽ là mạnh nhất của Spinosaurus vào thời điểm đó. Khá thú vị, nhưng không ai dám chắc đó có phải là điều thường xuyên diễn ra hay chỉ là một cuộc đối đầu tình cờ mà định mệnh đã sắp xếp.

***

Vâng, vừa rồi là lịch sử và một vài điều thú vị về Carcharodontosaurus, khủng long ăn thịt hùng mạnh nhất châu Phi từng tồn tại 100 triệu năm trước. Hy vọng rằng sẽ có thêm những hóa thạch mới được khám phá để giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về chi khủng long ăn thịt khổng lồ này.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” src=”https://www.youtube.com/embed/Z7qM3ba8yYw?si=HE55YaEqHJ78Z1mB” title=”YouTube video player” width=”560″]