[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc vừa khám phá một loài chim cổ đại mới từng sống vào đầu Kỷ Phấn Trắng (~120 triệu năm trước).

Loài chim này được xác định dựa trên một bộ xương hóa thạch được bảo quản tốt từ Hệ tầng Cửu Phật Đường, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đặt cho loài chim này danh pháp hai phần là Imparavis attenboroughi, trong đó tên chi Imparavis có nghĩa là “chim lạ” theo tiếng Latin còn tên loài attenboroughi dùng để vinh danh Sir David Attenborough, người dẫn chương trình kiêm sử gia lịch sử tự nhiên người Anh.

Hóa thạch của Imparavis attenboroughi.

I. attenboroughi thuộc nhóm Á điểu – Enantiornithes, một nhóm chim cổ đại rất phổ biến và đa dạng trong Đại Trung sinh. Các loài á điểu có hình dạng đã rất giống chim hiện đại, nhưng vẫn còn giữ lại một số đặc điểm của khủng long phi điểu như răng và móng vuốt trên chi trước.

Tính cho đến nay đã có tổng cộng 54 danh pháp (chi/loài) sinh vật được đặt theo tên của Sir David Attenborough, biến ông trở thành một trong những người được dùng tên để đặt cho nhiều danh pháp sinh vật nhất thế giới. Tuy nhiên, con số này vẫn kém xa một người: Alexander von Humboldt (1769-1859) với ước tính khoảng 400 danh pháp (gồm khoảng 300 danh pháp thực vật và 100 danh pháp động vật) được đặt theo tên của vị này.