[Mê Khủng Long – Dinophile.vn] Các nhà khoa học vừa khám phá ra một loài thương long mới với những chiếc răng kỳ lạ.
>> Xem thêm: MOSASAURUS VÀ HỌ HÀNG CÒN CÓ THỂ ĐÁNG SỢ HƠN NHỮNG GÌ BẠN THẤY TRÊN PHIM
>> Xem thêm: NHỮNG ĐỐI THỦ THẬT SỰ CỦA MOSASAURUS
Thương long (tiếng Anh: mosasaur) là từ dùng để chỉ nhóm bò sát sống ở biển trong Thời đại Khủng long. Chúng đã tiến hóa nhanh chóng vào giai đoạn giữa và cuối Kỷ Phấn Trắng để lấp đầy các ngách sinh thái đại dương bị bỏ lại sau sự biến mất của các nhóm bò sát biển từng tồn tại và chiếm ưu thế trước đó như ngư long (ichthyosaur) và thướng long (pliosaur). Thương long thống trị đại dương trong một khoảng thời gian cho đến khi tuyệt chủng cùng khủng long phi điểu sau vụ va chạm giữa Trái đất và tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.
Loài thương long mới được phát hiện có danh pháp là Stelladens mysteriosus, có niên đại vào Thế Phấn Trắng muộn. Hóa thạch của chúng gồm răng và mảnh xương hàm được tìm thấy tại Morocco, cho phép các nhà khoa học ước tính kích thước của chúng có thể lớn gấp đôi cá heo ngày nay.
Phục dựng ngoại hình và cảnh săn mồi của Stelladens mysteriosus. Ảnh: Tiến sĩ Nick Longrich. |
Với cái tên mang ý nghĩa “răng hình sao bí ẩn”, điểm đặc biệt nhất ở hóa thạch Stelladens mysteriosus chính là những chiếc răng có hình thù kỳ lạ, với những đường gờ rõ và khá sắc chạy theo chiều dọc, số lượng từ 4 đến 6 đường như vậy, khiến cho chiếc răng có hình dạng của một ngôi sao nếu cắt ngang (hoặc giống một chiếc tua-vít chữ thập).
Theo tiến sĩ Nick Longrich, người đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Milner thuộc Đại học Bath và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, hầu hết thương long đều có đường gờ trên răng như vậy, nhưng số lượng thường thấy chỉ là 2, có chức năng giúp chúng xẻ thịt con mồi dễ dàng hơn. “Thật sự ngạc nhiên,” tiến sĩ Nick Longrich nói. “Nó (Stelladens mysteriosus) không giống bất kỳ con thương long nào khác, hay bất kỳ con bò sát nào khác, thậm chí cũng không giống bất kỳ động vật có xương sống nào chúng tôi từng thấy trước đây.”
Tiến sĩ Nathalie Bardet, một chuyên gia về bò sát biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris cũng chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu thương long ở Morocco trên 20 năm, và tôi chưa bao giờ thấy thứ gì như thế trước đây cả – tôi vừa bối rối vừa kinh ngạc.”
Hóa thạch răng của Stelladens mysteriosus. Ảnh: Fossils. |
Việc có nhiều chiếc răng có cùng hình dạng như vậy cho thấy hình dạng đặc biệt này không phải là kết quả của sự tổn thương vật lý hay đột biến đơn lẻ. Rất có thể, chúng phục vụ cho một chiến lược ăn mồi chuyên biệt, một thực đơn chuyên biệt – nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ Stelladens mysteriosus ăn gì.
“Có thể nó đã tìm ra một cách thức ăn mồi độc đáo, hoặc nó chiếm lĩnh một ngách sinh thái mà ngày nay không còn tồn tại nữa,” Longrich phân tích. “Chúng tôi không biết con vật này ăn gì, vì chúng tôi không biết thứ gì tương tự mà vẫn còn tồn tại ngày nay, từ dữ liệu hóa thạch cũng không.”
Những chiếc răng của Stelladens mysteriosus tuy nhỏ nhưng khá chắc chắn, mòn ở đầu nên dường như con mồi của loài thương long này không phải động vật thân mềm. Dù vậy chúng cũng không đủ cứng để nghiền nát lớp vỏ cứng của những con mồi như sò. Rất có thể, Stelladens mysteriosus dùng những cái răng của nó để xơi các con mồi nhỏ, có vỏ mỏng, chẳng hạn như ammonite vỏ mỏng, giáp xác hoặc cá xương. Tuy nhiên, như đã nói, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán.
Phát hiện mới này càng chứng tỏ sự đa dạng của hệ sinh thái cổ đại, và còn rất lâu nữa, hay thậm chí có thể nói là không thể, chúng ta mới khám phá hết mọi sinh vật từng tồn tại cách đây hàng chục triệu năm trước.
Nguồn: “Fossil of mosasaur with bizarre ‘screwdriver teeth’ found in Morocco” / Phys.