[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Lần đầu tiên, hóa thạch của một con khủng long thuộc họ bạo long (Tyrannosauridae) được tìm thấy và công bố tại Nhật Bản.
Theo Japan Times, đó là một mảnh xương hàm dưới, được khai quật từ lớp đá có niên đại 74 triệu năm tại thị trấn Reihoku, tỉnh Kumamoto. Các nhà cổ sinh vật học Nhật Bản tin rằng đây là một phát hiện quan trọng, góp phần thúc đẩy những nghiên cứu về các loài theropod lớn thuộc giai đoạn Phấn Trắng muộn tại châu Á.
Mảnh xương hàm bạo long vừa được công bố tại Nhật Bản. |
Dựa trên hóa thạch, các nhà nghiên cứu ước tính rằng nó từng thuộc về một con bạo long có chiều dài lên đến 8m và có thể là một loài mới hoàn toàn. Bản thân mảnh xương hàm dưới này có chiều dài 14cm ở phía bên trái, 17cm ở phía bên phải và cao khoảng 8cm. Đó cũng là kích thước lớn nhất của một mảnh xương hàm khủng long ăn thịt từng được tìm thấy tại xứ sở Mặt Trời mọc.
Được khai quật từ năm 2014, các nhà cổ sinh vật học Nhật Bản đã phải mất đến 10 năm để xử lý và nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận chính thức cũng như công bố trước công chúng về hóa thạch đặc biệt này.
Họ bạo long bao gồm những loài khủng long ăn thịt cỡ lớn có chiều dài từ 5m đến hơn 10m từng lang thang trên Trái đất từ 83-66 triệu năm trước. Hóa thạch của chúng được tìm thấy tại Bắc Mỹ và châu Á, với thành viên nổi tiếng nhất là Tyrannosaurus rex. Ở châu Á, không thể không kể đến Tarbosaurus bataar, loài được phát hiện tại Mông Cổ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mảnh xương hàm mới được phát hiện tại Nhật Bản có thể thuộc về một loài họ hàng với Zhuchengtyrannus magnus, bởi chúng có niên đại khá tương đồng.
Trước đây, hóa thạch răng của bạo long đã từng được phát hiện tại một số khu vực của Nhật Bản, chẳng hạn như Nagasaki.
Nguồn: Kyodo, “Tyrannosaurid jawbone fossil found for first time in Japan” / Japan Times.