[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Ba tháng cuối năm 2023 chúng ta đã có thêm những loài khủng long nào?

>> Xem thêm: KHỦNG LONG MỚI THÁNG 1-6 NĂM 2023
>>
Xem thêm: KHỦNG LONG MỚI THÁNG 7-9 NĂM 2023

1. AMPELOGNATHUS COHENI

Mở đầu cho danh sách của chúng ta ngày hôm nay là một chữ “A”, Ampelognathus coheni. Ampelognathus coheni là loài khủng long chân chim (Ornithopoda) có niên đại Phấn Trắng muộn được tìm thấy tại Hệ tầng Lewisville ở Texas.

Phục dựng ngoại hình của Ampelognathus coheni.

Mẫu định danh gồm xương hàm dưới trái gần như hoàn chỉnh. Tên chi Ampelognathus ghép giữa hai từ Hy Lạp là “ampelo” (có nghĩa là “dây nho” – grapevine, chỉ địa điểm hồ Grapevine ở Texas) và “gnathus” có nghĩa là “hàm”. Tên loài coheni để vinh danh Murray Cohen, người khám phá ra mẫu định danh.

2. QIANLONG SHOUHO

Qianlong shouho (Hán Việt: Kiềm long thủ hộ) là loài khủng long dạng chân thằn lằn (Sauropodomorpha) có niên đại Jura sớm đuiợc tìm thấy tại Hệ tầng Tự Lưu Tỉnh. Loài khủng long này được xác định từ những bộ xương không nguyên vẹn của ít nhất ba cá thể trưởng thành nằm cạnh một số trứng hóa thạch, trong đó có những quả có dấu vết của phôi. Đây có thể là bằng chứng cổ nhất về trứng vỏ mềm từng được biết đến trong lịch sử cổ sinh vật học.

Bộ xương phục dựng của cá thể trưởng thành và con non thuộc loài Qianlong shouhu.

Tên chi Qianlong được ghép giữa “Qian” (“Kiềm”, một tên khác của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) và “long” (nghĩa là rồng). Tên loài shouhu (thủ hộ) ý chỉ rằng những con khủng long trưởng thành đang bảo vệ trứng.

3. INAWENTU OSLATUS

Sau hai loài khủng long của tháng 10 thì đến tháng 11, chúng ta lại có thêm cái tên mới, đó là Inawentu oslatus. Inawentu là một chi khủng long hộ pháp (Titanosauria) có niên đại Phấn Trắng muộn, với hóa thạch được tìm thấy tại Hệ tầng Bajo de la Carpa, Argentina. Chi này chỉ gồm một loài duy nhất là I. oslatus, được mô tả từ một bộ xương không hoàn chỉnh có cả hộp sọ. Tên chi Inawentu xuất phát từ thổ ngữ Mapuche ở Argentina, có nghĩa là “kẻ bắt chước”. Sở dĩ nó có tên này bởi dù là Titanosauria, nhưng nó lại sở hữu cái miệng rộng giống như các loài khủng long thuộc họ Rebbachisauridae (và một trong những thành viên tiêu biểu nhất họ này có thể bạn cũng biết, đó là Nigersaurus). Sự tương đồng này có thể là kết quả của quá trình tiến hóa hội tụ.

Inawentu oslatus, tranh của Gabriel Lio / CONICET.

Tên loài oslatus là sự kết hợp của hai từ trong tiếng Latin, gồm “os’ (miệng) và “latus” (rộng). Tóm lại, tên của nó có nghĩa là “kẻ bắt chước miệng rộng”. Ngoài cái miệng giống họ Rebbachisauridae, một số đặc điểm khác của Inawentu có thể kể đến là: cổ của nó chỉ có mười hai đốt sống, ít nhất trong số các loài khủng long hộ pháp; phần thân đốt sống (centrum) và vòm thần kinh (neural arch) của đốt sống cổ và đốt sống lưng có độ nhẹ đáng kể, giúp cái cổ của Inawentu cử động linh hoạt theo nhiều hướng.

4. JACULINYKUS YARUUI

Khoảng 71 triệu năm trước, một con khủng long nhỏ cuộn mình để chợp mắt lần cuối cùng trước khi trở thành một hóa thạch. Được khai quật từ Hệ tầng Barun Goyot ở nơi ngày nay chúng ta gọi là sa mạc Gobi, Mông Cổ, con khủng long này đã trở thành trung tâm chú ý trong một nghiên cứu mới khẳng định, tư thế cuộn mình để ngủ của con khủng long cho thấy khủng long từng ngủ giống như các loài chim ngày nay. Hóa thạch gần như hoàn chỉnh được bảo quản khá tốt ở dạng ba chiều, hé lộ bộ xương của một loài khủng long hoàn toàn mới đối với khoa học, được người ta đặt danh pháp là Jaculinykus yaruui.

Jaculinykus yaruui trong tư thế vùi đầu ngủ. Tranh của Seiji Yamamoto.

Tên chi của nó bắt nguồn từ “Jaculus”, một con rồng nhỏ trong thần thoại Hy Lạp, và “onykus”, có nghĩa là móng vuốt. Tên loài, yaruui, bắt nguồn từ tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “tốc độ”. Không chỉ có tư thế ngủ giống chim khiến J. yaruui trở nên đặc biệt trong mắt các nhà khoa học. Bàn tay của nó hết sức độc đáo với ngón số 1 trông như phát triển quá khổ trong khi ngón số 2 tiêu giảm, một dạng trung gian giữa bàn tay ba ngón của Shuvuuia và bàn tay một ngón của Linhenykus.

Loài khủng long này không chỉ tiết lộ một cái nhìn toàn diện hơn về giải phẫu học của các loài khủng long thuộc họ Alvarezsauridae mà còn cung cấp những bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của các hành vi giống chim ở những nhóm khủng long khác. Chim hiện đại cuộn mình ngủ nhằm bảo tồn nhiệt, và vì hầu hết các nhà cổ sinh vật học đồng tình rằng khủng long theropod có lông vũ là động vật máu nóng, nên nhiều khả năng con J. yaruui này cũng đang cố giữ ấm và ngủ một giấc thật ngon lành.

5 VÀ 6. SPHAEROTHOLUS LYONSI VÀ SPHAEROTHOLUS TRIREGNUM

Bước sang tháng 12, nhà cổ sinh vật học Cary Woodruff cùng các cộng sự vừa công bố thêm hai loài khủng long mới thuộc chi khủng long đầu dày Sphaerotholus, đó là S. lyonsiS. triregnum.

Phục dựng ngoại hình một loài thuộc chi Sphaerotholus.

Sphaerotholus là một chi khủng long thuộc họ Pachycephalosauridae có niên đại Phấn Trắng muộn, khoảng 73-66 triệu năm trước với hóa thạch được tìm thấy tại miền Tây Hoa Kỳ và Canada. Danh pháp khoa học của chi này có nghĩa là “vòm tròn”, kết hợp giữa hai từ trong tiếng Hy Lạp là “sphaira” (quả bóng) và “tholos” (mái vòm). Cho đến nay, đã có tổng cộng 5 loài trong chi Sphaerotholos được phát hiện. Loài điển hình là S. goodwini, được mô tả và đặt danh pháp vào năm 2002, cùng với một loài nữa là S. buchholtzae. Loài thứ ba S. edmontonensis được xác định lại từ các mẫu vật được cho là thuộc về loài khủng long Troodon edmontonensis (Brown & Schlaikjer, 1943). Trong khi đó, loài thứ tư và thứ năm của chi này, S. lyonsiS.triregnum được mô tả dựa trên các mẫu vật mới được phát hiện tại Hệ tầng Dinosaur Park (Canada) và Hệ tầng Hell Creek (Montana, Mỹ).

Tất cả các loài trong chi Sphaerotholus có kích thước nhỏ, có thể tương đương một chi Pachycephalosauridae khác là Stegoceras, dài khoảng 2m và nặng khoảng 40kg.

7. GREMLIN SLOBODORUM

Không phải lúc nào các nhà cổ sinh vật học cũng nghĩ ra những cái tên hay để đặt cho khủng long và Gremlin slobodorum bị xem là một trong những cái tên khủng long tệ nhất của năm nay.

Phục dựng ngoại hình của Gremlin slobodorum.

Tên chi của nó được đặt theo loài sinh vật giả tưởng tinh ranh xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, vốn được các phi công, thợ sửa máy bay dùng để lý giải những hỏng hóc của máy bay trong quá trình vận hành. Tên loài dùng để vinh danh Ed và Wendy Sloboda, những nhà cổ sinh vật học có công lớn với ngành cổ sinh tại Canada, đồng thời cũng tham gia phát hiện mẫu định danh của G. slobodorum. Mẫu vật gồm xương trán bên phải, được tìm thấy trong trầm tích thuộc Hệ tầng Oldman ở phía Nam Alberta, Canada. Lúc đầu, người ta cho rằng mẫu vật này thuộc về một chi khác cùng họ là Cerasinops. Chỉ qua những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn sau đó, người ta mới xác định đây là một chi/loài mới và thuộc về họ Leptoceratopsidae.

8. BUSTINGORRYTITAN SHIVA

Argentina vốn đã nổi tiếng với những con khủng long siêu to, siêu khổng lồ như Argentinosaurus hay Patagotitan, và mới đây thì các nhà cổ sinh vật học lại tiếp tục bổ sung vào danh sách khủng long khổng lồ của nước này thêm một cái tên mới, đó là Bustingorrytitan shiva, một loài khủng long thuộc nhóm khủng long hộ pháp (Titanosauria) đến từ Hệ tầng Huincul, có niên đại khoảng 97-93 triệu năm trước.

Phục dựng ngoại hình của Bustingorrytitan shiva.

Mẫu định danh của Bustingorrytitan shiva là một bộ xương không hoàn chỉnh, ngoài ra còn có bốn mẫu vật khác. Dựa trên kích thước của những hóa thạch được tìm thấy, người ta ước tính khối lượng của con khủng long này có thể đạt đến 67 tấn cùng chiều dài từ 35-40m. Những số liệu này biến Bustingorrytitan shiva trở thành một trong những chi khủng long lớn nhất thế giới. Cùng hệ tầng với Bustingorrytitan shiva còn có hai gã khổng lồ khác là Argentinosaurus huinculensisChucarosaurus diripienda, trong đó Chucarosaurus diripienda cũng mới phát hiện đầu năm nay.

Tên chi Bustingorrytitan là để vinh danh ông Manuel Bustingorry, người sở hữu khu đất nơi hóa thạch được tìm thấy. Trong khi đó, tên loài shiva được đặt theo vị thần của Ấn Độ giáo Shiva, người hủy diệt và biến đổi vũ trụ, ý chỉ sự thay đổi của quần thể động vật trong khu vực ở giai đoạn đầu của Thế Phấn Trắng muộn.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/0_NBQAsTsBs?si=Tc6fD74s_Rh8-WFM” title=”YouTube video player” width=”560″]