[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Megalodon không thể “xơi” khủng long vì chúng sống khác niên đại với nhau. Vậy loài cá mập nào có thể từng làm điều này?

>> Xem thêm: PHẢI CHĂNG MEGALODON VẪN ĐANG Ở ĐÂU ĐÓ NGOÀI KIA?

CÁ MẬP CỔ ĐẠI KHỔNG LỒ KHÔNG CHỈ CÓ MEGALODON

Khi nói đến cá mập, tâm trí của chúng ta hầu như luôn nghĩ đến những loài cá mập săn mồi kinh khủng bậc nhất của đại dương với hàm răng sắc nhọn lởm chởm. Nhưng thực chất thì cá mập là một nhóm động vật hết sức phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài được xem là lành tính như cá mập voi.

Megalodon là chi cá mập đã tuyệt chủng nổi tiếng nhất nhờ kích thước khổng lồ của nó. Nguồn: Reuters.

Mặt khác, sự thiên vị của giới truyền thông dành cho những loài cá mập nổi trội như Megalodon khiến chúng ta gần như nói đến cá mập cổ đại là nói đến Megalodon. Megalodon, một loài cá mập sống cách Thời đại Khủng long rất xa bị đẩy vào vô số những cuộc chiến tưởng tượng với khủng long và các sinh vật sống cùng thời khủng long như thương long, xà cảnh long trên phim ảnh hay trong những video so sánh đầy rẫy trên mạng. Nhưng cần biết rằng, trước sự tồn tại của Megalodon, cũng có không ít loài cá mập to lớn khác sống cùng thời khủng long mà ít khi chúng được nhắc đến. Vậy đó là những loài nào?

MỘT SỐ LOÀI CÁ MẬP KHỔNG LỒ THỜI CỔ ĐẠI

Tất nhiên là không gì có thể sánh được với Megalodon cả, bởi nó là loài cá mập lớn nhất lịch sử được biết tới hiện nay, với chiều dài ước tính theo một số nghiên cứu có thể lên tới 20 mét. Vì thế chúng ta sẽ cần phải hạ tiêu chuẩn xuống kha khá, nghĩ đến thứ gì đó lớn hơn loài cá mập khủng nhất còn sống hiện nay là cá mập trắng, vốn có chiều dài cực đại được ghi nhận là khoảng 5m.

Cái tên đầu tiên mà chúng tôi xin được nhắc đến đó là Ptychodus. Đây là một trong những chi cá mập thành công nhất đại trung sinh, với hơn hai chục loài và hóa thạch có phạm vi phân bố khắp toàn cầu, kể từ khi được khám phá lần đầu tiên vào năm 1835. Ptychodus tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài lên đến gần 30 triệu năm, từ 112 triệu năm đến 85 triệu năm trước trong Kỷ Phấn Trắng. Một số uốc tính dựa trên hóa thạch của Ptychodus cho thấy chi cá mập này có thể đạt đến kích thước 10m, biến chúng trở thành chi cá mập lớn nhất Kỷ Phấn Trắng. Tuy to lớn là vậy, nhưng Ptychodus có lẽ sẽ không đáng sợ như Megalodon hay cá mập trắng bởi chúng là một loài cá mập có hàm răng chuyên biệt để nghiền vỏ cứng, và do đó thực đơn chính của chúng là những động vật có vỏ cứng như trai sò hay cúc đá cổ đại. Người ta đã tìm thấy nhiều bằng chứng hóa thạch khẳng định điều này và do đó, chắc chắn Ptychodus không phải là cá mập xơi khủng long mà chúng ta muốn tìm kiếm.

Ptychodus là chi cá mập lớn nhất và thành công nhất Đại Trung sinh mà chúng ta biết đến cho tới nay. Nguồn: Bran-Artworks / DeviantArt.

Cái tên thứ hai, có thể nhỏ hơn Ptychodus một chút nhưng vẫn hết sức to lớn với chiều dài có thể lên đến 8,3 mét là Leptostyrax. Chúng cũng thuộc bộ cá nhám thu (Lamniformes) giống như Megalodon và cá mập trắng ngày nay, nhưng vì số lượng hóa thạch không nhiều nên những thông tin mà chúng ta biết về Leptostyrax vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, ở kích thước này, Leptostyrax chắc chắn là một trong những loài săn mồi đáng sợ nhất đại dương Kỷ Phấn Trắng cách đây 145-100 triệu năm trước, dù thực đơn của chúng có khủng long hay không.

Cái tên thứ ba sở hữu chiều dài từ 6,4 đến 7,8 mét, thậm chí nếu trưởng thành đầy đủ có thể dài đến 11 mét, đồng thời cũng có phạm vi phân bố rất rộng từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Phi và có thể là cả châu Á nữa. Đó là Cretodus, chi cá mập được phát hiện vào năm 1850, với niên đại  được xác định là 100-89 triệu năm trước. Trước năm 2017, người ta chủ yếu biết đến chúng qua những chiếc răng hóa thạch đơn lẻ, nhưng sau đó, nhờ việc phát hiện một bộ xương gần như hoàn chỉnh cho thấy chi cá mập này có cơ thể giống với cá mập hổ hiện đại, cái đầu khá to, lực hàm mạnh mẽ cùng thân hình lực lưỡng. Về mặt tốc độ, hình thái trên vảy hình tấm của Cretodus cho thấy chúng là những tay bơi có tốc độ khá trong số các loài cá mập Kỷ Phấn Trắng. Với hàm răng sắc nhọn, Cretodus có lẽ từng tập trung săn những con mồi lớn với bằng chứng cho thấy rùa biển từng là con mồi của Cretodus. Cretodus thậm chí cũng từng săn các cá thể thuộc một nhóm cá mập khác. Tuy nhiên, cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy Cretodus từng ăn thịt khủng long.

CRETOXYRHINA – SIÊU CÁ MẬP KỶ PHẤN TRẮNG

Như vậy là đã có ba cái tên được đề cập, nhưng vẫn chưa có loài cá mập nào có bằng chứng rằng chúng xứng đáng với danh hiệu “kẻ ăn thịt khủng long” cả. Nhưng các bạn đừng vội thất vọng, hãy cùng đến với cái tên thứ tư, cũng là cái tên cuối cùng trong số các giống cá mập cổ đại được đề cập ngày hôm nay, đó là Cretoxyrhina (tên của nó có nghĩa là “mũi nhọn Kỷ Phấn Trắng”). Trên thực tế, nếu chỉ xét các thông số về kích thước, Cretoxyrhina không hề ấn tượng hơn ba giống cá mập trước đó,  khi sở hữu chiều dài ước tính khoảng 6 mét lên đến tối đa là 8 mét. Cân nặng ước tính của nó tối đa là khoảng 4,9 tấn. Đương nhiên, với kích thước và cân nặng như thế này thì Cretoxyrhina vẫn là một trong những loài cá mập lớn nhất vào thời đại của nó, cũng là một trong những động vật săn mồi dưới biển lớn nhất.

Cretoxyrhina tấn công một con cá Xiphactinus.

Không chỉ vậy, các bằng chứng hóa thạch, bao gồm một số bộ xương có độ nguyên vẹn cao của Cretoxyrhina cho thấy, cơ thể của loài cá mập này có hình thái rất giống cá mập trắng ngày nay, và nó rất có thể chính là động vật săn mồi đầu bảng trong hệ sinh thái của mình. Một trong những đặc điểm có thể là điểm mạnh của Cretoxyrhina khi săn mồi chính là tốc độ.

So với Cretodus, một loài cá mập khác có kích thước và niên đại khá tương đồng, Cretoxyrhina được đánh giá là nhanh hơn hẳn, bằng chứng là những chiếc vảy hình tấm của Cretoxyrhina được trang bị những đường rãnh sâu hình chữ U xếp chồng lên nhau, song song với trục cơ thể, mỗi rãnh có chiều rộng trung bình khoảng 45 micromet. Những chiếc vảy hình tấm này có công dụng giảm lực cản rất hiệu quả và tăng cường tốc độ, rất giống với các loài cá mập có tốc độ bơi nhanh nhất hiện nay.

Các tính toán thủy động học cho thấy, Cretoxyrhina có thể sở hữu những cú phóng nhanh với vận tốc lên đến 70km mỗi giờ, đồng thời biến Cretoxyrhina trở thành một trong những giống cá mập nhanh nhất từng được biết đến trong lịch sử. Nó hoàn toàn có khả năng tấn công con mồi bằng những cú lao trực diện ở tốc độ cao giống như cá mập trắng ngày nay, gây ra tổn thương nặng cho con mồi hoặc khiến đối phương bất tỉnh nhân sự.

Cretoxyrhina không chỉ nhanh mà chúng còn cực kỳ linh hoạt trong việc di chuyển. Khi nghiên cứu đuôi của Cretoxyrhina, các nhà khoa học phát hiện con cá mập này có đuôi với góc uốn cao nhất trong số các loài cá mập thuộc bộ cá nhám thu. Điều này giúp chúng có thể chuyển hướng nhanh hơn và bất ngờ hơn, đặc biệt hữu ích khi chúng tìm cách tiếp cận con mồi.

Một chiếc răng của Cretoxyrhina. Nguồn: Wikipedia.

Tất nhiên, để trở thành động vật săn mồi đầu bảng, tốc độ và khả năng di chuyển không phải là thứ vũ khí duy nhất của Cretoxyrhina. Chúng ta đều biết những loài cá mập săn mồi có hàm răng rất sắc nhọn, nhưng chính Cretoxyrhina lại nâng sự sắc nhọn đó lên một tầm cao mới. Có thể bạn chưa biết, Cretoxyrhina có biệt danh không chính thức là “cá mập Ginsu” (Ginsu shark), bắt nguồn từ thương hiệu dao nổi tiếng thế giới Ginsu, loại dao chuyên dùng để cắt và thái. Điều may mắn cho các nhà khoa học khi nghiên cứu hàm răng của Cretoxyrhina là họ có trong tay những mẫu vật có mức độ bảo quản cực kỳ tốt với hàm răng gần như nguyên vẹn. Không chỉ sắc như dao, chúng còn được trang bị một lớp men răng dày để bảo vệ răng không bị tổn hại trước lực cắn của chính con cá mập. Điều này cũng hàm ý rằng Cretoxyrhina có lực cắn hết sức mạnh mẽ, và khi kết hợp với những chiếc răng sắc nhọn trong đó chiếc lớn nhất có thể lên đến 8cm, một cú cắn đồng nghĩa với đòn chí mạng dành cho con mồi.

THỰC ĐƠN CỦA CRETOXYRHINA: BAO GỒM CẢ KHỦNG LONG?

Tất cả những điều trên chỉ ra rằng, Cretoxyrhina là một động vật săn mồi vô cùng lợi hại, bất chấp kích thước của nó không phải là to nhất trong số các loài động vật săn mồi ở biển cùng thời. Chính vì thế, con mồi của Cretoxyrhina hết sức đa dạng, gần như mọi thứ bơi bơi ở biển đều có thể nằm trong miệng của nó. Thương long: Ăn. Thằn lằn cổ rắn: Ăn. Cá lớn cá nhỏ: Ăn. Rùa biển: Ăn. Cá mập: Ăn luôn. Thậm chí cả những thứ không bơi dưới biển cũng có thể trở thành bữa ăn của Cretoxyrhina. Dực long: Ăn. Và khủng long thì sao: Ăn tuốt!

Tranh vẽ cảnh Cretoxyrhina lao lên khỏi mặt nước để đớp một con dực long. Tranh của Mark Witton.

Những bằng chứng được cung cấp từ hóa thạch xương của Cretoxyrhina cũng như hóa thạch phân của chúng, còn gọi là coprolite, đã giúp chúng ta hình dung khá đầy đủ về thực đơn có phần tham lam của giống cá mập này. Về trường hợp của dực long và khủng long, làm sao người ta biết Cretoxyrhina cũng từng xơi cả hai nhóm động vật không sống dưới biển này? Ở trường hợp của dực long, người ta tìm thấy các đốt sống cổ của dực long có răng của Cretoxyrhina gắn bên trong, đồng thời nhiều loài dực long có hành vi bắt mồi dưới biển nên chúng dễ dàng trở thành mục tiêu tự nhiên của Cretoxyrhina.

Trong khi đó, người ta cũng tìm thấy hóa thạch xương của những con khủng long như Claosaurus hay Niobrarasaurus có dấu hiệu bị ăn và tiêu hóa bởi Cretoxyrhina. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng chưa chắc đây là kết quả từ hành vi săn mồi chủ động của Cretoxyrhina, mà nhiều khả năng chỉ là hành vi ăn xác do những cái xác này đã trôi ra biển từ đất liền, bởi dữ liệu cổ địa chất cho thấy địa điểm tìm thấy các hóa thạch này là vùng biển mở chứ không phải vùng bờ biển. Đó cũng là những bằng chứng hiếm hoi về việc khủng long đã từng bị cá mập ăn thịt trong lịch sử, và rất tiếc, danh hiệu cá mập ăn thịt khủng long không thể thuộc về Megalodon, mà kẻ sở hữu nó chính là Cretoxyrhina, một siêu cá mập của Kỷ Phấn Trắng.

Cretoxyrhina cùng hai con cá mập Squalicorax bơi quanh xác một con khủng long Claosaurus. Tranh của Dmitry Bogdanov.

TRIỀU ĐẠI SỤP ĐỔ

Sự thống trị của Cretoxyrhina dưới đại dương được thể hiện qua sự hiện diện rộng khắp thế giới của giống cá mập này. Chúng không chỉ sinh tồn tốt ở khu vực nhiệt đới mà còn có thể hiện diện ở những vùng nước lạnh đến 5 độ C. Mặc dù vậy thì như chúng ta đã biết, sự thống trị nào cũng đến lúc suy tàn. Cretoxyrhina cũng không nằm ngoài số phận đó.

Cretoxyrhina từng đánh bại những đối thủ như Megacephalosaurus, một loài pliosaur hùng mạnh, nhưng đến khi những con thương long khổng lồ như Tylosaurus bắt đầu tiến hóa và gây sức ép cạnh tranh lên Cretoxyrhina, vị thế của loài cá mập này bắt đầu lung lay và đi đến sự sụp đổ hoàn toàn vào khoảng 73 triệu năm trước, với sự tuyệt chủng của chúng. Nguyên nhân của sự tuyệt chủng này là gì đến nay vẫn chưa được rõ, chỉ biết rằng sau sự biến mất của Cretoxyrhina, các giống thương long mới tiếp tục trỗi dậy như Prognathodon hay Mosasaurus nổi tiếng, chứng tỏ rằng đã có một khoảng trống rất lớn sau Cretoxyrhina dần được lấp đầy bởi những cái tên này.

Một nguyên nhân khác cũng được nhiều nhà khoa học đề nghị, đó là sự thu hẹp dần dần của đường biển nội địa phía Tây, một vùng biển nằm giữa đại lục Bắc Mỹ khi đó, khiến môi trường sống không còn thích hợp với Cretoxyrhina nữa.

[wpcc-iframe allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen=”” frameborder=”0″ height=”315″ src=”https://www.youtube.com/embed/YOtsFD2XV1E” title=”YouTube video player” width=”560″]