[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện bằng chứng về hành vi và chế độ ăn lọc ở bò sát biển cổ đại.

Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc và Anh vừa công bố nghiên cứu mô tả nhiều chi tiết mới liên quan đến hóa thạch hộp sọ của một giống bò sát biển niên đại sớm có danh pháp khoa học là Hupehsuchus. Trong nghiên cứu này, họ mô tả hộp sọ Hupehsuchus có những cấu trúc mềm chẳng hạn như phần họng có thể mở rộng để bao trọn một lượng lớn con mồi dưới nước như tôm nhỏ, cũng như tấm sừng giống cá voi để lọc con mồi trong lúc nó bơi về phía trước.

Tranh minh họa cảnh Hupehsuchus đuổi theo một bầy tôm. Tranh của Shunyi Shu, © Long Cheng, Wuhan Center of China Geological Survey.

Họ cũng phát hiện ra hộp sọ của Hupehsuchus có những rãnh và mấu dọc theo cạnh của hàm tương tự như các loài cá voi tấm sừng hàm, vốn có những dải keratin thay cho răng.

Đây là lần đầu tiên các nhà cổ sinh vật học phát hiện bằng chứng về chế độ ăn lọc cũng như các cấu trúc phục vụ cho chế độ ăn này ở một loài bò sát biển cổ đại.

Hupehsuchus là một giống bò sát biển có niên đại khoảng 248 triệu năm, là một trong những họ hàng gần của ngư long, với các hóa thạch được tìm thấy tại Trung Quốc cách đây hơn 50 năm, nhưng nhiều chi tiết về đặc điểm sinh thái và lối sống của chúng không được biết nhiều. Gần đây, các cuộc khai quật đã tìm thấy hai chiếc hộp sọ mới của giống bò sát này, giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ hành vi ăn mồi của Hupehsuchus.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/pvTL5XA7zRQ?si=WDONqzHpjv0XlK4o” title=”YouTube video player” width=”560″]

Nguồn: University of Bristol, “Whale like filter-feeding discovered in prehistoric marine reptile” / Phys.