[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Một nghiên cứu mới cho rằng, những loài khủng long săn mồi như Tyrannosaurus rex không hề sở hữu hàm răng “lộ thiên” như từng được thể hiện trong các bộ phim mà thay vào đó, chúng sở hữu cặp môi bằng vảy giống một số loài bò sát che chở cho những chiếc răng của mình.
Các nhà nghiên cứu và các họa sĩ từng tranh luận khá nhiều về việc phải chăng các loài khủng long theropod, nhóm khủng long di chuyển bằng hai chân bao gồm các loài ăn thịt và động vật săn mồi đầu bảng như T. rex, Velociraptor và cả chim nữa, có một cái miệng không môi với những chiếc răng hàm trên lộ ra, giống như miệng của cá sấu.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước đã phản bác lại những hình ảnh phục dựng hết sức nổi tiếng từng lên cả phim và cho rằng, những con khủng long này sở hữu đôi môi giống như của kỳ đà và họ hàng của chúng, loài bò sát tuatara cực hiếm chỉ được tìm thấy ở New Zealand, vốn là những thành viên còn sống sót cuối cùng của một bộ bò sát từng rất đông đúc vào thời đại khủng long.
Giả thuyết mới cho rằng T. rex có môi để che đi hàm răng lởm chởm của mình. Tranh của Mark Witton. |
Trong nghiên cứu chi tiết nhất về vấn đề này từ trước đến giờ, các nhà nghiên cứu đã khảo cấu trúc răng, quy luật của các vết sờn và hình thái hàm của các nhóm bò sát có môi/không môi. Họ nhận thấy cấu trúc giải phẫu và chức năng miệng của khủng long theropod giống với kỳ đà hơn cá sấu. Điều này ngụ ý rằng khủng long có các mô ở miệng giống như kỳ đà, bao gồm đôi môi có vảy dùng để che bên ngoài những chiếc răng.
Đôi môi này có lẽ không có cơ như môi của các loài động vật có vú. Hầu hết môi của các loài bò sát che bên ngoài hàm răng nhưng không thể di chuyển độc lập – chúng không thể cong môi lên để tạo thành tiếng gầm gừ hay cử động môi như con người hay động vật có vú có thể làm được.
Derek Larson, Giám đốc Sưu tập kiêm nhà nghiên cứu cổ sinh tại Bảo tàng Royal British Columbia, Canada cho biết: “Các nhà cổ sinh vật học thường thích so sánh các động vật đã tuyệt chủng với họ hàng còn sống gần nhất của chúng, nhưng trong trường hợp khủng long, họ hàng gần nhất của chúng đã có sự cách biệt về mặt tiến hóa lên đến hàng trăm triệu năm và ngày nay có sự chuyên biệt hóa đến khó tin trong lối sống.”
“Thật lạ thường khi răng của khủng long theropod lại tương đồng với răng của kỳ đà đến thế. Từ những con kỳ đà lùn nhỏ nhất cho tới rồng Komodo, chức năng của răng gần như giống hệt nhau. Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng so sánh chúng với các động vật đã tuyệt chủng như khủng long theropod dựa trên sự tương đồng về chức năng, mặc dù chúng không phải họ hàng gần gũi của nhau cho lắm về mặt tiến hóa.”
Một đồng tác giả khác là Tiến sĩ Mark Witton (Đai học Portsmouth) nói: “Các họa sĩ minh họa khủng long đã vẽ rồi lại bỏ môi nhiều lần kể từ khi chúng ta bắt đầu phục dựng khủng long trong suốt thế kỷ XIX, nhưng trong thập niên 1980 và 1990 của thế kỷ XX, khủng long không môi trở nên phổ biến hơn. Những hình ảnh này bắt rễ sâu trong văn hóa đại chúng qua những bộ phim và phim tài liệu – như Jurassic Park và các phần hậu truyện, Đi dạo cùng khủng long…
Hình dung của chúng ta về ngoại hình của T. rex sẽ phải thay đổi? Tranh của Mark Witton. |
“Thật lạ là chưa bao giờ có một nghiên cứu riêng biệt hay một khám phá nào tìm hiểu sâu về sự thay đổi này và nói rộng hơn, có lẽ điều đó phản ánh sự ưu ái dành cho gu thẩm mỹ thiên về ngoại hình đáng sợ hơn là sự thay đổi trong tư duy khoa học. Chúng tôi đang lật đổ hình dung phổ biến này bằng cách dùng đôi môi giống kỳ đà để che đi hàm răng của khủng long. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều hình dung về khủng long mà chúng ta yêu thích không chính xác, bao gồm cả T. rex trong Jurassic Park.”
Kết quả của nghiên cứu, được xuất bản trên tập san Science, cho thấy rằng những vết sờn trên răng của các loài động vật không môi hoàn toàn khác so với những gì thấy trên răng của khủng long ăn thịt và xét về mặt tỷ lệ với hộp sọ, răng của khủng long ăn thịt không lớn hơn răng của kỳ đà hiện đại. Điều đó ngụ ý rằng chúng không quá lớn để được đôi môi che đi.
Mặt khác, sự phân bố của những cái lỗ nhỏ quanh hàm có lẽ là nơi để chứa dây thần kinh và mạch máu của lợi và các mô mềm quanh miệng ở khủng long cũng giống kỳ đà hơn cá sấu. Hơn nữa, mô phỏng hành động khép miệng ở các mô hình khủng long không môi cho thấy hàm dưới của chúng nhiều khả năng sẽ làm vỡ các xương hàm hoặc phải tách rời khớp hàm mới đóng miệng lại được.
“Bất kỳ nha sĩ nào cũng sẽ nói với bạn rằng nước bọt rất quan trọng để duy trì sức khỏe của răng. Răng không có môi che bên ngoài dễ bị khô và có thể dễ bị tổn thương trong lúc ăn hoặc chiến đấu, như chúng ta đã thấy ở cá sấu nhưng điều này không diễn ra ở khủng long,” theo Kirstin Brink, phó giáo sư ngành cổ sinh vật học ở Đại học Manitoba, một đồng tác giả khác của nghiên cứu.
Chị nói thêm: “Răng khủng long có lớp men răng rất mỏng trong khi răng động vật có vú có men răng dày (với một vài ngoại lệ). Men răng của cá sấu dày hơn một chút so với men răng của khủng long, nhưng không dày như động vật có vú. Có một số loài động vật có vú có men răng bị lộ ra ngoài, nhưng men răng của chúng đã được điều chỉnh để thích nghi với sự lộ ra ngoài đó.”
Phó giáo sư Thomas Cullen (Đại học Auburn), tác giả chính của nghiên cứu nói: “Mặc dù trong quá khứ người ta từng tranh luận rằng răng của khủng long săn mồi quá to để được che lại bằng môi nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong thực tế, răng của chúng không phải quá lớn. Ngay cả những chiếc răng khổng lồ của họ khủng long bạo chúa cũng có sự tương đồng về tỷ lệ so với hộp sọ giống các loài kỳ đà săn mồi còn tồn tại, phủ nhận quan niệm rằng răng của chúng quá lớn để được che bằng môi.”
Chủ đề về “đôi môi” của T. rex có thể vẫn sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong tương lai. Tranh của Mark Witton. |
Kết quả này đã cung cấp những thông tin mới để chúng ta phục dựng các mô mềm và ngoại hình của khủng long, cũng như một số loài đã tuyệt chủng khác. Trong đó còn có thể có cả những thông tin quan trọng về cách chúng ăn mồi, giữ gìn răng miệng cũng như các quy luật sâu rộng hơn về sự tiến hóa và sinh thái học của khủng long.
Tuy nhiên, cũng có những người phản đối giả thuyết này. Nhà cổ sinh vật học Thomas Carr, một chuyên gia về khủng long bạo chúa đang làm việc tại Cao đẳng Carthage ở bang Wisconsin, Mỹ cho rằng nghiên cứu về môi của T. rex “hoàn toàn thiếu thuyết phục”. Ông cho biết nhóm nghiên cứu đã không tính đến chất liệu xuong của hộp sọ T. rex, vốn giống với hộp sọ của cá sấu ở ngay chỗ răng được gắn vào hàm. Carr cũng nêu quan điểm rằng ngà răng của T. rex quan trọng hơn men răng. “Đó là mô mà tôi nghĩ có thể quan trọng về mặt cấu trúc hơn đối với một con bạo long bởi nếu ngà răng bị vỡ, chúng chỉ có thể ăn chuối đến hết đời,” Carr nói. Vì lẽ đó, ông tin là việc giữ cho men răng luôn ẩm bằng môi không quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe răng miệng của T. rex.
Vì vậy, thứ duy nhất có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận về môi của T. rex là một khuôn mặt hóa thạch, với da, mô, cơ cũng được hóa thạch theo. Nhưng điều này, như các nhà cổ sinh vật học thừa nhận, là rất khó xảy ra.
Tiến sĩ Witton chia sẻ thêm: “Một số người giữ quan điểm rằng chúng ta chẳng biết gì về ngoại hình của khủng long ngoại trừ những điều cơ bản như số ngón tay, ngón chân. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi và những nghiên cứu khác tương tự cho thấy chúng ta đã nằm vững được kha khá khía cạnh về ngoại hình của khủng long. Không hề có chuyện không biết gì, bởi chúng ta bây giờ đã đi đến chỗ có thể đặt câu hỏi: ‘Ồ, liệu nó có môi không? Hay có loại vảy này hoặc loại lông kia không?’ Từ đó chúng ta có hình dung thực tế về chúng chỉ là không chi tiết hoàn toàn, giống như vẽ một con hổ không vằn vậy.”
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định nghiên cứu của họ không cho là mọi động vật đã tuyệt chủng đều sở hữu bờ môi kín cổng cao tường che đi hàm răng, chẳng hạn các loài động vật có vú ăn thịt răng kiếm, các loài bò sát biển hoặc bò sát bay với những chiếc răng cực dài, đan xen vào nhau.
Nguồn: “Predatory dinosaurs such as T. rex sported lizard-like lips, suggests study” / Phys.