[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Chúng ta hầu như đều có thể nói vanh vách rằng T. rex đáng sợ như thế nào, thống trị như thế nào nhưng quá trình khám phá ra chúng thì lại chưa được đề cập nhiều. Nhưng chúng được khám phá như thế nào và được đặt tên là T. rex ra sao thì có lẽ không nhiều người hiểu rõ.

Khỏi cần hỏi cũng biết, tất cả những bạn yêu thích khủng long đều biết đến cái tên Tyrannosaurus rex ngầu lòi, bá đạo – mà khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Vua thằn lằn bạo chúa” – đọc lên đã thấy phẩm chất bá vương ngút trời, oai chấn một phương rồi. Bất kể nguồn gốc của nó có thế nào đi nữa thì cái tên Tyrannosaurus rex vẫn sẽ in sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người yêu thích cũng như người nghiên cứu về khủng long, một vị vua không ngai thật sự trong thế giới khủng long.

T. rex là loài khủng long nổi tiếng nhất thế giới. Tranh của Mark Witton.

Thế nhưng, nếu như bánh xe lịch sử thay đổi một chút, có lẽ T. rex sẽ không phải là cái tên sẽ xuất hiện trong vô số sách vở và phim ảnh như chúng ta đã biết ngày nay, mà rất có thể sẽ là một cái tên khác.

Để biết được chuyện gì đã xảy ra, chúng ta hãy quay ngược thời gian lại thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là thời điểm cuộc chiến xương khốc liệt giữa hai nhà cổ sinh vật học Edward Drinker Cope và Othniel Charles Marsh vừa mới kết thúc, khi hai người này cố gắng phá hoại công việc của nhau bằng những biện pháp tàn khốc nhất, trong đó có việc dùng thuốc nổ. Cuộc chiến này vừa mang lại những thành tựu cho ngành cổ sinh vật học Mỹ, với một loạt các loài khủng long mới được khám phá và đặt tên, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Nhiều mẫu vật có thể đã bị phá hủy và biến mất mãi mãi, khiến giới cổ sinh vật của cả nước Mỹ phải chịu tiếng xấu phá hoại trong mắt thế giới vào giai đoạn đó. Rất may là cuộc chiến này không kéo dài thêm đến những năm sau đó. Dù gì đây cũng là một sự kiện quan trọng mà rất có thể, Mê Khủng Long TV sẽ dành hẳn một video trong tương lai để đề cập.

Rất may cho ngành cổ sinh vật học Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, sau cuộc chiến xương giữa hai nhà cổ sinh vật học kỳ cựu của nước Mỹ đã xuất hiện một gương mặt mới, trẻ trung và đầy nhiệt huyết, hết lòng vì khoa học. Đó chính là Barnum Brown, người sau này trở thành cái tên huyền thoại trong ngành cổ sinh vật học và tên tuổi của ông cũng gắn liền với loài khủng long mà chúng ta sẽ đề cập đến hôm nay.

Barnum Brown được ghi nhận là người khám phá ra T. rex.

Barnum Brown sinh năm 1873 tại bang Kansas, Mỹ, trùng ngày sinh nhật với nhà sinh vật học lừng danh, cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin là ngày 12 tháng Hai. Ông chào đời trong một gia đình nông dân chăm chỉ. Tên của ông được đặt theo ông bầu sô gánh xiếc khét tiếng khi đó tại Mỹ là P. T. Barnum – một cái tên đầy tính tiên tri về sự nghiệp lẫy lừng của ông sau này. Tuy cha mẹ ông chỉ là những nông dân, nhưng lại rất quan trọng việc học hành của con cái. Họ cho ông đi học cấp 3, vốn không phải ở đâu cũng có vào thời điểm đó, rồi sau đó là Đại học ở Kansas. Tuy nhiên, việc học lại dường như không phải thứ khiến Brown hứng thú nhất. Khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, ông đã bắt đầu tham gia vào các chuyến đi săn hóa thạch cùng nhà cổ sinh vật học Samuel Wendell Williston.

Là một nhà khoa học giàu kinh nghiệm và lớn hơn Barnum Brown đến 21 tuổi, Samuel đã phải dành cho chàng trai trẻ này những lời khen ngợi hết mực: “Brown là người giỏi nhất trên thực địa mà tôi từng làm cùng. Cậu ấy giàu năng lượng, vô cùng kiên nhẫn, có thể đi 30 dặm một ngày mà không mệt mỏi, mọi thói quen của cậu ấy đều có phương pháp rõ ràng và cực kỳ trung thực.”

Brown đã có nhiều năm lăn lộn thực địa từ cuối thập niên 1890, trước thời điểm định mệnh 1900. Trước đó, đã có những phát hiện lẻ tẻ khiến các nhà cổ sinh vật học Mỹ ngờ ngợ về một loài khủng long ăn thịt khổng lồ từng tồn tại trong hệ sinh thái cổ đại ở Bắc Mỹ, bên cạnh rất nhiều loài khủng long ăn thực vật được tìm thấy trước đó. Đó là những chiếc răng được phát hiện tại bang Colorado, hay một số mảnh xương được tìm thấy đầu thập niên 1890 ở bang Wyoming. Edward Drinker Cope cũng từng tìm được hai mảnh đốt sống của một con khủng long lớn mà ban đầu ông nghĩa là của khủng long mặt sừng, nhưng sau đó được xác định lại là của một con khủng long theropod. Nhưng vào thời điểm thế kỷ XIX, chừng đó là quá ít ỏi để có thể xác định đó là loài khủng long nào hay diện mạo của con khủng long trông ra sao. Có lẽ vì suy đoán trật lất này và sự ít ỏi của hóa thạch mà Cope không được ghi nhận là người đầu tiên tìm ra khủng long bạo chúa.

Năm 1900, Brown sau khi đào hóa thạch ở Argentina khoảng một năm rưỡi thì bắt đầu quay trở về Mỹ để tiếp tục đào bới ở miền Tây. Tại một khu vực khai quật thuộc Hệ tầng Lance, bang Wyoming, ông tìm thấy 34 chiếc xương của một loài khủng long ăn thịt lớn chưa từng được mô tả trong cuộc chiến xương trước đó. Điều này thôi thúc ông tiếp tục tìm kiếm những hóa thạch mới của sinh vật này.

Tại Hệ tầng Hell Creek ở Montana, ông tiếp tục khám phá xương đùi, xương mu, xương chi trước, ba đốt sống và hai khúc xương khác không xác định của một con khủng long ăn thịt. Brown viết: “Tôi chưa từng thấy thứ gì như thế từ Kỷ Phấn Trắng cả.” Hình dung của một loài động vật ăn thịt khổng lồ dần dần hiện rõ, khiến Brown cùng những người đồng nghiệp cảm thấy vô cùng phấn khích.

Những hóa thạch mà Brown tìm thấy được gửi về bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, nơi Brown làm việc để sếp của Brown khi đó là Henry Fairfield Osborn nghiên cứu. Osborn đã xem xét cả hai bộ xương mà Brown đào được vào năm 1900 và 1902 ở hai địa điểm khác nhau. Do hồi đó chưa có những công nghệ tiên tiến như bây giờ, sự khác biệt về địa điểm cũng như tính chất không đầy đủ của các hóa thạch đã khiến Osborn cho rằng đây là hai loài khủng long khác nhau. Vị Chủ tịch của Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ đã mô tả cả hai mẫu vật trong cùng một nghiên cứu, trong đó mẫu vật được khai quật năm 1900 ông đặt danh pháp khoa học là Dynamosaurus imperiosus. Còn mẫu vật năm 1902, như các bạn có thể đoán ra, được đặt danh pháp khoa học là Tyrannosaurus rex.

Tyrannosaurus rex thì có lẽ khỏi cần phải giải thích ý nghĩa nữa. Còn Dynamosaurus imperiosus có nghĩa là gì? Bắt nguồn từ tiếng Latin, “dynamo” có nghĩa là hùng mạnh, còn “imperiosus” có nghĩa là thống trị. Do đó, Dynamosaurus imperiosus có nghĩa là thằn lằn hùng mạnh thống trị. Đó quả là một cái tên cũng bá khí ngút trời không kém gì Tyrannosaurus rex, cho thấy các nhà cổ sinh vật học thời đó hình dung sinh vật này không hề tầm thường chút nào, dù vẫn chưa biết chúng là cùng một loài.

Phải đến năm 1906, khi xem xét kỹ hơn, Henry Fairfield Osborn mới nhận ra sai sót của mình và thừa nhận cả hai bộ xương đều thuộc về cùng một loài. Đến lúc này, ông phải bắt buộc chọn một cái tên và loại bỏ cái tên còn lại. Tưởng như Dynamosaurus imperiosus sẽ là cái tên được chọn vì mẫu vật này được phát hiện sớm hơn và có độ nguyên vẹn cao hơn, nhưng không, chỉ vì Tyrannosaurus rex xuất hiện trong luận văn năm 1905 sớm hơn Dynamosaurus imperiosus ĐÚNG MỘT TRANG nên Osborn nghĩ Tyrannosaurus rex là cái tên cũ hơn và quyết định chọn cái tên này. Nếu không vì thứ tự xuất hiện trong luận văn, Dynamosaurus imperiosus mới là CÁI TÊN ĐƯỢC CHỌN – THE CHOSEN ONE! Đặt lên bàn cân so sánh thì khó nói được cái tên nào hay hơn cái tên nào nếu viết đầy đủ, nhưng T. rex chắc chắn sẽ ăn chặt khi viết tắt bởi phát âm hai tiếng của nó nghe đanh gọn và mạnh mẽ.

Ngay sau khi nghiên của Osborn được công bố thì T. rex ngay lập tức thu hút được sự chú ý của truyền thông và dư luận. Ngày 30 tháng Mười hai năm 1905, tờ New York Times ca ngợi T. rex là động vật chiến đấu khủng khiếp nhất từng được ghi nhận, vua của mọi vị vua trong mọi giới động vật, chiến thần vô đối trên Trái đất. Năm 1906, họ đặt cho nó biệt danh “Loài bò sát vĩ đại cuối cùng và vua của tất cả các loài bò sát.” Những bộ xương T. rex trưng bày tại các bảo tàng luôn thu hút một lượng lớn khách tham quan. Kể từ đó, T. rex đi vào những bài báo, tiểu thuyết, truyện tranh và phim ảnh với tần suất dày đặc hơn bất kỳ loài khủng long nào. Nó thậm chí còn lấy đi vai trò của một giống khủng long ăn thịt đáng sợ khác được ca tụng vào thời đó là Allosaurus trong bộ phim Thế giới bị mất, được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Arthur Conan Doyle, từ đó chiếm luôn ánh hào quanh của thế giới khủng long trên màn bạc. Trong khi đó, cái tên Dynamosaurus imperiosus gần như không còn được ai nhắc đến, trừ những đề cập trên sách vở khoa học.

T. rex khiến khách tham quan các bảo tàng trầm trồ.

Dù vậy thì Dynamosaurus imperiosus cũng không bị lãng quên hoàn toàn. Vào năm 2018, một nhà cổ sinh vật học tên là Andrew McDonald khi nghiên cứu và mô tả một loài mới thuộc họ bạo long, vì đã tìm hiểu câu chuyện về quá trình khám phá ra T. rex cũng như hai cái tên ban đầu, ông tin rằng Dynamosaurus mới là cái tên xứng đáng. Vì vậy ông quyết định dùng lại chữ “dynamo” để đặt tên cho loài khủng long mới, từ đó chúng ta có loài khủng long Dynamoterror dynastes.

Thật ra trong lịch sử ngành cổ sinh vật học, cũng có rất nhiều cái tên đã bị lãng quên như vậy bởi chuyện nhầm nhọt là hết sức bình thường. Thậm chí gần đây một số chi và loài còn bị loại bỏ vì người ta nhận ra mẫu vật của chi hay loài này thực chất chỉ là con non của chi hay loài khác. Đó là trường hợp của ba chi khủng long Pachycephalosaurus, StygimolochDracorex. Hai chi sau được xác định là hóa thạch từ các cá thể trẻ tuổi hơn của Pachycephalosaurus và do đó, hai chi này đã bị vô hiệu hóa chỉ còn lại duy nhất Pachycephalosaurus. Nghe có vẻ tiếc đấy, nhưng khoa học mà, sai thì sửa thôi.

Và đó là toàn bộ câu chuyện về việc T. rex được tìm thấy như thế nào và tại sao Tyrannosaurus rex là cái tên được chọn. Theo thời gian, cái tên T. rex đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta khi nghĩ đến khủng long và trở thành loài khủng long nổi tiếng nhất, được biết đến nhiều nhất.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/mQEANQslBvo” title=”YouTube video player” width=”560″]