[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Một kẻ thống trị hơn 180 triệu năm trước, một loài khủng long có ngoại hình đặc biệt… đó chính là Cryolophosaurus ellioti – chiếc mào “đế vương” của Nam cực.

Khủng long Cryolophosaurus. Ảnh: DK Find Out!.

NGƯỜI TA ĐÃ KHÁM PHÁ RA CRYOLOPHOSAURUS NHƯ THẾ NÀO?

Hóa thạch khủng long hiện diện ở khắp mọi châu lục trên thế giới, nhưng câu nói này chỉ thật sự chính xác khi người ta tìm thấy những hóa thạch khủng long đầu tiên tại Nam cực. Đó là hóa thạch của một loài khủng long thân giáp ăn thực vật có danh pháp khoa học là Antarctopelta oliveroi, được khám phá trên đảo James Ross vào năm 1986. Từ đây, người ta bắt đầu đặt câu hỏi rằng, nếu đã có khủng long ăn thực vật, chắc chắn phải có khủng long ăn thịt từng hiện diện trên vùng đất ngày nay là Nam cực chứ?

Phải mất đến 5 năm sau, câu hỏi này mới được giải đáp thỏa đáng khi trong một chuyến thám hiểm cổ sinh vật học, giáo sư William Roy Hammer đã tìm thấy trong lớp đá cát kết silic thuộc Hệ tầng Hen-sần hóa thạch của một loài khủng long chưa từng được biết tới. Lúc đó, giáo sư Hammer đang cùng nhà địa chất David Elliot khảo sát và khai quật những khu vực khác nhau tại Nam cực, nhưng cùng chia sẻ chi phí hậu cần. Thật ra, giáo sư Hammer không hề đi tìm hóa thạch khủng long mà chỉ muốn tìm kiếm dấu vết của các động vật có xương sống cổ đại tại Nam cực. Tuy nhiên, nhóm Elliot đã phát hiện ra vị trí của một hóa thạch bất thường ở độ cao 4 nghìn mét trên mực nước biển. Họ đã thông báo cho giáo sư Hammer và ngay lập tức, ông đến vị trí đã được nhóm Elliot đánh dấu. Hammer dành 3 tuần ròng rã liên tiếp để khai quật khối đá chứa hóa thạch nặng đến 2.300kg và chuyển nó về phòng nghiên cứu.

Giáo sư William Roy Hammer, người khai quật hóa thạch Cryolophosaurus tại Nam cực. Ảnh: Augustana College.

NGHIÊN CỨU, MÔ TẢ VÀ ĐẶT TÊN

Tại phòng nghiên cứu của mình, giáo sư Hammer cùng các cộng sự đã khôi phục được hơn 100 mảnh xương hóa thạch, trong đó có những xương thuộc về một loài khủng long bí ẩn. Họ bắt tay vào nghiên cứu và mô tả loài khủng long này với nhiều hy vọng. Rốt cuộc, công lao của các nhà nghiên cứu bỏ ra không hề bị lãng phí khi những gì họ tìm thấy chính là một loài khủng long theropod ăn thịt mới.

Quan trọng hơn, đó chính là loài khủng long theropod ăn thịt đầu tiên được tìm thấy tại Nam cực và cũng là một trong những loài theropod có niên đại sớm nhất dựa trên các giám định.  Năm 1994, họ chính thức công bố nghiên cứu của mình cũng như danh pháp khoa học của loài khủng long này, Cryolophosaurus ellioti. Dịch ra nghĩa đen, tên chi của nó có nghĩa là “khủng long mào băng giá”, dựa trên đặc điểm nổi bật là chiếc mào trên đầu cùng nơi tìm thấy là Nam cực, và tên loài được dùng để vinh danh David Elliot, người đầu tiên phát hiện ra hóa thạch của nó.

Bộ xương phục dựng của Cryolophosaurus ellioti. Ảnh: Wikipedia.

Hóa thạch mẫu định danh của Cryolophosaurus ellioti không hoàn chỉnh, bao gồm một phần hộp sọ, xương hàm dưới thiếu nửa trước, chín răng hàm trên, bốn đốt sống cổ, vài chiếc xương sườn, một số đốt sống lưng, đốt sống đuôi, các mảnh xương chi rải rác. Tuy vậy, chừng đó vẫn là đủ để các nhà cổ sinh vật học đưa ra ước tính sơ bộ về hình dạng và kích thước của con khủng long này. Theo đó, cá thể khủng long Cryolophosaurus được tìm thấy có thể dài khoảng 6 đến 7 mét và nặng tầm 350 đến 465kg.

Dù không thể so sánh với những gã khổng lồ ăn thịt hàng đầu trong thời đại khủng long như T. rex hay Spinosaurus, nhưng Cryolophosaurus vẫn là những con khủng long ăn thịt thuộc hàng lớn nhất trong thời đại của chúng. Mặt khác, cá thể hóa thạch được xác định ở độ tuổi chưa trưởng thành, do đó kích cỡ tối đa của chi khủng long này có thể còn lớn hơn nữa. Niên đại của hóa thạch Cryolophosaurus được xác định là từ 186 đến 182 triệu năm trước, khiến nó được xem là một trong những chi khủng long theropod ăn thịt cỡ lớn sớm nhất trong lịch sử. Và với thực tế Cryolophosaurus là chi khủng long ăn thịt đầu tiên và lớn nhất được phát hiện tại Nam cực, nhiều người đã phong cho nó danh hiệu “đế vương” của vùng đất Nam cực.

CHIẾC MÀO “TRỨ DANH” CỦA CRYOLOPHOSAURUS

Tuy nhiên, nói nhiều đến mấy về Cryolophosaurus mà không nói về cái mào của chi khủng long này thì cũng coi như chưa nói gì. Tất nhiên, mào trên đầu không phải chỉ Cryolophosaurus mới có. Còn nhiều chi khủng long khác cũng sở hữu đặc điểm này, tiêu biểu có Dilophosaurus hay Sinosaurus, tuy nhiên, điểm đặc biệt của Cryolophosaurus đó là trong khi mào của các chi khác nằm dọc theo hộp sọ, thì mào của nó lại nằm ngang.

Chiếc mào trên hộp sọ của Cryolophosaurus. Ảnh: Wikipedia.

Chiếc mào này tương đối mỏng và có nhiều nếp nhăn, khiến cho người ta khi nhìn vào có cảm tưởng đó là một mái tóc kiểu cách vậy. Chính vì thế có người đã đặt biệt danh cho chi khủng long này là Elvisaurus, vì trông cái mào của nó khá giống mái tóc của danh ca người Mỹ Elvis Presley. Không chỉ vậy, nếu nhìn trực diện, cái mào của Cryolophosaurus trông rất giống những chiếc vương miện mà vua chúa thường dùng để đội trên đầu. Điều đó càng khiến cho Cryolophosaurus phù hợp với danh xưng đế vương Nam cực mà một số người đã đặt cho nó.

Theo các nhà cổ sinh vật học, trên thực tế chiếc mào này có lẽ cũng chỉ để làm đẹp là chính. Nó sẽ giúp các cá thể cùng loài dễ nhận ra nhau hơn, đồng thời là đặc điểm thu hút nhau trong mùa sinh sản. Con đực có thể có mào to và sặc sỡ hơn của con cái. Cũng có giả thuyết khác cho rằng chiếc mào này có công dụng để đe dọa các đối thủ hoặc con mồi, nhưng chưa có bằng chứng thuyết phục. Dù sao đi nữa thì chiếc mào này cũng khiến Cryolophosaurus có một vị trí độc nhất vô nhị trong những chi khủng long có mào.

NAM CỰC VÀO THỜI CỦA CRYOLOPHOSAURUS

Được gọi là đế vương Nam cực, vậy Cryolophosaurus đã thống trị lãnh thổ của mình như thế nào? Do những khám phá hóa thạch ở Nam cực còn tương đối ít ỏi nên rất khó để phục dựng chính xác môi trường sống của Cryolophosaurus, nhưng ít nhất thì chúng ta biết rằng vào thời của con khủng long này, Nam cực chưa phải là một vùng đất khắc nghiệt như bây giờ. Theo đó, Nam cực của Cryolophosaurus khi đó nằm xa hơn về phía Bắc khoảng 1.000km, đồng thời khí hậu chung của Trái đất khi đó ấm áp hơn ngày nay nên các nhà khoa học cho rằng, Cryolophosaurus thống trị một vùng đất tương đối ấm áp, dù cho nhiệt độ trung bình có thể mát mẻ hơn các vùng khác trên Trái đất khi đó.

Các hóa thạch thực vật cũng tương đối phong phú, cho thấy vùng đất này từng là nơi xanh tốt, thích hợp cho sự sống. Dù những phát hiện hóa thạch động vật ở Nam cực có niên đại tương đồng với Cryolophosaurus còn khá ít ỏi, nhưng người ta cũng nhìn ra sự đa dạng nhất định. Đã có ít nhất hóa thạch của một loài khủng long dạng chân thằn lằn, một loài dực long nhỏ cỡ loài quạ ngày nay, một số loài tổ tiên của động vật có vú cỡ nhỏ và một số hóa thạch khủng long chưa được định danh khác. Và khi nghiên cứu hóa thạch của Cryolophosaurus, người ta tìm thấy một chiếc răng lạ, có lẽ thuộc về một con mồi đã bị Cryolophosaurus tiêu thụ trước khi chết.

PHÂN LOẠI CỦA CRYOLOPHOSAURUS

Một vấn đề độc đáo khác khi nói đến Cryolophosaurus chính là việc phân loại chúng trong gia phả của các loài khủng long. Cryolophosaurus sở hữu cả những đặc điểm nguyên thủy của các loài khủng long theropod đời đầu và những đặc điểm có phần tiên tiến hơn của các loài khủng long theropod sau này.

Ban đầu, người ta định xếp nó chung vào họ của Dilophosaurus hoặc vào một nhánh chị em với Dilophosaurus, nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa nó ra xa hơn một chút, khiến Cryolophosaurus có họ hàng gần với nhánh khủng long tổ tiên của các loài chim ngày nay hơn so với Dilophosaurus.

***

Dù sao đi nữa, Cryolophosaurus vẫn là một chi khủng long độc đáo, với ngoại hình hết sức thú vị khiến chúng ta thấy một lần là không thể nào quên. Và hãy cùng hy vọng rằng, các nhà cổ sinh vật học sẽ tiếp tục có những khám phá mới về khủng long tại vùng đất Nam cực trong tương lai, giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về Cryolophosaurus cũng như nơi chúng từng sinh sống.

Nếu bạn thật sự yêu thích loài khủng long này và muốn chiêm ngưỡng hóa thạch của chúng, bạn có thể trực tiếp đến với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago, nơi đang trưng bày hóa thạch của Cryolophosaurus ellioti. Còn nếu bạn không có điều kiện đến trực tiếp bảo tàng, bạn cũng có thể truy cập vào trang web của họ để trải nghiệm hóa thạch qua mô hình ba chiều và đọc nhiều thông tin khác liên quan đến nó.

[wpcc-iframe width=”560″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/HSay71B0gJM?si=lt7UBuoaX4lsCBi_” title=”YouTube video player” frameborder=”0″ allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” referrerpolicy=”strict-origin-when-cross-origin” allowfullscreen]