[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Tuy không phải là một con robot “hầm hố” như chúng ta tưởng tượng, nhưng nó lại rất có ích trong nghiên cứu khoa học.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Hàn Quốc đã chế tạo ra một mẫu robot đặc biệt, mô phỏng một con khủng long giống chim mà họ gọi là Robopteryx, với mục đích nhằm kiểm chứng trên thực tế công dụng của đôi cánh ở các loài khủng long tổ tiên của chim hiện đại.

Robopteryx trong quá trình thử nghiệm thực tế.

Trong khi cánh ở chim có công dụng lớn nhất là dùng để bay, thì đôi cánh nguyên thủy (proto-wings) ở một số loài khủng long có quan hệ cực kỳ gần gũi với chim (thuộc nhóm Pennaraptora) lại quá nhỏ để có thể giúp chúng bay hiệu quả. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó một nhóm nghiên cứu đến từ Hàn Quốc nghĩ rằng, các loài khủng long này dùng đôi cánh nguyên thủy của chúng để dọa con mồi (côn trùng) nhảy ra khỏi vị trí ẩn náu để bắt (thường là trong cỏ). Hành vi này vẫn còn được chứng kiến ở một số loài chim hiện đại, chẳng hạn như chim chẹo đất lớn (Geococcyx californianus).

Để kiểm nghiệm giả thuyết, họ đã chế ra Robopteryx, dựa trên chi khủng long Caudipteryx từng sống cách đây 124 triệu năm, một thành viên của nhóm Pennaraptora có kích cỡ tương đương chim công ngày nay. Con robot sở hữu cánh và đuôi có gắn lông vũ giả màu đen. Họ cho nó đi vào các bãi cỏ, sử dụng đôi cánh theo nhiều kiểu khác nhau và đánh giá phản ứng của lũ côn trùng trước “kẻ săn mồi”. Châu chấu là đối tượng được chọn bởi chúng thuộc Bộ Cánh thẳng (Orthoptera), vốn đã hiện diện từ thời của Caudipteryx.

Kết quả cho thấy 93% trường hợp lũ châu chấu sẽ nhảy ra khỏi nơi ẩn náu, trong khi nếu đôi cánh không chuyển động, chỉ có 47% trường hợp châu chấu sẽ bỏ chạy lúc Robopteryx đi qua. Điều này cho thấy đôi cánh ở khủng long, dù không phải là một công cụ bay mạnh mẽ như ở “con cháu”, vẫn có thể có công dụng nhất định trong việc giúp chúng săn mồi và bay chỉ là một khả năng được phát triển sau này.

Nguồn: Christian Thorsberg, “Scientists Build a Robot Dinosaur to Probe the Mystery of Tiny Wings” / Smithsonian Magazine.