[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Ngày nay, khi nói đến rồng, không khó để bắt gặp những thông tin cho rằng hình ảnh của rồng được người xưa dựng lên từ những bộ xương “bí ẩn” rất có thể là hóa thạch của khủng long mà họ vô tình tìm thấy.

Chẳng hạn như trong một cuốn sách nói về khủng long dành cho thiếu nhi, tác giả cho rằng các học giả Trung Quốc đã phát hiện ra “xương khủng long” và tưởng tượng rằng đó là xương của loài rồng.

Nhiều người nghĩ hình tượng rồng lấy cảm hứng từ những phát hiện liên quan đến khủng long ở thời cổ đại. Ảnh: Wallpaper Flare.

Mới đây, khi bộ phim House of Dragon của mạng lưới truyền hình HBO công chiếu, trong một bài viết nói đến truyền thuyết và sự thật về loài rồng trên trang Citrix News, một nhà cổ sinh vật học tên là Stuart Sumida cho rằng “đã có nhiều người ở thời cổ đại tại châu Á hay những nơi khác bắt gặp xương khủng long và diễn giải đó là rồng”.

Nhận định này không được các nhà cổ sinh vật học khác đồng tình.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, một nhà cổ sinh vật học kiêm họa sĩ paleoart nổi tiếng khác tên là Mark Witton đã đăng trên Twitter như sau: “Bài báo hay đấy, ngoại trừ đoạn ‘Theo Sumida, đã có nhiều người ở thời cổ đại tại châu Á hay những nơi khác bắt gặp xương khủng long và diễn giải đó là rồng.’ Mọi người cần ngừng nói như vậy, điều này gần như không đúng chút nào (hoặc được ghi nhận trong lịch sử).”

Dòng tweet của Mark Witton nhận được sự ủng hộ từ một nhà cổ sinh vật học kỳ cựu khác, đó là Tiến sĩ Hans-Dieter Sues: “Đó là một trong những nhận định được lặp đi lặp lại thường xuyên, nghe thì có vẻ hợp lý đấy nhưng chưa bao giờ được chứng minh.”

Vậy thực hư chuyện hình tượng rồng được lấy cảm hứng từ khủng long như thế nào?

Những gợi ý tiếp theo từ cuộc thảo luận nói trên giữa các nhà cổ sinh vật học khiến chúng ta phải tìm lại hình tượng nguyên thủy của rồng trong kho tàng truyền thuyết trên khắp thế giới. Và sự thật là, hình tượng nguyên thủy của rồng rất khác so với hình ảnh về rồng mà người ta đưa ra ở thời hiện đại, theo một nhà nghiên cứu về động vật học tên là Markus Bühler. Theo đó, hình tượng loài rồng trong các sách cổ ở châu Âu không to hơn các loài thú dữ như sư tử là bao, gần như không có cánh giống cánh dơi, những chiếc sừng tua tủa và cũng ít khi được mô tả là biết phun lửa.

Hình tượng rồng trong một số cuốn sách châu Âu thời Trung cổ. Ảnh: Wikipedia.

Tìm về xa hơn nguồn gốc của “rồng” (dragon) trong văn hóa phương Tây, chúng ta biết được từ “dragon” bắt nguồn từ cụm “édrakon” trong tiếng Hy Lạp, dịch ra có nghĩa là “tôi thấy”. Người ta có nhiều giả thuyết để giải thích nguồn gốc này, chẳng hạn như loài rồng hay các sinh vật tương tự trong thần thoại Hy Lạp thường được mô tả là có cái nhìn “chết chóc”, “sắc bén”, hay đơn giản là từ này dùng để chỉ đôi mắt của loài rắn, vốn không thể đóng được, bởi mỗi con mắt được bảo vệ bằng một mi mắt trong suốt. Và điều dễ thấy là rồng trong thần thoại Hy Lạp thường là những sinh vật tưởng tượng trông giống rắn, kích cỡ cũng không quá to lớn so với con người. Thậm chí, từ “dragon” đôi khi được xem là đồng nghĩa với rắn trong tiếng Hy Lạp cổ.

Đồ gốm Hy Lạp cổ có cảnh Cadmus chiến đấu với con rồng của Ares. Ảnh; Wikipedia.

Ở Trung Quốc và các nền văn minh thuộc Sinosphere (phạm vi ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc, gồm các nước như Việt Nam, Nhật, Hàn), hình tượng rồng cũng giống rắn hơn là giống khủng long. Có lẽ, trí tưởng tượng của con người đã khiến họ chắp thêm cho sinh vật thần thoại này những chi tiết khác như râu, sừng, bờm và chân… Ngoài ra, khi nghiên cứu “long cốt”, thứ được cho là xương rồng và người ta hay dùng trong Đông y, các nhà nghiên cứu hầu như không tìm thấy hóa thạch khủng long trong đó mà có thể là hóa thạch của nhiều sinh vật khác, trong đó có các loài thú, bò sát… Việc tìm thấy hóa thạch của các loài động vật cổ có lẽ không hề hiếm gặp vào thời xưa, nhưng không có bằng chứng hay ghi chép cụ thể nào để chứng minh hình tượng rồng bắt nguồn từ riêng hóa thạch của khủng long. Rất có thể, con người đã chắp vá bằng trí tưởng tượng của mình để tạo nên hình tượng rồng từ hóa thạch hoặc xương của nhiều loài động vật đã tuyệt chủng khác nhau chứ không chỉ riêng gì khủng long.

Rồng ở Việt Nam, Trung Quốc… trông giống rắn hơn là khủng long.

Tuy nhiên, kể từ khi khủng long và một số nhóm bò sát cổ đại được tìm thấy, hình tượng rồng lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những khám phá liên quan đến nhóm động vật đã tuyệt chủng từ 66 triệu năm trước này. Một số họa sĩ đã vẽ rồng của họ giống như những loài khủng long chân thú (theropod) với chi trước nhỏ hơn nhiều so với chi sau. Một số hình tượng được các họa sĩ bỏ đi chi trước, thay vào đó họ để cho con rồng của mình di chuyển bằng khuỷu cánh giống như cách di chuyển của dực long (pterosaur).

Vì vậy, quan niệm loài rồng trong lịch sử lấy cảm hứng từ những phát hiện về xương khủng long thời cổ đại (dù lúc đó chưa ai biết khủng long là gì) có lẽ không đúng. Hình tượng rồng nguyên thủy rất khác với khủng long, và cũng rất khác với hình tượng rồng mà chúng ta thấy trên phim ảnh, truyền hinh như bây giờ. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là vì đến thời hiện đại, những người tạo ra hình tượng rồng mới bắt đầu tham khảo hình ảnh của khủng long để vẽ nên loài rồng của họ.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/bIAv8aJnTzw?si=nnQM04FthdG2_BOx” title=”YouTube video player” width=”560″]